Anh nhớ lại, họ đã đi vào trong sương lúc xe bắt đầu lên đèo. Sương mưa làm thành một màn dày trắng cả trời cả đất. Xe họ có vẻ như lơ lửng giữa khoảng không, chậm chạp, thận trọng chạy lên, chỉ trông thấy và tránh xe ngược chiều lúc cả hai tiến gần đến nhau ở khoảng cách không đến mười mét.
Ánh đèn pha chỉ là hai đóm sáng mờ. Họ như lạc vào một thế giới khác, huyền ảo như cõi tiên của Từ Thức, mông lung như trong mơ. Anh nhớ lại, chuyến về cũng thế: sương mưa bắt đầu xuất hiện ở chân đèo, và tan biến ở chân đèo bên kia. Thật lạ, anh có cảm tưởng dường như mây và sương thích ở lại đèo này, dường như chúng chọn nơi đây làm nơi trú ngụ. Lần đó, lần đầu anh đến Đà Lạt, anh có Văn, một người bạn thân.
Xe sắp đến đèo; và, anh chờ đợi…
Lần này, đèo có bộ mặt khác hẳn, tuy không huyền hoặc nhưng hùng vĩ, tráng lệ. Bên trái, vách núi có nhiều dòng nước trong vắt len lõi qua những khe bí mật, chảy tràn qua mặt lộ, có nhiều bông hoa nhỏ cánh trắng mọc trên đá. Bên phải, cây rừng xanh thẳm, tầng tầng lớp lớp dưới lũng sâu đến rợn người.
Anh cũng đã đón chuyến xe sớm nhất, cũng chọn kiểu xe mười lăm chỗ, và cũng trả thêm tiền để được ngồi ở dãy ghế đầu tiên dành cho hành khách, sau lưng tài xế. Anh nhớ đến lời Văn: “Nên đi xe nhỏ, mới, và ngồi ở hàng ghế đầu tiên, vừa có cảm giác an toàn vừa dễ ngắm cảnh”. Hãng xe cũ, chổ ngồi cũ. Nhưng lần này, trên chiếc ghế bên cạnh là một người lạ, anh đi một mình. Điều gì khiến anh nôn nóng trở lại? Vì đã không liên lạc được với Đỗ – người bạn mới họ gặp nhau chuyến đi trước, “một khuôn mặt quạnh quẽ của Đà Lạt thơ mộng” như anh đã gọi?
Vì cô gái bán sữa đậu nành tuyệt đẹp bên bờ Hồ Xuân Hương? Hay để được áp dụng lần nữa cái công thức “18oC + sương mù + hồ nước + ly cà phê đen + tiếng hát Lê Uyên & Phương”? Dù gì, thành phố cao nguyên ấy đã mê hoặc anh ngay lần đầu tiên anh đặt chân đến.
Tháng mười một, anh gặp lại dã quỳ. Hàng ngày hoa dại nở dọc đường, tràn đầy sườn đồi. Và thông, và cái lạnh, và sương mù muôn thuở của chốn này.
Anh nói với tài xế cho anh xuống xe trước khi tới bến, nơi có quán cà phê lần trước Đỗ dẫn họ đến.
Đầu tóc rối bời, quần áo nhàu nát, anh mang ba lô đi về phía quán. “Chào anh đến chơi, hai người bạn của anh đâu”… “anh uống cà phê chứ?”. Anh bước thẳng đến rào chắn bằng gỗ thông ngăn cách nền quán với lũng sâu. Tầm mắt trải rộng và phóng sâu, nhỡn quan anh thu tóm toàn cảnh thung lũng, núi đồi. Mắt anh in màu xanh thẳm của ngàn thông. Anh sững sờ, và, chợt nhớ giấc mơ: thỉnh thoảng thấy mình đơn độc bị nhốt trong một cái hộp to sáu cạnh. Anh nhảy lên với hai cánh tay dang rộng như đôi cánh chim: anh cố bay lên một cách tuyệt vọng…
“ Cà phê đây, mời anh”. Anh sực tỉnh, cầm lấy ly cà phê đen từ tay ông lão, nói cám ơn. Họ đứng nhìn ra thung lũng. “Anh thích rừng thông?” Ông lão hỏi, giọng vang sang sảng. “Sài Gòn làm cháu ngạt thở” , anh trả lời. “ Ở đây có chim đại bàng không, bác?” “tôi chưa từng trông thấy”.
