Giọt Lệ Hoài Thương!
(Ghi chú : những đoạn chữ nghiêng, hoặc nằm trong ngoặc kép, được trích từ Thơ – Mặc Giang)
“Cây có cội mới tủa cành sanh ngọn
Nước có nguồn mới rẽ suối tuôn sông
Hôm nay mình được thong dong
Nhờ ơn cha mẹ dày công khai trường”
Mỗi chúng ta ai cũng biết rằng, núi Thái Sơn tuy cao nhưng công cha còn cao hơn núi Thái, nước trong nguồn chảy mãi như tình mẹ bao la. Và xưa nay ai ai cũng vậy, đều lớn lên bằng xương thịt và tâm hồn được đúc kết bằng giọt thủy tinh cùng với biệt thức hòa trong tiếng hát thì thầm yêu thương sóng vỗ, thơm tho như hương nếp chín đầu mùa, trên con đường làng của chiều quê rợp bóng. Rồi một ngày nào đó, nhìn dòng đời vô thường biến chuyển, ngó lại quãng đường qua thì:
Chao ôi, chua xót chạnh lòng
Ơn cha núi Thái chưa đáp
Nghĩa mẹ biển Đông chưa đền
Đã vội cài bông hoa trắng
Và hôm nay, thật xúc động khi ta “còn chút duyên lành” gặp được Đóa Song Đường mà nhà thơ Mặc Giang đã hiến tặng cho cuộc thế nhân gian, với tấm lòng nhân hậu, tình thương bao la vô bờ bến, bao trùm, nhân rộng, chan chứa hết thảy:
Hoa Song Đường ân Cha nghĩa Mẹ
Phủ đất trời đức độ tình thương
Núi cao biển rộng khôn lường
Làm sao sánh được Song Đường Mẹ Cha
Hoa Song Đường đã đưa tôi trở về nguồn cội, dừng bước chân lang thang trên dốc nẻo trường đời để nhựa sống hiếu đạo lại có dịp gieo trồng trong cuộc lữ phiêu bồng:
Rồi khách dừng chân lại một chiều
Phủi vai áo bụi giữa cô lieu
Bao nhiêu kỷ niệm xưa dồn lại
Càng thấy thương đời bao mến yêu
Tập thơ đã giúp tôi hiểu rõ thâm sâu ân nghĩa đấng song đường. Lời thơ ấy đã đánh thức tôi có dịp quay về hoài niệm lại ân cha nghĩa mẹ, để cho gương hiếu hạnh được phổ chiếu, cho lời kinh vang vọng tình đời, cho mọi suy tư của người con biến thành hành động:
Tuổi trẻ, tiên học lễ phải nhớ làm đầu
Lớn lên, lần hồi là hậu học văn
Học lễ, bảo tồn Ân Tông Tổ
Học văn, tinh luyện Đức Nghĩa Nhân
(Cảm ơn Cha Mẹ)
Thật xót xa thay, thương cho những ai đã sớm cài hoa trắng, khi tóc còn bồng bềnh thế kỷ màu xanh, cho dù, có băng qua dốc thoải lưng đồi chiều nghiêng bóng xế đi nữa, đã mấy ai tránh khỏi mỗi đêm về thao thức nghìn thu:
Vành mi khô ngấn lệ
Nhỏ hai giọt lăn tròn
Ôi ! Biết bao lần trăng tròn rồi trăng khuyết, biết bao lần nắng hạ thu sang, xuân thiếu nụ cười mà đông tràn giá lạnh. Trong nỗi niềm sâu kín, thi sĩ đã gieo vào lòng người ân tình thắm thiết trong nghĩa vụ thiêng liêng cao quý của người con, nhắc nhủ, nhắn gởi vào hồn thơ điều chi rứa ?
