Lừa dối và vỡ mộng

Ngày nay, trong khi thế giới đang tìm hiểu xem chính phủ Mĩ có lừa dối dư luận để gây chiến ở Iraq hay không, cái tên Daniel Ellsberg và cuốn hồi kí mới xuất bản của ông, “Secrets – A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers”, bỗng nhiên trở nên quen thuộc và hợp cảnh.  Có thể có người đã quên Ellsberg, nhưng ông là một khuôn mặt không xa lạ gì trong chính trường và báo chí Mĩ trong thập niên 1960s và 1970s.  Có thể nói Ellsberg chính là người góp phần làm cho chính phủ của Richard Nixon sụp đổ, trước cả Bob Woodward và Carl Bernstein phanh phui vụ Watergate.  Năm 1971, Daniel Ellsberg tiết lộ những thông tin mật của Ngũ giác đài và Tòa bạch ốc về lịch sử cuộc chiến Việt Nam cho tờ New York Times và một số báo khác, và dẫn đến sự suy sụp của chính phủ Nixon.

Tiết lộ đồ sộ của Ellsberg, còn được gọi là “Pentagon papers” – hay Hồ sơ Ngũ giác đài, cho thấy cuộc chiến ở Việt Nam là một sai lầm lớn, là một vũng lầy đã được tiên đoán trước.  Sai lầm vì tiếp nhận thông tin sai lạc và vì cố vấn tồi.  Ngay từ thời Eisenhower, Tòa bạch ốc và Ngũ giác đài đã biết rằng Mĩ sẽ không thể thắng được ở Việt Nam.  Mĩ chỉ duy trì sự có mặt của họ ở Việt Nam vì sỉ diện, vì muốn cho thế giới thấy họ cứng rắn, và vì muốn bảo vệ danh dự của nước Mĩ.

            Cái logic của Hồ sơ Ngũ giác đài qua tiết lộ của Ellsberg rất rõ ràng: Chiến tranh Việt Nam không phải vì những lí tưởng cao quí qua những mĩ từ như “Bảo vệ thế giới tự do”, mà là chính trị, real-politik.  Duy trì sự có mặt ở Việt Nam cũng có nghĩa là phải nói dối với người dân Mĩ về triển vọng của một chiến thắng không bao giờ có được.  Sự lừa dối này bắt đầu từ sự kiện Vịnh Bắc bộ (Gulf of Tonkin incident) vào năm 1964 [1], và xuyên suốt cho đến thời kì mà Richard Nixon bí mật dội bom xuống Cambodia.

Nhưng Nixon và những cận thần của ông như Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger (người từng quen biết với Daniel Ellsberg trong nhiều năm) lúc đầu chẳng quan tâm gì đến những tiết lộ của Ellsberg, vì Hồ sơ Ngũ giác đài mà Ellsberg tiết lộ chỉ liên quan đến những sự kiện xảy ra trước tháng Ba năm 1968, tức trước khi Nixon trở thành tổng thống.  Thành ra, Nixon và Kissinger nghĩ rằng nếu những sự kiện đó có xấu thì những cái xấu đó là do lỗi lầm của nhóm Đảng Dân chủ như John Kennedy và Lyndon Johnson, chứ có ăn nhằm gì với Đảng Cộng hòa của họ đâu.  Nhưng Nixon đã sai lầm, và sự tự mãn của Tòa bạch ốc dần dà trở nên nguy hại đến độ thịnh nộ và đa nghi.  Một trong những lo ngại mà Nixon luôn bị ám ảnh là Ellsberg có bằng chứng rằng Mĩ muốn duy trì quân đội ở Việt Nam, dù với chính sách “Hòa bình trong danh dự”, cái chính sách đã đưa Nixon lên ngôi Tổng thống.

Nixon tìm mọi cách để theo dõi Ellsberg.  Nixon cho thành lập một cơ quan tình báo gọi là “White house ‘plumbers’ Unit” (tạm dịch: Thợ ống nước Tòa bạch ốc), mà trong thực tế là một cơ quan ẩn náu dưới bóng của hai cơ quan tình báo Mĩ là CIA và FBI.  Các mật vụ viên của cơ quan này tổ chức xâm nhập (một cách bất hợp pháp) vào văn phòng của bác sĩ tâm thần của Ellsberg.  Họ thậm chí còn tổ chức hành hung Ellsberg trong các cuộc biểu tình!

Tuy nhiên, quyết định thành lập cơ quan này của Nixon là một quyết định cực kì sai lầm và đem lại những hậu quả chính trị ông không lường trước được.  Chính cơ quan “plumbers” này tổ chức xâm nhập đánh cấp tài liệu trong căn hộ Watergate, và dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Nixon, chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam.

