Chặng Đường Tham Học (II)

10. ĐI THI Ở VIỆN PHẬT HỌC TỲ LÔ

Hết câu chuyện thọ giới ở Bảo Hoa Sơn rồi, tôi xin kể lại việc đi thi vào Viện Phật Học chùa Tỳ Lô tại Nam Kinh.

Khi thọ giới, tất cả giới tử đều đốt 12 liều trên đầu. Sau đó họ được phát Giới điệp và một quyển sổ ghi danh sách giới tử, như sinh viên Đại học lãnh văn bằng tốt nghiệp, lòng họ vùa phấn khởi vừa băn khoăn, chưa biết phải làm gì ở ngày mai nên tụm năm tụm ba để bàn tính.

Mỗi người một hướng, có thầy thì định trở về làm Đương gia sư  ở ngôi miếu nhỏ hoặc làm Trụ trì, có thầy định đi tham thiền ở Kim Sơn hoặc Cao Mân, có thầy định đến núi Linh Nham đất Tô Châu để niệm phật, có thầy định về chùa Thiên Ninh tại Thường Châu để học xướng niệm, thầy thì muốn đi chiêm bái bốn Đại danh sơn, thầy tính kết am tranh ở núi Chung Nam, thầy định theo học kinh sư ở Thượng Hải hoặc Nam Kinh, thầy định đi lễ bái Xá lợi ở chùa A Dục Vương tại Ninh Ba, thầy muốn đi chiêm bái Đại Kim Tháp tại Miến Điện, thầy tính đi nghiên cứu giáo nghĩa Thiên Thai tại chùa Quán Tông, thầy thì định ở lại học giới luật tại núi Bảo Hoa. Lại có thầy không tính gì cả, gặp chăng hay chớ. Riêng tôi phải đợi Hải Tú đến núi Bảo Hoa đón mới quyết định. Cuối cùng, vì nghe lời đốc thúc của một giới huynh, tôi quyết định thi vào Viện Phật Học Tỳ Lô tại Nam Kinh.

Dự tính này sau đó không thành làm tôi rơi vào nỗi thất vọng lớn. Nhưng dù sao đấy là trạm dừng trong quá trình tham học của tôi. Nay tôi xin kể lại câu chuyện này để gởi gắm cho những người cùng mang một chí hướng như tôi.

Lúc giới đàn Bảo Hoa Sơn sắp kết thúc, thì một giới huynh loan báo một tin vui: “Theo lời một người từ Nam Kinh nói lại là: Thái Hư Đại Sư sắp đến Nam Kinh và mở viện Phật học tại chùa Tỳ Lô. Hiện, Pháp sư giảng dạy đã mời xong, không bao lâu sẽ dán bảng chiêu sinh. Sau khi Giới đàn viên mãn, vị Tăng trẻ nào phát tâm cầu học thì đến đó ghi tên dự thi, ngày học sẽ khai giảng vào đầu năm tới. Đây là cơ hội tốt ngàn năm một thuở, xin quý vị đừng bỏ qua”.

Tỳ Lô, một ngôi chùa nổi tiếng ở Nam Kinh, toạ lạc trên diện tích rộng lớn gần vùng Chính phủ Quốc Dân. Chùa có nhiều chánh điện, trong có Điện Quan Âm được kiến trúc theo lối mới trông rất trang nghiêm hùng vĩ, khiến cho không khí già nua của ngôi chùa sáng hẳn trở lại.

Chín người chúng tôi rời núi Bảo Hoa đến nhà khách của chùa Tỳ Lô. Thầy Tri khách nhìn thấy những vết liều thọ hương trên đầu chúng tôi, biết ngay là những người đến ứng thí. Qua mấy lời chào hỏi, thầy đích thân đưa chúng tôi đến căn phòng nằm bên phải của nhà khách. Căn phòng này có ba gian: một gian sáng, hai gian tối. Gian phía bên phải là chỗ ở của một vị Pháp sư, gian phía bên trái là một cái đơn rộng ngủ được mười mấy người, vách phía hành lang có cửa sổ lớn bằng kiếng, dưới cửa sổ kê một cái bàn vuông lớn, rất tiện để ngồi học. Nhìn căn phòng đầy đủ, ai nấy đều cảm thấy hài lòng. Sau khi thọ giới, đây là lần đầu tiên chúng tôi đi quải đơn, gặp được thầy Tri khách lịch sự và được ở gian phòng tốt như thế, phải nói là hưởng “phước báu” quá chừng chừng!

