Thay lời tựa: Sư tử trùng, tại sao?
Giới Tử
Không ai phủ nhận cuộc vận động tự do tín ngưỡng và công bằng xã hội của Phật giáo Việt Nam năm 1963 tại Miền Nam đem lại tư cách pháp nhân mới cho Phật giáo, biến Phật giáo thành một định chế tôn giáo, một đoàn thể áp lực qua danh nghĩa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Cũng không ai phủ nhận đến năm 1964, Phật giáo mới công khai chính thức trở thành một giáo hội. Nhưng trước đó, Phật giáo không phải là một thực tế vô định hình, vô tổ chức. Thật vậy, phong trào thống nhất Phật giáo khởi sự từ thập niên 20 với các Hội Phật Học, Hội Phật Giáo ở cả ba miền Nam Trung Bắc. Ngót 30 năm sau, các tổ chức đó thống hợp thành Tổng Hội Phật Giáo năm 1951. Nói thế khác, trước năm 1964, Phật giáo đã tồn tại không chỉ như một thực tế mà là một thực thể có tư cách pháp nhân hẳn hòi.
Nhưng vì những ràng buộc của Dụ số 10, Phật giáo chỉ có tư cách pháp nhân của một hiệp hội tương tự như hội tương tế hay hội thể thao. Vào thời này ở Việt Nam chỉ có Công giáo La-Mã được thừa nhận như một định chế tôn giáo không lệ thuộc vào Dụ số 10, dù cho Công giáo La-Mã này không phải là một tổ chức của người Việt sáng lập hoặc do người Việt điều hành mà chỉ là một chi nhánh của Hội Thừa Sai trực thuộc Vatican. Mãi đến năm 1961, Giáo Hội Công Giáo “tại” Việt Nam mới được khai sinh.
Dụ số 10 do Quốc Trưởng Bảo Đại ban hành ngày 6/8/1950 dưới sự bảo hộ của Pháp. Năm 1954, Hoa Kỳ thế chân Pháp ở Miền Nam, đưa Ngô đình Diệm về truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại, nhưng chính quyền mới vẫn duy trì Dụ số 10 như một màn khói ngụy trang để trói buộc trù dập các tôn giáo khác và yễm trợ Công giáo tiếp tục bành trướng. Phật giáo là nạn nhân chính.
Sau chín năm nhẫn nhục, Phật giáo buộc lòng phải phản ứng. Chế độ Ngô đình Diệm cáo chung. Cùng chấm dứt với chế độ Ngô đình Diệm là chính sách dùng người Việt chống người Việt của chính quyền Kennedy dưới danh nghĩa “chiến tranh đặc biệt”. Kennedy thấy rõ sở đoản của chính sách đó và chưa kịp điều chỉnh thì bị ám sát. Johnson lên thay, đảo ngược chính sách của Kennedy bằng cách trực tiếp điều động chiến tranh và thực sự dùng người Mỹ đích thân đánh người Việt, dưới danh nghĩa trả đũa bằng cách “leo thang” phi pháo những nơi không đổ bộ được và “lùng diệt” những nơi đặt chân đến được.
Năm 1964 là năm hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Năm 1965, chiến tranh Mỹ-Việt thực sự bắt đầu với vụ gây hấn ở Vịnh Bắc Việt và cuộc đổ bộ của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ vào Chu Lai-Đà Nẵng. Vì không chấp nhận các ý thức hệ ngoại lai mà cũng không đồng ý cuộc chiến nhân danh ý thức hệ do Mỹ tự tung tự tác điều động nên Phật giáo lại bị trù dập. Sắc Luật 23/67 được Đệ Nhị Cộng Hòa ban hành, phủ nhận quy chế và đập vỡ thực thể Phật giáo thành hai mảnh Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự. Nếu ngày xưa Đệ Nhất Cộng Hòa đã dùng thủ thuật Phật tử trị Phật tử bằng cách chỉ thừa nhận những người Phật tử thân chính trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo Thuần Túy của Cổ Sơn Môn, thì Đệ Nhị Cộng Hòa cũng chỉ thừa nhận những Phật tử thân chính thuộc Việt Nam Quốc Tự của qúy ngài Tâm Châu-Tâm Giác. Chiến dịch đàn áp bắt đầu… Thầy Trí Quang bị dồn vào thế phải ra tuyệt thực trước Dinh Độc Lập để phản đối, Thầy Nhất Hạnh được phép chính thức xuất ngoại nhưng lúc hồi hương thì bị cấm cửa đành phải chọn kiếp lưu vong bất đắc dĩ. Trong Tết Mậu Thân, Chùa Ấn Quang bị liệt vào vùng oanh kích tự do, Thầy Trí Quang phải tá túc ở Tổng Vụ Thanh Niên Phật Tử Sài Gòn của Thầy Thiện Minh trước khi bị hốt về giam trong Tổng Nha Cảnh Sát, Thầy Thiện Minh và một số sinh viên trong Tổng Vụ Thanh Niên Phật Tử bị Nguyễn văn Thiệu lôi ra tòa án Quân Sự Mặt Trận lảnh án.
