Thời gian có bao giờ trở lại? Có chăng thì chỉ là những hoài niệm và ký ức của quá khứ…! Có người nói, mỗi một ngày trải qua sẽ là một câu chuyện ngắn của cuộc đời. Trong những câu chuyện đó, có thể là hạnh phúc có thể là buồn khổ và cùng có thể là ray rứt, xót xa. Nếu đem những cảm xúc, những khoảnh khắc và những suy tư này ghi lại, thì chúng ta sẽ không cần phải tốn công đi tìm kiếm trong kho tàng trí nhớ.
Tôi không phải là người có thói quen viết hàng ngày, nhất là với cách thức thổ lộ tâm sự với một tờ giấy trắng, phương cách đó làm tôi rất khó chịu! Nhưng gần đây tôi lại có cảm hứng ghi chép lại những lời hay, chuyện đẹp, cho đến những học hỏi hoặc những bài học vừa được trong đời sống hàng ngày.
(Kính mời quí vị cùng chúng tôi chia sẻ những dòng nhật ký của Ah Yin, một Phật tử người Việt gốc Hoa ở Australia)
Vị Bồ-tát trong đời thường
Ngày 12/12/2010, trưa, tại Harden
Hôm nay theo phái đoàn đến viếng các địa điểm náo động về sự kiện giết hại nhóm người Hoa di dân đầu tiên trong mỏ vàng vào năm 1861. Tuy mình đã từng nghe nhiều sử tích về ‘chính sách bạch chủng’ hay chủng tộc kỳ thị trong cộng đồng người Hoa, nhưng hôm nay mình mới được đến tận nơi để chứng kiến những di tích dã man này của lịch sự. Trong lòng cảm thấy buồn buồn, nhất là khi thấy cảnh hoang tàn của bãi tha ma, dành cho những nạn nhân đã bị người đời quên lãng!
Người phụ trách tổ chức ngày kỷ niệm 150 năm của sự kiện báo động này là một phụ nữ trung niên, ăn mặc quê mùa, thô sơ, nhưng rất lịch sự. Người nói: “Trong đầu năm, chúng tôi đã gây quỹ được gần $1200, và chúng tôi đang dự định tiếp tục gây thêm trong năm tới, để xây đắp lại những mộ bia này. Thấy tội cho họ quá, đã bị chết oan, lại không một chỗ yên thân cuối cùng! Tôi thỉnh thoảng có đến giẫy cỏ và dọn dẹp, tình cảnh bây giờ đã đở hơn xưa nhiều!…”. Mình tưởng bà ta là nhân viên thuộc một cơ quan quản lý di sản nào đó của nhà nước, nhưng khi về đến nhà bà ăn cơm tối, thì mới biết bà chỉ là một trong những người phục vụ tình nguyện cho cộng đồng đa văn hóa.
Gia đình bà ở trong một nông trại nhỏ gồm có 350 cây olives và là nguồn sản xuất dầu olive cho địa phương và các vùng kề cận. Bà không mướn người làm, từ công việc thu hoạch, chế dầu cho đến đóng gói, vợ chồng bà đều tự làm lấy. Chẳng những vậy, bà có một cái art & craft shop nhỏ ở thị trấn, chuyên bán những sản phẩm công nghệ địa phương, và dĩ nhiên đó cũng là chỗ bán lẻ cho dầu olive của bà. Nhà bà là nhà cổ, khá to và rất có mùi vị nông thôn. Bên trong rất sạch sẽ và chưng bày rất nhiều thủ công nghệ do chính tay ba làm ra. Không những vậy, từ miếng rau, bẹ cải, hột trứng gà, cho đến những món ăn như mứt ngọt, đồ chua, đều là đồ sản xuất từ mảnh vườn nhỏ ở sau nhà. Một ngày 24 tiếng, bà đã làm việc hết 17 tiếng. Công việc hàng ngày của bà bắt đầu từ 6 giờ sáng mãi đến 11, 12 giờ đêm. Người bận rộn đến mức độ này, nhưng vẫn có thời giờ và tâm tư phục vụ cho những tổ tiên mồ mả của người ta, chẳng những khác chủng tộc mà cũng là những người bà không hề quen biết, thật đáng khâm phục!
Mỗi lần về chùa, thấy biết bao nhiêu người (bao gồm mình trong đó) quỳ lạy và gỏ đầu bồm bộp dưới tượng của chư vị Bồ Tát, nhưng có mấy ai có thể thực hành được hạnh của Bồ Tát như bà. Người phụ nữ nông thôn này thật đáng cho người đời noi gương và kính ngưỡng!