Sau khi hướng dẫn chỗ ở cho chúng tôi rồi, thầy Tri khách đưa chúng tôi đến đại liêu, qua hai ngôi nhà lớn rồi đến Đại Hùng Bảo Điện, Quan Aâm điện và Tế Công điện để chúng tôi chiêm lễ, lúc đó đã đến giờ đánh bảng công phu chiều, chúng tôi chuẩn bị đi theo, nhưng thầy Tri khách nói:

Các thầy từ xa đến, rất mệt nhọc, hãy nghỉ lại trong phòng, khỏi phải công phu chiều.

Lời của thầy Tri khách như tia nắng mặt trời mùa đông rọi vào cõi lòng vắng lặng của chúng tôi một cảm giác ấm áp nhẹ nhàng. Sớm hôm sau, dùng tiểu thực tại Trai đường xong chúng tôi trở về phòng. Một lát sau, thầy Tri khách cùng với thầy Duy na và thầy Trị nhật đến phòng chúng tôi. Vừa bước vào phòng, thầy Duy na liền hỏi chúng tôi có biết tán tụng không. Trừ tôi và một giới huynh ra, bảy vị còn lại đều trả lời “biết”. Nghe tôi nói không biết tán tụng, thầy Trị nhật nhìn tôi bằng đôi mắt khinh miệt. Tôi đọc được trong ánh mắt đó như muốn nói: “Trông thầy đã hơn 20 tuổi rồi, mà tán tụng cũng không biết. dù thầy có thọ giới rồi cũng chả khác gì thùng cơm.” Trái lại thầy Duy na và thầy Tri khách thì an ủi và khuyến khích chúng tôi bằng giọng khôi hài:

Không biết cũng không sao! Hai thầy có thể ở lại đây học từ từ.

Hai thầy quay lại nói với bảy giới huynh biết tán tụng:

Dạo này Phật sự trong chùa rất nhiều, mong các thầy phát tâm giúp đỡ cho.

Nói xong ba thầy kia đi ra. Bảy giới huynh kia thè lưỡi ra, rồi nói với nhau: “Hừ, giúp đỡ! Chúng tôi đâu phải đến đây để tán tụng?” Tuy nói thế, nhưng sau đó họ lại ngoan ngoãn làm theo ý thầy Tri khách và thầy Duy na.

Từ hôm thầy Tri khách, thầy Duy na và thầy Trị nhật đến phòng, chúng tôi làm mâm lễ thỉnh giáo, vô hình trung những giới huynh biết tán tụng đã trở thành những người bận rộn. Mỗi ngày trên tấm bảng treo trong Khách đường đều có tên của họ:

Hôm nay: Trương phủ đọc kinh

Lý phủ bái sám

Triệu phủ thí thực.

Ngày mai:  Lưu phủ cúng thí thực.

Tôn phủ đọc kinh.

Mã phủ bái sám.

Tóm lại, các Phật sự đọc kinh, bái sám, thí thực….không ngày nào mà không có. Lúc đầu, bảy giới huynh này có vẻ không vui. Mỗi lần đọc kinh bái sám trở về, họ đều nói với giọng đầy bực tức:

Chúng ta đến đây để học. Tại sao ngày nào cũng kêu chúng ta đọc kinh, bái sám, thí thực? Thật là kỳ lạ, chả hiểu ra làm sao cả.

(Tôi cũng nghĩ như thế!)