Như vậy, GHPGVNTN đã thực sự bị khai tử từ năm 1967 bằng Sắc Luật 23/67 của Đệ Nhị Cộng Hòa chứ không phải đợi đến khi Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cho phép thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và Thầy Thiện Minh chết trong tù. Quý Thầy Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sĩ biết rõ chuyện này hơn ai hết. Quý Hòa Thượng Tâm Châu, Hộ Giác, Đức Niệm và quý vị trong GHPGVNTN “hải ngoại” cũng biết rõ chuyện này hơn ai hết. Biết rõ như vậy nhưng họ đã làm gì khi Giáo Hội bị khai tử năm 1967 và phản ứng như thế nào sau đó là chuyện khác.
Khi gia tăng cường độ bức ép đối với quý Thầy trong GHPGVNTN cũ, Nhà Nước thực sự cũng chỉ lặp lại hành động của các chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa ngày trước với Phật giáo. Nghĩa là dùng luật lệ, tuyên truyền, dùng công cụ ngoại đạo hay vô đạo, ngay cả dùng Phật tử để khống chế, khuynh loát và trù dập. Thế lưỡng đầu thọ địch bi hài đó chỉ làm rõ hơn vị trí và lập trường của Phật giáo. “Quốc gia quá khích” không ưa mà “Cộng sản độc thiện” cũng chẳng thích.
Sau 1975, giai đoạn “truy kích địch” và “cãi tạo xã hội chủ nghĩa” gây ra những lỗi lầm và bất công đáng tiếc. Phật giáo là một nạn nhân. Các cơ sở văn hóa xã hội từ thiện của Phật giáo bị ngưng đọng, suy sụp, phung phá oan uổng. Một số Tăng Ni Phật tử hy sinh, số khác vào tù, một số chạy ra ngoại quốc. Những lỗi lầm và bất công đáng tiếc đó đã gây ra một tình trạng gần như là “nội chiến” bi hài giữa Nhà Nước và Phật giáo. Bi hài đáng tiếc vì trong khi Nhà Nước không biết đàn áp Phật giáo để làm gì thì một số Phật tử cũng đã không biết chống Nhà Nước để làm gì.
Nhà Nước khuynh loát lũng đoạn Phật giáo để làm gì? Nhà Nước chỉ có một định nghĩa về tôn giáo. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Nghĩa là tiêu cực và phản động. Định nghĩa tôn giáo ấy chỉ đúng cho các tôn giáo Tây phương, cụ thể là Công giáo La-Mã. Marx không biết chút gì về Ấn giáo, về Tam giáo, khoan nói là Phật giáo. Cho nên, áp dụng quan điểm Mác-xít cho Phật giáo thì chỉ là lấy thúng úp voi, mà hậu quả cực đoan cùng tột sẽ như thế nào thì mọi người đều thấy rõ qua kinh nghiệm của Pol Pot ở Campuchia. Phải chăng hồn thiêng sông núi và Việt tính đã ngăn chặn không để cho hậu quả tồi tệ đó xảy ra? Phải chăng Phật giáo tồn tại với dân tộc này như một dòng nước, lúc bị ngán trở thì tràn lan thấm tận vào lòng đất bao la nên không còn biết chỗ nào mà chận đập nữa? Mặt khác, nếu Phật giáo đúng là một tôn giáo “tiêu cực và phản động” thì thời tiền cách mạng cũng như thời kháng chiến, trong những ngày đen tối bị truy lùng trốn tránh, Hồ chí Minh và các đồng chí có dám nương nhờ cửa Phật như họ đã làm không? Mười Anh Đỗ trung Hiếu là trưởng ban trí giáo vận của Cục R và sau là của Thành Ủy Sài Gòn – người trực tiếp chỉ huy chiến dịch giải thể GHPGVNTN sau 1975. Cả Hòa Thượng Tâm Châu và đệ tử thân tín cũng như Mười Anh Đỗ trung Hiếu đều còn đó và hẳn phải nhận rằng nếu Hòa Thượng Tâm Châu trước năm 1975 mà cũng quyết tử chống Cộng như lâu nay ở hải ngoại thì làm thế nào Mười Anh Đỗ trung Hiếu có thể nương thân làm thị giả của Chùa Từ Quang suốt bao nhiêu năm trường trước 1975 như thế?
