Ngày Xuân đọc thơ Phật Giáo

Thi tính phản ảnh thật rõ nét qua kinh sách cũng như phong cách của những người tu hành đã ảnh hưởng sâu đậm đến các sinh hoạt văn hóa của hầu hết các quốc gia Phật Giáo Á Châu. Thi phú nói chung có khả năng khơi động những xúc cảm sâu kín và thanh cao nơi con người giúp họ vượt lên trên các bản năng thô thiển và trói buộc của sự sống. Thi phú Phật Giáo nói riêng còn vượt xa hơn cả khả năng ấy bằng cách mang lại cho chúng ta một sự bén nhạy nào đó giúp chúng ta mở rộng con tim và tâm hồn mình hướng vào một bầu không gian cao đẹp, thanh thoát và tràn ngập yêu thương.

Sự mở rộng đó giúp chúng ta loại bỏ được mọi thứ lo âu và sợ hãi trong cuộc sống, hầu giúp chúng ta quán thấy được bản chất của hiện thực trong những thể dạng tinh khiết nhất của nó. Thi tính bàng bạc và thấm đượm trong mọi sinh hoạt tâm linh của những người tu hành cũng như trong tâm hồn của những người thế tục xuyên qua lịch sử phát triển lâu dài của Phật Giáo, và đã để lại cho chúng ta hôm nay một kho tàng thi phú thật dồi dào.

Trước hết chúng ta hãy đơn cử một vài thí dụ nói lên khía cạnh thi tính trong kinh sách và sau đó sẽ trích dẫn một vài vần thơ do những người tu hành trước tác xuyên qua không gian và thời gian trên dòng lịch sử Phật Giáo.

Trong Kinh Kim Cương có nêu lên một câu giảng đầy thi vị của Đức Phật nói lên bản chất vô thường và lệ thuộc của mọi hiện tượng trong thế giới, nhằm để cảnh giác tất cả chúng ta:

“Như những vì sao, những con ruồi đang bay hay ánh lửa của một ngọn đèn dầu,

Như một ảo giác ma thuật, một giọt sương mai hay một bọt bong bóng,

Một giấc mơ, một tia chớp hay một áng mây bay,

Đấy là cách phải nhìn vào mọi hiện tượng tạo tác từ những điều kiện trói buộc”

Câu giảng trên đây mang một nội dung triết học thật sâu sắc, thế nhưng những hình ảnh sử dụng lại thật hết sức giản dị và đầy thi tính. Sự giản dị và thi tính giúp cho câu giảng vượt lên trên mọi hình thức lý luận dông dài và mang lại những xúc cảm có thể đi thẳng vào con tim và cả lý trí của chúng ta. Thật vậy, những lời giảng huấn của Đức Phật luôn mang lại cho chúng ta một sức mạnh xúc cảm sâu kín và thiêng liêng. Sự sinh động đó đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và lưu truyền giáo huấn của Đấng Thế Tôn từ những thời kỳ truyền khẩu, sau đó là những tờ kinh bằng lá bối, mãi cho đến ngày nay với những phương tiện truyền thông tân tiến.Kinh điển bằng tiếng Pa-li ghi chép lại những lời giảng huấn của Đức Phật thường hàm chứa nhiều thi tính.

Thí dụ như bài kinh ngắn Aditta-sutta sau đây trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya, I, 41). Chữ Pa-li aditta có nghĩa là sự bốc cháy, do đó có thể tạm dịch tựa của bài kinh này là Bài Kinh về trận Hỏa Hoạn. Tuy đề cập đến một trận hỏa hoạn thế nhưng bài kinh lại là một bài thơ, và bối cảnh thuyết giảng cũng hết sức thi vị và thiêng liêng. Nơi vườn Kỳ Viên giữa đêm thanh vắng một tiên nữ từ trên không trung hiện ra, ánh hào quang từ trên cao tỏa sáng cả khung cảnh mênh mông. Tiên nữ đến đảnh lễ Đấng Thế Tôn đang ngồi thiền một mình trong đêm rồi lùi lại và ngồi sang một bên. Đấng Thế Tôn cảm ứng cho nàng tiên nữ hát lên một bài hát cho hàng ngàn thí chúng và các đệ tử của Ngài nghe, họ đang mơ màng và nằm rải rác trong khắp khu vườn rộng lớn. Sau đây là phần chuyển ngữ của bài kinh này dựa theo bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu:

“Tôi từng được nghe như vầy: Có một lần Đấng Thế Tôn đang ngụ tại tu viện của ngài Cấp Cô Độc (Anathapindika) trong khu vườn Kỳ Viên, gần thành Xá-Vệ (Savatthi). Vào lúc nửa đêm, hiện ra một nữ thiên nhân (devata) tỏa ánh hào quang chiếu sáng cả khu vườn. Vị tiên nữ tiến đến gần Đấng Thế Tôn, đảnh lễ rồi ngồi sang một bên. Sau khi ngồi sang một bên bèn cất tiếng hát lên bài hát sau đây:

