Về niên đại ra đời Kinh Tứ Thập Nhị Chương

Phật giáo đã được truyền vào Trung Hoa trước năm thứ 8 niên hiệu Vĩnh Bình (CN năm 65), thời Hán Minh Đế, nhưng trong khoảng thời gian ấy từng có việc phiên dịch các kinh điển hay không, cho đến nay rất khó khảo chứng được. Từ thời Tây Tấn đến nay, do thuyết Hán Minh Đế cầu pháp không ngừng được cũng cố nên đã có truyền thuyết lần đầu tiên phiên dịch Phật điển “Kinh Tứ Thập Nhị Chương” ra tiếng Hán và được lưu hành cho đến nay. Tuy đã có nhiều nhà Kinh Học khảo chứng về những hư cấu của bộ kinh này nhưng thường thì người ta vẫn chấp nhận đó là sự thật. Do vây, vấn đề niên đại của bộ kinh liên quan đến lịch sử Phật giáo Trung Hoa, “Kinh Tứ Thập Nhị Chương”, vẫn là một đề tài cần được chuyên sâu tham khảo. Trong bài viết này, chỉ xin nêu ra sơ lược những quan điểm của chúng tôi đối với với vấn đề này.

Trước tiên cần phải nói là, “Kinh Tứ Thập Nhị Chương” trước thời nhà Lương, vẫn chỉ có một bản duy nhất, tức là bản được chép lại trong ‘quyển hai’ của bộ “Xuất Tam Tạng Ký Tập” do Tăng Hựu biên soạn, đây cũng chính là bản được tìm thấy trong các tạng kinh thời Tống. Đó có thể xem là bản gốc đối với nhiều bản kinh đã có sửa đổi về sau.

“Lịch đại Tam Bảo Ký” quyển năm của Phí Trường Phòng, ghi sự kiện có bản “Kinh Tứ Thập Nhị Chương” của Chi Khiêm dịch lại, trong sách này nói rằng sự kiện này được tìm thấy ở bộ “Biệt Lục”, lại nói rằng bản này có ít sai khác so với bản Ma Đằng dịch, những điều này đều là bịa đặt của Phí Phòng. Phải đồng ý rằng, những bản của Chi Khiêm có trong “Biệt Lục” được Tăng Hựu gom hết vào “Xuất Tam Tạng Ký” càng đầy đủ hơn, vả lại trong thời của Trường Phòng rõ ràng chỉ có duy nhất một bản được cho là bản dịch của Chi Khiêm (xem “Lịch Đại Tam Bảo Ký” quyển 14 ‘Tiểu Thừa Kinh Nhập Tạng Mục’) thế thì lấy gì để so sánh như trên? Điều này giống như lập luận thứ hai Trường Phòng đưa ra bản dịch “Kinh Lại Tra Hòa La” của Chi Khiêm, có chút khác biệt so với bản dịch của Chi Diệu, nhưng căn bản không có bản dịch của Chi Khiêm, cũng là một cách tự biên vô cớ, không đáng tin cậy.

Nhìn từ hình thức và kết cấu của bản góc “Kinh Tứ Thập Nhị Chương” có thể nhận ra đây là bộ kinh thuộc loại sao chép. Vậy “Kinh Tứ Thập Nhị Chương” được chép ra từ bộ kinh lớn nào? Xem những đoạn ngắn chỉ vài câu kinh lại được gọi là ‘chương’, đầu mỗi đoạn ngắn lại thêm chữ ‘Phật ngôn’, rất giống bản dịch “Kinh Pháp Cú” của Chi Khiêm, mỗi bài tụng đặt làm ‘chương’ còn cho rằng đó là “Soạn Tập Lời Phật Dạy”, đến đây có thể dễ dàng nhận ra phần lớn nội dung “Kinh Tứ Thập Nhị Chương” phải là đã được chép lại từ một bộ  kinh lớn cùng thể loại như “Kinh Pháp Cú”. Chúng tôi lại dùng nhiều bản “Kinh Pháp Cú” Hán dịch đối chiếu và phát hiện rằng, hai phần ba nội dung “Kinh Tứ Thập Nhị Chương” giống với nội dung “Pháp Cú”, nên gọi đó là “Pháp Cú Kinh Sao” và chắc chắn rằng không có việc ngộ nhận  quá lớn ở đây.