Daniel Ellsberg sinh năm 1931 trong một gia đình Do Thái di dân từ Nga, nhưng lại lớn lên trong môi trường Ki-tô giáo (Ellsberg theo đạo Christian Science).  Lớn lên, Ellsberg phục vụ trong quân đội với vai trò sĩ quan trong Thủy quân lục chiến trong hai năm liền.  Sau khi giải ngũ, Ellsberg theo học tiến sĩ kinh tế học (luận án tiến sĩ bàn về những vấn đề trừu tượng trong lí thuyết mặc cả) tại Đại học Harvard.  Đến năm 1959 (sau khi tốt nghiệp), làm việc cho Viện nghiên cứu Rand (Rand Corporation), một cơ quan nổi tiếng chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc phòng.  Năm 1964, Ellsberg làm việc cho Ngũ giác đài và giữ chức vụ quan trọng trong khi ông vẫn còn trong độ tuổi 30s.  Đến năm 1971, Ellsberg quay trở lại làm việc cho Viện nghiên cứu Rand.

Daniel Ellsberg là một người ham mê chính trị, và tự nhận mình là người cấp tiến.  Ông còn là một người nhạy cảm, và tính nhạy cảm này có thể giải thích tại sao ông tiết lộ Hồ sơ Ngũ giác đài cho báo chí, và sẵn sàng gánh chịu những tai họa lớn cho chính mình.  Cơ quan điều tra liên bang (FBI) theo dõi Ellsberg chặt chẽ, và thậm chí ông còn bị án tù chung thân nữa.

Ngay từ lúc còn là một cậu bé trong thời Thế chiến thứ II, Ellsberg không hiểu nổi tại sao có người, dù là người Đức hay người Anh, lại có thể dội bom đốt cháy người ta tận xương tủy như thế.  Trong Hồi kí, Ellsberg tâm sự, “Tôi quả thật không hiểu nổi tại sao con người lại có thể thiêu đốt sống trẻ con như thế”.  Ellsberg từng chứng kiến cảnh quân đội Mĩ dùng bom Napalm và phosphorus ở Việt Nam, và ông ta càng giận dữ hơn.  Cho đến nay, Ellsberg vẫn còn thắc mắc vấn đề này: “Tại sao người ta lại dã tâm như thế?”.

Ellsberg là người ở vào vị thế có thể biết được những lừa dối của các quan chức trong chính phủ Mĩ, bởi vì ông nằm trong guồng máy chính quyền đó.  Dù có thời ông tin tưởng [và ủng hộ] Ngũ giác đài trong Chiến dịch “Rolling Thunder” để dội bom xuống Việt Nam trong suốt 8 năm liền, một sự ủng hộ mà ông cảm thấy hết sức hối hận sau này.  Ellsberg biên soạn những danh sách tội ác giết người của quân đội Mĩ trong thời chiến, và do đó biết rất rõ ý đồ cố tình khiêu khích của Ngũ giác đài để leo thang chiến tranh.

Không giống như các viên chức cao cấp khác của Mĩ, Ellsberg từng sống và làm việc [chung với Paul Vann [2] ở Việt Nam.  Trong một chương có tựa đề là “Rach Kien” (có lẽ là Rạch Kiên, một làng thuộc tỉnh Long An), Ellsberg mô tả một cách sống động về cuộc hành quân tại đây, mà trong đó ông có dịp trực diện với những “kẻ thù” mà ông tả là những thiếu niên tuổi 14, 15, chân đất, quần sọt, áo đen, nhưng với những mưu kế tiến thoái linh động làm ông rất ấn tượng.  Ông nhận xét rằng dân làng không hẳn có thái độ ghét lính Mĩ ra mặt, nhưng cũng không cộng tác hay giúp đỡ thông tin cho lính Mĩ chút nào.  Ông còn kể về một thiếu úy trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa có thái độ thù ghét người Mĩ ra mặt.  Ông thiếu úy này hỏi thẳng: “Tại sao người Mĩ có mặt ở đây?”, “Các ông có gì để dạy chúng tôi, những người Việt Nam ở Việt Nam?”, “Người Mĩ hèn nhát”, v.v…

Sau 2 năm trực diện với tình hình ở Việt Nam, Ellsberg đi đến kết luận rằng: Người Mĩ sẽ không bao giờ thắng nổi, và nên rời Việt Nam.

Nhưng sau khi trở lại Mĩ, Ellsberg vẫn chưa li khai với chính phủ Mĩ ngay, mà phải cần đến nhiều năm ông mới chính thức cắt mối liên hệ với Ngũ giác đài.  Khi quyết định li khai với chính phủ Nixon vào tháng Tám năm 1969, Ellsberg cho biết là ông có cảm tưởng như người được cải đạo.  Khi biết rằng cuộc chiến Việt Nam không những là một sai lầm mà còn phi đạo đức, Ellsberg quyết định phải hành động.  Cùng với một đồng nghiệp khác tên là Anthony Russo, Ellsberg bí mật sao chụp các tài liệu mật của Ngũ giác đài bằng cái máy Xerox cũ kĩ, và tung ra cho giới chính khách cùng với báo chí.