Vì không nhất thiết theo đuổi danh lợi và quyền lực thế tục nên Phật giáo không nhất thiết lệ thuộc vào quyền lực thế tục. Phật giáo không cần chính quyền bằng chính quyền cần Phật giáo. Bởi lý, sau khi đã chiến thắng ngoại nhân, thu hồi độc lập, tái thống nhất quốc gia, sau khi đã triệt hạ những độc quyền kinh tế, giáo dục của những thiểu số tầm gửi, sau khi đã đuổi những thế lực tôn giáo “phản động” ra khỏi chính quyền… không lý Nhà Nước lại dựa vào những khẩu quyết rỗng không để điều hướng một xã hội từng bầm dập đói khổ dài ngày đang lăm le “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” đại nhảy vọt theo những quyến rũ xa hoa hưởng thụ vị kỷ? Nếu chiến tranh và bị trị là nguy cơ làm cho nhân tâm ly tán hư hoại, thì hòa bình tái thiết cũng có thể là nguy cơ làm cho nhân tâm điên đảo. Để đáp ứng nhu cầu an định và định hướng tiến bộ, chính quyền cần sự hỗ trợ của những truyền thống luân đạo chân chính. Phật giáo là một. Trước tiên, Phật giáo là cái thắng để ngăn chận những tác hại của tham lam, sân hận, dục vọng “bẩm sinh” cả của hạng có quyền thế, có của cải, có tương lai lẫn của hạng cô thế, nghèo túng, vô vọng. Thứ đến, Phật giáo là thế lực tán trợ điều hướng và chỉ đạo công cuộc hòa hợp dân tộc, tái thiết xã hội, củng cố tự chủ. Hãy nhìn vào những núi xương sông máu ở Rwanda, Ireland, Yugoslavia… rồi tự hỏi nếu những biến cố 1963, 1966, 1975 tại Miền Nam mà do một thành phần khác chủ động thì chuyện gì sẽ xảy ra cho phe “thua cuộc”? Sau một thời gian lập lờ đi lại gượng ép với Công giáo và Tin Lành, Nhà Nước đã thấy rõ chuyện gì có thể, và đã xảy ra.
Phật tử chống Nhà Nước để làm gì? Phật pháp không có Nam có Bắc, và Phật pháp cũng không có đoạn nào khuyến cáo Phật tử phải tiên quyết chống “tư bản” hay chống “cộng sản”. Phật giáo chỉ giải mê, giải hoặc tiềm ẩn trong những ý thức hệ đó. Tư bản chủ nghĩa với “thập tự quân” đến Việt Nam bất quá cũng chỉ mới xấp xĩ 150 năm. Chủ nghĩa Marx mới mon men đến Việt Nam khoảng 80 năm và phải núp bóng cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc – chứ không phải đấu tranh giai cấp, để tồn tại. Vui buồn nổi trôi với dân tộc này cả ngàn năm trước, Phật pháp không phải là một ý thức hệ quốc tế, Sơn môn Tăng già không phải là một thượng tầng kiến trúc phi quốc gia và Phật tử không phải là bầy cừu để nhu cầu và quyền lợi của tập đoàn lên trên nhu cầu và quyền lợi của dân tộc quốc gia, nhu cầu và quyền lợi của đồng đạo lên trên quyền lợi của đồng bào và đồng loại. Thánh địa của Phật giáo là Việt Nam, là Sài Gòn, Huế, Hà Nội, chứ không phải một địa danh địa điểm ngoại biên nào. Tôn giáo chân chính trước tiên phải là một tôn giáo của Việt Nam, cho Việt Nam, vì Việt Nam.