Chiếc hộp thật thà
Ngày 19/12/2010, sáng, tại Harden.
Hôm nay là ngày tự do hoạt động của mọi người sau một ngày mệt mỏi hôm qua. Mình rủ người bạn lái xe tà tà chơi và sẵn đi hái trái cherries trước khi khởi trình về Sydney.
Trên đường về hướng ngoại ô, mình thấy có vài cái sập bán hàng nho nhỏ, chuyên bán sản phẩm của ‘cây nhà là vườn’ như trứng gà, mật đường, cherry pies, dầu olive vv… Nhưng những cái sập đó lại không có người đứng bán! Người mua chỉ cần bỏ tiền theo giá quy định vào một cái hộp nhỏ có hàng chữ ‘chiếc hộp thành thật’ (honour box). Hộp đó không khóa, nếu khách hàng không tiền lẽ, người có thể tự do mở hộp để lấy lại tiền thối. Những người du khách như tôi rất kinh ngạc nên đua nhau chụp hình để làm kỷ niệm, vì đó là một đại kỳ quán của xã hội ngày nay! Chiếc hộp thành thật làm mình nghĩ đến cảnh tượng của một xã hội Tiểu Khang mà Khổng Tử đã đề cập hơn hai ngàn năm về trước. Khi đọc bài ‘Đại Đồng và Tiểu Khang’ của ngài, có khi nào mình nghĩ một xã hội lý tưởng như vậy có thể thực hiện trên cõi đời này!
Mình cảm thấy không khí ở đây rất trong lành, luôn đến nhất thảo nhất mộc cũng gồm một khí chất đặc biệt. Người ta thường nói: địa linh nhân kiệt. Vì đất đai phì nhiêu, đầy linh khí, nên mới xuất hiện các bậc nhân tài xuất sắc. Nhưng ở đây lại là ‘nhân linh địa kiệt’… theo mình nghĩ, chính vì tâm hồn trong sạch của những người dân địa phương đã làm cho mảnh đất này trở nên một cỏi cực lạc của ta bà. Mình nhắm mắt lại thật lâu để tận hưởng những giây phút an lành xuất thế này, và hy vọng sự tinh khiết của bầu không khí, có thể tẩy đi một phần ô trược mà mình đã đem theo từ thành thị…
Những ngày tu của Mẹ
Ngày 03/01/2011, xế chiều
Vừa sang chùa rước mẹ về, vì hôm nay là ngày cuối cùng của khóa tu ngắn hạn. Khi vào đến nhà thì thấy trên mình mẹ thuốc dán đầy mình. Hỏi lại mới biết mẹ bị bịnh giày vò trong mấy ngày qua…
Nguyên nhân là mẹ bị thiếu ngủ, vì đồng hồ trong tiểu bang của mẹ chậm hơn Sydney 3 tiếng, giờ công phu sớm của khóa tu chỉ là giờ mẹ bắt đầu lên giường nghĩ ngơi khi còn ở bên nhà. Đồng thời bệnh phong thấp đột nhiên bị tái phát!… mẹ bị phong thấp đã lâu năm, không thể nằm xuống hay trỗi dậy trên chiếc giường hai từng được phân phát một cách dễ dàng, nhất là chiếc giường từng dưới, chiều cao không được thoải mái! Mẹ được một vị Sư Cô dẫn đến ngủ trong phòng riêng ở dưới hầm và vị Sư Cô rất tốt, có ý nhường chiếc giường lại cho mẹ, nhưng mẹ ngại không chịu nhận. Thế rồi hơi đất của hầm nhà xâm nhập vào tận xuơng tận cốt, làm cho đau nhức tột cùng!
Đối với mình, sức khỏe là vàng, nên mình liền hỏi mẹ sao không lên bạch với Thầy. Mẹ bảo: “Còn à, đi tu chớ đâu phải đi holiday! Một trong những mục đích của khóa tu ngắn hạn là để ta nếm thử đời sống của một vị tu sĩ – một đời sống quy luật, nghiêm chỉnh, nhất là phải biết chịu cực, biết nhường nhịn và biết sống hòa đồng với mọi người xung quanh mình… chớ còn ăn chay, thọ giới, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, nghe pháp, ở nhà làm cũng được thôi.”