Mẹ tôi, mái tóc trắng bay
Một suơng hai nắng thân gầy nuôi con
Cha tôi, nào nệ hao mòn
Xuống sông tát biển lên non bắt còng
Hồi tưởng lại vóc dáng năm nào, dung nhan của mẹ cha vẫn hiện rõ trong lòng. Bây giờ nhìn di ảnh khi “Mỗi năm giỗ Mẹ” lòng thấy “thủy khứ vọng thủy lưu, ảnh trung sầu ảnh đối” (nước chảy lưu chất ướt, ảnh hiện sầu mênh mang), thầm kêu lên tiếng “Má”, để rồi nghe lòng se thắt:
Kỵ tuyệt kỳ, hương khói vợn loanh quanh
Ngày giỗ Mẹ, con thầm kêu tiếng Má
Dường như một khi cái gì đó đã nằm trong tầm tay thì người ta không cảm thấy trân trọng cho mấy, đến khi mất đi, người ta mới cảm nhận rõ sự nuối tiếc khôn nguôi. Vì vậy, có những lúc tưởng chừng như vũ trụ hòa tan thành biển cả. Chợt giật mình trong đêm dài cô quạnh, bỗng nghe lòng trống trải đơn côi. Em, chưa kịp tuổi lớn lên ! Chị, đang tay bế tay bồng ! Anh, đang công thành danh toại ! Ai đó, bên bóng xế chiều ! hay ai kia, đã cuối đời thở dốc ! Mấy ai không chạnh lòng một khoảng thinh không nào đó, chợt nghĩ đến mẹ, đến cha, nước mắt tự nhiên ứa ra và chảy ngon lành, có khi trong giấc ngủ, chắc cũng có người đã cùng thi nhân:
Giật mình, tỉnh mộng đêm qua
Sờ trên gối mộng, gối đà đẫm sương
Nghe lòng nát cõi tình thương
Rụng rơi giọt lệ đêm trường ai hay
Nhịp điệu thơ chậm rãi êm đềm, lắng sâu vào tâm hồn, gợi về những khung trời kỷ niệm thiêng liêng trong góc tối của tâm linh, bắt gặp tiếng thương yêu trổi dậy, “xót thay Xuân cõi Huyên già”, nhưng còn đâu nữa mà cõi với già, để cho “gốc Phần thấm lạnh canh gà đẫm sương”, rồi thầm vọng:
Trăng sao kia lấp lánh cả bầu trời
Không tràn ngập bằng tình thương cha mẹ
Dòng thi của người thơ Mặc Giang đã làm sống lại trong tôi những tháng ngày qua được sống trong tình thương ấm áp của hai đấng sinh thành. Nhớ khi xưa còn tấm bé, tung tăng nô đùa ngoài đồng nội, trường làng cũ năm nào theo gót ba mẹ đến trường. Và, những đêm trăng rằm sáng tỏ, ai cầm tay dẫn lên chùa lễ Phật. Bao lời khuyên răn, dạy bảo của ba mẹ thuở nào vẫn còn vang vọng bên tai. Hình bóng mẹ với đôi gánh trên vai gầy nặng oằn dưới cái nóng của những trưa hè oi ả, vóc dáng cha khẳng khiu vác cày hai buổi đi về theo mỗi vụ mùa. Đôi mắt hiền từ, nụ cười độ lượng, hằn sâu trong trái tim tôi …
Giờ đây, ai trong chúng ta, mới thấy một nỗi buồn thấm thía, chìm sâu đáy mắt, khô héo vành môi, rụng rơi trái chín, tím ngắt niềm tây, mỗi khi hoài niệm năm tháng xa xưa đong đầy ký ức, để bây chừ, “buồn lắm phải không em, phải không chị, phải không anh ?”