Nếu đã lấy tiêu chuẩn “thương người như thể thương thân” và “an bần lạc đạo” để đo lường thành tích tu chứng, thì người Phật tử cũng phải lấy thành tích tranh thủ quyền tự chủ tự quyết và quyền xây dựng tương lai cho cả một dân tộc để phán đoán bất cứ chính quyền nào, bất cứ chế độ nào. Kẻ nào đem lại hòa bình, độc lập, thống nhất và tương lai cho Việt Nam kẻ ấy là một “điều ngự trượng phu”, dù cho trên đường đấu tranh hành thiện, kẻ trượng phu đó có thể vấp phạm những sai trái lỗi lầm đối với quần chúng và riêng với Phật giáo. Phê phán những lầm lỗi sai trái đó không có nghĩa là đối kháng, triệt hạ, quét sạch theo ý nghĩa “thà chết còn hơn đội trời chung”. Phê phán những lầm lỗi sai trái đó là một trách nhiệm đạo đức, và đồng thời là một nhu cầu thế trị theo quy luật dân chủ tự do. Và một trong những quy luật tất yếu của tự do dân chủ là tôn trọng quyền sống và quyền khác biệt của kẻ mình chống đối.
Phật tử Việt Nam đối kháng những chủ trương hành động thực dân xâm lăng của bất cứ chính quyền ngoại quốc nào và đối lập với bất cứ chính quyền nào của người Việt Nam, do người người Việt Nam điều hành. Qua cuộc đối đầu năm 1963, trong khi Ngô đình Diệm trăn trối “tôi chết hãy trả thù cho tôi” thì lãnh tụ Phật giáo chỉ kêu gọi “tôi chết hãy cầu nguyện cho kẻ giết tôi”. Cũng chỉ vì Phật giáo không tiên quyết đòi lật đổ mà cũng chẳng đòi triệt hạ Ngô đình Diệm, Phật giáo chỉ đòi bình đẳng tín ngưỡng và công bằng xã hội. Phật giáo không đòi lật đổ mà cũng chẳng đòi triệt hạ Nguyễn văn Thiệu năm 1966, Phật giáo chỉ đòi hiến pháp dân chủ và hủy bỏ Sắc Luật 23/67 can thiệp vào nội bộ và phá nát cơ chế giáo hội của Phật giáo. Sau năm 1975, Phật giáo không đòi lật đổ chế độ mà cũng không đòi triệt hạ Nhà Nước CHXHCNVN, Phật giáo chỉ đòi được “bình đẳng” với những người tự do vô tín ngưỡng, đòi chính quyền xét lại những quan niệm tốc đoán, lỗi thời về tôn giáo, từ bỏ tham vọng độc thiện và những lo sợ cũng như tham vọng chính trị viễn vông đối với Phật giáo để chấm dứt những can thiệp nặng nề vào sinh hoạt Phật sự. Thầy Trí Quang quyết tịnh khẩu đã đành, nhưng những nhân vật chủ chốt khác của Phật giáo sau 1975 như qúy Thầy Thiện Minh, Đôn Hậu, Trí Thủ, Thiện Hoa có nói một lời nào khuyến thỉnh Phật tử phải tiên quyết đối kháng hay lật đổ chế độ để phục hồi, bảo vệ hay thăng tiến GHPGVNTN? Một đôi lời “mặn mất ngon” rất thế trị của Thầy Quảng Độ xét cho cùng chỉ là cô đơn tức nước vỡ bờ. Bị phát vãng ra Thái Bình rồi được phóng thích và chỉ định cư trú ở chùa Quán Sứ năm 1992, nếu lúc đó – thay vì trở về Thanh Minh Thiền Viện, Thầy Quảng Độ cứ ẩn nhẫn bám trụ ở lại Miền Bắc và dùng chiến thuật dĩ tịnh trị động thì Phật giáo Miền Bắc đã hưởng được biết bao nhiêu kinh nghiệm công đức của Thầy?
Phật tử không hề phải lựa chọn giữa chế độ và tín ngưỡng, không hề phải tiến thoái lưỡng nam trước quyết định “thà mất nước không thà mất Chúa” như một số đồng bào khác tín ngưỡng. Số Tăng Ni Phật tử thường la lối om sòm phải triệt hạ tức khắc thế lực này, chế độ nọ… chỉ là những kẻ mê sảng đến độ quên mình là người Việt Nam, quên mình là Phật tử, quên rằng Phật không khuyến thỉnh Phật tử phải ủng hộ một chính quyền như một tín lý, hoặc phải chống đối chính quyền như một tín điều. Đó là những bài học lịch sử mà một số Phật tử trong ngoài nước, xuất gia cũng như tại gia, trong những tổ chức gọi là Phật Giáo Thống Nhất Hải Ngoại, Phật giáo liên tôn, những bè nhúm tăng ni núp dưới danh nghĩa giải trừ pháp nạn, bảo vệ chánh pháp, truyền bá chánh pháp, tuyên úy chính phủ tự do v.v… hình như đã quên mất. Họ hành động như những kẻ bị qủy ám hôn mê lặp lại khẩu quyết chính trị của tà ma ngoại đạo, hân hoan cầm lọng cầm cờ cho những ma đầu chính trị, cơ hội chủ nghĩa núp dưới danh nghĩa phục quốc, giải phóng, pháp nạn, bảo vệ quyền làm người.