Sau khi hiểu rõ tính chất của “Kinh Tứ Thập Nhị Chương”, vấn đề niên đại của kinh được dễ dàng giải quyết hơn. Bắt đầu nói từ “Kinh Pháp Cú” bản Phạn Ngữ. “Pháp Cú” bản góc tiếng Phạn có ba loại: bản lược, bản trung, và bản đầy đủ . Điều này rất phù hợp với quan điểm ‘năm trăm kệ, bảy trăm kệ, chín trăm kệ’ mà Chi Khiêm nói trong bài ‘Tựa Kinh Pháp Cú’ (về sau càng phát triển thành một ngàn kệ cho đến một ngàn năm trăm kệ). Bản năm trăm kệ là bản nguyên vẹn, các bản khác đã được Pháp Cứu sửa chữa và thay đổi ít nhiều sau khi được các bộ phái sử dụng. Đặc trưng nổi bật của bản do Pháp Cứu sửa đó là bổ sung nội dung và tăng thêm số phẩm (Bản góc 26 phẩm, sau khi sửa đổi đã thêm vào thành 33 phẩm cho đến 39 phẩm), điểm thứ hai là kinh thuộc thể loại ‘Thí dụ’ “Ghi lại sự tích, rồi tập hợp và giải thích thêm” (mượn lời trong “Bài Tựa Kinh Xuất Diệu” của Tăng Xán). Hiện tại, khi đối chiếu với bản “Pháp cú” mà “Kinh Tứ Thập Nhị Chương” lấy làm y cứ có thể nhận ra được những đặc trưng trên, đủ chứng mình rằng đây là bản kinh do Pháp Cứu bổ đính về sau. Pháp Cứu sống cùng thời với vua Ca-nị-sắc-ca, hoạt động vào giữa thế kỷ thứ hai, qua bản “Pháp cú” do Pháp Cứu bổ đính được truyền đến đất Hán, sớm nhất cũng phải trước những năm cuối của thời kỳ vua Hán Linh Đế

Kinh Tứ Thập Nhị Chương được xem là kinh sao chép, là vì hoàn toàn không có phong cách kết cấu văn bản của Ấn Độ, mà chỉ là một bản kinh dựa vào bản dịch của Kinh Pháp Cú tiếng Hán rồi tùy ý chép ra, do vậy kết cấu thứ tự nội dung rất lộn xộn, sơ sót, không hề giống phong cách nghiêm túc thường thấy của một tác phẩm Ấn Độ (như bản kinh Pháp Cú giản lược gồm 28 bài kệ tụng được kiết tập trong quyển 28, 29 bộ “Du Già Sư Địa Luận”, kết cấu hoàn chỉnh hoàn toàn khác hẳn). Có thể dựa vào ‘Lời tựa kinh Pháp Cú’ mà đoán biết, trước đây từng có bản dịch Kinh Pháp Cú ra tiếng Hán.

Bài tựa chép “Cận thế có Cát Thị truyền giảng 700 kệ tụng, lời văn của kệ tụng sâu xa, người sau trích ra dịch, khiến cho kinh thêm rối rắm”. Điều này cho thấy, bản kinh 500 kệ tụng của Duy Kỳ Nan  ra đời trong khoảng thời gian gần cuối đời Hán, từng có bản sửa ‘Kinh Pháp Cú’ được dịch tiếng Hán, nhưng lời văn của bản dịch lộn xộn,  lời văn dịch lượm thượm đó chính nhờ bản ‘Kinh  Tứ Thập Nhị Chương’ chúng ta hiện thấy mà có thể nhận ra bản gốc bản dịch đó

Giống như dùng thể văn xuôi để dịch văn vần, khiến cho người sau quờ quạng không rõ đầu mối, rồi tùy tiện diễn dịch giải thích, điều đó chẳng phải lộn xộn là gì? Cho đến người có tên Cát Thị , cái tên này tuy không thấy trong kinh sách ghi chép lại, nhưng rất có thể chính là Đàn Quả . Đàn Quả không chỉ là gần âm với chữ Cát Quả, cũng chính vì Đàn Quả là người duy nhất cuối đời Hán truyền “Pháp Tạng Bộ Kinh” đến các nước miền Đông, bản kinh “Tu Hành Bản Khởi Kinh” được Đàn Quả truyền đến tức là bản thuộc Pháp Tạng Bộ, vả lại từ ‘Kinh Tứ Thập Nhị Chương’ có thể thấy được những đặc trưng vốn có của ‘Kinh Pháp Cú’ (Như trong chương thứ tám nói “Người bố thí được thanh tịnh”, rồi đến chương thứ chín chép “Phước đức bố thí Phật lớn” v.v..) chính xác chứng minh được đó là bản kinh thuộc Pháp Tạng Bộ.

