Bàn Thêm Về Thơ Tự Do

I. Thơ Tự do là gì? Vấn đề thể loại của nó và quan điểm sáng tác?

Câu hỏi này nếu tính từ những năm 30 thế kỉ 20 khi trong giới văn nghệ bắt đầu nhắc tới nó, thì đến nay đã hơn ba phần tư thế kỉ rồi song thực sự vẫn chưa có câu trả lời nào trọn vẹn, thỏa đáng cả.

Năm 1971, nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội phát hành công trình khảo cứu chuyên đề về hình thức và thể loại của thơ ca, do hai tác giả Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức thực hiện. Công trình gồm hai phần: Phần I; Bùi Văn Nguyên viết từ cuối thế kỷ 19 trở về trước; Hà Minh Đức viết từ đầu thế kỷ 20 về sau. Phần II; Bùi Văn Nguyên viết các chương 1, 2, 3, 4. Hà Minh Đức viết các chương 5, 6, 7, 8. Liên quan bài viết của chúng tôi dưới đây là đề tài (bài) Thơ tự do, nằm trọn trong chương 7, từ trang 402-417.

Đây có lẽ là công trình duy nhất  cho đến nay khảo về hình thức cùng các thể loại thơ ca trong tiến trình văn học Việt Nam, một cách nghiêm túc và công phu.

Nhưng tiếc rằng lúc bấy giờ đất nước còn chia cắt nên sự biên soạn của tác giả về thơ tự do có phần bị hạn chế về mặt tham khảo và dẫn luận đối với các nhà thơ ở miền Nam cùng sáng tác của họ, trong đó bao gồm cả lĩnh vực lý luận, nghiên cứu và phê bình văn học-Thơ-để hình thành một khái niệm khả dĩ nhất quán và tương đối về thơ tự do.

Đối với vấn đề thơ mới thì sự khảo cứu như thế có thể tạm chấp nhận, nhưng với thơ tự do thì sẽ là một khiếm khuyết. Vì thể loại thơ này chỉ thực sự có mặt và phát triển ở miền Nam từ sau năm 1954, khi đất nước bị phân chia và diễn ra đợt “di cư văn nghệ” của khá đông các nhà văn nhà thơ từ miền Bắc vào miền Nam hoạt động, mà tiêu biểu là “nhóm Sáng Tạo”. Thế nên, nếu đề cập đến thơ tự do mà không lưu ý tính “khu biệt” của nó ở  miền Nam những năm từ 1955 đến 1975, sẽ là một sự bất cập ở khía cạnh học thuật.

Sự bất cập ấy có thể được lý giải, dù không ổn lắm, do thực tế khách quan là hoàn cảnh đất nước bị ngăn cắt, sự giao lưu tiếp cận văn hoá-văn học giữa hai miền không thuận lợi dẫn đến thiếu thốn, hạn chế sách báo, tư liệu tham khảo…

Thế nhưng sau 1975 thì sao?

Từ điển Văn học (bộ mới, nhà xuất bản Thế Giới, 2004) do nhóm Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên có một mục từ về thơ tự do, song lại thật đáng tiếc khi không có một mục từ riêng hay một dòng nào về Thanh Tâm Tuyền, một nhà thơ lớn của miền Nam, vẫn được xem là người khai sáng dòng thơ tự do Việt Nam!

Có lẽ vì thế chăng, nên cả phần viết về các thể thơ Việt Nam hiện hành, mà cụ thể là thơ văn xuôi và thơ tự do, trong tác phẩm Thơ ca Việt Nam-hình thức và thể loại (Hà Minh Đức chấp bút) lẫn Từ điển văn học (bộ mới) đều tỏ ra khá khiên cưỡng, lúng túng và mâu thuẫn khi trình bày, diễn giải cái khái niệm “thơ tự do” Việt Nam.

Trong Thơ ca Việt Nam-hình thức và thể loại, để nói về thơ tự do, Hà Minh Đức viết: “ thuật ngữ thơ tự do ít được nhắc đến trong thời kỳ hình thành và phát triển thơ mới giai đoạn 1930-1945, tuy trong thời kỳ đó đã có thơ tự do xuất hiện, và một số nhà thơ mới như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nam Trân v.v. cũng có viết một hai bài thơ tự do trong toàn bộ sáng tác của mình…”. Ông Đức dẫn bài thơ Tiếng trúc tuyệt vời của Thế Lữ, để khẳng định rằng những câu thơ trong bài này mang tính chất của hình thức thơ tự do.