Hàng ngày mình chỉ thấy mẹ ngồi niệm Phật, bất quá mỗi tháng về chùa lạy sám hối hai lần, ít khi thấy mẹ nghiên cứu kinh điển và học hỏi về giáo lý. Nhưng hôm nay mình mới thấy người chỉ ngồi niệm Phật chưa hẳn là không hiểu nhiều về đạo pháp! Chính vì những giây phút nhất tâm bất loạn trong lúc trì niệm danh hiệu của Phật, đã làm cho tâm của con người được bình thản, yên tịnh và một khi tâm không vướng bận về ngoại duyên ngoại cảnh, trí huệ tự nhiên trở nên sáng suốt.
Đây là một lý giải rất đơn giản, nhưng đến nay mình mới hiểu được! Đột nhiên mình lại nghĩ đến bài giảng của Hòa Thượng Tuyên Hóa về Hạnh Của Người Xuất Gia:
“Phải bốn người xuất gia trở lên cùng sống chung hòa hợp thì mới gọi là Tăng-đoàn. Ðó là ‘hòa giai cộng trụ’, không tranh không chấp. Một người xuất gia sống đơn độc không thể gọi là Tăng. Người xuất gia phải nghiêm trang gìn giữ bốn oai nghi – đi, đứng, nằm, ngồi. Nên nói: Ði nhẹ như gió, ngồi vững như chuông, đứng thẳng như cây thông, nằm như cung tên… Cao-tăng thuở xưa đều ngộ Ðạo trong khi tu hành khổ hạnh. Không một vị Tổ-sư nào khai ngộ trong khi hưởng thụ – tìm trong Ðại Tạng Kinh không thấy có một vị nào như thế cả.”
Phật dạy các Tỳ-kheo “nhật trung nhất thực, thọ hạ nhất túc”, mỗi ngày một bữa cơm, mỗi đêm một gốc cây. Đây chính là đời sống căn bản của một tu sĩ.
Tang sự…
Ngày 04/01/2011, sáng
Hôm nay không những là ngày đầu tiên trở về làm việc mà cũng là ngày đám tang của một người bạn trẻ! Trong người cảm thấy mệt mỏi, buồn bã, chán nản, ê chề…
Tin người bạn ra đi đến trong lúc mọi người đang lăng xăng đón mừng Noel và năm mới. Vì tin đến quá đột ngột, nên chưa kịp và cũng không tiện dò hỏi về lý do cái chết bất thình lình. Đến ngày đưa đám mới biết người bạn này đã quyên sinh. Tuy là bác sĩ, nhưng cũng như những bịnh nhân tầm thường khác, cô ta bị lâm vào bịnh post-Pregnancy Depression Syndrome (bịnh tâm thần sau khi sinh sản). Người bình thường uống thuốc tự vẫn thì còn cơ hội cứu chữa, bác sĩ uống thuốc tự vẫn thì sao cứu được!
Anh chị em và bà con xa gần của người bạn này đa phần là phục nghiệp trong ngành y, nào là bác sĩ, nào là chuyên khoa, nào là nhà tâm lý, cho đến bác sĩ chuyên gia về bệnh tâm thần cũng có… Nên phải biết, mọi người trong gia đình cô đã đóng một vài trò rất hoàn thiện trong sự đốt ngọn đèn xua tan bóng tối. Nghe nói, cô ta đã được rất nhiều hướng dẫn của chuyên khoa, trợ giúp của bạn bè và những người đồng nhiệp, nhưng tất cả đều thất bại trong công việc níu kéo một linh hồn trẻ đang đứng giữa lằn ranh của sự chọn lựa.
Không ai có thể ngờ được, một người tài hoa xuất chúng, tương lai sáng lạng, chồng hiền con thảo, giàu sang phú quý, có thể nói là một đời mỹ mãn đầy hạnh phúc mà tất cả mọi người đều mong cầu, lại chọn lựa cho mình một con đường cùn không lối thóat.
Trong phòng truy điệu giữa đám đông, tự nhiên cảm thấy mình rất may mắn! May mắn vì trong những ngày bị cơn bệnh tâm thần giày vò trên tinh thần lẫn thể xác, bác sĩ, gia đình, bạn bè đều lo sợ mình bị lâm vào cảnh gới ‘màu đen’. Nhưng không hiểu sao tự trong tận đáy lòng, mình không có một mảy may ý định nào về vấn đề quyên sinh. Có thể đây là sự khác biệt của người hiểu đạo vào không hiểu đạo. Trong đạo Phật, tội tự sát hại thân thể chẳng khác gì tội sát hại sinh vật khác. Tất cả những sự buồn khổ, lo âu, tật bịnh trong cuộc đời đều là nghiệp phải trả. Kết thúc sinh mạng này chỉ là sự bắt đầu của một sinh mạng khác… sinh sinh diệt diệt, nhân quả luân hồi, chạy đâu cho khỏi!