“Khi căn nhà bốc cháy,
Những gì còn sót lại,
Là những vật đã cho.
Kìa của cải giữ lại,
Đang hóa thành bụi tro.
Cả thế gian bốc cháy!
Tuổi già thanh củi mục,
Cái chết ngọn lửa hồng.
Bảo toàn nhanh của cải:
Hiến dâng bằng hai tay.
Vật cho là quả ngọt,
Giữ lại, mối lo buồn:
Nào vua quan dòm ngó,
Nào kẻ trộm rình mò,
Hỏa hoạn, một đống tro.
Kìa thân xác bỏ lại,
Nằm kia cùng của cải.
Hỡi những ai tỉnh ngộ!
Nắm lấy hạnh phúc này,
Bằng hai tay để ngửa.
Hân hoan đôi bàn tay,
Dù chỉ là ít ỏi,
Một chút này hiến dâng.
Con đường nào rộng mở,
Cõi thiên nhân đón chờ”.

Rung động và thi tính thoát ra từ những lời giảng huấn của Đức Phật cũng đã truyền sang cho cả các đệ tử của Ngài, bởi vì chính họ cũng đã lưu lại cho chúng ta hôm nay những vần thơ thật tuyệt diệu. Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) gồm tất cả 15 phẩm, trong đó phẩm 8 mang tên là Trưởng Lão Tăng Kệ (Thera-gatha), phẩm 9 là Trưởng Lão Ni Kệ (Theri-gatha), cả hai phẩm này đều là những bài thơ rất súc tích. Xin trích dẫn dưới đây một vài đoạn trong Trưởng Lão Tăng Kệ, các đoạn này được xem là do Ma-ha Ca-diếp (Mahakasyapa) một đệ tử rất uyên bác của Đức Phật trước tác:

Dưới những đám mây xanh biếc,

Trong veo, xuôi dòng những con sông nước mát.

Hai bờ đầy những côn trùng (1),

Trông kìa rặng núi đá tôi mê say.

(…..)

Tương tự màu biếc hoa cỏ gai,

Giữa bầu trời mùa thu mây giăng,

Bay đầy những đàn chim đủ loại.

Trông kìa rặng núi đá tôi mê say.

Dãy đồi kia người thế tục nào đến đấy làm gì.

Chỉ có những đàn hươu thong dong,

Giữa trời, bay đầy những đàn chim đủ loại,

Trông kìa rặng núi đá tôi mê say.

Nơi này trong những hẻm vực nước tuôn,

Chỉ toàn vượn hươu lai vãng,

Mát rượi một thảm rêu phủ dầy.

Trông kìa rặng núi đá tôi mê say.

(1): nguyên bản tiếng Pa-li là indagopaka, từ điển tiếng Pa-li cho biết đấy là một loài sâu bọ màu đỏ từ dưới đất chui lên, có thể đây là những con giun đất (?).

(Dựa theo bản dịch của Nyanapotika Thera và Helmuth Hecker trong quyển Les Grands Disciples du Bouddha, Tập I, tr. 215-216). Cũng xin nhắc thêm là bài thơ này có thể là một trong những bài thơ xưa nhất của nhân loại vì đã được trước tác cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm (?).

Nếu hiện thực chỉ có thể cảm nhận được một cách trực tiếp bằng trực giác thì thi tính cũng chỉ có thể cảm nhận được bằng con tim của mỗi người. Mỗi bức tranh là một bài thơ câm lặng, mỗi bài thơ là một bức tranh không lời. Một vần thơ tự nó luôn câm nín tương tự như một bức tranh lúc nào cũng yên lặng và vô tình. Chúng chỉ có thể bật lên thành tiếng nói trong bầu không gian mở rộng của con tim của chính chúng ta mà thôi. Vậy chúng ta hãy thử lắng nghe tiếng nói đó vang lên trong lòng của thiền sư Đạo Nguyên (Dôgen, 1200-1253):

Mỗi âm thanh lọt vào tai tôi

Đều hóa thành lời nói.

Ô kìa, đúng là tiếng nói

Của một người bạn chân tình!

Thế nhưng lạ thật,

Chẳng có một tiếng động nào cất lời với tôi.

(Theo bản dịch tiếng Pháp của Alain Grosley, Le grand livres du Bouddhisme, 2007, tr. 493)

Có phải chăng sự yên lặng mênh mông đó chính là Hiện Thực, là người bạn của Đạo Nguyên, một người bạn luôn bên cạnh ông và đang réo gọi ông trong yên lặng?