Theo Hà Minh Đức: “Khi nói đến thơ tự do chúng ta thường muốn nói một thể thơ không tuân theo những quy tắc về cách luật như các thể thơ Đường, thơ lục bát, thơ mới…” (trang 402)/ “…Số câu thơ trong một bài, số từ trong một câu, cách gieo vần nhịp điệu hoàn toàn có tính chất tự do…”/ “…Khi nói đến thơ tự do là muốn nói đến một thể thơ ít bị ràng buộc nhất về mặt vần điệu, về sự hạn định câu và cho tác giả có điều kiện diễn tả đối tượng một cách thích hợp nhất, cho tứ thơ thoát lên bay bổng, cho nhịp điệu thơ phục vụ đắc lực nhất việc biểu hiện nội dung. Như thế là đúng về mặt hình thức cấu tạo, thơ tự do có thể có câu dài ngắn khác nhau. Mạch thơ có thể liên tục hoặc ngắt ra nhiều câu ngắn, khổ thơ có thể không cần thống nhất và hạn định về số câu…” (trang 405)/ “…Trong thơ tự do lại có những khuynh hướng tìm đến chốn xa xôi hơn trong vườn thơ, tới địa hạt của thơ không vần (chúng tôi nhấn mạnh –KB). Thơ không vần thường là những bài tự do không có vần, bài thơ không có một sự hiệp vần nào theo nguyên tắc định lệ…” (trang 409). Hà Minh Đức cũng cho biết: thơ không vần là một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị tranh luận ở Việt Bắc vào tháng 9-1949, nhân đề cập đến thơ của Nguyễn Đình Thi và bài Đêm mít tinh của nhà thơ này. “…Nói đến thơ không vần, trước hết cần xác định vai trò của vần ở trong thơ. Nếu quả thật vần là một yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định phẩm chất của thể loại thơ ca thì thơ không vần sẽ không còn gọi là thơ theo ý nghĩa đầy đủ nhất của khái niệm đó. Trong cuộc tranh luận cũng có ý kiến cho rằng: Thơ là có vần, thơ không vần hãy cho nó một tên khác.” (trang 409)

Chúng tôi trích dẫn các đoạn trên trong chương 7-Thơ tự do, của Hà Minh Đức, với mục đích để bạn đọc cảm nhận được quan niệm của tác giả về thơ tự do, đồng thời chúng tôi cũng nhằm đề dẫn cho những ý kiến khác của mình trong hướng xác định tính chất cùng các yếu tố đặc thù của thể thơ này.

Xét khía cạnh chung nhất, các nhận định của Hà Minh Đức đã tập hợp được một số đặc điểm hình thức chủ yếu của thơ tự do; song chỉ với những yếu tố này thôi thì chưa đủ.

Trở lại bài thơ Tiếng trúc tuyệt vời của Thế Lữ mà Hà Minh Đức cho rằng “mang tính chất của hình thức thơ tự do”:

Tiếng địch thổi đâu đây

Cớ sao nghe réo rắt?

Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt

Mây bay… gió quyến mây bay

Tiếng vi vút như khuyên van như dìu dặt

Như hắt hiu cùng hơi gió heo may.

Ánh chiều thu

Luớt mặt hồ thu

Sương hồng lam nhẹ lan trên sóng biếc.

Rặng lau già xao xác tiếng reo khô.

Như khua động nỗi nhớ nhung thương tiếc

Trong lòng người đứng bên hồ.

Một bài thơ “đặc vần”, gieo vần (chân) khuôn sáo, tứ thơ chẳng mới, không gây ấn tượng nếu không muốn nói là xoàng; cách ngắt nhịp cũng thường. Ví dụ:

Tiếng vi vút như khuyên van/ như dìu dặt

Như hắt hiu cùng hơi gió/ heo may

Cũng vậy, lối viết của tác giả cho nhiều cách ngắt nhịp, nhưng đều không hợp lí để tạo sự nhịp nhàng, uyển chuyển của “hơi thơ”.

