PHỤ LỤC
I. PHÁP MÔN THÙ THẮNG.
1- Đức Phật A-di-đà – Công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn.
Đại sư Liên Trì nói:
– Chuyên trì danh hiệu Phật A-di-đà, thù thắng hơn trì chú vãng sinh, cũng hay hơn trì những chú khác, cũng vượt hơn tất cả các công đức khác.
– Thù thắng hơn trì chú vãng sinh là: Trì chú 30 nghìn biến mới thấy được Đức Phật A-di-đà, còn trì danh hiệu Phật thì một ngày một đêm liền thấy Phật.
Bài chú Vãng sinh ghi: Ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng chú 37 biến, có thể diệt được tội ngũ nghịch[36]; trì danh hiệu Phật thì chí tâm niệm một tiếng Phật liền diệt được 80 ức kiếp tội nặng trong sinh tử.
– Thù thắng hơn các chú khác nghĩa là: Chuyên trì danh hiệu, tức là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú. Nhờ 10 niệm được vãng sinh, vãng sinh tức không còn thoái chuyển, oai linh chẳng lường được, đó là đại thần chú.
– Nhất tâm không loạn, đoạn vô minh, thấy tự tính, là đại minh chú.
– Chứng Vô sinh nhẫn, trở lại Ta bà, độ hết chúng sinh, là vô đẳng đẳng chú.
– Niệm Phật thù thắng hơn công đức khác, nghĩa là: Lục độ vạn hạnh, vô lượng pháp môn, chuyên trì danh hiệu, gồm thâu hết thảy, vì các pháp không ngoài một tâm.
Nguyện cho đệ tử Tịnh Độ, chuyên giữ Tín Nguyện, luôn được nhất tâm.
Bậc Cổ đức, nhiều vị chuyên tu pháp môn khác, thường chuyển sang tu niệm Phật. Huống gì người chuyên tu niệm Phật, lẽ nào thay đổi những điều mình đã gìn giữ mà bỏ theo pháp môn khác ư!
Nam mô A-di-đà Phật!
2. Yếu quyết niệm Phật là thu nhiếp cả sáu căn.
Đại sư Ấn Quang khai thị: “Thu nhiếp sáu căn là bí quyết của niệm Phật”. Khi niệm Phật cần phải nhiếp tai lắng nghe, từng chữ từng câu rõ ràng, chớ để đi qua phí uổng. Danh hiệu Phật từ tâm sinh, tiếng từ miệng ra, lại vào từ lỗ tai, tiếp nối nhau không gián đoạn. Vừa khởi vọng niệm, liền thu tâm về niệm Phật, nhiếp tai lắng nghe, không cho vọng niệm tiếp nối. Như thế, tất cả tạp niệm dần dần tiêu diệt, công phu tự nhiên thành tựu.
Pháp sư Tịnh Không nêu rõ: Vọng niệm quá nhiều thật phiền não, xưa nay rất khó mà ổn định được một niệm. Căn bệnh lớn của chúng ta là tâm không ổn định, tâm luôn tán loạn, loạn tưởng hồ đồ không thể an định, hễ tưởng bệnh liền thành bệnh, tưởng già liền biến thành già. Mục đích của niệm Phật chính là phải nhiếp phục được những vọng tưởng phiền não này.
Pháp sư còn nhiều lần khuyến khích các bạn đồng tu: Công đức của danh hiệu Phật không thể nghĩ bàn. Trong tám mươi bốn nghìn pháp môn tu thì pháp môn niệm Phật thích hợp nhất với căn cơ chúng sinh thời mạt pháp. Pháp môn niệm Phật còn xem “Trì danh hiệu Phật” là thù thắng nhất. Chúng ta cần phải vận dụng tâm “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chính giác, từ bi” để niệm Phật thì một câu danh hiệu Phật này mới có thể tương ưng, mới có thể được uy thần bản nguyện của Đức Phật A-di-đà gia hộ, mới là niệm chân thành đúng đắn!