Thi phú rất gần với sự bén nhạy của tất cả những người tu tập Phật Giáo nói chung, thế nhưng hình như cũng đã đặc biệt thấm sâu vào mạch máu của những người tu thiền nói riêng. Tuy tâm hồn và con tim của họ luôn trong sáng và thanh thản, thế nhưng đồng thời cũng căng thẳng như một sợi dây đàn, sẵn sàng vang lên những âm thanh tỏa rộng trong không gian.

Sau đây là hai trích dẫn trong một tập công án mang tên là « Zen-rin-kushu », góp nhặt một vài vần thơ thuộc thế kỷ XVI của thiền học Zen Nhật Bản:

Một hạt bụi thật nhỏ

Cất chứa toàn vũ trụ.

Một đóa hoa nở rộ,

Toàn thế giới đứng lên.

Vốc nước mát,

Trăng rơi vào hai tay.

Với cành hoa,

Hương thơm vương trên áo.

(Theo bản dịch của Alain Grosley, id, tr. 482)

Sau đây là trích dẫn một vài vần thơ tiêu biểu của một vài quốc gia xuyên qua lịch sử lâu dài của Phật Giáo.

Thi phú Phật Giáo Ấn Độ

Thế Thân (?316-396)

Thế Thân (Vashubandu) là một vị đại sư thuộc Duy Thức Tông thế nhưng ông đã trước tác một tập thơ rất nổi tiếng về Tịnh Độ là Abhidharmakosa (A-tì-đạt-ma Câu Xá Luận) gồm tám mươi tiết nêu lên ước vọng được tái sinh vào cõi Tịnh Độ. Sau đây là hai tiết trong số tám mươi tiết của bài thơ này:

Tiết 3

Tôi kính phục những phẩm tính của cõi ấy (tức là cõi Tịnh Độ)

Một cõi vượt lên trên tam giới.

Thật thế đấy là một cõi tương tự như không gian,

Mênh mông, vĩ đại và vô tận!

Tiết 10

Hoa, y phục và trang sức từ không trung rơi xuống khắp nơi,

Tỏa hương thơm ngát.

Trí tuệ của Phật rực sáng như mặt trời,

Làm tan biến bóng tối và những mê cuồng của thế gian.

(Theo bản dịch của Jean Eracle, trong quyển: Trois soutras et un traité de la Terre Pure, 2008)

Thi phú Phật Giáo Tây Tạng

Thi phú phản ảnh thật rõ rệt trong các bài hát, các bài tụng niệm cũng như các bài kinh tan-tra. Ngay cả các tập luận giải mang tính cách triết học cũng thường được trước tác dưới thể dạng thơ. Sau đây là một vài trích dẫn:

Tsangyang Gyatso

(Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI, 1683-1706)

Nụ hôn của sương giá thổi lên cỏ

Những cơn gió buốt,

Thở vào hoa những mối tương giao

Nhằm réo gọi những đàn ong.

Những ai không hề biết suy tư

Về vô thường và cái chết,

Là những người khôn ngoan,

Hay là những kẻ điên loạn?

Những con thiên nga

Lưu luyến những bờ hồ xanh mát.

Thế nhưng khi nước đóng băng và giá buốt,

Chúng cũng sẽ bay đi và không hề hối tiếc!

Các dấu triện in lên tờ giấy,

Nào phản ảnh được tư duy của chính mình!

Chỉ nên sử dụng dấu ấn của tâm thức

Để in sự thật lên mọi vật thể chung quanh!

(Theo bản dịch của A. Grosley, id, tr. 490)

Hiện thực không thể nào diễn đạt được bằng lời nói cho người khác nghe hay bằng chữ viết cho người khác đọc, mà mỗi người chỉ có thể cảm nhận được bằng tâm thức của chính mình. Các tư tưởng triết học trên đây thật sâu sắc thế nhưng đã được diễn đạt bằng thi phú và bằng những hình ảnh thật cụ thể.

_____

Shabkar (1781-1851)

Phải thường trú trong bầu không gian bao la,

Sinh động và trong sáng.

Phải hướng tầm nhìn vào vô tận,

Tương tự như ngồi trên đỉnh núi để phóng mắt ra tám phương trời.

Mặt trời luân lưu trong không gian bao la,

Chẳng có nơi nào ở giữa cũng chẳng có chốn nào chung quanh,

Bầu không gian đó luôn rạng ngời và chiếu sáng mọi vật thể không phân biệt thứ nào.

Đấy cũng chính là cách phải giúp đỡ chúng sinh.

Mục đích lớn nhất trong cuộc sống là phải phát động lòng nhân từ,

Nuôi nấng tim mình bằng yêu thương,

Phải luôn xót xa,

Trước khổ đau của kẻ khác.

Hãy khơi động tình thương,

Giúp cho lòng từ bi hiển lộ,

Một cách thật tự nhiên và đích thật,

Trong bất cứ cảnh huống nào.

Làm tổn thương người khác là làm tổn thương chính mình,

Giúp đỡ kẻ khác là giúp đỡ chính mình.