Đặc biệt về ngôn ngữ thơ. Trong cùng một thời điểm, không gian sáng tạo thơ mới những năm ba mươi-bốn lăm ấy, khi mà Chế Lan Viên với Điêu tàn gây sửng sốt thi đàn; Xuân Diệu với những bài thơ tình ngây ngất, rất mới, thậm chí còn bị xem như thơ Tây và Huy Cận của Lửa thiêng, của Tràng giang sống mãi với người đọc đến tận bây giờ; rồi Bích Khê, Hàn Mặc Tử… thì bài thơ này của Thế Lữ lại có vẻ… đi thụt lùi, trở về với hình thái sáng tác mang hơi hướng cổ phong hoặc Đường thi. Theo chúng tôi , bài Tiếng trúc tuyệt vời thậm chí đi ngược lại sự phát triển hừng hực của thơ mới giai đoạn bấy giờ (trước 1945).

Tiếng trúc tuyệt vời không phải là một bài thơ tự do. Nó là một bài thơ mới được cách điệu tí chút ở số câu, số chữ, sự ngắt câu xuống hàng, hay nói cách khác, Thế Lữ bằng thủ pháp nghệ thuật của mình muốn làm mới (hơn) cách thể hiện một bài thơ mới mà thôi. Nhưng ông đã không thành công.

Nếu nói thơ tự do hình thành trên cái nền của tinh thần tự do không giới hạn, trong cõi tư duy siêu thực, đồng thời phủ nhận những tồn tại phi lý trói buộc sáng tạo thì bài Tiếng trúc tuyệt vời chẳng những không mới và cũng không mới hơn, chứ chưa kể lại nói đấy là một bài thơ với những câu thơ “mang tính chất của hình thức thơ tự do”…

Hà Minh Đức cũng giới thiệu một bài “thơ tự do” khác của Tố Hữu, bài Với Lê-nin. So với Tiếng trúc… thì cả hai bài đều không thuộc thể thơ tự do.

Hai chữ tự do bao hàm ý nghĩa mở ra, mở rộng cái không gian sáng tạo cho người làm thơ, đẩy đến tận cùng nhận thức về đối tượng thẩm mỹ cùng tư duy sáng tạo của chủ thể, chứ không đơn giản chỉ là khác biệt trong vấn đề cách luật. Do đó, những động thái loanh quanh với sự chọn lựa từ ngữ sáo mòn, cách xử lý thế nào cho hợp vần trong từng câu chữ, từng khổ thơ một thì dù có cố ý làm mới ngôn từ ngữ nghĩa, song thực chất chỉ là biểu hiện của một hành trình “cải lương” thơ, một cách tân nửa vời chứ không thể là thơ tự do hoặc xếp cùng hàng với thơ tự do được.

II.

Nguyễn Xuân Nam trong mục từ thơ tự do (trang 1692, Từ điển văn học, bộ mới), diễn giải: “Thơ tự do là một trong ba hình thức cơ bản xét về phương diện tổ chức ngôn ngữ (thơ cách luật, thơ tự do, thơ văn xuôi). Thơ tự do không bị ràng buộc vào những quy tắc định trước nào như thơ cách luật (về số dòng, số chữ, niêm, đối, vần…). Mạch thơ có thể liên tục hoặc ngắt ra từng khổ. Số dòng trong khổ không nhất định. Số chữ trong từng dòng có thể nhiều ít khác nhau. Cách gieo vần cũng rất linh hoạt, không nhất thiết dòng nào cũng vần. Nói chung thơ tự do là thơ phân dòng (chúng tôi nhấn mạnh-KB) nhưng không theo một thể thức nhất định…”/ “…Cần lưu ý thơ tự do đứng gần với thơ văn xuôi nhưng vẫn khác với thơ văn xuôi ở hai điểm: Có phân dòng, và về đại thể có chú ý đến vần mặc dù vần không phải là một đòi hỏi chặt chẽ…/… Thơ văn xuôi chú ý đến ý thơ, hình ảnh thơ và ở một mức độ nhất định nhịp điệu trong ngôn ngữ…”.