Đối đáp dăm câu, ông lão quay vào trong. Anh uống hết cà phê, cầm ly trở vào, hỏi đường đến nhà thờ Con Gà. Ông lão chỉ hướng và hỏi anh có muốn đi xe ôm không. Anh nói cám ơn, cháu thích đi bộ.
***
Anh đã sắm một đôi giày da mềm, màu nâu, kiểu cũ. Anh để ý đất ở đây màu nâu. Tuy nhiên, anh không nghĩ đến đất khi mua giày; mà, nghỉ đến vỉa hè. Lần trước, Văn đã gọi một chiếc xe ôm chở ba từ bến xe vào khu trung tâm, và anh đã để ý thành phố có những vỉa hè đẹp. Khi còn là học trò tiều học, anh thường cuốc bộ hai lượt/ngày tên quãng đường dài hơn năm cây số – là quãng từ nhà đến trường – với vỉa hè bằng phẳng, sạch và yên ắng. Và thả hồn theo những giấc mộng riêng của mình. Ngày ấy, hoa dầu còn rơi xoay tít trong gió tháng ba và lá me vàng còn bay bay đầy trời tháng mười. Từ lâu, niềm vui ấy đã mất, không phải vì mưu sinh nhọc nhằn, vì sự cằn cỗi dần của tâm hồn; mà, vì cây đã bị chặt mất ngọn, vỉa hè nhấp nhô loang lổ, dơ bẩn và ồn ào. Có lúc anh hồn nhiên mơ mình được làm thị trưởng, để có thể mang lại sự sạch sẽ cho thành phố anh đang ở; và có thể lát gạch thật đẹp tất cả vỉa hè. Anh nghỉ vỉa hè sạch đẹp khiến gười dân them yêu thành phố mình hơn. Vì chỉ là mơ nên anh đang muốn ra đi, rời bỏ Sài Gòn. Dù sao, giờ đây, anh đang bước trên những vỉa hè tuy không được như anh mơ ước nhưng đủ khiến lòng anh rộn vui. Anh sắm đôi giày mới là để đi trên những vỉa hè này. Anh đi qua nhiều con đường vắng vẻ có biệt thự nhiều mái ngói, với ống khói lò sưởi, cửa kính, các cửa thông gió, cửa tò vò nhiều hình dạng và đẹp, với hoa trong khuôn viên, dây leo bám trên tường. Lâu lâu, một khách bộ hành đi ngược chiều, mặc áo len, quàng khăn, quay lại nhìn anh với ánh mắt tò mò. Thỉnh thoảng anh dừng lại, ngồi xổm trên vỉa hè để cột lại dây giày, hoặc đứng ngắm nhìn phong cảnh, ngạc nhiên vì vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa hùng vĩ của thành phố. Ở đây, mỗi góc nhìn là một cảnh đẹp: bóng thông trên bãi cỏ, hồ nước xa mờ, những vạt nắng vàng ngã xuống triền cỏ xanh mướt, những mái ngói tường hoa thấp thoáng sau ngàn lá, bóng cây phủ xuống các giàn su dưới lòng thung lũng, những bông hoa to lạ thường nở rộ đầy lối đi…
***
Loang quanh một lúc anh mới biết mình đã lạc. Nơi Đỗ ở đâu đây, quanh khu vực nhà thờ Con Gà, nhưng anh không sao tìm được. Lần đi với Văn, anh không để ý tên đường, số nhà. Từ giã Đỗ, anh chỉ hỏi số điện thoại. Nhưng số điện thoại ấy không giúp gì được: người ta nói đó là số “không có thực”.