Vạch lỗi lầm của kẻ khác là phơi bày lỗi lầm của chính mình.

Ngợi khen phẩm tính của người khác là nêu lên phẩm tính của chính mình.

(Theo bản dịch của Alain Grosley, id, tr. 488)

Shabkar, tác giả bài thơ trên đây là một vị đại sư Tây Tạng được xem là người đứng hàng thứ hai sau Mật-lặc Nhật-ba (Milarépa).

Thi phú Phật Giáo Trung Quốc

Thi phú Phật Giáo Trung Quốc là cả một kho tàng đồ sộ, sau đây chỉ là một vài trích dẫn nhỏ. Các bài thơ Đường nổi tiếng thường đã được nhiều người dịch, tuy nhiên cũng mạn phép đề nghị thêm một bản dịch mới. Đối chiếu nhiều bản dịch khác nhau cũng có thể giúp người đọc tìm hiểu tường tận hơn bản gốc. Dù sao thì cũng chỉ xin trích dẫn vài bản dịch xưa đã được nhiều người biết đến.

Tăng Xán (? – 606)

Con Đường thật tròn, đầy đặn như không gian,

Chẳng thiếu cũng chẳng thừa.

Con người dù lấy đi thế nhưng cũng bỏ lại,

Nào họ có hiểu được Con Đường là gì đâu!

_____

Chớ chạy theo hiện tượng,

Cũng đừng trụ vào tánh không.

Sự đối nghịch đó sẽ chấm dứt,

Khi nào tâm thức hòa nhập với an bình.

_____

Nếu tâm thức loại bỏ được sự phân biệt,

Thì tất cả chúng sinh sẽ trở thành nhất thể.

Tất cả sẽ chẳng còn lại gì.

Khi biến mất, hiện hữu sẽ để lại trống không!

Thế nhưng trống không chính lại là hiện hữu.

Đức Phật chỉ là con người bình dị,

Một con người bình dị chính là Đấng Thế Tôn.

Các bài thơ trên đây được dịch nghĩa dựa theo các bản tiếng Pháp do học giả Alain Grosley dịch (id, tr. 492). Vì không tìm được các bản gốc tiếng Hán nên rất khó chuyển các bài này thành thơ nôm. Trong quyển sách trên đây của ông, học giả A. Grosley đã xếp Tăng Xán vào danh sách các thiền sư Nhật Bản. Điều này không được đúng lắm, bởi vì Tăng Xán là một thiền sư nổi tiếng của Trung Quốc. Sự nhầm lẫn này sở dĩ đã xảy ra là vì rất có thể A. Grosley đã căn cứ vào các tư liệu Nhật Bản. Trong các tư liệu này người Nhật gọi Tăng Xán – tiếng Hán là Sêngcàn – bằng một cái tên rất Nhật Bản là Sôsan.

_____

Vương Duy (701-761)

Bài 1

Quy Tung Sơn tác

Thanh xuyên đái trường bạc

Xa mã khứ nhàn nhàn

Lưu thủy như hữu ý

Mộ cầm tương dữ hoàn

Hoang thành lâm cổ độ

Lạc nhật mãn thu sơn

Điều đệ Tung cao hạ

Qui lai thả bế quan

Bài thơ trước tác trên đường về Tung Sơn

Suối trong viền thảm cỏ

Thong dong xe ngựa chạy

Dòng suối dường hiểu ý

Chim chiều cũng bay theo

Thành hoang trên bến cũ

Chiều thu tỏa núi đồi

Nhấp nhô dãy non Tung

Cửa am ta khép lại.

(Hoang phong dịch)

Nhà thơ lòng thanh thản trở về ẩn cư nơi chốn hoang vu. Dòng suối hình như cũng hiểu ý và tán đồng quyết tâm ấy của nhà thơ. Chim trời cũng bay theo để chào đón. Đi ngang những thành quách hoang tàn, người thi sĩ lại càng cảm thấy quyết tâm chọn cho mình một cuộc sống mới quả thật là hữu lý. Trong ánh hoàng hôn tỏa rộng giữa núi rừng Tung Sơn, tác giả đã khép lại một quãng đời thế tục trước đây của mình.

Vương Duy là một họa sĩ lừng danh đã từng sáng lập ra một trường phái hội họa, và cũng là một thi sĩ và một nhà thư pháp thượng thặng được nhiều người mến mộ, thế nhưng vào cuối đời ông cũng đã quyết định tu thiền và không màng đến danh lợi.

Thơ làm khi về Tùng Sơn

Suối trong quanh giữa rừng thưa

Ngựa xe đi đó từ từ thẩn thơ

Nước trôi có ý đón chờ

Chim hôm chừng muốn đợi ta cùng về

Thành hoang cạnh bến đò kia

Bóng chiều đã rọi khắp rìa núi thu

Non Tung thăm thẳm nhấp nhô

Về đây đóng cửa để tu mới mầu.