Chỉ  trong mấy đoạn trích ngắn ngủi trên đây, chúng tôi thấy đã có đôi điều phải bàn:

Thơ cách luật, là tên gọi, hay cách gọi khác của thơ Đường luật. Loại thơ này có gốc từ thơ cổ phong với hai thể thơ chính là ngũ ngôn và thất ngôn. Khi sáng tác thơ cổ phong chỉ sử dụng vần chứ không quan tâm đến luật, không có những quy định như niêm, đối, luật bằng trắc… Đến đời Đường (618-907) các thi pháp gia Trung Quốc mới đưa luật vào các thể thơ này, từ đó hình thành tên gọi Đường thi (thơ đời Đường), hoặc thơ Đường luật (thơ theo luật nhà Đường), thơ cách luật.

Luật thơ Đường rất phức tạp. Thí dụ hai thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn (và ngũ ngôn bát cú, thất ngôn bát cú) thì trước hết là quy định về gieo vần. Vần gieo ở chữ thứ hai câu đầu, và căn cứ vào thanh của nó mà xác định bài thơ được làm theo thể gì, bằng hay trắc? Nếu là thanh bằng thì bài thơ sẽ tiếp tục được làm theo thể bằng và ngược lại, đúng như chế tài của luật bằng trắc.

*  Ngày xưa còn bé, những năm lớp 6 lớp 7 học chương trình Quốc văn có cả phần thơ Đường, lũ học trò chúng tôi tụng luật bằng trắc như tụng kinh! Như luật bằng trắc của thể ngũ ngôn: nhất tam bất luận; còn thể thất ngôn dài dòng hơn: nhất tam ngũ bất luận, tức không phải quy củ chặt chẽ theo đúng bằng trắc; nhị tứ lục phân minh, các chữ thứ 2, thứ 4, thứ 6 phải tuyệt đối giữ luật bằng trắc, căn cứ vào bài thơ làm theo thể gì, bằng hay trắc, như kể trên.

Niêm có nghĩa quyện, kết dính lại với nhau giữa hai câu trên dưới. Luật niêm của một bài thất ngôn bát cú (7 chữ 8 câu) đại khái như sau:

– Chữ thứ 2 câu đầu niêm với chữ thứ 2 câu tám.

– Chữ thứ 2 câu hai niêm với chữ thứ 2 câu ba…, cứ thế theo thứ tự trên xuống cho đến hai câu cuối cùng: chữ thứ 2 câu sáu niêm với chữ thứ 2 câu bảy. Nhưng phải lưu ý bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc.

Về đối, một bài thất ngôn bát cú chia ra thành 4 cặp theo thứ tự từ trên xuống, mỗi cặp hai câu là đề, thực, luận, kết. Sự đối nhau (đối ý, đối lời) được hình thành giữa hai câu nằm ở cặp thực (tức hai câu ba, bốn) và cặp luận (hai câu năm, sáu).

Chúng tôi nêu vắn tắt về luật thơ Đường như thế để cho thấy sự khác biệt giữa thơ cách luật (còn gọi nôm na là thơ cũ) với thơ mới, là loại thơ phá cách, biến thể từ thơ Đường luật.

Các nhà thơ mới trong buổi đầu sáng tạo ra thơ mới, vẫn chủ yếu sử dụng hình thức ngũ ngôn, thất ngôn trong sáng tác, cùng với các thể thơ đặc thù của dân tộc là lục bát, song thất lục bát. Nhưng vấn đề mấu chốt ở đây, và cho đến ngày hôm nay, là: ở thơ mới, luật thơ Đường trong thơ ngũ ngôn, thất ngôn, thất ngôn bát cú… hầu như không còn sử dụng; trừ quy định về vần. Thế nhưng việc gieo vần, hợp vần cũng rất đơn giản, thường chỉ sử dụng vần chân hoặc thậm chí có những bài không vần, vần không hợp, không chỉnh song cách ngắt câu, dụng từ sinh động, tạo được nhịp điệu nên đọc lên nghe rất xuôi, trầm bổng như có nhạc, thậm chí còn là bài thơ hay, như bài thơ Không đề gửi mùa đông của Thảo Phương dưới đây:

Dường như ai đi ngang cửa

Hay là ngọn gió mải chơi

Chút nắng vàng thu se nhẹ

Chiều nay-

Cũng bỏ ta rồi

Làm sao về được mùa đông

Chiều thu-cây cầu

Đã gãy…

Lá vàng chìm bến thời gian

Đàn cá-im lìm-không quẫy

Ừ, thôi…

Mình ra khép cửa-vờ như mùa đông đang về.

