Nhớ Hải Lăng…
Na hăm mốt, mẹ Na hơn bốn mươi. Tuổi Tín bằng tuổi mẹ con Na cộng lại chia hai. Anh gọi mẹ Na bằng chị, chuyện đó thì ổn rồi. Có điều con bà chị thì gọi anh bằng chú. Ôi mấy cô con gái Đà Lạt, mấy chàng trai lớn hơn một hai tuổi đã bị mấy nàng gọi chú, huống hồ cỡ tuổi như anh. Nhưng chuyện Na gọi Tín bằng chú kể cũng tạm ổn, còn chuyện bắt anh gọi Na bằng con thì thật là … oan cho anh quá: Nàng khá đẹp…!
Ở cái đất Sài Gòn, làm cái nghề “bồi bút” như anh, thỉnh thoảng được lên Đà Lạt, ghé thăm nhà bà chị mới quen, lỡ bữa có tô mì tôm, ly trà nóng, nhạc thính phòng và nói chuyện phím, kể cũng phong lưu ra phết. Mấy thằng bạn “lang thang sĩ” của anh cứ trầm trồ: cái thằng nhếch nhác này mà cũng làm quen được dân Đà Lạt, nhà cuối chân đồi, vôi tím, có giàn hoa Tigon phía trước, cửa sổ phòng khách ngắm ra bờ hồ. “Mày nói mày là nhà báo ư? Chảnh! Phường vá áo túi cơm, thời buổi kinh tế thị trường, người ta chẳng ưa gì mấy thằng văn nghệ lẻ như mày đâu!”
Anh đánh trống lãng: tao sẽ đãi tụi bay một tuần Đà Lạt, cơm chay chợ lầu ba ngàn một dĩa, có xà lách corole tươi rói, giòn tan, cà-phê kho, tối xin ngủ chùa, ngày ngắm sương núi, giả làm thầy tu Đà Lạt một tuần vẫn sướng hơn một năm hứng bụi Sài Gòn…
Cứ thế, vài tháng một lần, Tín, Dũng cùng mấy đứa nữa, trở thành “khách văn” của nhà Na. Dũng đẹp trai cao ráo mạnh mẽ lịch sự tâm lý uyên bác chu đáo dễ chịu có duyên… Na nói với Tín như thế mỗi khi nhắc đến Dũng, có bao nhiêu hình dung từ lý tưởng Na tuôn ra hết, không chấm không phết.
Na còn một cô em gái – bé Ni – nhỏ hơn Na hai tuổi. Cô em không đẹp bằng cô chị, được cái nền nã, sâu sắc và rất dễ thương. Na sôi nổi bao nhiêu thì Ni ngược lại đằm thắm, kín đáo bấy nhiêu. Thực ra chuyện ấy là chuyện mấy thằng đàn ông bàn tán với nhau, còn khi đến nhà thì bọn anh là khách của mẹï, hai chị em bưng nước lên mời khách rối biến vào trong phòng nói cười khúc khích. Thỉnh thoảng cũng lên xuống nói vọng vài câu nghịch ngợm:
– Chỉ có chú là biết tặng hoa cho con thôi! Mấy thằng bạn trai con ngốc làm sao ấy!
Ni thì nhẹ nhưng hơn chị:
– Có bao giờ chú làm thơ tặng con gái Đà Lạt chưa?
***
Chuông điện thoại reng khi anh vừa bước vào cơ quan.
– Điện thoại của anh đấy – giọng cô thư ký oang oang – Gớm! Nói mười lăm phút sau gọi lại, mới hơn năm phút đã réo nữa rồi. Bà nào muốn xin anh tí huyết đấy!
Anh trố mắt nhìn cô thư ký
– Giỡn thôi! Hình như họ gọi anh vào Chợ Rẫy cho máu.
