Chặng Đường Tham Học (I)

1. PHÁT TÂM THAM HỌC

Tuy là xuất gia từ năm 14 tuổi, nhưng do ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh kháng Nhật, nên mãi đến 24 tuổi tôi mới được ân sư Từ Hàng   cho phép xuống tóc và cho đi tham học. Tôi cảm thấy rất hỗ thẹn, với độ tuổi nầy, lớp trẻ Đài Loan ngày nay vừa xuất gia là vào ngay Phật học viện, có thể giảng kinh nói pháp, lấy việc hoằng pháp lợi sanh làm bổn phận rồi! Do đó, mỗi khi nhàn rỗi nói chuyện cùng các bạn hữu, tôi đều tán thán những người xuất gia trẻ tuổi Đài Loan ngày nay, họ có đầy đủ thiện căn và phước đức.

Năm tôi đi tham học là đúng vào năm đầu tiên đất nước giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Nhật, nhưng tình hình an ninh chính trị không được khả quan cho lắm. Lúc bấy giờ, từ huyện Vĩnh Thành đến Hà Nam quê tôi thì việc đi lại rất khó khăn. Bởi vì ngoài việc giao thông không tiện lợi, còn có thổ phỉ, trộm cướp nổi lên khắp nơi. Bọn thổ phỉ này hành động khó lường, ban ngày thì ẩn tránh, ban đêm thì xuất hiện. Người đi đường, nếu không cẩn thận đề phòng thì sẽ bị chúng bắt cóc mang đi, lột sạch tiền của và y phục, sau đó nếu chẳng bị đánh đập dở sống dở chết thì cũng bị chúng chôn sống.

Đâu như bây giờ, trên bộ thì có đường xe hơi, đường xe lửa giao thông ngang dọc khắp nơi; trên biển thì có tàu thuỷ chở khách thật sang trọng, trên không thì có những máy bay dân dụng hiện đại, khỏi phải sợ ngàn dặm xa xôi, trong một ngày, thậm chí trong vài giờ là có thể đến nơi. Ngoài ra, ở Đài Loan với cuộc sống thời chiến tranh đã đi qua, Anh chỉ cần tuân thủ pháp luật thì cho dù lên núi hay xuống biển cũng đều tự do, không có ai cần quan tâm đến cả. Hoàn cảnh như thế, đối với thời kỳ tôi đi tham học, thì có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.

Tôi là người phương Bắc, cho nên lúc đến phương Nam tham học, thì những người bạn phương Nam gọi tôi là “Anh ngọng”. Mới nghe quả thật hơi khó chịu, nhưng lâu rồi cũng quen và cảm thấy bình thường. Nói đến đây chắc hẳn có người muốn hỏi: “Ông là người phương Bắc, vì sao nhất định phải đến phương Nam tham học?”. Thật ra là có hai nguyên nhân:

Điều trước tiên là, phương Nam có nhiều ngôi tòng lâm rất quy mô, như: Chùa Kim Sơn ở Trấn Giang, chùa Cao Mân ở Dương Châu, chùa Thiên Ninh ở Thường Châu, chùa Bảo Hoa ở Cú Dung, cho đến chùa Thiên Đồng ở Ninh Ba…, tất cả đều là những ‘lò’ tôi luyện đào tạo  tăng tài có tầm cỡ. Cho dù ông là người đã bị phế bỏ hay ngang ngạnh sừng sỏ gì đi nữa, chỉ cần vào ở đó chừng năm ba năm, thì bất cứ nơi nào lúc nào trong bốn oai nghi, đi đứng nằm ngồi, cũng đều thể hiện được một phong thái an lạc trang nghiêm, khiến cho người nhìn vào tự nhiên cảm nhận được một điều gì đó thật khác thường. Dù điều đó chỉ là hình thức bên ngoài, nhưng trong thời mạt pháp này, muốn làm một người mô phạm trong đạo tràng cần phải tiếp nhận một phương cách giáo dục cơ bản quan trọng như thế.

Thứ hai la, non nước ở phương Nam thật là kỳ tú, khí hậu ôn hoà, vạn vật tốt tươi, bậc tri thức lại cũng nhiều. Cho nên, nương một nơi có hoàn cảnh thuận tiện như thế để tu học, nhất định đạt được lợi ích không nhỏ. Với hai nguyên nhân trên, nên các bậc Sư trưởng có kỳ vọng nơi hàng hậu bối, đã khích lệ đệ tử của mình về Nam tham học, hầu mong trong tương lai có thể trở thành hàng Long tượng trong chốn Thiền môn, làm lợi ích trời người.

