Tôi vốn là người Việt gốc Hoa, Nam Thiên Tự là ngôi Chùa tôi và gia đình thường đến. Đã từ lâu, lâu đến nổi không còn nhớ sự trôi đi của thời gian, tôi ít khi về thăm viếng các ngôi Chùa Việt Nam. Nhớ lại năm rồi, cũng vào ngày hôm nay tôi được dịp theo người bà con sang ăn một bữa cơm chay tại Chùa Phước Hậu vùng Cabramatta Sydney.
Chùa này chưa được phát triển và vẫn còn thao tác trong cách thức của một dân cư bình thường. Dĩ nhiên so với công trình kiến trúc nguy nga lộng lẫy của Nam Thiên Tự, chánh điện, nhà Tổ, nhà trù của Chùa này đều rất thô sơ và nhỏ hẹp… Nhưng không hiểu sao tôi lại có cảm giác như đã về nhà, về đến ngôi Chùa thân yêu ngày xưa ở Việt Nam… nhất là khi thấy cảnh tượng trong vườn, kiểu xây đúc của tượng Phật Thích Ca và bức tranh của cây Bồ Đề ở sau lưng Ngài… tôi mường tượng như về đến những ký ức trong dĩ vãng! Khi quay sang qua nhà Tổ bên phòng kề cận, tôi càng cảm thấy phấn khởi, vì hiện ra trước mắt là bức tượng của Tổ Đạt Ma, chân đạp một cành cây, vai quải chiếc dày với cây gậy, đang thong dong vượt trôi trên dòng sông cứu độ! Đã bao nhiêu năm định cư tại Úc, lần đầu tiên tôi được gặp lại bức tượng này, một bức tượng tôi không hề quên vì đó là bức tượng được thờ trong Tu Viện Huệ Quang của Thầy tôi.
Khi đến trước bàn lễ bái, bất chợt tôi gặp lại một gương mặt rất thân thiết – gương mặt này đã in sau vào trí nhớ từ lúc tôi còn niên thiếu, và đó là gương mặt của Thầy tôi. Sau bao năm gặp lại, không ngờ đã trở thành thiên thu vĩnh biệt, còn lại chỉ là di ảnh của Thầy đang được thờ phụng trong ngôi Chùa ở góc biển xa xôi của một xứ lạ quê người! Tôi vô cùng phấn khích! Tôi đã rất cố gắng để kiềm chế niềm xúc cảm trong lòng mình, nhưng không hiểu tại sao, nước mắt vẫn tuôn trào như mưa đổ. Khi đến gặp Thầy trụ trì (Thầy Quảng Nghiêm) thì được biết: sư phụ của Thầy là huynh đệ đồng môn của Thầy tôi. Không biết phải việc xảy ra trùng hợp hay là Thầy đã hiển linh dẫn dắt tôi về gặp Thầy, ngày đó chính là ngày 28 tháng giêng – tức ngày giỗ của Thầy, và cũng là một ngày sau ngày sinh nhật của tôi.
Còn nhớ lần cuối cùng về thăm Thầy vào năm 1989, Thầy bảo: ‘Hai năm trước Thầy bị bịnh, tưởng là đã chết, nhưng không ngờ còn cơ duyên gặp lại con. Thầy mừng lắm! Sao con lại gầy đến thế?’ Tôi chỉ dùng những tiếng cười để che đậy sự xót xa trong lòng và thưa với Thầy là mình sợ mập, kiên ăn kiên uống! Thật ra lúc đó tôi đã bị bịnh tâm thần (mental depression) giày vò triền miên, năm này qua tháng nọ, mất ăn mất ngủ! Khi biết Việt Nam bắt đầu mở rộng cửa cho Việt kiều về nước, tôi liền xin phép bác sĩ cho về thăm Thầy một chuyến, vì sợ một ngày kia tôi không còn sức khỏe để du hành.