(Trần Trọng Kim dịch)

_____

Bài 2

Trúc Ly Quán

Độc tọa u hoàng lý
Đàn cầm phục trường khiếu
Thâm lâm nhân bất tri
Minh nguyệt lai tương chiếu

Dịch nghĩa:

Một mình ngồi yên bên khóm trúc vàng

Khẩy mãi chiếc đàn cầm

Chốn rừng sâu nào ai hay

Trăng lên và ta cùng chiếu vào nhau.

Xin tạm dịch dưới dạng một bài thơ:

Quán Trúc Ly

Bóng lẻ ngồi yên bụi trúc vàng,

Đàn cầm mấy khúc sao khẩy mãi.

Rừng sâu hun hút nào ai biết,

Một bóng trăng lên ta với nhau.

(Hoang Phong dịch)

Trong khu rừng thanh vắng và trong cảnh cô quạnh chỉ biết lấy bóng trăng làm bạn và bóng trăng thì cũng xem mình như một người bạn.

Quán Trúc Ly

Một mình giữa đám rừng tre,
Đánh đàn cao-hứng hát nghe một bài.
Rừng sâu nào có ai hay,
Bóng trăng đâu đến chiếu ngay vào mình.

(Trần Trọng Kim dịch)

Quán Trúc Ly

Một mình trong khóm trúc
Gảy đàn rồi hát chơi
Rừng sâu không kẻ biết
Trăng sáng chiếu lên người
(Trần Trọng San dịch)

_____

Sầm Tham (715-770)

Sơn Phòng xuân sự

Lương viên nhật mộ loạn phi nha

Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia

Định thụ bất tri nhân khứ tận

Xuân lai hoàn phát cựu thì hoa

Dịch nghĩa:

Vườn Lương hoàng hôn quạ bay đầy

Nhìn hút mắt chỉ thấy dăm mái nhà tiêu điều

Cây trong sân nào hiểu được mọi người đã ra đi biền biệt

Xuân về hoa ngày trước lại nở như những thuở xa xưa

Lương Viên là tên ngôi vườn của một nhà hào kiệt là Lương Hiếu Vương, con thứ của vua Lương Vũ Đế thuộc thời Nam Bắc Triều (420-481)

Cảnh xuân nơi gian nhà trong núi

Lương viên chiều xuống quạ bay đầy,

Tiêu điều xa tắp nhà dăm mái.

Cỏ cây nào biết người đi biệt,

Xuân đến hoa xưa lại nở đầy.

(Hoang Phong dịch)

Cảnh xuân trong nếp nhà trên núi

Trời tối vườn Lương quạ lượn lờ

Nhà đâu vút mắt, nóc lưa thưa

Cây xuân chẳng biết người đi hết

Xuân đến hoa còn nở giống xưa

(Tản Đà dịch)

Các chữ “lượn lờ” và “lưa thưa” không được sát nghĩa, cũng không phù hợp lắm với xúc cảm trong bài thơ gốc. Trong câu thứ tư chữ “còn” có thể khiến cho người đọc hiểu lầm câu này là một nghi vấn (tự hỏi), do đó không diễn tả được hết ý nghĩa sâu sắc của câu kết.

Nét xuân ở nhà trong núi

Trời tối, vườn Lương quạ dập dìu
Nhà xa mấy nóc cảnh đìu hiu
Cây sân chẳng biết người đi hết
Xuân tới hoa xưa vẫn nở đều.

(Ngô Tất Tố dịch)

Chữ “dập dìu” không phù hợp với xúc cảm của bài thơ, chữ “cây sân” vì gượng ép nên không được rõ nghĩa lắm.

Thi phú Phật Giáo Tiều Tiên

Ch’wimisuch’o (? – ?)

Ngọn núi không mời mọc ta,

Ta cũng quên không mời nó.

Khi nào núi và ta đều quên nhau,

Thì đấy sẽ là lúc tìm được sự giải thoát!

Mugan (thế kỷ XVIII)

Gió lung lay những lông mày lá liễu,

Con tim ta rung động.

Trong thung lũng mây khói bốc lên cao,

Trong tim dấy lên đám bụi mù.

Không quan tâm đến những xao động của thế gian,

Con người đích thật mới có thể thức tỉnh và hiểu được vũ trụ là gì.

Kyongho (thế kỷ XIX)

Ảo giác là gì?

Sự thật là gì?

Cả hai đều sai cả!

Sương mù bốc lên, là vàng khô rơi xuống,

Thế nhưng mùa thu luôn tinh khiết.

Ngắm nhìn ngọn núi cao im lìm,

Sự thật bỗng hiện lên trong tôi.

Manhae (1870-1944)

Nếu sự bám víu của tình yêu chỉ là một giấc mơ,

Vậy thì sự giải thoát đang ở đâu?

Nếu những nụ cười và những giọt nước mắt chỉ là một giấc mơ,

Vậy thì sự giác ngộ phi-tâm-thức đang ở đâu?