Nhưng khi họ làm Phật sự được nữa tháng trở đi, mỗi vị cầm trên tay một xấp bạc xanh xanh đỏ đỏ, họ còn đưa nó lên cao, giọng đùa cợt để trêu tôi: “Ngọng, ngọng! Xem giấy bạc này có nhiều không? Học nhanh đi, thuộc rồi sẽ được khối tiền”.

Thú thật, nhìn những tờ giấy bạc của họ, tôi nghĩ đến nỗi khó khăn của mình, đôi khi tôi cũng muốn học tán tụng, nhưng chỉ là một thoáng nghĩ thôi. Đôi lúc trong chùa vì thiếu người, tôi phải tạm bổ sung chỗ trống. Lúc đó tôi thầm nghĩ: “Mình không nề nguy hiểm đến tính mạng mà đi ra tham học, chính là vì mục đích này sao?”.

Một buổi chiều, tôi cũng không nhớ rõ mình đã đến chùaTỳ Lộ được bao ngày rồi. Thầy tập sơ đương gia ở Đông Nhạc và Hải Tú đến thăm tôi. Vừa gặp tôi, Hải Tú liền hỏi: “Sư ông ở đây ra sao:” Tôi đáp: “Rất tốt!” Thầy Tập sơ nhìn chiếc áo tôi đang mặc đã sờn rách trơ cả bông ra, thầy nói:

Sư huynh thấy đệ cũng khỏe mạnh, nhưng sao áo dấy bẩn như thế?.

Giọng nói của thầy nghe có vẻ vừa trách móc vừa mỉa mai:

Đệ! Đừng ương ngạnh! Hãy theo Sư huynh về chùa Đông Nhạc đi. Nếu đệ không muốn đi ứng phú thì sư huynh không ép, chỉ cần đệ ngồi biên chép tính toán giúp Sư huynh, mỗi ngày Sư huynh sẽ cấp cho đệ một suất tiền (bằng giá trị một ngày đọc kinh). Ở bên đó đều là người phương Bắc, mỗi ngày ăn mì sợi to, bánh bao, uống bột, so với ở đây mỗi ngày ăn chỉ một bát cơm, uống hai gói cháo ngũ cốc thì vẫn hơn.

Nói xong thầy trừng mắt nhìn tôi thật lâu như đợi trả lời. Tôi thưa:

Nhã ý của Sư huynh, đệ rất cảm tạ. Nhưng đệ không thể nhận được. Mục đích của đệ đến đây là để cầu học, không phải vì tiền và hưởng thụ. Sinh hoạt nơi đây dù có những cái khổ, nhưng so với Bảo Hoa Sơn thì tốt hơn nhiều. Huống chi mỗi tháng đệ còn có thể tìm được vài đồng bạc để tiêu vặt, còn quần áo tốt xấu đối với đệ không thành vấn đề! Tử Lộ đệ tử của Đức Khổng phu tử-mặc áo quần cũ rách đứng trước người may áo lông cừu vẫn không than, lẽ nào người xuất gia mặc y phục rách mà lại sợ người khác cười sao?

Tập sơ đương gia nghe nói thế có vẻ không vui, nhưng cũng không trách tôi. Thầy chỉ nói một cách hờ hững:

Cũng được! Đệ đã quyết lòng như thế thì hãy ở đây tu học đi.

Nói xong, Thầy cùng Hải Tú trở về Đông Nhạc.

Cố nhân có câu:

Đứng nhìn cuộc thế lòng trắc ẩn

Biết rõ nhân tình lạnh buốt tim

Thật đúng, thế sự nhân tình rất đáng sợ! Nếu bạn ở cảnh sống đầy đủ thì bạn sẽ được mọi người coi trọng và đối xử tốt với bạn khi họ cần lợi dụng bạn. Nhưng một ngày nào đó, khi gặp người tốt hơn bạn giúp họ có cơ hội phát huy, thì họ không còn cần bạn nữa, lúc đó họ sẽ thay đổi thái độ với bạn ngay, thậm chí họ còn cho bạn một đá văng đi thật xa là đằng khác. Sự việc đó không chỉ giới hạn ở người tại gia, mà người xuất gia cũng vậy, đôi khi còn tệ hơn nữa. Thật là một cảnh ttượng hết sức đau lòng! Những lời tôi sắp nói ra đây không phải đặt điều mà có sự thật chứng minh hẳn hoi, bây giờ viết ra đây để các bạn thử xem nhân tình có đáng sợ không?