Sau khi về Úc, bịnh tình tôi chuyển nặng, sống nay chết mai! Tôi vội viết thư cho Thầy, nói là mình chán đời, muốn trốn đi thật xa… Không bao lâu, tôi nhận thư trả lời của Thầy, nhưng bức thư đó không phải là bút tích của Thầy mà là chữ viết của Thầy Cảnh (Hiện là Hòa Thượng Thích Minh Cảnh – Đương kim viện viện chủ Tu Viện Huệ Quang). Tôi liền đoán biết Thầy đã ngã bịnh, và bịnh tình rất trầm trọng! Vì Thầy đã kiệt sức, không còn khả năng viết được! Tôi vô cùng xúc động vì không ngờ trong những giờ phút cuối cùng, Thầy vẫn còn nhớ đến người đệ tử lưu lạc ở xứ xa này! Đêm đó tôi khóc thật nhiều, mong cho mình có thể trổi dậy hay mọc ra hai cánh để bay về gặp Thầy lần cuối, nhưng lúc đó tôi đã như ngọn đèn trước gió, hiu hắt, kiệt quệ! Chứng bịnh biếng ăn (anorexia) đã làm tôi mất đi tất cả sinh khí trong người! Tuy vậy đầu óc tôi vẫn còn rất tỉnh táo và tận từ trong sâu thẳm tâm hồn, tôi cảm thấy một nỗi buồn man mác: không biết mình sẽ ra đi trước Thầy hay không? Văng vẵng bên tai tôi lại nghe lời dạy của Thầy: “Sinh lão bịnh tử là định nghiệp của chúng sanh, hãy bình thản đón nhận những gì đã đến, sẽ đến và phải đến!”
Còn nhớ hồi xưa theo mấy dì về Chùa, tôi mới lên mười và vì ngôn ngữ bất đồng, những lời giảng dạy của Thầy, tôi chỉ nghe tiếng được tiếng không. Có khi tôi ngủ gật, có lúc lại đòi về, thỉnh thoảng tôi bỏ đi ra dạo chơi ngoài sân Chùa và đó cũng là lúc Thầy đem bánh kẹo đến cho tôi. Thời gian thấm thoát trôi qua, Việt ngữ của tôi cũng dần dần tiến bộ, và càng ngày tôi càng cảm thấy những cổ tích Phật Giáo, những chuyện ngắn trong thiền môn rất là thú vị. Vài năm sau Thầy truyền Bồ Tát giới cho tôi và tôi bắt đầu theo Thầy học đạo, từ pháp thiền quán, sổ tức quán, cho đến văn học, triết học, duy thức học… từ chữ Hán đến chữ Việt, Thầy đều dạy tôi.
Sau ngày giải phóng miền nam, tôi có dịp gũi Thầy nhiều hơn, vì tôi phải thay thế một người nhà đi đào con kênh tại đầm sen ở gần tu viện. Thầy đã chăm sóc từng miếng ăn thức uống cho tôi, nhất là lúc khi tôi bị cảm nắng bên ngoài đồng. Sau đó Thầy nhập thất sáu tháng, và tôi đã xin phép mẹ cho tôi hộ thất Thầy. Tôi bắt đầu học đi chợ, nhúm lửa, nấu cơm và phải nấu cho kịp giờ thọ trai ngọ của Thầy.
Vào năm 1978, tôi được giấy xuất cảnh theo gia đình di dân đến Hồng Kông. Còn nhớ ngày về thăm Thầy trước khi ra đi, tôi lên đảnh lễ và dâng lên Thầy một ly trà nóng. Lúc đó tôi không còn kiềm giữ được sự xúc động trong lòng và đã ôm lấy Thầy khóc thật lâu. Nước mắt Thầy cũng rưng rưng, và lần đầu tiên tôi thấy Thầy khóc!
Đến nay đã đi hơn nữa đời người, tôi không thể hình dung cuộc đời mình và tư tưởng mình sẽ như thế nào nếu không có Thầy? Những lời dạy của Thầy đã trở thành ngọn đèn soi sáng và cũng là một nguồn sức mạnh để đánh phá những cơn bịnh triền miên trong bóng tối. Tôi còn biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn Thầy – Thầy đã hướng dẫn tôi từ ‘đời’ đến với ‘đạo’, từ cái ‘biết’ đến với cái ‘hiểu’, tự sự ‘tiếp nhận’ đến với sự ‘thực hành’ trong đạo pháp.
Hôm nay lại là ngày giỗ của Thầy, trong lòng nhớ Thầy da diết! Những hàng chữ trên chiếc máy computer; những tiếng réo kêu của điện thọai; những tiếng nhộn nhịp của bạn đồng nghiệp trong văn phòng đã dần dần trở nên xa xăm và mơ hồ… tôi mơ màng như về đến ngôi tu viện thân yêu ngày xưa của Thầy…
Tôi không thể về Chùa đảnh lễ Thầy trong ngày giỗ! Chỉ xin ghi lại những dòng kỷ niệm này, hy vọng sẽ làm bớt đi một phần tưởng nhớ. Văng vẵng bên tai, tôi nghe mang máng lời ca của Kim Sơn Giang:
…
Kính xin mượn một đoạn thơ tưởng niệm dưới đây để gởi đến Thầy:
Australia Ngày 28 tháng giêng năm Tân Mão