– Máu với chả me, ai thừa máu đâu mà cho – Anh lầm bầm. Anh đã chán ngấy cái gọi là nhân đạo. Ngần ấy tuổi đời cộng với nhiều năm từng trải, anh trở thành người lãnh đạm hồi nào không rõ, bớt quan tâm chuyện người khác, làm lơ với nhiều công tác từ thiện xã hội. Bạn bè gọi anh là thứ “ích kỷ xã hội chủ nghĩa”, hạng người có thể dừng lại bắt xên xe đạp hộ cho một tà áo dài trắng nào đó giữa đường, nhưng lại lạnh tanh trước những lời mời đóng góp giúp đỡ người nghèo khó.
Chuông điện thoại reo hết một lượt, lại reo tiếp. Anh nhấc máy, nét mặt thay đổi:
– Sao? Ngày mai Na mổ nữa à?
Giọng mẹ Na mệt mỏi:
– Bác sĩ bảo tìm người quen đến thử máu, phòng khi cần…
Anh lao ra cổng lấy xe chạy, quên cả túi xách có giấy tờ tùy thân…
Từ bệnh viện trở về, anh thẩn thờ, đăm chiêu. Tại sao? Tại sao? Một cô bé hai mốt tuổi đầu, năm lần mổ vì căn bệnh ung thư quái ác. Mầm bệnh đã di căn lên não, thời kỳ cuối. “Nếu mổ thì có thể kéo dài được vài tháng, còn không thì…” Mẹ Na nghẹn ngào nói với anh như thế. Thượng đế không phải là đấng vạn năng! Anh nghĩ thế. Nếu con người là một sản phẩm do thượng đế tạo ra, tại sao người lại gởi theo một mầm bệnh quá tai ác nơi một cô bé hồn nhiên, trong sáng? Còn nhân quả ư? Nhân thuộc về quá khứ, người ta không thể làm gì được với quá khứ. Quả thuộc về vị lai, vị lai thì chưa tới. Chỉ có hiện tại, mà hiện tại thì chịu sự chi phối của quá khứ, thành ra con người bất lực trước nghiệp nhân sao? Phật Chúa cũng bất lực trước nghiệp nhân của con người? Hiện sinh? triết học hiện sinh là gì, nếu con người không đủ điều kiện để hiện sinh? Cuộc đời này vô nghĩa chăng? Cái đẹp là phù du, thế cái gì là vĩnh cữu? Vĩnh cữu để làm gì? Và làm thế nào để vượt qua những hệ lụy ấy của kiếp người?.
Đêm Sài Gòn lạc lỏng, vô vị. Anh chạy xe đi như người không hồn. Chiếc hon-da có một người ngồi trên đó chảy suốt theo dòng người xuôi ngược mà như không có người lái, vô định. Cái chết rình rập xung quanh, anh chợt ý thức ra điều đó. Chỉ cần một va chạm nhỏ thì anh có thể “đi” trước cả bé Na. Thế thì đời sống của Na có thể còn dài hơn anh. Ô hay! Bất kỳ ai cũng có thể chết mà không cần đợi một căn bệnh. Nhưng sao mình không buồn lo cho mình mà lại buồn lo cho Na. Té ra, vấn đề không phải là ở cái chết sẽ đến mà là ở cái sống hiện tại. Mà hiện tại thì Na còn sống, có thể còn sống rất lâu. Anh chợt có ý định quay lại bệnh viện gặp Na. Anh muốn giúp đỡ Na.
Gởi xe vào cổng bệnh viện sau khi tìm mua một bó hoa hồng, anh chạy lên lầu ba, đến căn phòng cuối, căn phòng chỉ có một giường, ưu tiên cho bệnh nhân đặc biệt. Bước vào phòng, anh ngớ người ra vì hình ảnh một bé Na khác hẳn: đầu cạo trọc lóc. Na đang quằn quại với cơn đau khắp mình, gặp anh đến thì rất mừng, nhoẻn miệng cười vả lả:
– Chú thấy con giống Ni cô không? Ngày mai mổ, hôm nay họ phải cạo trọc thế này!
Anh thẩn thờ một lúc, thầm tiếc mái tóc mượt mà óng ả của Na, rồi nửa trân trọng nửa đùa cợt:
– Tặng Ni cô bó hoa này!.