Từ khi thơ mới phát triển mạnh, trở nên phổ biến thì tên gọi của nó cũng được Việt hóa: thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ… Phải nói là về hình thức, thơ mới khai sinh trên cái nền Đường thi, nhưng cách thế của nó là từ một ý tưởng này đã khơi gợi để phát sinh một ý tưởng mới khác mà thôi. Chứ ngoài ra giữa hai loại thể thơ này giờ đây hoàn toàn không có điều gì chung cả. Thơ mới không áp dụng luật bằng trắc, niêm, đối… Số khổ thơ, câu, chữ không cố định theo bất cứ một luật tắc nào, mà có thể mở rộng, kéo dài ra thành nhiều khổ thơ với hàng trăm câu, hàng chục từ mỗi câu.

Theo quan điểm chúng tôi, thì không thể có loại thơ gọi là thơ văn xuôi, vì thơ là thơ, và văn là văn. Ở miền Nam trước đây, nếu người viết bài này không nhớ nhầm thì, không có thứ thơ gọi là thơ văn xuôi. Mà thơ văn xuôi là một trong những hình thức biểu hiện của thơ tự do. Cùng như thế, thơ không vần, cũng là thơ tự do vậy. Song nên nhớ, đó mới chỉ là xét về hình thức, chứ để thực sự là một bài thơ tự do-đúng với thể tính của nó-thì còn phải đặt vấn đề biện pháp tạo hìnhcơ sở tư tưởng-tư duy sáng tạo của nó nữa.

Ông Nguyễn Xuân Nam có đề cập đến cách gieo vần của thơ tự do. Chúng tôi xin phát biểu rằng, thơ tự do là loại thơ không có vần, không dụng vần, nên không thể có cái gọi là gieo vần trong thơ tự do. Đôi khi có những bài thơ tự do có những từ có thể tạo thành vần, nhưng đấy không phải cách tác giả-cố ý-dụng vần. Mà là do sự vô tình trong quá trình xúc cảm, và viết; như:

Chúng ta ôm thời gian trong suốt

chẳng phân vân

như mặt trời chuyện trò cùng lũ cỏ

như lá cây thầm ngã phủ vai trần

(Cỏ-Thanh Tâm Tuyền)

Rõ ràng với cấu trúc Cỏ-xét toàn bài-cùng biện pháp siêu thực trong thể hiện, thì vântrần không thể gọi là dung vần hoặc cách gieo vần của tác giả.

Cuối cùng, tác giả mục từ thơ tự do cho một “định nghĩa”: Nói chung thơ tự do là thơ phân dòng nhưng không theo một thể thức nhất định…”. Như vậy có thể hiểu bất cứ bài thơ nào-hễ-có phân dòng, tức thị là thơ tự do?! Mà thơ phân dòng là thể, loại thơ gì? Chúng tôi thật bất ngờ và lấy làm lạ là một quyển từ điển đồ sộ với nhóm chủ biên đáng kính như Từ điển văn học bộ mới, mà lại có lối hiểu và giảng giải về thơ tự do như thế!

Cứ phân dòng là thơ tự do? Thế còn bản chất sáng tạo của nó, cấu trúc tư tưởng cùng các thủ pháp nghệ thuật trong diễn trình xung động nhận thức và tạo dựng tác phẩm, thì thế nào? Thật hơi khó hiểu khi được đọc một nhận định có vẻ hời hợt, đơn giản đến tầm thường hóa thơ tự do như thế!