Trường hợp Làng Mai và pháp môn Tiếp Hiện của Thầy Nhất Hạnh, trường hợp Trúc Lâm với chủ trương Tăng già Cư sĩ cùng gánh vác Phật sự của Thầy Thiện Châu, là những thành tích ngoại lệ, có nhiều mặt tích cực nhưng không phải là không có vấn đề – những vấn đề đáng quan tâm nhưng không phải là chí tử. Phật tử Việt Nam lưu vong không gia tâm rút tỉa kinh nghiệm của Làng Mai, của Trúc Lâm để cải thiện, củng cố và phát triển công cuộc hành đạo nơi xứ lạ quê người cũng như đẩy mạnh công cuộc tiếp trợ cho Phật giáo tại quê nhà. Ngoài quyển Phật Giáo Nhập Thế 1963-1966 bằng Anh ngữ của Quán Như – một công trình nghiên cứu tiên khởi độc đáo về Phật giáo nhập thế hiện đại, hy vọng sẽ có nhiều người khác nữa gia tâm học hỏi kinh nghiệm Làng Mai, Trúc Lâm một cách đầy đủ cụ thể hơn để làm phong phú thêm kinh nghiệm sống đạo và hành đạo của Phật giáo Việt Nam ngoài cũng như trong nước.
Mặt khác, về truyền thống nhập thế cũng như về số lượng nhân sự, Phật giáo Việt Nam lưu vong vượt xa Phật giáo Tây Tạng lưu vong. Nhưng thành tích Pháp thí của Phật giáo Việt Nam lưu vong và Phật giáo Tây Tạng lưu vong thì chênh lệch một trời một vực. Với Phật giáo Việt Nam lưu vong, thành tích Pháp thí đó lại tỷ lệ nghịch với số lượng các tự viện, các đoàn thể, các giáo hội và các chức vụ tôn giáo của hàng sơn môn. Nói thế khác, càng lập nhiều chùa, càng bày ra nhiều “giáo hội”, nhiều tổ chức, càng nhiều Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức thì thành tích Pháp thí của Phật giáo Việt Nam lưu vong lại càng ít đi.
Không chỉ quần chúng Tây phương âm thầm bỏ đạo để theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, đa số quần chúng Việt Nam có học, nhất là lớp trẻ, nghĩ đến Phật giáo thì không phải họ nghĩ đến quý vị trong các giáo hội “thống nhất hải ngoại” mà là nghĩ đến Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thầy Nhất Hạnh, Đại sư Suzuki, hay ít ra cũng là Thầy Thanh Từ. Mặc dù thính chúng mà Thầy Thanh Từ nhằm đến là hàng trung và cao niên chất phát từng quen với không khí tu học Tịnh Độ ở quê nhà ngày trước đang càng ngày càng cảm thấy xa lạ lạc lõng với Phật giáo lưu vong vừa chính trị không tưởng, cơ hội, lá mặt lá trái, bán buôn thù hận, vừa lộ liễu với cảnh chùa to Phật nhỏ.