Lại nói: Biết rõ là hiểu lý, là học vấn, buông bỏ mới là công phu chân thật; chỉ cần thật sự chịu buông bỏ; vứt bỏ vọng niệm, chính niệm tự nhiên có mặt. Điều đó Cổ đức gọi là: “Chỉ cầu trừ vọng, cần gì tìm chân”. Nên biết, niệm Phật tức là dùng một chính niệm dừng vô số vọng niệm, dùng một niệm thanh tịnh công phu thay đổi vô số vọng niệm. Nếu thật sự có thể thực hành được niệm chân thành, trong tất cả thời khắc danh hiệu Phật A-di-đà thường ở trong tâm thì tự nhiên quên đi cái Ngã. Vì quên Ngã nên khắp nơi đều được không ngăn ngại. Vì Đức Phật A-di-đà thường ở trong tâm, nên công phu thành tựu, đạt đến sự trong sáng tự tại.
Trong Tâm Thanh Lục của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ cũng đã nêu rõ: “Chí tâm xưng niệm một câu Thánh hiệu A-di-đà này giống như luyện quặng sắt thành vàng; nghĩa là phải đào thải hết tất cả những tạp chất vốn có, loại bỏ sạch toàn bộ tất cả vọng tưởng phiền não. Nếu có thể như thế thì vàng đã luyện thành, không còn là quặng nữa”.
3. Đại sư Ấn Quang truyền pháp Tâm Ấn.
Đôn luân tận phần Nhàn tà tồn thành Tín Nguyện niệm Phật Cầu sinh Tịnh Độ.“Đôn luân tận phần”, “Đôn” nghĩa là thành tâm hoà thuận. “Luân” chỉ cho đạo đức của con người. “Đôn luân” chính là xử sự chân thành thuận hoà giữa con người với con người. Đại sư khuyên bảo chúng ta: Cần phải dốc lòng thực hành nghĩa vụ và trách nhiệm con người. Trách nhiệm và nghĩa vụ này chính là bổn phận của mỗi người nên làm trọn vẹn. Vậy những cái nào mà bổn phận làm người phải hết lòng? Chính là luân thường, cũng chính là năm mối quan hệ: Vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè. Nếu năm mối quan hệ này đều có thể làm tốt thì gia đình mới có thể hạnh phúc; xã hội, quốc gia mới có thể ổn định.
Quan hệ vua tôi: Đây là mối quan hệ khá tốt giữa quan lớn và thuộc hạ, hoặc là mối quan hệ giữa chủ và nhân công. Phải làm sao cho tốt đẹp? Cũng chính là: “Vua sai bảo thần vì lễ, thần phụng sự vua vì trung”. Chủ đối với nhân công phải biết tôn trọng và quan tâm đến họ. Thuộc hạ hoặc nhân công đối với những việc mà cấp trên giao cho, phải trung thành đảm nhiệm, hết lòng làm việc, đó chính là đạo quân thần cư xử với nhau.
Đạo cha con: Người cha nên lấy bản thân làm nguyên tắc, làm tấm gương tốt đẹp cho con cái, quan tâm đến con cái và nghiêm túc dạy bảo chúng, khiến cho nó trở thành người tốt đẹp, người hiền lương, đó mới là lòng yêu thương đúng đắn. Nhờ vậy, phận làm con mới có thể cảm niệm được ân dạy dỗ của cha mẹ, tự nhiên sẽ hiếu kính cha mẹ.
Đạo vợ chồng: Đây là then chốt hạnh phúc của gia đình, cũng là cầu nối ổn định của xã hội. Vợ chồng hoà thuận, gia đình mới có hạnh phúc đáng kể, cũng mới có được một thế hệ kiện toàn ưu tú. Vì vậy, làm người chồng cần phải có trách nhiệm với gia đình, có tình nghĩa với vợ con, có ân nghĩa với cha mẹ, con cái. Người làm vợ cũng cần phải hòa thuận, dịu dàng, giúp chồng dạy con, đóng vai một người vợ hiền, một nàng dâu thảo, một người mẹ tốt.