Còn về phần mình, tuy vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi hai nguyên nhân trên,  nhưng tôi không hề nhận được sự sách tấn của thầy tổ. Tôi phát tâm về Nam tham học lần này với một ý nghĩ còn rất mơ hồ không rõ ràng. Điều đó đã khiến cho tôi phải chịu nhiều gian khổ. Nhưng xét kỹ, thì đó lại là một niềm an ủi rất có giá trị trong cuộc đời tôi. Bởi vì, từ con đường lữ hành gian nan hiểm trở của đời người, cuối cùng đã cho tôi cất bước trên con đường đúng với ước nguyện của mình.

2. DẤN BƯỚC XUÔI NAM

Nhớ lại một sớm mùa thu, không gian tuy bao la, nhưng cảnh vật dường như bao phủ một màu hoang sơ ảm đạm. Với túi hành trang nho nhỏ trên vai, lòng bao niềm cảm xúc, tôi như một đứa trẻ, không ngăn được dòng nước mắt, bái biệt ân sư lên đường tham học.

Hôm ấy, rừng núi đã ngã sang màu vàng úa. Từng cơn gió mùa thu thổi về, những chiếc lá rời cành lượn lờ rơi lả tả, để lại cành cây trơ vơ cũng lắc lư gật gù theo từng cơn gió như thể van lơn, như cầu xin thương xót, lại có lúc như cúi xuống vẫy gọi những chiếc lá khô đã nằm im trên đất. Còn trên ruộng đồng thì đã qua rồi hình ảnh tươi đẹp của lúa mạ với màu xanh mơn mỡn, của hạt bông nặng trĩu, của lúa chín vàng, và còn đâu nửa hình ảnh đông vui của ngày cày cấy gặt hái. Phóng tầm mắt ra xa thì nào là núi non chập chùng, đồng ruộng mênh mông, thôn quê thành thị, nhưng tất cả đều có vẻ như xác xơ, ảm đạm dưới màu sắc của mùa thu. Nơi đây, lúc này vạn vật hầu như không còn sức sống. Thật ra, trên đồng ruộng mênh mônh kia, chỉ có những cây lúa mạch non mới nhô lên mặt đất vàng sẫm mà thôi. Đáng thương thay! Nhìn xa là một vùng xanh xanh, đến gần thì chỉ là những cây lúa mạch non bé tí, như không chịu nổi giá lạnh mà co đầu rút cổ, núp trong các luống rãnh, khiến cho người nhìn đến càng cảm thấy thê lương! Sau này tôi nghĩ rằng: may mắn những cây lúa mạch mới còn được như thế. Nếu không thì e rằng chúng đã bị những đứa trẻ nghịch ngợm, những đàn chó săn hay bầy dê non dẫm đạp nát cả rồi!

Phật giáo ở Hà Nam, sau khi bị “Tướng quân Cơ Đốc” Phùng Ngọc Tường phá hoại, thì những đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh ngày xưa, lúc tôi ra đi, 90% đã trở thành đổ nát, không người trụ trì, với:

“Bụt ngồi kệ mục không hương khói

Bốn phía tường rêu với nhện giăng”

Hay là:

Chùa xưa vắng đuốc nhờ trăng chiếu

Cửa nẽo không cài đợi mây giăng

Còn một số ít, nếu không bị trưng dụng làm trường học thì cũng biến thành doanh trại quân đội, kinh tượng bị người khinh thường vất bỏ, tài sản của chùa mặc người phân chia chiếm đoạt. Người xuất gia lấy chùa chiền làm nơi nương náu tu hành, mà phải chứng kiến tình trạng như thế thì làm sao không khỏi đau lòng được!

Ngôi chùa nhỏ nơi tôi xuất gia, tuy nhờ vào quan hệ “địa lợi” (Ngôi chùa nằm trên một ngọn núi nhỏ ở tận phía Đông huyện Vĩnh Thành tỉnh Hà Nam, giáp giới huyện Tiêu tỉnh Giang Tô, và Đông nam thì gần huyện Túc tỉnh An Huy), cho nên ở đây có từ “Tam bất quản” (chẳng ai ngó ngàng đến) mà tránh được tình trạng hoang phế. Nhưng trải qua tai hoạ 8 năm quân Nhật chiếm đóng, rồi sự cướp phá sạch của thổ phỉ, Duy Trì Hội, đến hôm nay, ngày ba bữa cơm chẳng đủ no, thì kiếm đâu ra số tiền chu cấp cho tôi làm lộ phí? Cho nên, trước hôm lên đường một ngày, tôi chạy đông chạy tây, tập gom góp, nhưng cuối cùng tính tới tính lui cũng chỉ đủ chi  phí cho chặng đường thứ nhất trên bước đường tham học, tức là nữa đoạn đường đến Nam Kinh mà thôi. Vì muốn tiết kiệm tiền bạc phòng bị cho những lúc cần thiết, nên trên bước đường hành cước, nếu gặp chùa viện, tôi phải mặt dày mày dạn xin được “Quải đơn”.