Nếu tất cả các quy luật chi phối mọi sự sống chỉ là một giấc mơ,

Thì tôi cũng xin được trở thành bất tử trong một giấc mơ của tình yêu.

(Trích trong  Manhae’s Poems of Love and Longing, Wisdom Publications, 2005, và dựa theo bản dịch sang tiếng Pháp của Alain Grosley, id, tr. 491)

Thi phú Phật Giáo Nhật Bản

Thi phú Phật Giáo Nhật Bản cũng phong phú không kém so với Trung Quốc, mặc dù Phật Giáo đã đặt chân vào quê hương này sau Trung Quốc đến bốn thế kỷ. Sau đây là một vài trích dẫn.

Saigyô (1118-1190)

Thân xác này xin hóa làm muôn mảnh,

Để ngắm nhìn muôn hoa.

Mỗi mảnh xin hóa thành từng cánh,

Để nở rộ trên cành,

Trong khắp các vùng núi non.

____

Một gốc cây sừng sững,

Bên bờ một thửa ruộng vắng tanh,

Cuống quít trên cành,

Con chim gáy gọi bạn,

Giữa bóng hoàng hôn buông nhanh.

Chim gáy còn gọi là chim cu, là một loài chim sống thành cặp và rất trung thành với nhau.

_____

Thật sâu trong vùng núi thẳm,

Mảnh trăng vàng vằng vặc

Tỏa ánh sáng vô biên,

Hòa tan nghìn kỷ niệm.

Chẳng có gì còn lại. Trống không!

Đạo Nguyên (Dôgen, 1200-1253)

Trên dòng suối tâm tư,

Êm ả vầng trăng soi.

Một gợn sóng dấy lên,

Con trăng chìm xuống đáy,

Ánh sáng hoá bùn đen.

_____

Thế giới này

Biết lấy gì so sánh?

Có phải là một giọt nước đang rơi,

Từ mỏ con vịt trời,

Phản chiếu ánh trăng trong.

_____

Lớp tuyết băng

Phủ kín thảm cỏ mùa đông.

Một con hạc trắng

Nấp mình

Trong bóng tối trắng tinh.

_____

Ngoài ra trong thi phú Nhật Bản còn có một thể thơ rất đặc thù gọi là Haiku, tiếng Việt dịch âm là Hài-cú. Một bài thơ Haiku hay Hài-cú chỉ có 3 câu và gồm tất cả 17 âm (hay thanh): câu một 5 âm, câu hai 7 âm và câu ba 5 âm. Thật ra ba câu thơ cũng chỉ là một câu phát biểu duy nhất. Tiếng Nhật đa âm do đó 5, 7, 5 cũng có thể đủ để tạo ra được một âm hưởng nào đó cho bài thơ gồm vỏn vẹn chỉ có một câu phát biểu. Do đó dịch thơ từ một ngôn ngữ đa âm sang một ngôn ngữ độc âm sẽ rất khó, trên nguyên tắc thì cũng chỉ có thể dịch được nghĩa mà thôi. Thông thường chủ đích của một bài thơ Hài-cú là nêu lên một sự mở rộng nào đó và nếu có thể thì nên có một chữ gợi lên một trong bốn mùa. Sau đây là phần trích dẫn một vài câu thơ Hài-cú:

Matsuo Bashô (Tùng Vi Ba Tiêu, 1644-1694)

Xuân tàn

chim réo gọi

đáy nước, đôi mắt cá nhạt nhòa

_____

Con đường mòn trong núi

ánh dương hồng lên cao

trong hương thơm hoa mận.

_____

Ueshima Onitsura (1661-1738)

Cổng vườn

nở rộ

trắng toát cánh hoa trà

_____

Gió mát

tiếng thông reo

ngập tràn cả khung trời trống rỗng

_____

Ryokan (Lương Khoan, 1758-1831)

Tên trộm bỏ quên

khuôn trăng

bên thềm cửa sổ

Ryokan dịch sang tiếng Hán là Lương Khoan là một thiền sư sống cô đơn và ẩn dật nơi một chiếc am cỏ trong một khu rừng hoang vắng. Một hôm sau khi đi tản bộ về ông nhận thấy chiếc am bị trộm và tên trộm đã đánh cắp các vật dụng nghèo nàn của ông, ông bèn lấy một tờ giấy viết lên câu thơ trên đây.

_____

Vô tư

tôi gối đầu lên cỏ

và quên cả chính tôi

_____

Cả thế giới

bỗng hóa thành

cội anh đào nở hoa

_____

Trên mặt nước

lăn tăn gợn sóng bạc

một cơn mưa mùa thu

(Nếu thích thơ của Ryokan, độc giả có thể đọc quyển “Ryokan, gã thiền sư Đại Ngu cô đơn trên con đường trống không” của Hoang Phong, nxb Văn Hóa Saigon, 2009, hoặc trên một vài trang web)

_____

Kobayashi Issa (1763-1827)

Thế giới này

rên siết

trong chiếc áo bằng hoa

_____

Mùa thu về

con chó nào có hay

chỉ vì nó là Phật

Con chó chẳng diễn đạt gì cả. Tất cả chỉ là như thế.