Còn một điều cũng ngây ngô không ra sao nữa là, ông Nam viết: “Thơ văn xuôi chú ý đến ý thơ, hình ảnh  thơ và ở một mức độ nhất định nhịp điệu trong ngôn ngữ…”. Chúng tôi không bàn tiếp, mà chỉ hỏi ông Nam: Phải chăng chỉ có thơ văn xuôi mới chú ý đến những yếu tố này (ý thơ, hình ảnh thơ, nhịp điệu…) trong một bài thơ? Các nhà thơ khi sáng tác thơ nói chung, và trong tác phẩm thơ khác của họ, những yếu tố này bị loại bỏ hết à?

Nhân bàn chuyện thơ văn xuôi, chúng tôi trích một đoạn trong bài Sầu khúc của nhà thơ tự do Thanh Tâm Tuyền, để bạn đọc hình dung được loại thơ văn xuôi, mà chúng tôi luôn khẳng định đó là thơ tự do:

…Hắn bước ra giữa sân khấu dìu theo một bóng hình tưởng tượng. Không, không một bóng hình trong suốt. Hắn gục đầu vào vai người ấy mà khóc, không nước mắt, chỉ thấy hai luồng khói đục thở ra theo lỗ mũi mờ mịt cả gian phòng làm sặc sụa khán giả. Nhiều người cay chảy nước mắt nguyền rủa trò đùa vô ý thức. Mặt hắn bôi vôi trắng như tường môi hồng như trẻ con. Hắn nhăn nhó: tôi làm sao khóc được, lệ buồn có thể nhỏ, nhưng da mặt làm bằng vữa, tôi làm sao khóc được trên gương mặt bất động này. Nói xong hắn nhảy chân sáo, quấn cẳng vào nhau mà không ngã xuống sàn trêu chọc khán giả. Một người la: trò hề mày nhạt lắm, mày phải ngã lộn mèo như con vật nào thảm hại nhất cho tao cười với chứ. Hắn ngơ ngẩn, đứng im hai tay buông thõng, người ta cười, hắn không hiểu, người ta cười. Hốt nhiên người hắn bay lên lơ lửng và bơi trong không khí, hắn ném bỏ hết quần áo bốc mãi lên trần rồi biến mất.

Hắn lại chạy ra giữa sân khấu. Lần này hắn đứng về phía bóng hình trong suốt, đó là một người đàn bà, gục đầu vào vai tên hề bây giờ thành tưởng tượng. Đó là một người đàn bà thật đẹp. Người đàn bà khóc, tên hề đang đóng trò, khóc nức nở. Họ đang chia tay nhau, không thể nhìn thấy hai người cùng một lúc, họ ngăn cách nhau bởi chỉ có một người, người độc nhất là tên hề. Người đàn bà thở than ấy tên hề than thở. Đồ ngu dốt khốn nạn, đồ kiêu căng hợm hĩnh. Tên hề trở về vị trí của hắn, giơ tay xô mạnh người đàn bà đẹp đã hoá ra trong suốt. Hắn ra dấu với khán giả người đàn bà đã ngã, đang quỳ mọp níu chân hắn, hắn lấy chân đá hất, mặt ngửng lên lấy dáng thiểu não của đại đế Napoléon trong trận chiến Waterloo. Người đẹp đang lết lại gần như con sên hèn yếu, hắn cầm lên tay và liệng vào buồng. Một con chim bay ra, con dị điểu dữ tợn đáp xuống vai hắn, thân hắn nghiêng ngả như một pho tượng mất đế. Hắn rút trong người lấy khẩu súng và bắn ngược lên vai, khẩu súng phun nước lên hai gò má. Con dị điểu bay lên, móng sắc lột ngược y phục của tên hề, mỏ mổ lấy mặt nạ. Tên hề hiện nguyên hình là Napoléon, Napoléon mím môi đang khóc.

Mày chỉ là tên hề buồn, tên hề buồn nhất thế giới chẳng làm ai cười nổi.

(Trong Liên, Đêm mặt trời tìm thấy, 1964).

III.

Thanh Tâm Tuyền trong bài “Đặt đúng vấn đề thơ tự do” (báo Người Việt bộ mới, tháng 9-1955, Sài Gòn), viết: Cho đến hôm nay vấn đề thơ tự do ở Việt Nam vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Trong khi vấn đề này ở ngoại quốc hầu như không còn ý nghĩa. Thi sĩ nước ngoài khi viết không bao giờ nghĩ mình đương viết một bài thơ tự do, chỉ gọi gọn là thơ mà thôi (…) Thơ tự do là một thực tại nghệ thuật không ai chối cãi được điều đó. Muốn hay không thơ tự do đã thành hình theo nhu cầu của nghệ thuật và xã hội. Không thể chối nhận sự thực khách quan này.