Nhà thơ gõ thi cú trên cung nhịp khóc thương, thấm vào tận cùng ngõ ngách tâm hồn, len qua mọi góc cạnh tâm tư, khơi các động mạch chạy đi toàn châu thể, đánh thức tĩnh mạch chảy về tim, để làm nhũn lòng những ai chai lì ngỗ nghịch, đã lãng quên hay bỏ quên những giọt ân nghĩa sinh thành, và làm cho hệ thần kinh phải động não trước khi quá chậm hay muộn màng, để một mai đụng vào bức tường thành hiếu hạnh, không đến độ gục đầu, bó trán, ôm gối tỉ tê những hối hận, ăn năn, tiếc nuối, mà màn ảnh hậu trường với đèn màu ẩn hiện, hay trai đàn lung linh phảng phất khói hương !
Ngay cả thể hiện tấm lòng hiếu thảo toàn thiện toàn chân nhất lúc cha mẹ còn hiện tiền, vẫn mơ vọng “đêm đêm thắp ngọn đèn trời”, nhưng chiếc bóng thời gian lặng lẽ đi qua, suối vàng nghiệt ngã tỉ tê róc rách, và hình ảnh “gối mộng” trong đêm dài thao thức canh thâu, làm cho tôi xúc động quá chừng. Rồi tôi bắt gặp thêm một “gối đào trũng sương” nữa. Tấm lòng của người thơ rót ra những từ ngữ lạ lùng, với thi cú độc sáng chưa từng xuất hiện trên thi đàn văn học, hay từ điển bách khoa. Vâng, người có một khối óc kỳ lạ, một trái tim kỳ lạ, thì thi tứ, từ ngữ sao không lạ kỳ ? Hèn chi, tôi có đọc “nếu ai không khóc, không phải là người, nếu ai không khóc, không phải là đời, trẻ thơ cũng khóc, khóc thật ngon lành, người lớn cũng khóc, khóc cũng tím lòng, khóc cũng mềm môi”. Kê đầu trên gối mộng, gối đào:
Lặng nhìn gác trọ đêm thâu
Hai con mắt xót, đỏ ngầu trắng canh
Cho xin giấc ngủ yên lành
Trơ vơ một cõi, ngó quanh đêm dài
Xin nâng tay làm chiếc gối cho người con mất mẹ được ôm giấc ngủ yên !
Xin dâng lời kinh cầu, thắp nén tâm nhang để lặng nhìn:
Áng mây hương cuộn tròn không nói
Bay lòng vòng khép cửa đơn côi
Đọc tập thơ Hoa Song Đường của nhà thơ Mặc Giang, lòng tôi đã khép lại những ước muốn, tham vọng cá nhân mà lắng đọng tâm tư trong nghĩa vụ thiêng liêng và lẽ sống của đạo làm người. Lời thơ như những dòng sữa pháp được rót từ uyên nguyên giáo pháp. Tôi hiểu rằng “Bên vai này con xin cõng mẹ, Bên vai kia con xin cõng cha, Cõng đi khắp cõi ta bà, Đáp đền hiếu hạnh chưa đà đủ đâu”. Và lời thơ của người như xuyên suốt dòng chảy huyết thống luân lưu từ cội nguồn tiên tổ đến mãi mãi cháu con, chiếc nôi đầu tiên trăm trứng, chiếc nôi nương náu Tiên Rồng, vẫn còn đó vô cùng hai chữ đồng bào khởi đi từ Lạc Long Quân – Âu Cơ, mà bất cứ ai đầu đen máu đỏ da vàng, còn dìu dắt nhau ta đi trên nước non mình, hay cho đến tận chân trời góc biển, muôn hướng ngàn phương, rất dễ tìm nhau và vẫy gọi tên nhau qua tiếng chíu chít yêu thương của chim Lạc chim Hồng:
“Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai”