Phật giáo Tây Tạng và Thầy Nhất Hạnh biết tự “chấn hưng”, biết “đổi mới” phương thức sống đạo hành đạo, cũng như ngôn từ và phương thức diễn đạt, nên chinh phục được tâm linh của thế giới Tây phương như thế. Phật giáo lưu vong không chỉ có trách nhiệm với Phật tử lưu vong – nhất là tầng lớp trẻ đã trưởng thành trong khung cảnh Tây phương mà thôi. Phật giáo lưu vong còn gián tiếp chịu trách nhiệm với tầng lớp trẻ trong nước trưởng thành trong khung cảnh một xã hội đang vồ vập thoát xác và hưởng thụ, trách nhiệm với lớp trung niên và cao niên ở Miền Bắc vốn chỉ quen thuộc với một Phật giáo của đầu thập niên 50, trách nhiệm với lớp trung niên và cao niên ở Miền Nam vốn chỉ quen thuộc với một Phật giáo của thời chiến tranh và ngoại thuộc một phần tư thế kỷ trước. Phật giáo không hăm hở tuyển mộ tín đồ, cũng không lăm le dành dân lấn đất với các tôn giáo khác. Nhưng Phật giáo cũng không thể nhắm mắt cho đồng bào “si mê lầm lạc” vào đường tà ma ngoại đạo, nhiều khi chỉ vì tham vọng tiến bộ, vì thời thượng hiện đại hóa, vì mốt đổi mới. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cao hứng dựa vào ý niệm Phục Sinh và Lễ Tro của Công giáo để kiến giải ý nghĩa của bản nhạc Cát Bụi của Trịnh công Sơn. Là một bạn thân của Trịnh công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường dĩ nhiên đã biết rõ rằng “cát bụi” của Trịnh công Sơn chẳng dính líu gì với lễ Phục Sinh và Lễ Tro cả. Liên tưởng đó hoàn toàn là thời thượng “tiên tiến”. Liên tưởng đó không phải là một thứ hạnh tín mà chỉ là một biểu hiện bay bướm được coi là “hiện đại” hay “hậu hiện đại”. Như hàng trăm hàng ngàn thanh niên thiếu nữ Sài Gòn tuôn xuống đường đi tới đi lui đêm Noel vậy đó. Nhưng có mấy người trong số đó ý thức như Hoàng Phủ Ngọc Tường rằng huyền thoại Phục Sinh, Lễ Tro không hiện đại mà cũng chẳng hậu hiện đại, mà là những huyền thoại đã hóa thạch?
Điều đáng ngạc nhiên là trong lúc cả thế giới “đi tới” với Phật giáo thì Phật giáo Việt Nam lưu vong lại dậm chân tại chỗ hay thụt lùi. Phải chăng, nếu Phật giáo lưu vong không thoát xác thì trước sau rồi cũng đi theo vết xe của Phật giáo Đài Loan lưu vong để bao thầu chuyện Tu Giùm, Tu Giúp của kẻ khác với các bàn vong, Bạch Y Thần Chú, cúng sao giải hạn, cúng khai trương, cầu an cầu siêu, nghĩa là công việc bình thường của các Thầy Cúng, như Cổ Sơn Môn của Hòa Thượng Giác Lượng hay như Giáo Hội Đại Chúng của Pháp sư Giác Đức?
Có người trả lời bằng cách đổ lỗi cho hiện tượng sa đoạ của một số thành phần xuất gia và thái độ ỷ lại, cầu phước cầu đức của hàng tại gia. Điều đó không phải là sai, nhưng hiện tượng lạc đạo đó không phải đến bây giờ, không phải khi đã lưu vong mới có. Có tốt là có xấu, có thăng là có trầm, thời nào cũng vậy. Thế nhưng, trong hoàn cảnh lưu vong, tình trạng trì trệ đó trở nên trầm trọng thêm vì hiện tượng dậm chân tại chỗ hay thụt lùi của một số Phật sự Việt Nam hải ngoại có thể do những lý do sau đây:
Thứ nhất, “duy ngã độc tôn”, thiếu khiêm cung, lục hòa. Một số vị xuất gia cũng như Phật tử càng nói “tu” thì cái ngã càng lớn vì tham, vì háo danh, vì lười học, vì thiếu trí huệ. Họ thực sự không biết vượt biên để làm gì nên cuối cùng trở thành một di dân kinh tế, dần dần chìm vào nếp sống hưởng thụ, đã lơ là đạo học lại xem nhẹ thế học, chỉ tự mãn với cảnh chùa to Phật nhỏ biến đạo tràng thành cơ sở kinh doanh, nên rốt cuộc thầy không ra thầy, ông không ra ông. Cứ lắng nghe một số đầu tròn áo vuông gặp ai cũng kêu túng thiếu, gặp ai cũng vay mượn hay kêu gọi đóng góp tịnh tài, gặp ai cũng xưng “thầy” kêu “con” bất kể già trẻ lớn bé thì đủ thấy cái loạn này trầm trọng đến đâu. Vì vụ lợi và ngã mạn như thế nên số này thường trở thành ồn ào lăng xăng trong các hoạt động chính trị thời thượng, dễ bị lợi dụng làm bình phong, làm bàn đạp dưới danh nghĩa phục vụ cộng đồng, giải trừ pháp nạn, liên tôn đoàn kết, quốc gia đối kháng, đấu tranh tự do tôn giáo, vận động nhân quyền. Thực tế, phần đông chỉ bảo vệ và hô hào quyền làm “người nô lệ” cho đồng tiền ngoại bang, nô lệ cho những mánh mung móc túi đồng hương đồng đạo.