Na tròn mắt thích thú:
– Ồ đẹp quá, chú thật là chu đáo, con thích lắm. Nhờ chú cắm hộ lên ly nước trên đầu tủ.
Tín vừa cắm hoa vừa hỏi:
– Thế nào rồi cô bé?
– Con đau nhức quá, chịu không nổi chú ơi!
– Mẹ con đâu rồi?
– Mẹ xỉu, đưa xuống cấp cứu rồi! Ngày nay mẹ xỉu hai lần, mới tỉnh dậy lại ngồi thoa bóp cho con. Mẹ đuối sức vì vừa lo vừa buồn…
Anh quay lại một thoáng rồi nhìn Na nói khẳng khái:
– Chú sẽ ở lại với con đêm nay.
Sau khi xuống phòng cấp cứu thăm mẹ Na, thấy chị đã tỉnh, anh quay lại lầu ba. Na quằn quại vì đau nhức khắp mình, nước mắt chảy ròng ròng. Căn phòng lạnh lẽo bỡi bốn bức tường trắng, bộ đồ trắng của Na, cái đầu trắng hếu mới cạo và từng giọt nước biển nhỏ đều từ chai nước treo lũng lẳng trên đầu nằm. Anh cởi giày, leo lên giường Na, ngần ngại:
– Con đau chỗ nào, để chú thoa bóp cho.
– Con đau khắp mình, không thể chịu nổi chú ơi! Chắc con chết mất. Na khóc rống lên, nước mắt giàn giụa – Mẹ con tỉnh chưa chú? Nói mẹ đừng bỏ con chứ!
– Mẹ đã tỉnh rồi, nhưng còn rất mệt. Chú bảo mẹ cứ nằm nghỉ, có chú chăm sóc cho con đêm nay.
– Mẹ con đã quá khổ vì con, suốt ba năm rồi chú ạ!
– Thế còn ba con đâu, chú không hề thấy?
– Mẹ đã không ở với ba từ khi con mới 3 tuổi, Ni 1 tuổi. Ba mẹ con sống nhờ vào cái kiosque ở chợ lầu Đà Lạt, bán hàng lưu niệm. Từ khi con bệnh, mẹ không còn buôn bán gì nữa cả, lấy bệnh viện làm nhà mãi.
– Thế thì bây giờ ai nuôi?
– Trời nuôi, Phật nuôi – Mẹ con bảo thế! Con cũng chẳng hiểu làm sao mẹ con có thể cầm cự được. Ni thì mới vào Đại học, lại phải làm “cô chủ nhỏ” ở nhà. Chú thấy con bé Ni có gan không? Một mình nó ở một căn nhà vắng tanh mỗi khi con với mẹ vào viện.
– Bé Ni là người có nghị lực.
– Bộ con không có nghị lực sao? Lúc nào chú cũng khen Ni hơn con. Con ứ chơi với chú nữa. Chỉ có chú Dũng là tỏ ra thiện cảm với con thôi! Hồi chiều chú Dũng vào thăm, chú rất lạc quan, chú bảo rằng con sẽ bình phục sau cơn mổ, chú bảo rằng đời sống có những điều kỳ diệu, con không thể chết. Chú Dũng bảo con hãy mơ tưởng và hy vọng vào sự sống. Nhưng con biết chắc rằng con không thể sống lâu được nữa.
Anh nhìn ra cửa sổ, nơi những con phố còn nhấp nháy ánh đèn. Đêm sâu dần. Anh nghĩ: Dũng có tư chất của một Bác sĩ tâm lý, Dũng luôn khuyên Na hãy tin tưởng vào sự sống. Còn anh thì không! Anh lại khuyên Na đón nhận cái chết. Anh không bi quan, anh chỉ muốn Na nhận ra sự thật. Đó là cái khác căn bản giữa anh và Dũng, người bạn chí cốt của anh. Thay vì khuyên Na hãy cầu nguyện để vượt qua cơn bệnh như lời Dũng, anh thì lại khuyên Na hãy đón nhận cái chết như thế nào. Hãy sống những ngày tháng còn lại của đời mình như thế nào, hãy mỉm cười ra sao khi tử thần đến gọi.