Quyển hồi kí của Ellsberg là một nguồn tài liệu có giá trị về cuộc chiến Việt Nam.  Cùng với Hồ sơ Ngũ giác đài, nó cho chúng ta biết những suy nghĩ của giới lãnh đạo Mĩ trong thời chiến tranh ở Việt Nam.  Cuốn sách gồm 32 chương, được xếp vào 4 phần.  Hồi kí được mở đầu bằng một chương viết về sự kiện chung quanh Vịnh Bắc bộ xảy ra vào tháng 8 năm 1968, và kết thúc với phiên tòa (tháng 4 năm 1973) mà trong đó Ellsberg được minh oan và thắng kiện.  Ngay từ chương đầu, Ellsberg mô tả tỉ mỉ từng giờ, từng phút mà những sự kiện xảy ra ở Vịnh Bắc bộ được tường trình từ hạm trưởng của tàu Maddox.  Qua phân tích rõ ràng về tiến trình của các sự kiện và báo cáo, Ellsberg chỉ rõ rằng toàn bộ sự kiện chỉ là một sự giả tạo có tổ chức, nhằm vào mục đích khiêu khích Bắc Việt Nam để Mĩ có lí do gây chiến.

Ngày nay, vụ Ellsberg và Hồ sơ Ngũ giác đài về những lừa dối của chính phủ vẫn còn tính thời sự của nó, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến Iraq vừa chấm dứt.  Trong việc truy tìm nguyên cớ để tấn công Iraq, chính phủ Bush có đánh lừa thế giới như chính phủ Johnson đã từng lừa dối thế giới vào năm 1964 để tìm cách tấn công Việt Nam?  Trong Lời nói đầu của cuốn sách, Ellsberg viết những dòng chữ mà tôi nghĩ rất thích hợp cho bối cảnh cuộc chiến vừa qua tại Iraq: “I hope to pass on such lessons to future officials in similar circumstances and to all the citizens who should hold them accoutable […] that telling the truth, revealing wrongly kept secrets can have a surprisingly strong, unforseeable power to help to end a wrong and save lives” (tạm dịch: Tôi hi vọng để lại những bài học như thế cho các quan chức tương lai trong cùng hoàn cảnh, và cho tất cả công dân, những người có bổn phận làm cho các quan chức này có trách nhiệm […]nói lên sự thật, tiết lộ những bí mật sai trái có sức mạnh lớn trong việc sửa cái sai và cứu người.)

Chú thích:

(*)  “Secrets – A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers” của Daniel Ellsberg, do Nhà xuất bản Viking ấn hành, 457 trang, giá đề $65.

[1] Sự kiện Vịnh Bắc bộ xảy ra vào ngày 2 tháng 8 năm 1964.  Lúc đó, theo tài liệu chính thức của Mĩ, tàu khu trục Maddox tiến hành một hải vụ thu thập thông tin tình báo về hệ thống quốc phòng của Bắc Việt Nam, và trong khi làm nhiệm vụ, tàu Maddox bị tàu chiến của Bắc Việt Nam bắn ngư lôi.  Sau đó, hạm đội USS Ticonderoga gửi chiến đấu cơ và tàu chiến đến đẩy lùi tàu của Bắc Việt Nam.  Đó là theo tường trình của tổng thống Johnson trước Quốc hội Mĩ.

Nhưng trong thực tế, chẳng có tàu Bắc Việt nào tấn công Maddox cả.  Nói như đại úy James B. Stockdale, phi công chiến đấu cơ Crusade, “Not a one.  No boats, no wakes, no ricochets [sic] off boats, no boat impacts, no torpedo wakes – nothing but black sea and American firepower” (Tạm dịch: “Không có ai cả.  Không có tàu, không có lằn tàu, không có bắn tỉa, không có va chạn, không có ngư lôi – không có gì cả mà chỉ là biển đen ngầu và hỏa lực Mĩ”) [Trích: Paterson, Thomas G, J. Garry Clifford and Kennedy J. Hagan.  American Foreign Relations: A History Since 1895.  4th Edition.  Lexington DC Heath and Co, 1995, trang 410).

Cách đây không lâu, chính Robert McNamarra, cựu bộ trưởng quốc phòng Mĩ và là một “kiến trúc sư” của chiến tranh Việt Nam, sang Việt Nam hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, về sự kiện Vịnh Bắc bộ, và ông Giáp cũng nói là chẳng có tàu Bắc Việt nào tấn công, ông cũng chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra!  Tất cả chỉ là một sự lừa dối có tổ chức.

[2] Paul Vann, được Ellsberg mô tả như là một “mentor” (người thầy) của ông, là một sĩ quan trong quân độ Mĩ nhưng là người từng phê bình chính sách của Mĩ ở Việt Nam.

Đọc sách “Secrets” của Daniel Ellsberg (*): Lừa dối và vỡ mộng

Nguyễn Văn