Thứ hai, một số Phật tử hữu tâm, có căn cơ, có ý thức chính trị thì lại câu nệ hình thức, lầm lẫn Phật sự với định chế, cứ nhất quyết đấu tranh chống “giáo hội quốc doanh” và phục hoạt “giáo hội thống nhất”. Thầy Thanh Từ sang Mỹ thuyết pháp chỉ có một vài Thầy công khai chào đón. Thầy Thanh Từ đến Úc phải thuyết pháp trong một hàng ăn còn phảng phất mùi thịt cá mắm muối. Không một chùa lớn nào cho Thầy xử dụng giảng đường. Họ chỉ bán sách, bán băng của Thầy Thanh Từ – và cả của Thầy Nhất Hạnh, Thầy Thiện Châu, đã không trả tiền bản quyền thì chớ, họ còn nếu không nặng nhẹ đàm tiếu quý vị đó thì cũng làm như không biết quý vị đó là ai. Vì sợ lây tiếng “quốc doanh”, “chủ hòa”, “không có tinh thần cộng đồng”.
Một vị Tăng qua đời vì một lý do thầm kín nào đó đang được cảnh sát điều tra thế mà lại được tổ chức tang lễ trang nghiêm hoành tráng như tang lễ của một anh hùng tử đạo trong khi Thầy Thiện Siêu, Thầy Đức Nhuận vãng sanh thì một vài chùa chỉ âm thầm cúng cơm cầu siêu như cho một Phật tử vô danh. Những người này cũng đã quên tình trạng đất nước và hoàn cảnh chính trị quốc tế hôm nay. Họ khư khư ôm lấy khẩu hiệu Bốn Không thời còn nửa triệu quân nhân Mỹ ở Miền Nam và những khẩu hiệu lỗi thời của Chiến Tranh Lạnh. Họ bất biết đồng bào tỵ nạn cần gì sau khi định cư. Họ quên người dân cần gì sau khi chiến tranh chấm dứt. Họ quên tâm tư của lớp trẻ trong và ngoài nước hôm nay. Họ quên nhu cầu và trách vụ đào tạo tăng tài để chấn chỉnh sơn môn, thanh tịnh đạo tràng và trang nghiêm giáo hội, để tạo ra một lớp tăng ni mới đủ trang nghiêm, tài trí khả dĩ khắc phục những tệ trạng, tránh những vết xe đổ hầu có thể kế thừa sự nghiệp vệ đạo hộ đời của tiền nhân.
Với tư cách là một định chế, Phật giáo không cần quyền lực và phương tiện để củng cố và bành trướng nên Phật giáo không nhất thiết cảm thấy nhu cầu phải thỏa hiệp, nhất là những thỏa hiệp phương hại đến việc trì giới, tu chứng và hành thiện độ đời. Chính quyền cần Phật giáo hơn là Phật giáo cần chính quyền. Chính quyền Pháp rồi chính quyền Mỹ, Đệ Nhất Cộng Hòa rồi Đệ Nhị Cộng Hòa không chịu thấy điều đó, khi thấy được thì đã quá muộn. Trong lúc tiến hành Phật sự, các hàng Phật tử xuất gia và tại gia cũng phải làm cho chính quyền thấy điều đó, không phải để bắt bí vòi vĩnh hay kể công, nhưng là để cho chính quyền ý thức rằng nếu không trợ duyên thì cũng đừng ngán trở những cơ duyên hay phung phí những tài nguyên và nổ lực hành thiện của Phật giáo.