Tư tưởng mình bị gián đoạn khi âm nhạc tiễn đưa cuối cùng được phát ra, điệu nhạc chậm chạp và buồn hiu… làm cho mọi người đều rơi lệ! Khổ cho đứa bé gái 2 tháng vẫn còn ngủ say mê bên bầu sữa trên chiếc xe pram, trong khi mọi người đang âm thầm đưa tiễn người mẹ một chuyến ra đi không trở về…
Một bài thơ tình
Ngày 7/01/2011, trưa, trời nóng.
Tình cờ đọc một bài thơ rất hay: Tôi Yêu Em – Bài thơ tiếng Nga của đại thi hào Puskin (do Thúy Toàn dịch)
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em
Cái hay của bài thơ này không phải ở nơi văn chương mà là sự biểu hiện của một tình yêu cao thượng. Chúng sinh bị trầm luân trong bể khổ chỉ vì cái chấp ngã chấp ta. Những gì thuộc về mình hoặc ngay cả những gì không thuộc về mình, ta đều muốn tranh dành rồi bo bo gìn giữ. Và chính vì cái lo sợ bị mất đi những gì thuộc về ‘mình’, nhiều khi đã làm con người mất đi lý trí và ý nghĩ bị đưa vào những ngõ đường cùn không lối thoát, rồi sau đó trở nên cực đoan để rồi nổi lên những cơn ghen cơn giận như một người điên cuồng. Thử hỏi có mấy ai làm được ‘Cầu em được người tình như tôi đã yêu em’. Phật đã từng dạy: “Ta là Phật đã thành; chúng sinh là Phật sẽ thành”. Tự nhiên mình cảm thấy cái ‘sẽ’…. xa vời quá!
Người Mẹ và Danh dự
Ngày 09/01/2011 – trưa, khí hậu oi bức.
Hôm nay vừa được một quyển chuyện ngắn mới xuất bản của Y Ban và đó là món quà Michael đem tặng sau chuyến holiday tại Việt Nam. Chưa kịp ăn trưa là đem ra đọc, và Y Ban đã không làm mình thất vọng, bài viết đầu tiên ‘Danh dự’ là một bài viết thật hay.
Câu chuyện xảy ra vào lúc chiến tranh ở Hà Nội. người mẹ là một người nổi tiếng về công thương trong ngành ăn uống và đã từng đoạt được nhiều giải thưởng trong nước. Bà ngoại là người rất xem trọng về tiếng tăm danh dự của gia đình. Người luôn giáo dục con cháu trong nhà phải ăn ở đàng hoàng, để gia đình khỏi bị mang tai mang tiếng với đời. Nhưng một hôm… người mẹ lại bạo dạn làm một việc trái với gia giáo trong nhà…. Bà đã ăn cắp những miếng thịt vụn khi trổ tài trong cuộc thi tòan quốc. Sau khi sự kiện bị phát giác, bà đã bị đuổi ra khỏi ngành và ra khỏi công ty làm việc. Bà buồn bã, ngã bịnh hơn ba tháng. Sau khi lành bịnh, bà quỳ gối xin tội với mẹ và nói rằng, bà không hối hận những gì mình đã làm, bà thấy lũ con thèm thịt quá, tội cho chúng nên đã làm liều. Đến nay, lũ con đã trưởng thành, không sầu ăn uống, có đứa còn phải kiêng ăn vì quá béo phì. Nhưng họ vẫn còn nhớ nồi thịt vụn kho của mẹ – một nồi kho hấp dẫn, tuyệt vời nhất trên đời! Và họ vẫn còn nhớ những câu thì thầm với nhau trong bữa ăn đó: “Sao mẹ không đem về miếng thịt lớn tí?!”
Trong đoạn cuối Y Ban đã đưa ra một câu hỏi: Đối với một người đàn bà, danh dự quan trọng hơn hay là những miếng thịt vụn cho lũ con quan trọng hơn? Chính vì những câu hỏi không được trả lời này, đã làm cho cuộc đời chúng ta đầy bí ẩn và mơ hồ!
Ah Yin 13/01/2011