Tìm nhau lối cũ dấu hài
Anh em một cội phương đài ngàn năm
… Lẽ nào… tôi cứ nhắm mắt bước thẳng tới ư ? Chứ quay mặt nhìn lại thì bao dòng thác xa xưa, bao kỷ niệm dấu yêu đều dồn về tâm tư, ký ức lăn quay con tàu dĩ vãng ! Ai bảo rằng thời gian sẽ là liều thuốc lãng quên ? Ai cho rằng, cái đã đi qua sẽ dần dần biến mất ? Vâng, có cái rất dễ quên, nhưng có cái sẽ vĩnh viễn ngự trị hơn cả lâu đài. Hoa Song Đường hôm nay đã đưa tôi đi chuyến tàu quy khứ, tôi tìm thấy mẹ tôi tựa cửa bên mái nhà tranh, bếp lửa hồng êm chưa chín cơm chiều, cha tôi bên thửa ruộng cày khi hoàng hôn buông xuống, những đêm đập lúa, giã gạo dưới trăng… Nhớ cả dòng sông mỗi mùa nước lớn, bến cũ con đò, bên nẻo thôn trang:
Tôi xin tạ tội quê nghèo
Ấm nồng bếp lửa mái tranh
Củ khoai lùi tro vừa chín
Nuôi tôi từ thuở đầu xanh
Tôi thương mẹ tôi mưa nắng
Tôi nhớ cha tôi vun trồng
Mồ hôi phơi vành áo trắng
Cho tôi tình biển nghĩa sông
Và rồi đây… ! ai trong số đó, trường đời bôn ba tứ xứ lập thân, tìm đất sống, có nhớ bến đò xưa, nhớ dòng sông cũ, nhớ mảnh quê nghèo ! Mong sao đừng cố tìm quên, mong sao sẽ không có ai dửng dưng im bặt để người ta không biết đến mình xuất thân từ chốn nhà quê dân giã, cơm độn ngô khoai, mạ non èo uột, gốc rạ hao mòn, đất cằn sỏi đá:
Đừng quên quê mẹ, đói nghèo khốn khó
Đừng quên quê cha, đất xéo cằn khô
Cố quên mình, và quên cả tuổi thơ
Thưở bắt bướm thả diều, mòn lũng quần ba mảnh
Cho tóc cha, thêm sầu vương sợi trắng
Cho tóc mẹ, thêm bạc nắng hương cau
Quê nghèo có tội gì đâu
Mà quên cắt rốn chôn nhau đầu đời
Ngay cả ông lái đò, bên bến cũ sông xưa, đưa người đi:
Và từ đó, vẫn hàng lau lả lướt
Khách ngày xưa không trở lại sang sông
Nên mỗi chiều thả thuyền trên bến nước
Ông lái đò đưa mắt mỏi mòn trông
Nếu như quay đầu, ngoảnh mặt như ai đó, cố dấu mình xuất thân từ nơi mà cha mà mẹ, cả một đời tàn tạ vì con. Đâu là công ơn cù lao chín chữ, đâu là công đức hai đấng nghiêm đường. Chừng như giọt nước mắt đang thấm dần vào trái tim tôi. Lẽ nào, tôi lại là người khách sang sông hờ hững ấy… ? Không ! Tôi không thể nào để « bóng chiều hôm » ngang qua, và để cho « mây trời vụt tắt », rồi tiếc nuối « ôm nỗi sầu cô đọng ». Bởi vì Hoa Song Đường kia đã đưa tôi về với cội nguồn, lắng nghe mùa hiếu hạnh bao phủ chân thành, lời Kinh Báo Ân vang vọng nghĩa đạo tình đời:
Cõi trần gian thật diễm phúc cho em, còn đóa hoa hồng
Và, bất hạnh cho những ai, khi cài bông hoa trắng
Thơ Mặc Giang còn viết:
Nếu đổi được, tôi sẵn sàng đánh đổi
Thật bình thường dung dị của ngày xưa
Cái thời còn bé bỏng của tuổi thơ
Không can dự thế trần nhiều tan vỡ