_____

Trong giọt sương trắng tinh

tôi luyện tập [thiền định]

như giữa cõi thiên đường

_____

Quay tròn

trong chiếc lá sen

hạt sương thế giới này

Cái nhìn thật thi vị về thế giới luân hồi của một vị thiền sư.

_____

Yosa Buson (1715-1783)

Mùa xuân ra đi

rón rén

trong vườn đào nở muộn

_____

Giữa cỏ non

một gốc liễu

quên bẵng cả cội nguồn

_____

Một người đang cày ruộng

những đám mây yên lặng

cũng ra đi

Bài thơ nói lên sự tương liên sâu kín giữa mọi hiện tượng. Chỉ cần một sự xao động thật nhỏ, vô tình và tự nhiên cũng có thể lôi kéo theo những chuyển động khác,.

_____

Hoa mận

rơi như mưa

trên mặt bàn óng ả

_____

Sargû ( ? – ?)

Cành liễu

vẽ bóng hình của gió

chẳng cần đến ngọn bút lông

_____

Làn gió sớm

làm nghiêng xuống những sợi lông

trên lưng con sâu róm

Thơ Phật Giáo Việt Nam

Vạn Hạnh (? – 1018)

Thị đệ tử

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dịch nghĩa:

Lời khuyên các đệ tử

Đời người như bóng chớp, có rồi không,

Vạn thứ cây mùa xuân tốt tươi, mùa thu sẽ khô héo.

Nghiệm được sự thịnh suy thì sẽ không còn sợ hãi nữa,

Thịnh suy chẳng qua như giọt sương treo đầu ngọn cỏ.

Lời khuyên các đệ tử

Kiếp người tia chớp chừng ngắn ngủi,

Cỏ cây xuân mướt, thu trơ trụi.

Ngẫm nghĩ thịnh suy là thế đấy,

Mong manh ngọn cỏ hạt sương rơi.

(Hoang Phong dịch)

Dặn Học Trò

Thân như bóng chớp, có rồi không,

Cây cối xuân tươi, thu não nùng.

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

(Ngô Tất Tố dịch)

_____

Mãn Giác (1052 – 1096):

Cáo tật thị chúng

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tòng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Cáo bệnh

Xuân rồi trăm hoa rụng,

Xuân nay trăm hoa nở.

Trước mặt việc đời trôi,

Trên đầu già mất rồi.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua sân trước một cành mai.

(Hoang Phong dịch)

Câu thứ năm do cụ Hoàng Xuân Hãn dịch, câu thứ sáu cũng đã được cụ Ngô Tất Tố dịch dịch từ trước. Hai câu thơ dịch này thật tuyệt vời và đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam, quả không thể nào có thể dịch hay hơn hoặc khác hơn được.

Có bệnh bảo với mọi người

Xuân ruỗi, trăm hoa rụng,

Xuân tới, trăm hoa cười.

Trước mắt, việc đi mãi,

Trên đầu, già đến rồi.

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua, sân trước, một cành mai.

(Ngô Tất Tố dịch)

Xuân qua trăm hoa rụng,
Xuân lại nở trăm hoa.
Trước mắt sự đời thoảng,
Trên đầu hiện tuổi già.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết;
Ngoài sân đêm trước một cành mơ.

(Hoàng Xuân Hãn dịch)

(Trích trong bài viết “Đạo Phật đời Lý” của Hoàng Xuân Hãn. Không thấy vị này dịch tựa của bài thơ)

Cụ Hoàng Xuân Hãn dịch chữ “chi mai” là “cành mơ” cũng có cái lý của cụ. Miền Bắc không có cây mai vàng như ở miền Nam mà chỉ có cây mơ (prunier / plum tree) hay cây mận. Cây mơ cho quả mơ còn gọi là quả ô mai, mùa xuân nở hoa trắng rất đẹp. Có thể liên tưỏng đến câu thơ “Xuân đến hoa mơ hoa mận nở” trong bài “Gái Xuân” của Nguyễn Bính.

_____

Trần Nhân Tông (1258-1308)

Bài 1

Xuân mãn

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không

Nhất xuân tâm sự bách hoa trung

Như kim khám phá Đông Hoàng diện

Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng.

Xuận muộn

“Sắc không” thuở bé nào có hiểu,

Mỗi độ xuân về lòng rộn rã.

Đông Hoàng chợt tỉnh xuân đối mặt,

Tọa thiền chiếu cỏ cánh hồng rơi.