3. QUẢI ĐƠN KHỔ SỞ

Quải đơn cũng gọi là quải tháp, là một loại thuật ngữ trong Phật giáo. Nghĩa là được sự chấp nhận của vị Trụ trì, người hành cước có thể treo y và bát   trên cái giá móc áo ở trong Tăng đường để tạm tá túc ở đó (Sau này đi tham học,kinh nghiệm cho tôi biết sự thật không hoàn toàn như vậy). Tôi lúc ấy vừa rời mái chùa nhỏ, còn chưa thọ giới, một tấm y và một chiếc bát đều không, mà ngay cả cái quy cũ về quải đơn cũng mù tịt. Trước tình trạng này, đáng lý ra không được phép quải đơn! Nhưng, vì phải giải quyết vấn đề ăn và ở dọc đường, nên tôi phải liều làm quải đơn thử một phen. May mắn được các vị Trụ trì đầy lòng nhân từ, thấy tôi là một thanh niên tăng trẻ thế này, vì ham học mà không kể chi đến những khốn khổ gian nan, nên phần lớn đều thông cảm, mở cửa phương tiện, vui vẻ tiếp đãi và cho tôi ăn cùng ở trọ. Có vị Trụ trì lúc tôi cáo từ, còn đặc biệt tặng cho tôi một ít lương khô để tôi dùng khi đi đường. Nhưng mà, lòng mỗi người một khác, thật khó mà giống nhau được. Cũng vì lẽ ấy, cảnh ngộ của mỗi người gặp phải, thường thường khác xa nhau một trời một vực. Trên đưòng xuôi Nam tham học, tôi đã gặp phải một chuyện thật như thế này.

Một buổi chiều nọ, bóng hoàng hôn mang hơi lạnh, phản chiếu ánh sáng yếu ớt làm cho bóng cây, bóng người, bóng nhà cửa…,bóng những con trâu, con dê đang cúi đầu gặm cỏ non… nhạt nhòa càng lớn càng dài ra, đến nỗi người ta không còn cách gì nhận ra được. Tôi, một tiểu Hoà thượng, vì ham học mà đã dấn thân vào bước đường hành cước đầy gian nan nguy hiểm, mang hành lý đi trong gió lạnh căm căm, chân bước đi mà cơ hồ không biết đâu là chiếc bóng  của chính mình!

Tôi đến ngôi chùa nhỏ sát thôn trang, dự định xin ở đây một bữa ăn và trọ một đêm, sáng hôm sau sẽ lên đường sớm. Ngôi chùa quay mặt về hướng Nam, phía trước có một cái sân đập lúa rất lớn, nền chùa cao hơn sân đập lúa khoảng chừng 5m, với tường đất bao quanh, cây cối bốn bề đều sớm rụng sạch lá, khiến người ta cảm thấy gay mắt. Cửa dẫn thẳng đến điện Phật, hai bên Đông và Tây lang, mỗi bên đều có một gian chái toàn bằng đất sét. Nóc nhà được lợp toàn những rơm và rạ. Điện Phật được xây bằng gạch đỏ và ngói xám, vì lâu năm không tu bổ nên nó đã tróc lở rất trhảm hại. Trong sân viện trống trơn, chỉ còn một gốc cây hoè già cằn cỗi, trên đó treo đầy những mảnh vải vàng vàng, đỏ đỏ, dài ngắn không đều đang bị gió thổi lất phất. Dường như những tiếng lay động ấy có làm giảm hẳn đi vẻ tịch liêu trong viện. Trên thực tế, cảnh tượng ấy làm cho không khí càng thêm hui quạnh hơn.

Bước vào trong viện, tôi nhìn qua một lượt, căn phòng yên lặng như tờ, dường như không ai ở cả. Vì không biết nhà khách ở đâu, tôi đành phải đem hết hành lý để ở trên bệ đá trước điện Phật, phủi bụi đường trên thân, rồi bước vào điện, đảnh lễ Phật tam bái. Khi tôi từ điện Phật đi ra, một người xuất gia khoảng trên 50 tuổi thình lình xuất hiện bên ngoài cửa hiên của Đông lang. Người này dáng vóc trung bình, mặc một chiếc áo kép bằng vải đen, đang chăm chú nhìn tôi không nháy mắt. Thấy tôi định chắp tay vái chào, ông ta vội xoay lưng đi một mạch về phòng. Trước thái độ thiếu cảm tình của ông ta, tôi tự nhủ: “Thôi hỏng rồi! Vấn đề ăn và ngủ tối nay e khó ổn!”