Mầm bệnh đã ăn sâu vào từng tế bào của Na. Anh bóp nhẹ vào những chỗ Na muốn, tay, chân, vai, rồi khắp thân thể. Lần đầu tiên anh ở lại đêm trong một căn phòng cùng một cô gái. Thoạt đầu anh ngần ngại, nhưng rồi anh cũng lấy lại bình tĩnh. Một cô gái, khi bệnh thì vẫn là một cô gái. Anh nhớ trong đợt mổ trước, khi vào bệnh viện thăm, anh buộc miệng khen Na trông mập lên, khoẻ ra so với hôm kia. Anh thì vô tình, còn Na thì… bỏ ăn mấy ngày sau đó. Mẹ Na năn nỉ mãi mà một hớp sữa cũng không chịu uống. “Mẹ không thấy chú Tín chê con mập đó sao mà mẹ bắt con ăn hoài!” Sau nghe kể lại, anh cảm thấy mình không tế nhị. Còn bây giờ, anh đang ở trong phòng cùng Na, lại phải mó máy tay chân, anh cảm thấy khó xử. Nhưng dẫu sao thì cũng giúp được Na đỡ đau đớn. Khi anh nắn bóp hai vai của Na, lần xuống ngực, bỗng nhiên Na giữ tay lại, áp sát ngực mình, ánh mắt nhìn anh nghịch ngợm:
– Chú ơi! Con muốn trước khi chết, con được thấy hình mình làm cô dâu. Hôm nào mổ xong khỏe rồi, chú dẫn con đi chụp hình nhé!
Tín nhìn Na đầy xót xa, thầm nghĩ: cô bé này còn yêu đời quá!
– Sao chú không trả lời?
– Thế thì ai làm chú rễ nào?
Hai người nhìn nhau, rồi bỗng phá lên cười. Tiếng cười làm ấm bớt căn phòng.
Chai nước biển đang nhỏ những giọt cuối cùng. Anh xuống giường, ra phòng trực gọi y tá thay chai mới. Khi cô y tá trẻ bước vào phòng, nhìn anh với ánh nhìn dò xét, anh ngần ngại mỉm cười rồi xin phép ra ngoài, bậc lửa hút thuốc. Gió luồn theo hàng hiên thổi lạnh, anh uể oải, mỏi nhừ. Anh nhìn đồng hồ, mới một giờ sáng, nghĩa là còn những năm tiếng đồng hồ nữa trời mới sáng. Anh nghĩ: mình mới thức một đêm, còn mẹ Na thì đã thức bao nhiêu đêm rồi? Lại còn phải lo tiền thuốc thang, lo mọi chuyện cho Na. Bất giác anh thấy được cái vĩ đại của một bà mẹ. Anh dự định quay xuống phòng cấp cứu thì bóng một người từ cuối hành lang đi đến. Anh nhận ra mẹ Na, vội chạy lại dìu chị.
– Em đã bảo là chị hãy nằm nghỉ, để Na cho em chăm sóc. Chị đi lên thế này, lỡ trúng gió thì lại xỉu nữa mất.
Chị thều thào trong hơi thở:
– Na đỡ đau nhức không?
– Cũng đỡ. Cô y tá đang thay nước biển.
Nghe tiếng nói, Na từ trong phòng gọi to lên:
– Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con đau quá!
Chị lao vào phòng, như nhiều tháng rồi không gặp con:
– Mẹ đây! Con làm sao rồi?
Anh có cảm giác là khi có mẹ Na lại đau nhiều hơn khi ở với anh. Mẹ với con, như hai mảnh hồn ghép lại, không có gì có thể phân ly. Không có thứ ngôn ngữ nào nói hết được tình mẹ con. Không có thế lực nào chia cắt được tình mẹ con. Nhưng nghiệp dĩ? Chẳng phải nghiệp dĩ đang kéo dần họ xa cách đó sao? Con khóc mẹ, chuyện ấy đã thành thường tình. Nhưng mai mốt anh sẽ chứng kiến cảnh mẹ khóc con. Có gì trớ trêu hơn thế!