Ở một khu phố quạnh vắng có những lối đi tam cấp dài, anh hỏi một cô gái da trắng má hồng mặc áo len: “Xin lỗi, cô vui lòng cho tôi hỏi thăm, cô có biết một người tên Đỗ sống gần đây, dịch sách và làm thơ?”. “Dạ không”, cô gái đáp. Anh đi vào một ngả khác, hỏi một ông lão đội mũ len giống như của Đỗ: “Xin cụ cảm phiền, cháu đang tìm một người tên Đỗ, ngoài bốn mươi, dịch sách, làm thơ, ăn chay trường, dường như ở trong khu phố này?”. Ông lão chau mày lắng nghe rồi lắc đầu nói tôi rất tiếc… Anh còn hỏi một vài người nữa, mô tả cả hình dáng cao gầy khắc khổ của Đỗ. Nhưng không ai giúp được anh.
Đến chiều anh nghĩ: “Thôi, mình sẽ gọi điện thoại lần nữa sau khi tìm chỗ trọ. Mình có thể hỏi thăm anh ấy ở các quán cơm chay”. Anh hỏi một người dân địa phương nơi anh có thể ở trọ, rồi bước vội. Bóng anh cùng cảnh vật mờ dần trong sương…
Ở nơi trọ, anh cởi ba lô, nghỉ ngơi, được rửa mặt bằng nước nóng. Chủ nhà chỉ anh một quán cơm chay.
Quán cơm không rộng, đông thực khách. Họ là nhà sư, du khách, thợ chụp hình… Họ nói nhiều giọng, mặc áo ấm, đội mũ hoặc quàng khăn.
Anh nhìn thấy chiếc ghế trống ở một cái bàn có sẵn ba người ngồi. “Xin lỗi, tôi có thể ngồi đây được chứ ?”. Anh khẽ cúi đầu, hỏi một người đang nhìn anh. Người này, đội mũ lưỡi trai, mang máy ảnh trước ngực, gật đầu nói “Vâng”. Trong lúc ăn, người ngồi cạnh anh – mặc áo khoác đội mũ nỉ, kể về một kẻ vô gia cư, đi khắp vùng cao nguyên để chụp sương, mây, nắng, mưa. Người mang máy ảnh nói có biết người ấy. Anh không nghe Đỗ nói đến điều đó. Tuy nhiên, anh cũng hỏi nhân dáng người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Và anh được nghe những lời mô tả mơ hồ, mâu thuẫn. Kẻ bảo đó là một người đàn ông cao gầy, đội mũ len (giống Đỗ), người nói là một ông lão râu tóc dài có đôi mắt sáng như sao và giọng nói sang sảng (giống ông lão ở quán cà phê ven thung lũng anh vừa ghé lại ban trưa). Khi anh hỏi về Đỗ, người thứ ba đầu quấn khăn, mặc áo thổ cẩm nói giọng lơ lớ, lên tiếng “Một người dịch sách và làm thơ ư ? Có! Tôi có biết!”. Anh mừng rỡ, chưa kịp hỏi có phải tên Đỗ, người này nói tiếp: “Ông ta sống trên núi!”
Rời quán cơm, anh hỏi đường, tìm đến bưu điện thành phố. Đó là một tòa nhà to. Và như tất cả công trình kiến trúc khác ở đây, rất đẹp. Nhân viên bưu điện nói có thể anh đã ghi nhầm số.
Trở ra cổng, anh bỗng nghe những người hành nghề xe ôm bàn tán về một người thích màu xanh lá cây. Anh lắng nghe họ vì nhớ ra căn phòng đơn sơ của Đỗ được sơn màu rêu: màu lá cây sẫm.