Tám vị giới huynh cùng đi với tôi đến chùa Tỳ Lô ứng thí đều là người phương Nam. Khi mới đến chùa Tỳ Lô, chúng tôi không chỉ là người cùng chí hướng, mà tình cảm đối với nhau cũng rất đậm đà. Điều đó là một nguồn an ủi lớn lao cho tôi, một kẻ mới đến tòng lâm tham học, giữa nơi xa lạ không quen biết này. Nhưng sự yên ấm chưa được bao lâu thì tôi bị một giới huynh mang ra làm công cụ để đùa bỡn, họ gọi tôi bằng “anh ngọng” thay thế từ “giới huynh”, cử chỉ của họ đối với tôi bằng sự khinh khi thay vì kính trọng. Cuối cùng sự đùa bỡn đưa đến đấu khẩu rồi ấu đả, chín người chúng tôi suýt “bị đuổi” ra khỏi cửa chùa Tỳ Lô.

Như tôi đã kể trên, Phật sự của chùa Tỳ Lô hằng ngày là “đọc kinh, lễ bái”, do đó mà bảy giới huynh biết tán tụng ngày càng được nhiều tiền. Ngược lại, người thì ngày càng mệt mỏi. Mỗi ngày sau khi đi đám, họ ăn chiều xong là lăn ra ngủ ngay. Theo quy định của chùa thì 9 giờ tối là tắt đèn. Tôi dành khoảng thời gian sau giờ ăn chiều cho đến khi tắt đèn để học bài và tập viết chữ. Tôi luôn “học thầm” để không làm động giấc ngủ của mọi người. Thế mà họ vẫn không bằng lòng. Mỗi lần thấy tôi mở đèn đọc sách là họ kêu to không kiêng nể gì cả:

Ngọng ơi ngọng! Ngủ đi.

Rồi xoẹt một tiếng, họ tắt đèn điện đi. Lúc đầu, tôi nhỏ nhẹ năn nỉ, họ mới chịu mở đèn để tôi tiếp tục học. Nhưng những ngày sau họ lại dùng lời giễu cợt, mắng chửi, uy hiếp tôi, chẳng hạn như:

Ngọng ơi ngọng, ngủ đi! Không ngủ ông đánh đấy!

Hoặc nói:

Mẹ kiếp! Làm trò gì mà không chịu ngủ hử? Bảo cho biết, dù ông gắng học bao nhiêu cũng không kiếm được nhiều tiền bằng chúng tôi đâu.

Nói rồi họ lại tắt đèn. Tôi biết tình thế này dù có năn nỉ cách mấy đi nữa cũng không hiệu quả. Tôi chỉ dựa theo lẽ phải để tranh luận với họ một phen. Nhưng bên họ đông người, thế mạnh, kết quả tranh luận tôi bị thua thiệt. Có lần tôi bực tức nói:

Quý thầy thật khi người quá lắm! Tôi học đã không hỏi han quý thầy, lại không phát ra tiếng, quý thầy ngủ thì cứ ngủ khoẻ đi, tại sao quý thầy lại gây sự cản trở tôi? Thời gian chùa quy định 9 giờ tắt đèn, tôi không vi phạm mà?. Quý thầy không có lý do nào làm nhộn lên được. Quý thầy nói dù tôi có cố gắng học cũng không kiếm được nhiều tiền bằng quý thầy, xin nói cho quý thầy rõ, tơi nổ lực học là vì tương lai muốn thi vào Viện Phật Học, không phải vì tiền. Xin quý thầy đừng nói những lời như thế nữa!