Anh tiến lại bên giường, nói chị hãy cố trải chiếu dưới đất nghỉ ngơi, để anh thoa bóp cho Na. Na hồn nhiên nói lớn:
Chú ơi! Chắc chú mệt lắm rồi, chú nằm xuống đây với con đi- vừa nói Na vừa trở mình sít vào bên trong. Chú nằm một bên con nè, con bớt đau rồi.
Anh hơi mắc cỡ với mẹ Na, chậm rãi leo lên giường bệnh.
– Để chú ngồi được rồi, mẹ mới là người cần nằm nghỉ. Anh quay sang nói với mẹ Na đang trải chiếu dưới đất – Chị cứ yên tâm nghỉ, để em canh Na cho.
– Chú tốt quá! Hình như chú sống cho người khác nhiều hơn cho mình?
Anh chợt nhớ đến Dung, người bạn gái thân thiết nhất với anh. Dung cho rằng anh là người sống trên mây, không thực tế. Người đàn ông cần phải thành đạt, có tiền, phải làm chỗ dựa cho người khác. Anh thì trả lời bằng thơ: “Ta như cây nhỏ mùa thay lá, lấy đâu bóng mát để em ngồi”. Người thật sự có khả năng làm điểm tựa cho người khác phải là người tràn trề nhựa sống, mà nhựa sống ấy chỉ được hút từ mảnh đất tâm. Anh tin rằng chỉ có các thiền sư, những người thường vun đắp mảnh đất tâm mới đủ cành lá để che mát cho người khác. Người đời thường ảo tưởng là mình có thể làm chỗ dựa cho ai, rồi họ dựa dẫm vào nhau, để rốt cuộc cả hai cùng ngả. Sự đổ vỡ của các cặp vợ chồng trẻ ngày nay chính là từ ảo tưởng dựa dẫm đó. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực không thể là chỗ dựa của con người. Chỉ có một tâm hồn an tịnh mới là điểm tựa, là bóng mát của người khác. Dung rất yêu anh, nhưng lại đến với một người đàn ông khác. “Nếu anh không đặt tương lai và cuộc sống, thì anh hãy đi với những ý tưởng hảo huyền của anh đi. Còn em, em phải lo cho hạnh phúc của mình”. Dung từng viết thư cho anh như thế. Anh chỉ trách móc nhẹ: “Dung chỉ lo cho hạnh phúc, chuẩn bị hạnh phúc mà không chịu hưởng hạnh phúc; lo cho tình yêu, chuẩn bị yêu thôi mà sao chẳng biết yêu đi!”.
Na kéo anh ra khỏi dòng suy nghĩ:
– Chú có tin rằng mẹ con là người vĩ đại nhất trên đời không?
– Chú tin chứ! Con nói đúng, nhưng hơi thiếu. Con phải nói rằng: Đối với con, mẹ là người vĩ đại nhất trên đời.
– Còn với chú?
– Ừ! Thì mẹ chú vẫn là người vĩ đại nhất trên đời, đối với chú!
Na mỉm cười tươi hẳn lên:
– Ai mà nói lại với chú! Con nghe chú hay nói với mẹ về chuyện thơ, chuyện triết, chú nói thiệt hay. Nhưng những thứ đó có giúp gì được cho nỗi khổ đau của con người không chú?
– Ồ! Thi ca hay triết học chẳng giải quyết gì được cho nỗi đau khổ của con người hiện tại cả. Mà thực ra cũng chẳng có thứ gì giúp người ta vượt qua đau khổ cả. Nhưng người sống đúng với nó, hiểu nó thì có thể đối diện được với đau khổ, chấp nhận đau khổ và vượt qua nỗi bi đát của kiếp người. Hãy tin yêu vào đời sống, mỉm cười với từng phút giây đang sống, hít thở chính hơi thở của mình, dù cho phút giây sau là gì, phút giây trước thế nào, không quan trọng. Khi con ngắm bó hoa trên đầu giường chú mới tặng con đó, con nghĩ gì? Khi con nghĩ về nó tức là con đang không ngắm nó. Không ngắm nó thì con không thể thấy nó đẹp. Đó là đóa hoa của sự sống, ngay trong phút giây con ngắm nó. Nếu con không chịu mỉm cười với hiện tại tươi đẹp đó, mà chỉ lo ước mơ cho nó tươi mãi, hay nghĩ đến lúc nó lụi tàn, thì chính con đã đánh mất giây phút tuyệt vời mà nó ban tặng cho con rồi.