Thấy anh đến gần, một người hỏi có muốn đi xe ôm không. Anh lắc đầu. Họ để mặc anh và tiếp tục câu chuyện. Có lẽ họ nghĩ anh đang chờ ai đó. Câu chuyện họ nói thật khó tin: một họa sĩ đang âm mưu sơn màu xanh lá cây tất cả công trình, nhà cửa, vật dụng ở Đà Lạt!
Buổi tối, anh tìm đến quán cà phê: một biệt thự xưa, đẹp cổ kính, một mặt nhìn ra rừng thông, một mặt nhìn ra hồ Xuân Hương. Quán có nhiều ngóc ngách. Sau một lúc, anh tìm ra chỗ trước kia anh đã ngồi với Đỗ và Văn. Anh nhận ra chỗ ấy nhờ bản sao bức “Đêm sao” của Van Gogh treo trên tường. Anh nhớ lại, Đỗ đã nhường anh ngồi phía ngoài nơi có thể nhìn bao quát hồ. Nhưng bàn đã có một đôi thanh niên nam nữ ngồi. Đứng cạnh đấy, anh nhìn quanh quất, không phải để tìm bàn trống, mà vì không biết làm gì. Các bàn được đặt khá xa nhau. Có lẽ để dành nhiều không khí riêng tư hơn cho khách. Chợt có tiếng nói bên tai: “Xin lỗi, tôi có thể thu xếp chỗ ngồi cho ông không ạ?” Đó là tiếng người tiếp viên. Anh ta còn trẻ, mặc sơ mi trắng quần đen, đang đứng cạnh anh. “Cám ơn, tôi có thể chờ ở đây”, anh nói. “Xin tùy ông”, anh bồi nói sau một thoáng ngạc nhiên.
Anh quyết định chờ, không đứng quá gần, cũng không quá xa chiếc bàn ấy. Một lát, đôi thanh niên gọi tính tiền. Trước khi ra đi, cô gái liếc xéo anh, chàng trai thì nhìn anh. Anh nói “Xin lỗi” rồi ngồi xuống.
Chỗ ngồi cũ, với cà phê đen, anh nhìn ra hồ. Sương lan trên mặt nước. Xa xa, những bóng người di chuyển chậm chạp trên cầu. Ánh đèn thành phố rơi vãi xuống mặt hồ, lờ đờ, mờ ảo. Không gian mênh mông bóng tối, ngập giá rét. Sương như len vào hồn anh, và giá lạnh như dần thấm vào lòng anh.
Anh cố nhớ nơi Đỗ ở. Có phải đó là một căn phòng chật, có một chiếc giường cây, một cái bàn, sách chất đầy lên đến sát mái ngói, có cây ghi-ta và hai con búp bê to? Và dường như cửa sổ mở ra một khoảng không gian um tùm cây? Lần trước – anh nhớ, anh đã cùng Văn, và sau đó thêm Đỗ, đi khắp nơi: đến hồ, thác, đồi, thung lũng; đi lên đi xuống nhiều con đường, nhiều bậc tam cấp. Nơi Đỗ ở là một mảng không gian nào giữa các khoảng trời bát ngát ấy?. Anh nhớ lại cũng trong khung cảnh như thế này với giọng nói nhẹ,Đỗ đã nói về cuộc đời như một quả lắc đong đưa giữa tử và sinh, về nỗi đau khi bất chợt nhìn thấy một đoá quỳ vàng bị giẫm nát, về những vì sao tưởng thật gần nhau mà lại rất xa, về một loài chim tìm về vùng tuyết trắng, về những con bướm và những trang vở, về ba ngôi sao thẳng hàng… “…Cho em môi hôn vội vàng, cho em quen ân tình sâu, dù em không mong dài lâu. Xin cất lấy ước mơ đầu, xin cho yêu em nồng nàn, xin cho yêu em nồng nàn, dù tháng năm buồn vui bàng hoàng…”(*). Trong tiếng hát Lê Uyên Phương, trong hoài niệm về Đỗ, anh đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, cho đến khi những đóm lửa nhỏ ven hồ bùng cháy trong ký ức anh. Giữa ngọn lửa, hình ảnh một người con gái hiện ra, rõ dần… Và anh đứng lên, rời quán.