Với Thanh Tâm Tuyền, thơ tự do được phân biệt-và xác định-bởi hai nguyên tố cơ bản là Hiệu lực nhiệm màu của tiếng (pouvoir magique des mots), và ý thơ (idée poetique). Ông cũng đặt vấn đề Bản vị-ý tưởng cùng tiết điệu-của bài thơ tự do đặt trên từng từ khúc-ấn định theo nguồn cảm hứng. Như vậy rõ ràng Thanh Tâm Tuyền đã khẳng định một sự “nổi loạn” phá vỡ toàn bộ cấu trúc của thơ và thơ mới.

Bản vị của các thể thơ trước là câu thơ, với thơ tự do nó là những tiếng, những từ (mots) nhưng là những từ, tiếng nhiệm mầu, có hiệu lực biểu đạt đến tận cùng những gì còn mù mờ, ẩn sâu trong tiềm thức, đồng thời cũng cho người đọc tiếp nhận bằng cảm xúc của chính mình, những hình ảnh màu nhiệm ấy như một thứ ngôn ngữ mặc khải. Đọc những câu thơ cũ hoặc thơ mới-phá cách sau này, người ta dễ nhận ra tính hoàn chỉnh, khép kín của nó trong cấu trúc. Về tư tưởng, ngôn ngữ biểu đạt có thể đẹp, gây ấn tượng, song cách thức thể hiện thường sử dụng là sự “trong sáng, rõ ràng”. Một ví dụ bất kỳ nào cũng cho thấy điều đó, như hai câu thơ dẫn dưới đây:

Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Đời vắng em rồi say với ai?

(Vũ Hoàng Chương, “Đời vắng em rồi”)

Chúng ta cảm nhận ngay được nỗi u buồn trĩu nặng trong tâm hồn nhà thơ, nghe tiếng thở dài bi phẫn bên vò rượu cạn của tác giả khi tâm tưởng về một bóng hình xưa giờ đã xa vời. Nhưng cơ cấu tư tưởng, ngôn từ và hình tượng trong thơ Tự do thì khác hẳn. Câu thơ Tự do luôn là câu thơ mở, trong một không gian đa chiều liên tưởng. Nó không hoàn chỉnh và khép kín. Bởi nguyên tố cấu tạo nó là từ (mots) và mỗi từ là một nhiệm mầu hiệu lực, có nghĩa là tự thân nó có thể đã cho một ý nghĩa nào đó đồng thời chứng minh sự hiện diện của mình trong tiến trình tư duy cũng như biện pháp tạo hình của toàn cục.

Bài thơ Chim của Thanh Tâm Tuyền có những câu như thế này:

Tôi ru chim trong cổ họng

Mặt trời kêu xuống thái dương những màu ánh sáng thơm

tim kinh ngạc

đời tạo câu cười thiên nhiên mai

hi vọng đứng ra ngoài ô ngục ngực bâng khuâng

lần gặp gỡ thứ nhất

(Tôi không còn cô độc, 1956)

Đoạn trích dẫn trên đặt ra hai vấn đề: Thứ nhất là người đọc sẽ hiểu những câu, chữ này thế nào? Nó định nói điều gì vậy? Kế đó, từng từ/ tiếng không tách rời ra được. Do bởi tính không hoàn chỉnh và khép kín về mặt ngữ nghĩa của chúng, khiến người đọc không thể hiểu được điều mà những câu thơ ấy muốn nói. Từ đó xảy ra hàng loạt những suy diễn, dự đoán… Chính vì thế, thơ tự do luôn ủng hộ phương thức đánh động cảm xúc cùng tư duy thẩm mỹ của đối tượng thụ cảm.