(Hoang Phong dịch)

Hai chữ “sắc”và “không” trích từ câu nổi tiếng nhất trong Tâm Kinh là “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, có nghĩa là “Hình tướng là trống không, trống không là hình tướng”. Ý nghĩa của câu này không thể nào giải thích bằng vài dòng được. Một đứa bé làm  thế nào có thể hiểu được bản chất của các hiện tượng trong vũ trụ là gì, chỉ thấy rằng mỗi lần sắp đến Tết thì trong lòng náo nức.

Chữ “như kim” trong câu thơ thứ ba có nghĩa là “lúc này”, và toàn câu thì có nghĩa là “Lúc này (hay ngày nay) nơi chốn Đông Hoàng này mới chợt tỉnh và đã hiểu được xuân là gì”. Câu thơ này có hai túc từ: “lúc này” chỉ thời gian và “Đông Hoàng” chỉ nơi chốn, thế nhưng câu thơ dịch không “đủ chỗ” để ghép chung cả hai túc từ. Đông Hoàng không biết là ở đâu thế nhưng “nơi chốn” thường buộc xúc cảm vào một bối cảnh nhất định nào đó của hiện thực, do đó đã giữ một vị thế quan trọng hơn so với yếu tố thời gian. Thật vậy trong hầu hết tất cả các bài kinh bằng tiếng Pa-li đều nêu lên địa danh và bối cảnh mà bài kinh đã được thuyết giảng.

Trong câu bốn, chữ “thiền bản” là một cái phản gỗ thật thấp để ngồi thiền, chữ “bồ” có nghĩa là một thứ cỏ thơm, chữ “đoàn” có nghĩa là đan kết, “bồ đoàn” là một chiếc thảm hay nệm cỏ (tiếng Nhật là tatami) kết bằng cỏ bồ để ngồi thiền cho đỡ đau chân. Câu bốn có nghĩa là khi đã hiểu xuân là gì tức là hiểu được “hình tướng chỉ là trống không và trống không thật ra cũng chính là hình tướng” thì bèn ngồi xuống để thiền định. Chính vào lúc đó khi nhìn ra sân liền trông thấy một cánh hoa hồng héo rơi xuống đất. Sự bén nhạy của một người hành thiền chính là ở chỗ ấy.

Xuân cảnh

Tuổi trẻ chưa từng lẻ sắc không

Xuân về hoa nở rộn trong lòng

Chúa Xuân nay đã thành quen mặt

Nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng

(Ngô Tất Tố dịch)

_____

Bài 2

Xuân cảnh

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi

Khách lai, bất vấn nhân gian sự

Cộng ỷ lan can khán thúy vi.

Dịch nghĩa:

Cảnh xuân

Sâu trong khóm dương liễu đầy hoa chim hót khe khẽ

Thềm sân in bóng mái nhà và những áng mây chiều bay

Khách đến chơi không hỏi việc thế sự

Chỉ cùng nhau đứng tựa lan can để ngắm màu xanh [của khói mây].

Cảnh xuân

Khóm liễu đầy hoa chim hót khẽ,

Thềm sân mái chếch bóng mây chiều.

Khách viếng chẳng một lời thế sự,

Lan can cùng ngắm khói lam xa.

(Hoang Phong dịch)

_____

Hương Hải (1627-1715)

Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm

(Không tìm được tựa của bài thơ này)

Dịch nghĩa:

Nhạn bay ngang trời

Bóng chìm trong đáy nước giá buốt

Nhạn không cố ý để lại dấu tích

Nước không lưu giữ bóng hình

Tạm dịch:

Cánh nhạn ngang trời dang cánh bay,

Bóng chìm nước buốt đôi cánh mỏi.

Nước sâu đâu níu bóng chim trời,

Cánh chim nào nhớ một đường bay.

(Hoang Phong dịch)

Lời kết

Kinh sách Phật Giáo rất gần với những xúc cảm của con người, khác hơn với kinh sách mang tính cách răn đe của các tôn giáo thần khải. Thi tính trong kinh sách Phật giáo là một phương tiện giúp con người khám phá ra hiện thực, hòa nhập với hiện thực và để trở thành hiện thực. Do đó khái niệm về tận thế cũng không hề có trong Phật Giáo, mà trái lại Phật Giáo chỉ chủ trương mở rộng con tim để hướng vào thực tại trước mặt, với những gì thật thanh thoát, lạc quan và cao đẹp:

Xuân rồi trăm hoa rụng,

Xuân nay trăm hoa nở.

Trước mặt việc đời trôi,

Trên đầu già mất rồi.

[Thế nhưng] Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

[Trông kìa] Đêm qua sân trước một cành mai!

(Thiền sư Mãn Giác)

Cành mai nở rộ trong đêm không phải là một cành hoa nở muộn mà đúng hơn là một cành hoa báo hiệu một mùa xuân mới.

Bures-Sur-Yvette, 28.01.13

Hoang Phong