Đạo anh em: Anh em, chị em giống như chân tay. Nếu như anh chị em yêu thương nhau, quan tâm lẫn nhau, không để cho cha mẹ lo lắng, đó cũng là sự biểu hiện của lòng hiếu thảo trọn vẹn.
Đạo bằng hữu: Cùng bạn bè qua lại phải kết thiện duyên rộng rãi, giảng cầu tín nghĩa, dùng tâm chân thành giao hảo, chắc chắn có thể được tình hữu nghị lâu dài.
Năm mối quan hệ trên chính là căn bản của luân thường. Năm thứ căn bản này là then chốt hiện tại lớn nhất cho hạnh phúc gia đình và ổn định xã hội đất nước.
“Nhàn tà tồn thành”. “Nhàn” nghĩa là ngăn chận, “Tà” chỉ cho sự gian ác. “Nhàn tà” là ngăn ngừa sự gian ác xâm nhập. Ngay trong đời sống thường ngày, cần phải luôn giữ gìn tâm thanh tịnh, tĩnh tọa tư duy chính mình có sai sót gì không, đồng thời ngăn chặn tất cả tà nhiễm.
“Tồn thành” là bảo vệ gìn giữ tâm tính trung thành, tiếp đãi người, xử lý công việc thường ngày phải giữ tâm cung kính chân thành, lâu ngày có thể đạt đến chỗ chân thành ở bên trong hiện ra bên ngoài. Khi bàn giao sự việc cho người, tất nhiên sẽ nhận được sự yêu thương và tôn kính sâu sắc của người khác.
“Tín nguyện niệm Phật, cầu sinh Tịnh Độ”, niềm tin chân thành đúng đắn về Đức Phật A-di-đà, thế thì chỉ cần dùng tâm chân thành, giữ nó để niệm Phật mãi mãi, chắc chắn bạn có thể vãng sinh về thế giới Cực Lạc, thân cận Đức Phật A-di-đà và các bậc thiện tri thức, cùng làm học trò của Đức Phật A-di-đà.
2. Tinh yếu pháp mười niệm.
Xin đem tinh yếu pháp mười niệm của ngài Tịnh Không đã nói, làm thành quy tắc thường lệ cho những người học tông Tịnh Độ, đời nay đời sau tự tu hoặc tu chung.
“Tự tu” chính là phương pháp niệm Phật, mỗi ngày 9 lần, mỗi lần niệm 10 câu danh hiệu Phật. Mỗi sáng thức dậy và trước khi ngủ đều niệm một lần. Ba bữa ăn trong ngày cũng đều niệm một lần. Buổi sáng trước khi bắt đầu làm việc và khi kết thúc công việc đều niệm một lần. Buổi chiều bắt đầu làm việc và khi kết thúc công việc đều niệm một lần, tổng cộng 9 lần. Mỗi lần xưng niệm mười câu bốn chữ hoặc sáu chữ danh hiệu Phật A-di-đà. Đã có thời khóa thường ngày nhất định nên chiếu theo đó mà thực hành.
“Tu chung”, ở những nơi giảng kinh, hội họp, hay chỗ ăn uống v.v… những cuộc họp không có quy tắc, nghi thức cố định, trong khi bắt đầu làm việc chung thì thực hành pháp mười niệm này, cũng tức là theo quy ước đại chúng chắp tay đồng thanh xưng niệm mười câu “Nam-mô A-di-đà Phật”. Sau đó, tiến hành các hoạt động thích hợp như giảng kinh, hội họp, dùng cơm v.v…
Theo pháp mười niệm tự tu và tu chung này, mỗi pháp có sự lợi ích thù thắng riêng của nó. Thử nêu một vài thí dụ sau đây:
1. Pháp này đơn giản dễ thực hành, dùng thời gian ít mà thu được hiệu quả lớn, quả thật là thiết yếu, có thể kéo dài lâu và có thể mở rộng.