Để thơ tự do được “giải quyết thoả đáng”, có lẽ các nhà lý luận, phê bình văn học-Thơ còn phải đào sâu hơn khái niệm của Thanh Tâm Tuyền: Sự nhiệm mầu của tiếng ấy, nó là cái gì? Nó có âm thanh màu sắc riêng của nó không? Và nó có tự cho thấy, tự biểu hiện sự nhiệm mầu từ chính bản thân nó? Bằng cách nào?

IV.

Mai Thảo, một chủ soái của nhóm Sáng Tạo (tạp chí Sáng Tạo ra số đầu tiên tháng 10-1956, tại Sài Gòn) từng viết về một nền văn học nghệ thuật mới là phải đoạn tuyệt hoàn toàn với những ám ảnh và những tàn tích của quá khứ; công việc chặt đứt với những trói buộc cũ phải được đặt lên hàng đầu. Và, thơ bây giờ là thơ tự do. Thanh Tâm Tuyền thì định nghĩa “nổi loạn” là một hành động đòi được gia nhập đời sống: kẻ nô lệ đòi quyền sống như những người tự do. Như thế nổi loạn là điều kiện sáng tạo.

Đặc biệt, trong Nỗi buồn trong thơ hôm nay (tiểu luận, 1956), Thanh Tâm Tuyền đã tuyên ngôn “phá vỡ hết mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất không che đậy”.

Thơ tự do Việt Nam, mà người khai sáng là Thanh Tâm Tuyền, đã ra đời trên nền tảng những “luận thuyết” đó. Toàn bộ có vẻ chịu ảnh hưởng của Trào lưu siêu thực-Breton (André Breton, 1896-1966, nhà văn và thi sĩ Pháp, một ngôi sao bắc đẩu của phong trào siêu thực). Yếu tính của nghệ thuật siêu thực là khám phá, khai mở cái đẹp-gây chấn động trên tinh thần phản kháng thường trực và cái tôi tự do tuyệt đối. Nó khước từ, phủ nhận cái hiện thực sáo mòn đến hoen rỉ, mục ruỗng để thay thế bằng những sự kiện bùng nổ, gây bất ngờ; những scandale thú vị.

Tư duy sáng tạo của thơ tự do là tư duy mở, phá vỡ các khuôn mẫu, luật lệ cùng những rào cản lý trí hạn chế sự vận hành tự nhiên và thuần túy của tâm linh.

Diễn biến cảm xúc và thăng hoa tư tưởng của nhà thơ trong sáng tác thơ tự do là hết sức đặc thù. Bởi vì nó được nhận thức, phát hiện và đẩy lên, được hiển thị từ khu vực tiềm thức và vùng tưởng tượng tự nhiên nhi nhiên. Không có sự can thiệp của lý trí, dù đó là phạm trù lý trí động lực hay ngẫu nhiên, thuần túy.

Nguồn gốc và bản chất, yếu tính cùng các nguyên tố cấu thành của thơ tự do là như vậy, nên sáng tác một bài thơ tự do đích thực không phải là điều đơn giản, dễ làm. Thế nhưng hiện nay, thơ tự do có vẻ được… sản xuất rất tự do! Đó là vì các “nhà thơ mới lớn” của chúng ta ít dụng công trong lao động tìm biết và sáng tạo. Cũng từ đấy, có rất ít bài thơ đúng nghĩa là một bài thơ-thể-tự do, chứ chưa nói đến một bài thơ tự do có chất lượng, hay.

Khoảng hai thập niên trở lại đây, theo chúng tôi, thơ tự do đã có những thi phẩm rất xứng đáng với tên gọi, có giá trị nghệ thuật cao. Có một số bài cực hay. Chúng tôi rất thích những bài thơ tự do của hai nhà thơ Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quang Thiều, Ngô Tự Lập. Thơ của họ rất thông minh và tinh tế. Gần đây chúng tôi có đọc được mấy bài của Phan Huyền Thư. Tác giả này có những bài mà mots của nó như những tiếng búa đóng lên đời, nghe đậm chất ưu tư của cuộc tồn sinh lênh đênh hữu hạn. Vừa mệt mỏi lại vừa muốn vươn lên nắm bắt cái tuyệt đối, vô cùng!…

11-2011

KB

Trích từ: Đặc San Suối Nguồn 3&4 – Tu Viện Huệ Quang