Tục ngữ có câu: “Đứng dưới thềm nhà người, sao dám không cúi đầu?” Để cho bao tử khỏi đánh lô tô và đi đêm gặp nguy hiểm, tôi đành phải cúi đầu chào ông ta một lần nữa, rồi mới xách hành lýbước thẳng vào hiên phía Đông.

Hành động của tôi khiến vị đồng đạo thiếu thiện cảm ấy rất bất ngờ. Tôi bước vào phòng nhằm lúc ông ta đang thu dọn những dĩa rau vàgiỏ bánh bao ở trên bàn. Thấy tôi bước vào đồ vật đang cầm trong tay dường như  ông ta không biết để ở đâu cho phải. Oâng cầm giỏ bánh bao trên tay với vẻ lúng túng đứng nhìn tôi. Còn tôi thì thong thả để hành lý xuống rồi đến gần ông ta chắp tay xin thưa: “Thưa ông cả, ông chính là vị Trụ trì trong chùa này phải không ạ? Tối nay tôi xin cảm phiền nhà chùa cho nghỉ lại một đêm, xin ông cả từ bi nhận cho”

Tôi cứ ngở rằng một câu khách sáo này, nhất định sẽ chiếm được cảm tình của ông ấy, cũng giống như các vị Đại đức mà tôi đã gặp từ trước, mở rộng cửa phương tiện, vui vẻ đón tiếp, cho ăn ở tử tế. Nếu được như thế thì kể như vấn đề to lớn bằng trời ấy chỉ một nhát là xong ngay. Không ngờ sự thật lại không phải như thế! Hai câu khách sáo ấy không những không gây được cảm tình, mà trái lại nó còn bị ông ta thẳng thừng dạy cho một trận. Sau khi nghe tôi nói xong, ông ta đem giỏ bánh bao nặng trĩu đang cầm trong tay đặt ngay trên bếp rồi nghiêm mặt nói: “Ở thời buổi loạn lạc này quờ quạng đi đâu đây? Tôi không biết tí gì về ông hết, làm sao dám chứa ông đêm nay? Bây giờ trời chưa tối lắm, ông nên đi nhanh đi. Đi qua hướng Đông khoảng 10 dặm đường thì có ngôi chùa, chỗ đó người nhiều, chùa lớn có thể quải đơn được. Chỗ tôi đây không được đâu!” Nói rồi ông ta thò tay vào giỏ bánh bao cầm lên hai cái bánh há miệng vừa đen, vừa cứng đưa cho tôi và nói: “Nè, cầm lấy hai cái bánh này đi” Nói xong, ông ta đưa tay cầm lấy chìa khoá đồng trên bếp, có ý như muốn ra ngoài khoá cửa lại. Tôi với hai tay tiếp nhận hai cái bánh há miệng rồi để lại ở trên bàn, chắp tay thưa rằng: “Ông cả nói ở đây thời buổi loạn lạc, lại không biết tôi là ai nên không dám chứa qua đêm, quả tình là vậy. Nhưng mà, xin ông cả hãy tin tưởng nơi tôi. Tôi thật không phải người xấu. Vả lại đi hành cước đây là có mục đích, chứ không phải “đi quờ quạng” đâu! Xin ông cả từ bi giúp đỡ cho tôi trọ lại một tối, sáng mai tôi sẽ đi sớm”. Nghe rồi ông ta khó chịu ra mặt, nói: “Người tốt người xấu ai mà biết được. Hứ ! Tin anh à? Thời buổi này- Được, được! Không cần phải nói nhiều, đi nhanh đi, tôi sắp đóng cửa, tôi sắp đóng cửa đây!”

Xưa nay, công phu nhẫn nại của tôi rất kém, nhất là vào tuổi 20, chỉ một lời không hợp là tôi có thể đánh nhau ngay, thế mà lần này tôi đã biểu hiện được đức tính hết sức chịu đựng, cho dù lòng tôi bực tức đang hừng hừng như thiêu đốt, tôi đành vâng theo ý của vị chủ chùa,vác hành lý lên vai rời khỏi ngôi chùa nhỏ đó, bước lên con đường đầy gập ghềnh gian nan phía trước trong đêm tối mịt mù.