Tôi tự nghĩ: Với lời lẽ nghiêm chỉnh hợp tình như thế, chắc họ sẽ hổ thẹn, từ đó trở đi không dám chọc ghẹo, khinh khi, mắng chửi tôi nữa. Mọi người việc ai nấy lo, “Nước giếng không phạm nước sông”, được thế thì đẹp biết bao!

Nhưng tôi lầm to! Sự thật không như mình tưởng. Họ chẳng những không dừng trêu chọc, khinh khi, mắng chửi tôi, mà còn tăng thêm mức độ bằng hình thức “liên minh”, muốn tống tôi ra khỏi phòng. Đang cãi nhau,vô minh hỏa trong tôi không cách nào dằn nổi, lúc đó, đang cãi nhau với thầy Thanh gì đó, tôi quên pháp danh (người hay tắt đèn mỗi tối khi tôi đang học), không dằn được bèn đưa đến xung đột. Thầy ta đang đứng bên mép quảng đơn bị tôi tống vào mặt một đấm. Không ngờ thầy ta quá mèo ướt, còn tôi thì trong cơn thịnh nộ dùng sức quá mạnh, lập tức thầy ta thét lên một tiếng rồi ngã xuống gường, hai tay ôm mặt:

Ôi má ơi, chết con rồi!

Mọi người đang ngủ, nghe cái đấm của tôi và tiếng kêu của thầy Thanh, đều choàng dậy, chỉ về phía tôi gào lên:

Ông dám đánh người, ông dám đánh người hả?

Tôi nói:

_Đúng đấy! Tôi đã đánh thầy ta. Nếu các thầy không chịu được xin mời cả lại đây!

Rốt cuộc không một ai xuống đơn cả.

Cơn giông tố đã qua. Trong phòng, ngoài tiếng khóc của người bị đánh, mọi thứ đều trở nên vắng lạnh như tờ, không đèn đuốc, gian phòng như phủ lên một tấm màn đen, âm u như rừng rậm.

Đang lúc tôi muốn trở lại nơi cửa sổ, thì vị Pháp sư ở phòng kế bên nhẹ nhàng bước vào. Tôi xoay mình lại chắp tay chào Pháp sư, Pháp sư nhìn tôi gật đầu, lại nhìn giới huynh đau đớn nằm khóc trên gường kia, rồi người im lặng đứng ngay trước quảng đơn. Mấy vị ngồi trên đơn, thấy Pháp sư, nhất loạt họ kể lại hành động sai quấy của tôi cho Pháp sư nghe. Đợi họ đua nhau kể xong, Pháp sư lúc đó nghiễm nhiên như tư thái một quan toà tuyên án. Trước hết, Pháp sư nói với mấy giới huynh kia:

Mặc dù tôi ít đến phòng của các thầy, nhưng việc gì của các thầy, tôi đều biết rõ. Sau khi thọ giới, các thầy đã kết bạn đi tham học ở đây, cùng sống chung phải kính trọng lẫn nhau, giúp đỡ nhau, khiến cho phẩm cách, học thức và tu trì của người xuất gia mỗi ngày thêm tinh tấn, mọi thời ích lợi thêm, như thế mới là bạn lành cùng học đạo. Về đời sống của người xuất gia tại tòng lâm, điều cần thiết là phải hoà hợp với đại chúng, không được kiêu mạn, tật đố, nhất là các thầy mới vừa thọ giới, đi tham học. Hai câu sau đây các thầy phải ghi nhớ thật kỹ, và bất cứ nơi đâu, lúc nào cũng cần tự cảnh giác mình:

“Kiêu mạn, tật đố còn dữ hơn rắn độc.

Đừng bao giờ để nó sanh khởi trong tâm”.

Theo sự hiểu biết của tôi, dường như các thầy không có ý niệm căn bản này, như vậy các thầy đã cô phụ Sư trưởng của mình và chính bản thân của các thầy nữa”.