Mặt khác, chính quyền cần Phật giáo nhưng chính quyền cũng có thể bắt bí Phật giáo. Vì chính quyền biết rõ nếu phải lựa chọn giữa Việt Nam và Pháp, Mỹ, Nga, Trung Hoa, giữa tự chủ và lệ thuộc, giữa độc lập và thân phận một đồng minh nhỏ, giữa quốc gia và quốc tế, giữa dân tộc và toàn cầu, giữa an bình và tao loạn thì đại khối Phật tử sẽ chọn Việt Nam, tự chủ, độc lập, quốc gia, dân tộc và an bình. Đó là điểm “yếu” của Phật giáo, đó là những điều Phật giáo ít khi chịu thỏa hiệp. Đó là điểm làm cho Phật giáo bị bắt bí. Vì Phật tử không thể nghĩ “thà mất nước không thà…” nên đành phải lặp lại lời Trần bình Trọng “thà làm quỷ nước Nam còn hơn là…”, hay lặp lại lời Hồ chí Minh “thà nếm phân thằng Pháp còn hơn là…”
Cuộc tranh đấu quốc-cộng hay thống nhất-quốc doanh chỉ đem lại cái hại là ngán trở công việc hành thiện và tu chứng của Phật giáo với luận điệu phải đợi cho “giáo hội thống nhất” tái phục hoạt rồi mới bắt tay vào việc. Bao giờ đây? Thầy Tuệ Sĩ một lần cầm súng phục quốc rồi thất bại. Có người thở than rằng Phật tử ở trong và ngoài nước phải “đi lạy thiên hạ sói đầu” để cứu Thầy, cũng chỉ vì Thầy quên rằng Thầy tu không cầm chuông mõ thì cũng chỉ cầm bút chứ không cầm súng, nhất là cầm súng chống lại người Việt Nam khi đất nước đã hòa bình thống nhất. Tiếp tục ăn thua đủ thì đi đến đâu và có lợi gì cho dân tộc cho Phật giáo? Gây nội chiến là mắc bẫy thiên hạ gài cho Phật giáo và chính quyền kèn cựa nhau để họ ngư ông hưởng lợi. Thiên hạ đối lập, Phật giáo đối kháng, cũng như ngày xưa thiên hạ an toàn ở hậu phương để tuyển mộ tân tòng, để chống quỷ đỏ, để kinh doanh, để ban phép lành cho những khẩu súng phát cho hàng hàng lớp lớp quân dịch ra trận làm chiến sĩ vô danh và chờ đem xác chết về để làm lễ mồ mặc niệm anh hùng tử sĩ.
Phật giáo là con sư tử, những Phật tử vụng tính, chủ quan lạc đạo, cơ hội chủ nghĩa, biếng học, lười suy nghĩ, ham danh chính là sư tử trùng. Chỉ có những con sư tử trùng đó mới “gây bệnh” cho những đồng đạo. Chỉ có những con sư tử trùng đó mới cản bước vệ đạo độ đời của Phật giáo.
Trong tâm nguyện giải hoặc, người Phật tử có khi đã bất đắc dĩ phải làm Ông Ác đối với một số đồng bào khác tôn giáo khi họ lợi dụng tín ngưỡng của họ để làm những điều hại cho đồng bào đồng loại, và hại cho tín ngưỡng của chính họ. Những Phật tử có hạnh nguyện Ông Ác đó sẽ không tránh khỏi bị lên án là bất công cục bộ nếu cảnh giác những điều tiêu cực của thiên hạ mà né tránh chuyện những con sư tử trùng trong chính tâm cảnh tín ngưỡng của mình.
Những chuyện sư tử trùng ở đây là một cơ duyên giải hoặc. Thực tình, trong cơ duyên này, làm thinh cũng “chết” mà nói ra cũng “chết”. Chỉ còn đường sống may ra là nói trong tâm nguyện vô tranh, vô cầu, không sân hận tư tình tư ý.
Mặt khác, một số những vụ việc không được nhắc đến ở đây, không có nghĩa là chưa xảy ra, một số danh tính không được nhắc đến ở đây, không có nghĩa là chưa có gì đáng ghi nhận. Nói thế khác, những vụ việc, những danh vị được nhắc đến không phải là độc nhất vô nhị, hết đường cải thiện. Những vụ việc, những danh vị được nhắc đến chỉ là ví dụ mà vì trùng trùng duyên khởi nên đã trở thành điển hình. Thế thôi. Nếu đồ tể một phút buông dao thành Phật thì đương nhiên họ vẫn có thể là những vị Phật sẽ thành để độ cho hạng ông ác sơ cơ lấp ló ngoài cổng chùa. Cho nên, sự có mặt của họ ở đây lúc này dù sao cũng là một công đức, công đức của những tấm gương cảnh tỉnh cho những Phật tử có tâm nguyện “phục vụ dân tộc trong ánh sáng của đạo pháp và phục vụ đạo pháp trong những điều kiện khế cơ khế lý của dân tộc”.
Mùa Phật Đản, tháng 5.2002