Cảm xúc Vu Lan!

Nói tới ngày Vu Lan có lẽ xa lạ với số đông bạn trẻ ngày nay, bởi họ quan niệm đây là chuyện về Tôn giáo nên không quan tâm! Vâng Vu Lan thắng hội là một trong 3 ngày lễ chính trong Nhà Phật nhưng thử xét về ý nghĩa của nó coi, bạn có nên gạt mình ra ngoài hay không? Hãy trả lời tôi một số câu hỏi:

1)Bạn có cha mẹ không?

2) Bạn có bao giờ nghĩ tới công lao của cha mẹ chưa?

3) Bạn đã làm được gì cho cha mẹ vui lòng, một niềm vui trọn vẹn chưa?

….

Vâng! Ai sinh ra trên đời cũng có 2 đấng sinh thành đó là 2 người mà bạn gọi là cha và mẹ! Nói gì thì nói nhờ 2 người mà lúc đầu bạn chẳng quen biết gì này mà bạn có mặt trên cõi đời. Họ là người mà bạn nhìn thấy đầu tiên sau khi chào đời. Một người thì cho bạn bú nớm khi bạn khóc vì đói, 1 người thì luôn cưng nựng bạn… lúc đó bạn có nghĩ, có tự hỏi ” họ là ai?”. Tôi chắc lúc đó bạn còn quá bé để nhận biết, suy nghĩ mọi chuyện chỉ biết rằng… họ tốt với mình nên cười với họ. Nụ cười của bạn làm họ ấm áp, khiến họ hạnh phúc lắm bạn biết không? Theo thời gian, là công lao chăm bẵm, mồ hôi , sự lo lắng của họ dành cho bạn, nên bạn lớn lên từng ngày,… lớn rồi sao? Khi bạn biết nói bạn gọi ba.. mẹ. Tôi chắc chắn rằng chẳng người làm cha , làm mẹ nào không khỏi vui mừng hạnh phúc khi đứa con mình gọi tên mình. Họ bắt đầu dạy bạn nói, những câu nói đầu tiên, những câu nói đơn giản nhất là ” ạ”, “da.”, ” ba ơi”, mẹ ơi..”, ông bà”. Rồi lớn lên xíu nữa, họ dạy bạn học… học ăn, học nói, học hát, học kiến thức. Họ cho bạn đến trường.. đầu tiên là mẫu giáo, rồi cấp 1, cấp 2… cho tới khi bạn không muốn đi học nữa. Tại sao họ phải làm vậy? Chỉ bởi họ mong muốn hi vọng bạn sẽ trở thành một người thành đạt, một người giỏi, có ích cho xã hội và một chút gì đó cho riêng họ là ” làm cho họ hạnh diện” . Điều này có quá đáng không? Không hề, bạn cứ thử làm cha mẹ sẽ hiểu tâm tư của họ! Họ mong bạn phải hơn họ, phải được sung sướng hơn, vui vẻ hơn! Tất cả cũng chỉ bởi bạn là con họ. Vâng là con họ vậy thì cũng đồng nghĩa họ là cha mẹ bạn! Từ khi bé tới lớn, cha mẹ cho bạn biết bao nhiêu thứ bạn có biết không? Chăm lo cho bạn những khi ốm đau bệnh tật, giặt cho bạn những bộ quần áo lấm lem bùn đất khi đi chơi, nấu cho bạn từng bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng… cứ như vậy, họ tự cho đó là công việc của mình và làm chăm chỉ cần mẫn không một lời kêu than mấy chục năm trời, cho khi bạn lớn lên…cứ tưởng sẽ đỡ gánh nặng nhưng đâu biết rằng nỗi lo của cha mẹ còn nhiều hơn khi bạn bé gấp trăm nghìn lần! Bạn cứ tưởng giặt cho ba mẹ được bộ quần áo, nấu cho ba mẹ được bữa cơm là to tát… sao bạn không nghĩ tới công lao ba mẹ nuôi bạn tới giờ để bạn đứng đó mà kể công? Con lớn đồng nghĩa với sự suy nghĩ cũng lớn theo, bạn đã là người biết suy nghĩ, bạn muốn chứng minh mình là người lớn, bố mẹ quan tâm nhiều chút là bạn gắt, bạn hờn dỗi , cho rằng bố mẹ nói nhiều, con biết rồi khổ lắm nói mãi. Vâng nói mãi thế đó vậy mà bạn có nghe được 10% thì ba mẹ bạn đã mừng lắm rồi! Bạn luôn muốn thể hiện mình, làm những gì mình thích, không muốn ba mẹ kìm kẹp,muốn sống tự do, thoải mái theo ý mình, để rồi… khi sa chân lỡ bước, không biết đi đâu nữa, khi tất cả xa lánh thì bạn lại tìm về với nơi bạn đã từng ra đi, về với những con người mà bạn cho là…. cổ hũ đó! Vâng, chẳng có cha mẹ nào không thương con, hổ dữ cũng không ăn thịt con, dù bạn có làm sao thì cha mẹ vẫn theo ban,vẫn yêu thương bạn.

” Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”

Lòng cha mẹ bao la rộng lớn là vậy nhưng có được bao nhiêu người con hiểu và đền đáp ơn sinh thành dưỡng dục đó! Xã hội ngày càng phát triển, con người chạy theo đồng tiền, bị đồng tiền chi phối, họ cứ nghĩ mang tiền về cho cha mẹ chính là đang thực hiện chữ hiếu trọn vẹn, là trả ơn sinh thành của cha mẹ! Cha mẹ bạn đã sống cả cuộc đời lam lũ, chịu khổ để nuôi bạn nên người hơn ai hết nhìn thấy bạn thành đạt họ vui mừng và hãnh diện vô cùng nhưng cái mà họ cần lại không phải là những đồng tiền vô tình đó. Cái họ cần chính là sự quan tâm săn sóc của con cháu lúc cuối đời, được sống trong cảm giác được yêu thương khi cả đời đã yêu thương bạn! Có ai đó từng nói ” người già cũng khó chiều như con nít”. Phải … đây là 2 giai đoạn tuổi tác hoàn toàn trái ngược nhau nhưng tâm lý gần giống nhau, đều cần được yêu thương chiều chuộng nhiều hơn! Bạn có hiểu được điều đó, có thể làm được không?

Trong Nhà Phật có câu nói : ” Gỉa sử có một người 2 vai, 1 vai gánh cha, một vai gánh mẹ cứ thế đi , đi mãi cho tới lúc chỉ còn da và xương.. hay không còn gì nữa thì cũng chưa thể đáp đền hết công lao của cha mẹ”. Trong kinh Tăng Chi, Phật có dạy rằng :” Những ai đền đáp ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng của cải vật chất tiền bạc, thì không bao giờ đủ để đền đáp ân cha mẹ. Nhưng này các Tỳ Kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam bảo, thì khuyến khích có lòng tin Tam Bảo, đối với cha mẹ sống tà giới thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi lòng tham, thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến, cho đến như vậy này các Tỳ Kheo, là làm đủ và đền đủ cho cha và mẹ.”

Nói như vậy, một số người sẽ nói rằng, giúp cha mẹ những cái đó không dâng cúng tiền tài thì cha mẹ sống được không? Tôi thử hỏi :” không có bạn, cha mẹ bạn có sống được không?” Họ vẫn tồn tại theo qui luật tự nhiên ” thành , trụ, hoại, không” Có thể có bạn khiến cuộc đời họ vui lên một chút, nhưng đôi khi cũng khiến họ đau khổ nhiều hơn một chút! Những của cải vật chất bạn đem lại đối với bạn là quí, vâng,… vì đó là mồ hôi công sức của bạn nhưng bạn nghĩ lúc đó cha mẹ bạn có cần những thứ đó nữa không? Họ biết sắp gần đất xa trời…họ còn mong cầu những thứ đó làm gì? Chết bạn có chôn theo họ cũng đâu có sử dụng được? Không biết chừng bạn lại chính là người đào lên bởi đó mới là những thứ bạn cần! Cái mà cha mẹ bạn cần khi còn sống là sự ấm áp yêu thương và hơn hết là con đường chánh đạo, biết qui kính Tam Bảo, biết tu thân hành thiện, làm lành lánh dữ. Tới một lúc nào đó nhân duyên hội đủ, cha mẹ bạn sẽ có những quả báo an lạc, hạnh phúc ngay tự thân! Nếu chúng ta làm được như thế thì chúng ta xứng đáng là người con có hiếu!

Hàng phật tử luôn biết rằng : ” Tâm hiếu là tâm Phật, Hạnh hiếu là hạnh Phật!” bởi:

” Cha già là Phật Thích Ca
Mẹ già như thể Phật Bà Quan Âm
Nhớ ngày xá tội vong nhân
Lên chùa lễ Phật đền ơn sinh thành”

Vâng, cha mẹ chính là 2 vị Phật sống trong cõi Ta Bà này mà ta cần lễ kính! Mỗi độ thu sang, tháng 7 về lại khiến tâm chúng ta không khỏi thổn thức khi nhớ về cha mẹ. Khi được cài lên ngực bông hoa hồng, chúng ta phải hãnh diện rằng, chúng ta còn hạnh phúc vì còn cha còn mẹ để báo hiếu. Những giọt nước mắt rơi xuống của những người con không còn cha mẹ thật xót xa, ai nhìn thấy chắc cũng không kìm được lòng. Có những đứa trẻ mới sinh ra đã không biết mặt cha mẹ, có những người khi mất cha mẹ rồi mới thấy hối tiếc vì chưa làm được gì cho cha mẹ. Lúc này, giọt nước mắt nhỏ xuống có muộn màng không? Không đâu ạ, hãy làm việc thiện từ hôm nay, ngay bây giờ. Hãy tu tâm theo lời Phật dạy và hồi hướng công đức của mình tới cho cha mẹ , những người không chỉ trong cõi hiện tại mà còn vô lượng , vô số kiếp từng có duyên làm cha mẹ mình. Ai còn sống thì được an lạc, biết tin chánh Pháp tu hành giải thoát. Ai đã mất thì được siêu sinh tịnh độ. Nguyện cầu cho đời đời kiếp kiếp đều có nhân duyên với Phật Pháp, biết tin kính Tam Bảo để có thể tự tìm được chốn an lạc cho riêng mình!

“Không bao giờ là quá muộn. Hãy bắt đầu ngay khi có thể!”

Kết thúc bài viết, tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ, xin gửi tặng các bạn:

“Đôi vai mẹ mòn mỏi thân cát bụi
Gánh tình thương rong ruổi giữa chốn đời
Hạnh phúc nào khi đang còn có mẹ
Bất hạnh nào khi mẹ đã ra đi
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Mẹ ta còn chớ để xót xa
Hoa này tàn có hoa khác nở
Mẹ mất rồi muôn thuở tìm đâu?”

BX.

(Trường ĐH Thăng Long – Hanoi)