Nói đến đây, Pháp sư xoay mình lại, đưa tay chỉ tôi rồi nói với các giới huynh ngồi trên đơn:

Thầy đó từ miền Bắc xa xôi đến phương Nam này để tham học, thật là việc khó khăn, các thầy nên đối với thầy ta bằng tình hữu nghị, khuyến khích thầy ta, khiến cho thầy ta giảm bớt đi nỗi mặc cảm “đất lạ quê người” mà am tâm tu học. Các thầy đã không làm được như thế, mà còn làm trở ngại và khinh khi thầy ta. Tôi thường nghe các thầy gọi thầy ta là “Ngọng này”, “Ngọng kia”. Ngược lại, chưa bao giờ tôi nghe thầy ta gọi lại các thầy là “Thằng ngố”. Thử hỏi: Nếu như trong các thầy có thầy nào đi phương Bắc để tham học, người phương Bắc có những thái độ như thế đối với các thầy, các thầy sẽ nghĩ sao? Nghe vị Pháp sư nói đến đây, tôi bật khóc.

Dừng lại một chút, chỉ về phía giới huynh bị tôi đánh, Pháp sư nói: “Khi người thì bị người khi, lẽ nào thầy không biết cái lỗi do mình gây ra?.

Lòng người hợp với lòng ta,

Khắp nơi đằm thắm, Xuân qua thái bình.

Mong từ đây trở đi, thầy nên viết hai câu này dán ở nơi mình sinh hoạt để mỗi ngày nhớ cho kỹ, thì thầy sẽ không bị người đánh nữa”.

Rồi Pháp sư quay lại nói với tôi:

Trông thầy rất thật thà, vì sao lại có hành động thô bạo như vậy? Nên biết tại tòng lâm “mắng nhau, đánh nhau”,bất luận có lý hay không có lý đều phải bị xử “khai trừ” đấy! Họ khinh khi thầy, hoặc chửi mắng thầy, thầy có thể đến nhà khách dùng lời lẽ nói với họ, không nên tuỳ tiện đánh người như vậy. Hình như thầy có thường đọc Kinh Di Giáo đây mà? Trong đó có đoạn: “Nhẫn” là đức. Trì giới, khổ hạnh cũng không bằng. Người có “Nhẫn” mới gọi là người có sức mạnh lớn. Người nào không chịu được cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lồ, người đó không được gọi là người nhập đạo có trí huệ”.

Nói đến đây Pháp sư dường như quên, nghĩ một chút Pháp sư lại nói tiếp:

“Nên biết, tâm sân còn hơn lửa dữ, phải luôn giữ gìn không cho nó nổi lên. Giặc cướp công đức là sân hận đấy!”

Lúc bấy giờ, tôi muốn trả lời Pháp sư: “Lời của Pháp sư con đều biết, nhưng con rất hổ thẹn. Vì thật ra con không có công phu tu tập “nhận chịu cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lồ”. Huống chi họ đã mắng chửi con rất nhiều lần. Nếu như con nhẫn nhục bỏ đi, e rằng họ được đằng chân lên đằng đầu, leo lên đầu con mà đái nữa!”. Nhưng tôi không dám nói như thế. Pháp sư thấy tôi im lặng cho là tôi nhận lỗi, nên Pháp sư nói:

“Con chưa phải là Thánh thì không ai khỏi lầm lỗi. Nhưng người biết lỗi mà sửa đổi là người có sức mạnh”.

Pháp sư nói tiếp với mấy vị giới huynh khác đang ngồi trên đơn: “Các thầy không nên tranh chấp nữa nhé! Nếu không thì có ngày sẽ hối hận”.