Na lặng thinh hồi lâu, suy nghĩ.
– Thế sao mẹ con bảo con phải niệm Phật để sau này được về cõi Phật. Chú Dũng lại bảo con niệm Phật để cầu nguyện cho được sống.
Anh lúng túng trước câu hỏi của Na, lựa lời phân giải:
– Chú không hiểu lắm về chuyện niệm Phật. Nhưng chú nghĩ không phải niệm Phật để cầu nguyện hay để hy vọng điều gì sau khi chết. Con người sống với ảo tưởng nhiều quá, nên đạo Phật dạy người ta niệm Phật như một phương thức hữu hiệu nhất giúp người ta kéo mình về với thực tại, tức sống trọn vẹn với phút giây hiện hữu.
– Vậy thì bây giờ con phải làm gì hả chú?
– Thì con hãy sống chứ làm gì! Con hãy sống cho hết những phút giây mình đang có được bằng những ý niệm đẹp nhất của đời sống. Sống hết mình, sống trọn vẹn. Ngày mai sống chết mặc ngày mai.
– Còn ý niệm đẹp là sao? Na phân vân.
– Đối với con, ngay bây giờ có những ý niệm nào con cho là đẹp?
– Con hả? Sống vị tha là đẹp. Mà tha nhân gần gũi trước nhất với con là mẹ và em. Con muốn mẹ bớt khổ vì con, con sẽ không cố tình làm cho mẹ khổ nữa. Trước đây, vì thương con, con muốn gì mẹ cũng chiều theo. Con muốn mua một giàn máy thật hay để nghe nhạc, mẹ không có tiền nhưng vẫn cố gắng đáp ứng sở thích của con, vì mẹ nghĩ rằng con không còn sống bao lâu nữa. Bây giờ con nghĩ con đã làm mẹ khổ nhiều quá. Con cũng muốn xin lỗi bé Ni, con cứ la lối gây gỗ với Ni hoài. Con nghĩ nó hay thật, chẳng hề giận con. Nó giỏi dang lắm đó chú, một mình lo chu tất mọi việc nhà, khi con còn khỏe nó cũng làm hết. Nó có cách nhìn đời sống giống chú lắm, trước đây con cứ cãi hoài với nó, bây giờ con thấy nó đúng. Nếu con chết, chắc nó cũng buồn lắm. À! Mà mình có thể chuẩn bị cho cái chết được không chú?
– Thì sống hết mình với những ý niệm đẹp là cách chuẩn bị cho cái chết chu đáo nhất. Nếu con sống hết mình đến giây phút cuối cùng, thì con sẽ ra đi với một nụ cười, và nhiều đóa hoa của sự sống.
– Con sẽ cố gắng làm theo lời chú. Với lại con muốn nhờ chú một chuyện, khi con chết, chú nói mẹ con để hoa quanh quan tài con thật nhiều, trang trí phòng cho thật đẹp, được không chú?
– Chú hứa là sẽ làm như thế cho con.
– Thế thì con không sợ chết nữa rồi!
Nói xong Na cười, Tín cũng cười, nhưng nước mắt cùng chảy ròng ròng, hạnh phúc và đau khổ hình như vẫn ở chung nhà. Na nắm chặt tay Tín, rồi từ từ thiếp vào trong giấc ngủ sâu.
Đó là cuộc đối thoại cuối cùng giữa Tín và Na. Sáng hôm sau, bác sĩ đưa Na xuống phòng giải phẩu ở lầu hai bằng thang máy, trên một chiếc băng ca hẹp. Chỉ có mẹ Na là người được đi theo. Khi cửa thang máy khép dần, Na cố gượng nhấc đầu lên, đưa tay lên miệng mi gió chào anh.