Về vấn đề niên đại ‘Kinh Tứ Thập Nhị Chương’ sao chép từ ‘Kinh Pháp Cú’ có thể tìm ra manh mối ở những ghi chép của các bản kinh khác. Quyển hai trong “Xuất Tam Tạng ký tập” của Tăng Hựu cho hay ‘Kinh Tứ Thập Nhị Chương’ được thấy sớm nhất trong ‘Cựu lục’. Bộ ‘Cựu lục’ này trong ‘Xuất tam tạng ký tập’ dẫn dùng rất nhiều, lại xem các bản kinh được Đạo An chép lại là ‘Cựu lục’. Thế thì có thể đây là một loại tư liệu rất được quan tâm trước thời Đạo An. Xem thêm phần thư tịch phiên dịch được ghi lại thì chỉ ghi nhận đến cuốn ‘Kinh Thí Dụ’ ra đời ở thời kỳ cuối Tấn Thành Đế mà thôi, đặc biệt lại biên dẫn thêm bản dịch quyển hai ‘Thủ Lăng Nghiêm’ của Trúc Thúc Lan, điều này đối chiếu với những ghi chép trong quyển bốn của ‘Cao Tăng Truyện’ liên quan vấn đề Chi Mẫn Độ trong thời Thành Đế biên dịch kinh sách được lưu hành ở đời, cho đến “Thủ Lăng Nghiêm” của Lan dịch chỉ thấy trong “Hợp Thủ Lăng Nghiêm kinh ký” của Chi Mẫn Độ là phù hợp, có thể đoán định rằng ‘Cựu lục’ chính là bản ‘Kinh Luận Đô Lục’ của Chi Mẫn Độ. Do vậy mà có thể hạn định được niên đại muộn nhất kinh ‘Tứ Thập Nhị Chương’ ra đời nhất định không sớm hơn những tác phẩm của Chi, tức năm cuối thời Thành Đế (342). Liên quan những ghi chép sớm nhất về câu chuyện cầu pháp của Hán Minh Đế, nay có thể thấy được ở đoạn trích dẫn trong ‘Lão Tử Hóa Hồ Kinh’ của Vương Phù thời Tấn Huệ Đế, tuy vậy bản kinh này không nói rõ đến ‘Tứ Thập Nhị Chương’, bản chép lại phải là ra đời sau đó, do vậy niên đại sớm nhất của kinh không thể trước năm cuối thời Huệ Đế (306). Chính trong  khoảng ba mươi năm này (306-342), có bản dịch mới (tân dịch) ‘Pháp Cú Thí Dụ Kinh’ của Pháp Cự v.v.. bản dịch này cũng mang tính chất sao dịch. Lúc này có thể đã có sự sao dịch kinh ‘Tứ Thập Nhị Chương’, và nhất định đã chịu sự ảnh hưởng của tính chất từ bản kinh này. Vấn đề  bộ kinh sao dịch này được lấy làm bộ kinh điển đầu tiên được Hán Minh Đế cầu được, có lẽ đã lấy từ thuyết trong ‘Bản tựa kinh Pháp Cú’ có chép ‘Ở xứ Thiên Trúc, người mới vào đạo mà không học kinh Pháp Cú thì được xem là không thứ lớp; bởi kinh Pháp Cú là lối vào của người mới học đạo, là kho tàng uyên áo của kẻ tinh thông.’ mà ra chăng! Dĩ nhiên, trong đó cũng có sự cải đổi, với cách nói quá trong “Hóa Hồ Kinh” ‘Kinh được viết có sáu mươi vạn năm ngàn từ’ như vậy là có dụng ý rằng khó mà tin được.

Trong ‘Cựu lục’ chép việc ‘Tứ Thập Nhị Chương’ được đặc biệt thêm vào bốn chữ ‘Hiếu Minh hoàng đế’, điều này cho thấy rõ thời gian kinh được chép ra đã có lời tựa kinh ghi rõ ràng lai lịch (xem ‘Xuất Tam Tạng Ký Tập’ tập 5). Nhưng mở đầu lời tựa kinh ghi “Tích Hán Hiếu Minh Hoàng Đế” thêm hẳn một chữ “Hán”, cũng là trong cái vô tình đã cho thấy sự muộn màng về niên đại của người chép kinh. ‘Cựu lục’ ngoài việc được trích dẫn ở ‘Kinh Tứ Thập Nhị Chương’, còn tìm thấy ở ‘Ngủ thập nhị chương’, đây là một phần của bản cựu dịch của ‘Kinh Pháp Cú’, tuy nói thời nhà Lương không thấy bản này (xem ‘Xuât tam tạng ký tập’), nhưng nay lại phát hiện ra kinh này có trong ‘Xứ Xứ Kinh’. Đem ra so sánh với kinh ‘Tứ Thập Nhị Chương’, có thể thấy bản kinh chép bấy giờ đã được qua một số sửa đổi của từ ngữ, nên làm cho người  ta đọc vào có cảm giác ‘câu cú thông suốt’ không hề giống bản Hán dịch chút nào.