Nói xong Pháp sư ra khỏi phòng. Chín người chúng tôi không ai dám hó hé một tiếng, rồi ai nấy đều đi ngủ. Đêm đó tôi không tài nào ngủ được, Nằm nghe dòng suy tư trào dâng như giòng nước sông Dương Tử cuồn cuộn chảy xiết đang gặp cơn gió lớn, sóng bủa nhấp nhô lúc trồi lúc hụp. Tôi miên man suy nghĩ: “Việc đã rồi! Ngày mai nếu Pháp sư đem việc tôi đánh người ra Quá đường, thì thầy Tri khách sẽ xử tội, trước hết đánh cho một trận hương bảng, rồi “khai trừ” theo như lời Pháp sư nói. Giả sử bị đánh hương bảng cũng còn được đi! Như bị “khai trừ” thì tôi phải làm sao đây? Trở về ngôi chùa nhỏ ở phương Bắc ư?– Nguy hiểm như con thiêu thân lao vào đèn! Đi đến chùa Đông Nhạc ư? – Khác nào từ gò cao rơi xuống vực thẳm!” Suốt đêm đó, tôi cứ suy đi tính lại, Trong lúc đó, các giới huynh cũng không ngớt thì thầm bàn tán, có lẽ họ có ý thức được lời cảnh cáo đầy nghiêm trọng của Pháp sư. Ngược lại, giới huynh bị đánh thì rất bình tĩnh. Khi lên đơn, thầy chỉ rên mấy tiếng hừ hừ, rồi ngủ mất.

Tôi còn nhớ là ngày 27 tháng chạp, sau bữa Tiểu thực, tại Trai đường, thầy Tri khách, thầy Duy-na và thầy Trị nhật họp chúng lại để bàn việc phân phối công tác quét dọn trên tháp. Phân công xong, mọi người đi hết, còn chúng tôi được thầy Tri khách giữ lại, theo sau là thầy Duy-na tuổi còn trẻ, dáng người thanh thanh, khuôn mặt trắng trẻo, văn chất đầy đủ, thường hay cười cởi mở. Trước hết, thầy này nhìn gò má sưng đỏ như dán nữa trái xá lị của giới huynh bị tôi đánh, rồi cười và quay sang hỏi tôi: “Tối qua, sao thầy đánh thầy Thanh”.

Nghe hỏi, tôi rất lo sợ, liền vội đứng dậy chắp tay thưa: “Xin thầy hỏi thầy Thanh trước đi!”

Trả lời vị Chấp sự của Thường trụ như thế là vô lễ. Nhưng sư phụ Duy-na từ bi không để ý đến những lời này. Thầy mỉm cười, không hỏi thầy Thanh mà cũng chẳng hỏi tôi. Giữa Trai đường, sư phụ tuyên bố đại khái giống với lời của vị Pháp sư hôm qua, rồi sư phụ kết luận:

“Việc các thầy đánh nhau, Đại Hoà thượng đã biết (Tin tức nhanh thật!)… Theo công trụ quy ước của Thường trụ, các thầy lẽ ra phải bị “khiển đơn”.  Nhưng xét lại, các thầy mới đi tham học lần đầu, chúng tôi không áp dụng những hình thức xử phạt ấy. Nhưng các thầy phải nhớ cho kỹ: Từ đây trở đi, đừng để xảy ra trường hợp tương tự như thế nữa! Nếu không thì chẳng những các thầy bị khiển đơn mà còn bị đánh một trận hương bảng.

Sư phụ Duy-na lại tiếp: “Bây giờ thì các thầy hãy trở về ngay để quét dọn trên tháp”.

Nói xong, sư phụ Duy-na cười hề hề rồi cùng đi với thầy Tri khách. Chín người chúng tôi dường như được “đại ân xá”, lục tục trở về phòng. Trên đường đi tôi thầm nghĩ: “Lạ thật! Tại sao lời nói của thầy Duy-na và Pháp sư giống như thế? Lẽ nào vị Pháp sư đã làm luật sư biện hộ cho tôi? Thầy Duy-na làm sao biết biệt danh “ngọng” của tôi một cách tự nhiên như thế? Bởi vì Pháp sư và mấy giới huynh khinh khi tôi đều là người Nam cả. Tôi nghe nói người Nam rất bảo vệ đồng hương. Tại sao lại có trường hợp ngoại lệ này? Lạ thật!”