***
Đám tang của Na xảy ra không lâu sau đó. Na đã ngủ một giấc ngủ dài sau khi mổ, đến lúc tắt thở. Căn phòng để quan tài đã được mẹ Na chuẩn bị rất chu đáo, đặc biệt là hoa. Hoa Đà Lạt tươi rói, thơm ngát, được bạn bè dựng quanh quan tài như tặng hoa sinh nhật, từng lẳng, từng bó thật nên thơ, không giống như những vòng hoa tang ở các đám khác. Xe chở quan tài đi vòng quanh Đà Lạt, chậm rãi, qua những con phố, qua mấy sườn đồi, qua mặt hồ đầy sương, qua thung lũng mưa phùn, qua những nỗi niềm lắng đọng của mẹ, của em, bạn bè và người thân. Na đã chọn trước cho mình một chỗ nằm rất đẹp, bên triền đồi, đối diện là những rừng thông bạt ngàn của thành phố. Đà Lạt cứ như một cõi túy sinh mộng tử, lãng đãng như sương, mơ màng như khói, con người và cảnh vật cũng phù phiếm thế sao?
Đúng một năm sau, Tín lại có dịp lên Đà Lạt. Anh không quên ghé mua một ít trái cây và một bó hoa hồng trước khi đến thăm nhà bà chị. Đến nhà, anh đặt bó hoa lên bàn phòng khách, rồi lấy dĩa sắp trái cây lên thắp hương cho Na. Nụ cười tươi rói trên bàn thờ khiến anh không khỏi mủi lòng. Thắp hương xong, anh quay lại phòng khách thì nghe mẹ Na hỏi:
– Sao em không đặt hoa lên bàn Na luôn?
– Í không! Hoa này là để em tặng người khác!
Mẹ Na ngẩn người ra xin lỗi, chị tưởng là anh mang hoa đến tặng cho Na như ngày nào. Trông nét mặt chị có vẻ hơi buồn. Có lẽ chị nghĩ Na sẽ giận Tín nếu Na biết như thế. Ngay lúc đó, Ni từ nhà bếp lên chào, Tín đứng lên trịnh trọng nâng bó hoa tặng Ni. Đôi má Ni bỗng ửng lên, cùng ánh với màu hoa hồng, và nụ cuời cũng rạng rỡ như hoa.
– Chú bày vẽ quá! Cám ơn chú.
Tín lại giở giọng triết lý:
– Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn đấy thôi!
Ni rót trà mời khách và mẹ. Sau đó ôm bó hoa đi xuống nhà dưới. Câu chuyện của mẹ Na và Tín chỉ xoay quanh chuyện hai chị em trước và sau khi Na chết. Ngày nào chị ra nghĩa trang cũng thấy một đóa hoa trên mộ Na. Những kỉ niệm vui buồn cứ thế được kể mãi trong căn phòng ấm cúng. Bỗng dưng Ni từ nhà dưới đi lên, tay bưng một lẳng hoa được cắm rất đẹp, từ ngoài phòng khách nói vọng vào:
– Mẹ ơi! Chú ơi! Con tặng lại lẳng hoa này cho chị Na nghe. Nói rồi Ni tiến đến bàn linh, đặt lẳng hoa bên cạnh di ảnh của chị, rồi thắp một nén nhang. Cả mẹ Na và Tín cũng ra đứng sau lưng Ni, yên lặng. Cử chỉ của Ni thật trang trọng, thành kính. Đôi mắt đen nháy, nụ cười kín đáo, minh tuệ trên khuôn mặt đầy thánh thiện. Căn phòng bỗng nhiên ấm cúng lạ, sự im lặng cũng nhẹ nhàng như đời sống của xứ sở mơ màng này. Một bản giao hưởng của Mozazz hay Beethoven gì đó vẫn cứ rơi đều trong căn nhà nhỏ. Ni quay sang nhìn Tín và mẹ, mỉm cười ý nhị:
– Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn đấy thôi!
Sài gòn, mùa Hạ năm Nhâm Ngọ.
NT.
Trích: Tập san Suối Nguồn 13