2. Nó là phương pháp hữu hiệu cho việc “Phật hóa gia đình”. Ví dụ: Thực hành nó lúc ăn cơm trong gia đình thì những thành viên cả nhà có người tin, có người không tin đều nhờ nó được nhiếp trì đầy đủ. Hơn nữa có thể ảnh hưởng đến bạn bè làng xóm, phổ cập được lợi ích rộng lớn cho xã hội hiện tại.
3. Vì nó đơn giản dễ thực hành, một ngày 9 lần, từ sáng đến tối, danh hiệu Phật không gián đoạn. Trong sinh hoạt một ngày, liên tục niệm Phật, ngày này sang ngày khác. Nếu có thể thực hành lâu như thế thì tâm tình, khí chất của người thực hành sẽ dần dần thanh tịnh, tín tâm và pháp lạc phát sinh, được phước báo lớn vô cùng.
4. Như có thể tùy thuận vui hòa, xưng niệm mười câu danh hiệu Phật thì sẽ diệt trừ được tạp nhiễm, làm trong sáng tâm niệm, lắng đọng tâm thần, dốc lòng học đạo, những việc làm dễ thành tựu, gặp được những điều lành, nhờ Phật gia hộ v.v… thành tựu được công đức không thể nghĩ bàn.
5. Tự tu và tu chung: Nó sẽ giúp đỡ nhau, dung thông nhau, tư lương hội tụ, không những nắm chắc đường vãng sinh của một người mà đại nghiệp bồ-đề của cộng đồng cũng dễ thành tựu.
6. Pháp này có thể dùng hai tên để gọi:
“Tịnh nghiệp gia hành pháp mười niệm”[37], đây là nói đối với mình có sự tu tập thời khóa cố định, vì pháp môn này có sẵn trong thời khóa tu nên thực hành thêm pháp mười niệm.
“Giản yếu tất sinh thập niệm pháp”[38]. Đa số chỉ cho những người tu pháp môn Tịnh Độ hiện tại và sau này không có thời khóa cố định. Vì xã hội ngày nay luôn thay đổi, bận rộn, vội vàng, nên gây ra nhiều trở ngại khó khăn. Còn pháp môn này dễ hội tụ tư lương, tín-nguyện-hành, dễ đạt đến viên mãn. Hơn nữa nó cũng rất phù hợp với tiêu chuẩn “thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm không gián đoạn”.
Do thời gian mỗi lần niệm Phật ngắn ngủi nên dễ nhiếp tâm và không sinh biếng nhác. Họ đem công phu tu hành chín lần niệm Phật phân bố đều, xuyên suốt trong cả ngày thì thân tâm trọn ngày không thể không thành Phật, cũng tức là niệm Phật hóa đời sống trọn ngày, tức là niệm Phật làm thay đổi cuộc sống.
Tóm lại, pháp này đơn giản, nhẹ nhàng, không một chút khó khăn trở ngại. Nếu như pháp môn này được lưu hành rộng rãi thì người tu học pháp môn Tịnh Độ rất may mắn! Chúng sinh đời sau cũng rất may mắn! Chư Phật đều hoan hỷ.
Nam mô A-di-đà Phật.
Năm 1994, ngày chư Phật hoan hỷ, Hội Tu Học Tịnh Độ tại Mỹ, tứ chúng đồng luôn kính khuyến.
II. TU HÀNH
1. Người phụ nữ ở gia đình làm cách nào để tu Bồ-tát đạo trong đời sống hằng ngày.
Hằng ngày làm công việc giống như nhau, nhất định sẽ cảm thấy rất chán, nhất là người phụ nữ chính trong gia đình, dường như mãi mãi không có một ngày rảnh rỗi, vì thế rất nhiều người đều cảm thấy khổ sở. Nếu như có thể thay đổi quan niệm sống thì sẽ thấy rất an vui. Trong quan niệm bình thường, mọi người luôn chấp có “ngã”. Có cái ta đang làm, ta rất khổ nhọc, vì sao ta phải làm thay cho họ? Càng nghĩ thì phiền não càng nhiều. Nếu người muốn học Bồ-tát đạo, phát đại thệ nguyện, phổ độ chúng sinh thì cách nghĩ, cách nhìn của họ sẽ không như thế.