Lê Quý Đôn có nói “thơ phát khởi từ trong lòng”, thì Ngô Thời Nhậm cũng nói “mây gió cỏ hoa xinh tươi kỳ diệu tới đâu, hết thảy cũng đều từ trong lòng mà ra”. Ý muốn nói đến cái gốc của tình cảm phải là cái thiện, cái tâm của thi sĩ phải là thiện tâm, giàu tình cảm, nhân hậu, thực sự yêu thương lẽ sống, con người. Mặc Giang là một con người như vậy. Đối với ông:
Đạo nghĩa, là một lâu đài đích thực
Đức nhân, là kiền thạch trụ ba chân
Cho nên thơ Mặc Giang có tính giáo dục, cảm hóa và hướng thiện sâu sắc, mang lại sự an hưởng cao đẹp của tâm hồn, nâng cao giá trị sự sống lên trên những lợi ích vật chất tầm thường. Mặc Giang là thi nhân có tâm hồn đẹp đẽ cao thượng. Những ai bắt gặp thơ ông, đến với thơ ông, sự bình an sẽ đến và cảm nhận cõi lòng thanh thản nhất. Hèn chi, nhà nghiên cứu, dịch thuật, trước tác sử học, văn học lão thành cổ thụ Việt Nam – Mộng Bình Sơn – đã không quá khi giới thiệu ông: “Mặc Giang, theo tôi, không phải một nhà thơ như bao nhà thơ khác. Ông mượn chữ nghĩa và dùng chữ nghĩa để chuyển tải tư tưởng và triết lý xưa nay. Thơ Mặc Giang nên đưa vào nền văn học nước nhà. Tôi xin giới thiệu đến mọi độc giả gần xa”.
Rất cảm ơn sự khẳng định có giá trị cao như cụ Mộng Bình Sơn đã 88 tuổi (tính tới năm 2009) lão làng cột trụ trong nền văn hóa Việt Nam, tôi không mơ vọng một thời điểm nào đó thơ Mặc Giang sẽ được chính thức giảng dạy nơi học đường, nhưng tôi thấy học sinh sinh viên, Tăng Ni sinh đã trích dẫn, sử dụng thơ ông. Chùa chiền, giáo đường có dùng thơ ông thành những bài giảng. Thơ ông có phô diễn nơi thi đàn, sân khấu. Các hướng dẫn viên mang thơ ông theo hành trình du viễn. Người bán trái cây, bán hoa màu cũng đọc. Người xích lô, người quét đường, chị bán ve chai, em bé mồ côi,…, ngay cả người tù, cũng thuộc thơ ông. Những cụ già 80, 90 tuổi hạc, dân giã có, trí thức có, đã đóng cửa đọc thơ ông một ngày cho đến nhiều ngày. Nhiều người nghe ngâm thơ của ông, quên mất thời gian. Lại còn hàng vài trăm bài thơ phổ nhạc trình tự lan đi dưới mọi vòm trời. Vân vân và vân vân…
Trong thời đại thơ ca hôm nay, tập thơ mang sắc thái triết học “Hoa Song Đường” đã nuôi dưỡng nhân cách, giáo dục con người có tình cảm đứng đắn, trong sáng, dám xả thân vì nghĩa và biết sống với đạo lý làm người.
Mặc Giang, đã âm thầm lặng lẽ tạo thành những bài pháp vô ngôn đầy sức thuyết phục nhân tâm.
Mặc Giang, đã âm thầm lặng lẽ xây dựng một núi thơ, cho cuộc đời và nhân thế cây lá xanh rừng.
Hoa Song Đường khép lại, nhưng tôi đã hiểu ra rằng, tất cả thật tuyệt vời và mầu nhiệm. Mỗi hình ảnh đều có một sự thiêng liêng huyền bí. Tôi nỗ lực sống trọn vẹn trước những phiêu bồng, bởi tất cả, đều đáng nâng niu, trân trọng.
Kinh thành, tháng 7-2009
Mặc Hương