Đêm sâu hơn, không gian thêm mênh mông, và vạn vật trở nên lặng lẽ. Quấn lại chiếc khăn quàng cổ, hai tay thọc vào túi quần, anh lững thững bước dọc bờ hồ.
Thỉnh thoảng, có những đôi nam nữ chở nhau trên xe gắn máy hoặc bước song song trên đường. Dường như họ đều nhìn anh với ánh mắt chia xẻ. Ánh mắt ấy khiến anh chợt nhận ra tất cả những người anh đã gặp trên đường, trong quán đêm nay, không ai đi một mình. Và anh nhớ đến câu nói của ai đó: “Đừng đến Đà Lạt một mình”.
Anh nhớ lại lần trước, sau khi đã uống chút ít rượu với những người khách du lịch tình cờ gặp,anh và Văn đã thuê một chiếc xe gắn máy, chở nhau chạy quanh bờ hồ Xuân Hương. Trước sự rụt rè, thận trọng của Văn, anh đã dành cho được tay lái. Và chở Văn chạy trái tuyến đường sát bờ hồ. Anh nói anh thích đi ngược chiều; hơn nữa, đi như thế mới có thể trông thấy hồ. Văn bảo anh đã say, ra sức thuyết phục anh chạy đúng bên phải và chậm lại. Quả thực, anh đang say; nhưng, không phải vì rượu, mà vì trời cao đất rộng, vì vẻ đẹp của hồ, vì bầu không khí giá buốt, thanh sạch. Anh như đang mọc cánh… Sau đó, anh đã đâm xe vào đống cát. Cả hai đều ngả, nhưng không bị thương. Trong khi anh im lặng giang hai tay, Văn dựng lại xe, càu nhàu.
Anh đứng lại, nhìn về hai phía. Việc ấy xảy ra ở đâu đây thôi, giữa đường phía bên này.
Anh tiếp tục cất bước đi vòng hồ để tiến đến bờ bên kia, nơi có những cô gái bán sữa đậu nành…
Anh không nhớ rõ nơi họ gặp cô gái; chỉ nhớ anh đã gọi hai ly sữa nóng. Và họ ngồi trên cỏ, quay mặt ra hồ, vừa uống vừa hát. Dường như đó là bài “Chiếc lá cuối cùng”, rồi bài “Cô gái Xuân” và “Một cõi đi về”. Anh nhớ giọng cô gái trong veo: “Em đoán hai ông là nhà văn, phải không ạ?”. Văn nói phải rồi lấy trong ba lô mình tập truyện ngắn “Mùa vàng” in chung với anh, ký tặng cô gái. Cô nhìn anh: “Ông có ký tặng em không?”. Anh cầm lấy quyển sách ký tên rồi trao cho cô. Cô mỉm cười, đón nhận quyển sách với cả hai tay, nói “Cám ơn ông”. Đôi mắt đẹp u hoài của cô ánh lên niềm vui. Anh không nhớ câu chuyện sau đó, không nhớ giây phút từ giã. Mãi đến sáng hôm sau, khi cả hai đón xe về Sài Gòn, xe đã lăn bánh và Văn hỏi: “Bạn có trả tiền sữa đậu nành chứ?”, anh mới chợt nhớ đã quên. Họ chỉ còn biết hẹn nhau sẽ thu xếp để sớm trở lại. Văn đi Châu Âu, anh nợ cô gái món tiền và hai lời xin lỗi…
Anh đã đến phía bên kia hồ, và bắt đầu chú ý đến các cô gái bán sữa đậu nành. Họ ngồi rải rác bên hồ. Cạnh họ là quang gánh với thùng sữa bắc lên lò than, vài người khách ngồi trên những chiếc ghế nhỏ và thấp. Mỗi lần thùng sữa được giở nắp, hơi nóng bốc lên trắng cả mặt các cô gái.