Suy đoán về niên đại của bản kinh ‘Tứ Thập Nhị Chương’ của chúng tôi tạm thời dừng lại ở đây, ngoài ra còn hai vấn đề phát sinh cũng cần sơ lược giải thích thêm.

– Thứ nhất, vào năm thứ 9 niên hiệu Diên Hi (166) Hán Hằng Đế, trong sớ dâng vua của Tương Hài có ghi hai đoạn “Phù đồ bất tam túc tang hạ” “Thiên thần di dĩ hảo nữ”, rất giống với lời văn trong chương hai, chương hai mươi bốn của ‘Kinh Tứ Thập Nhị Chương’, có vẻ như, bản kinh chép đã có từ rất sớm, nhưng sự thật thì không đơn giản như thế. Ý nghĩa hai câu trong sớ của Tương Hài không hoàn toàn giống với bản kinh chép, chỉ là sự tương tợ ngẫu nhiên, cũng từ sự tương tợ này chỉ có thể nhận ra rằng hai bản có liên quan cùng một xuất xứ mà thôi. Yếu tố chính trong ‘Kinh Pháp Cú’ chủ yếu lấy từ ‘Tăng Nhất A-Hàm’, hai đoạn của Tương Hài cũng xuất xứ từ ‘Tăng Nhất A-Hàm’ (Xem thêm ở quyển sáu, quyển bốn mươi mốt bản dịch đời Tần). Thời gian Tương Hài dâng sớ lên vua thì An Thế Cao đã có bản dịch của “Tăng Nhất A-Hàm Bách Lục Thập Chương”, do đó lời văn sớ có thể có xuất xứ khác, không nhất thiết phải lấy từ ‘Kinh Tứ Thập Nhị Chương’.

– Thứ hai, trong phần tự tựa cho rằng bản ‘Mâu Tử Lý Hoặc Luận’ ra đời vào thời kỳ cuối đời nhà Hán, đã từng đề cập đến “Kinh Tứ Thập Nhị Chương”, nghe có vẻ như bản kinh chép đã có từ sớm hơn, nhưng sự thật cũng không phải thế. Vấn đề niên đại của cuốn ‘Mâu Tử’ tuy là không còn gì để bàn cải, nhưng chúng tôi vẫn tán đồng một số học giả đã có cái nhìn khá công bằng. Chính là, từ một số việc được kể trong bài tự tựa của ‘Mâu Tử’ (Như câu chuyện sát hại Mục Đệ tai Giao Châu v.v…) và một vài đặc trưng trên mặt văn tự (Như trích dẫn Lão Tử mà không nói gì đế Trang Tử, lại tránh việc Hán Minh Đế dịch ra Trang Công thành Nghiêm Công v.v..) đúng là có thể khiến cho người ta tin vào đó là tác phẩm của đời Hán, thế nhưng những vấn đề này cũng là điều mà người ta có thể ngụy tạo ra được, thậm chícần thiết phải ngụy tạo ra như thế. Cho đến vấn đề những nội dung được lấy ở đâu trong bản dịch kinh Phật, do lời tựa mở đầu dài dòng cũng thành ra nhiều sơ suất, nên thường để lộ ra những sơ hở khó mà che dấu được. Giống như câu chuyện Tu-đại-noa, vào thời Tam Quốc mới thấy bản dịch, thế nhưng đã được dẫn dùng rồi. Đặc biệt đáng chú ý, như Phật thuyết “dĩ nhị nguyệt thập nhật nê hoàn nhi khứ”, lại nói “Phật đạo dĩ tửu nhục vi thượng giới”, những thuyết này đều chỉ xuất hiện sau hai bản dịch ‘Kinh Niết Bàn’ đời Tấn, Lương lần lượt ra đời mới có cơ sở tư liệu, có thể thấy sự xuất hiện của “Mâu Tử Lý Hoặc Luận” sớm nhất cũng chỉ vào những năm đầu đời Lưu Tống (422-). Những vấn đề ‘Kinh Tứ Thập Nhị Chương’ được đề cập trong đó chỉ là phần sao chép lại bản tựa kinh, điều này đối với việc suy đoán niên đại của kinh mà nói thì mối quan hệ càng xa vời./.

Lã Trừng (Học giả Trung Quốc)

Tiểu Đồng dịch