Tu hành Bồ-tát đạo, thứ nhất phải Bố thí Ba-la-mật. Nữ tu Bồ-tát là một người nội trợ phục vụ trong gia đình, chính là tu Bố thí Ba-la-mật.
Bố thí có ba loại: Tài thí, pháp thí, vô úy thí.
Tài thí có nội tài và ngoại tài. Ngoại tài chỉ cho tiền bạc ở bên ngoài, cung cấp cho sinh hoạt của mọi người. Nội tài là dùng thể lực trí huệ của mình phục vụ cho mọi người. Người phụ nữ nội trợ trong gia đình có thể ngay trong công việc nhà mà hoàn thành trọn vẹn sáu Ba-la-mật. Bạn sẽ sắp xếp việc nhà gọn gàng ngăn nắp, sạch sẽ, khiến cho cuộc sống của mọi người thoải mái, làm cho láng giềng hâm mộ, đây là Trì giới Ba-la-mật. Trì giới chính là giữ phép tắc. Bạn có thể làm việc với tâm nhẫn nại, không mệt mỏi, không chán nản, tức là Nhẫn nhục Ba-la-mật. Mỗi ngày còn phải đổi mới, hy vọng ngày mai làm việc tốt hơn ngày hôm nay, chính là Tinh tấn Ba-la-mật. Dù cho, hằng ngày làm rất nhiều công việc nhà nhưng cõi lòng vẫn thanh tịnh, mảy trần không nhiễm, tức là Thiền định Ba-la-mật. Trong tâm thanh tịnh thường sinh trí huệ, pháp hỷ sung mãn, đó là Bát-nhã Ba-la-mật. Thế là đã rõ: Hóa ra sáu Ba-la-mật của Bồ-tát chính là thành tựu viên mãn ở những việc lau ghế, quét nhà, giặt áo, nấu cơm.
Đây chính là học hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát đã được Thiện Tài đồng tử biểu đạt trong kinh Hoa Nghiêm.
Bạn làm tốt việc nhà, tức là làm tấm gương cho tất cả những người phụ nữ nội trợ trên thế gian, làm tấm gương cho tất cả những gia đình. Điều này có thể độ láng giềng, mở rộng hơn thì có thể ảnh hưởng đến xã hội, quốc gia và thế giới, cho đến tận cùng hư không, khắp cả pháp giới. Như thế mới biết nữ nội trợ Bồ-tát ở trong nhà làm các việc: quét nhà, lau bàn, nấu cơm, giặt áo chính là thực hành đại nguyện, đại hạnh độ tất cả chúng sinh trong tận cùng hư không, khắp cả pháp giới. Đây là học Phật, là chính niệm, là thật tướng của các pháp, nếu có thể quán sát như thế thì pháp hỷ sung mãn, làm sao còn có thể phát khởi lên phiền não? Dùng cách làm việc này áp dụng ở công ty, cũng là tu sáu Ba-la-mật.
Tu học Phật pháp nhất định phải thực hành ngay trong đời sống, nếu không thực hành ngay trong đời sống thì không có chỗ hữu dụng. Nếu có thể hiểu rõ điểm này ngay trong mỗi ngành nghề, Bồ-tát thị hiện các loại thân hình nam, nữ, già, trẻ không giống nhau. Tu học tức là ngay ở bổn phận trong cuộc sống, bình đẳng không có hai, tất cả đều là thứ nhất, không có thứ hai. Nếu sống được như thế thì có thể viên mãn, khắp nơi đều tự tại.