Anh bước chậm, đứng lại kín đáo nhìn mỗi khi trông thấy một nét quen. Cũng có khi anh giã vờ ngồi xuống cột dây giày, lén nhìn họ.
Chợt anh thấy tim mình đập mạnh khi đến gần một cô gái có mái tóc dài, làn da trắng, dáng mảnh mai. Nơi đó, một người đàn ông, một người đàn bà và một bé gái – có lẽ là một gia đình nhỏ – Vừa rời đi. “Ông uống sữa nóng ạ”, trông thấy anh, cô gái lên tiếng kèm một nụ cười. Anh ngồi xuống chiếc ghế nhỏ: “Vâng, xin cho một ly”. Cô gái vừa múc sữa ra ly, vừa lén nhìn anh. Có lẽ đúng là cô gái ấy, anh nghĩ. Trong lúc uống sữa, anh khéo léo gợi chuyện. Cô gái cho biết cô bán ở đây nhiều năm rồi. “ Xin cho hỏi, có phải ông là nhà văn Phong Hồ?”, cô gái hỏi. Anh mừng rỡ, gật đầu: “Vâng, tôi viết truyện ngắn”. Mắt cô gái long lanh: “Em đã đọc truyện ngắn của ông! Em rất thích, nhất là truyện ông viết về Đà Lạt…” “Đây là lần thứ hai tôi đến thành phố này.”, “Ông Thanh Văn là bạn của ông?” “Lần đầu đến đây, tôi đi cùng với anh ấy, chắc cô còn nhớ?” Thấy cô gái có vẻ không chú ý đến lời của mình, anh nói thêm: “Chúng tôi đã uống sữa đậu nành…” “Ông thấy em nấu sữa thế nào?”, “Ngon lắm, còn ngon hơn lần trước…” “Có nhiều chỗ bán sữa đậu nành: ở chợ Đà Lạt, chợ Âm Phủ bán cũng ngon lắm. Ông thấy đấy, ngay cả ở bờ hồ này cũng có nhiều người bán…”. Có phải là cô gái ấy không, anh tự hỏi. “Lần trước, tôi cũng uống ở bờ hồ này, ngay chỗ này…”, anh nói tiếp, “thế mà em đã không nhìn thấy ông đấy!”. Lời nói của cô gái tựa một ngọn gió buốt thổi vào tâm hồn đang lạnh giá của anh. Anh cho cả hai tay vào túi áo, thu mình lại. “Ông lạnh lắm phải không. Ông đừng trách nơi này, chỉ vì ông mặc không đủ ấm đấy thôi”. Anh nở nụ cười buồn: “Cô biết không, cái lạnh trong tâm hồn mới thật đáng sợ…”. Rồi cả hai không nói gì nữa. Trong lúc anh lặng nhìn mặt hồ; người con gái ngước trông bầu trời. Cả mặt hồ, cả bầu trời đều đầy sao.
Nhìn thấy nét buồn trong đôi mắt cô gái, anh đứng lên trả tiền, nói “Tôi xin lỗi” rồi bước đi.
Quá khuya, anh trở về nhà trọ. Không gian rất trong, rất buốc. Anh đi lên đi xuống các con đường dốc nửa lạ nửa quen. Bỗng anh đứng sững lại, kinh ngạc: cảnh phố mới nhìn thấy rõ ràng, đã gần như biến mất. Một đám sương tựa tấm voan mỏng khổng lồ rơi xuống đất, trùm lấy dãy phố một lát, rồi bay đi nơi khác.
Anh cúi người đi lên con dốc vắng. Ở đầu dốc hai bóng người dìu nhau âm thầm. Lạnh buốt hai tai, anh chợt nhận ra chiếc mũ cát-kết màu nâu – chiếc mũ anh thích và đi đâu cũng đội, không có trên đầu mình.
TP.
Trích: Tập san Suối Nguồn 13