Bà-la-môn Ô-Già-Già (Tiền thân Gagga)

Già-già, mong cha sống trăm năm…

Trong khi trú tại tinh xá do Vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) xây cất cận Kỳ Viên (Jetavana), đức Thế Tôn kể câu chuyện này về cái hắt hơi của Ngài.

Một hôm nọ, khi đức Thế Tôn thuyết giảng cho tứ chúng ngồi quanh, Ngài đã hắt hơi. Thấy thế, các Tỳ-kheo lớn tiếng nói:

– Mong Thế Tôn được trường thọ, mong Thế Tôn được trường thọ!

Họ nói và gây ôn ào. Tiếng ồn này làm gián đoạn buổi thuyết giảng. Thế rồi, đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

– Này các Tỳ-kheo, khi nghe một cái hắt hơi, các thầy nói to lên “Mong được trường thọ” thì việc đó có làm cho một người sống thêm hay chết đi phần nào không?

Chư vị trả lời:

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ngài nói tiếp:

– Này các Tỳ-kheo, các thầy không nên nói to lên “Mong được trường thọ” khi nghe một cái hắt hơi. Ai làm như vậy là sai trái.

Bấy giờ, mỗi khi các Tỳ-kheo hắt hơi, các cư sĩ thường nói lớn:

– Mong Tôn giả trường thọ!

Nghe vậy, các thầy cảm thấy ái ngại nhưng không trả lời. Các cư sĩ thấy khó chịu nên hỏi:

– Tại sao các Sa môn Thích tử khi hắt hơi, và được cầu chúc sống lâu đã không trả lời?

Sự việc này được bạch lên đức Thế Tôn. Ngài nói:

– Này các Tỳ-kheo, người đời thường mê tín. Vậy nên khi các thầy hắt hơi, họ nói: chúc Tôn giả trường thọ! Thì ta cho phép các thầy trả lời: mong cư sĩ cũng vậy.

Thế rồi, các Tỳ-kheo hỏi Ngài:

– Bạch Thế Tôn, người đời bắt đầu lời chúc đáp “Trường thọ” này vào khi nào?

Đức Thế Tôn trả lời:

– Điều này bắt đầu từ xa xưa.

Và rồi, Ngài kể cho họ một câu chuyện đời xưa.

* * *

Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) là vua xứ Ba-la-nại (Benares), Bồ-tát thọ sanh vào một gia đình Bà-la-môn ở vương quốc Ca-thi (Kāsi). Thân phụ của Ngài là một thương nhân. Khi Ngài độ chừng mười sau tuổi, thân phụ trao cho Ngài một viên ngọc quý, và cả hai đi mãi hết thành phố này đến thành phố khác, hết làng này đến làng khác, cho đến khi họ đi đến Ba-la-nại. Ở đấy, họ ăn cơm ở nhà người gác cổng, và khi không thể tìm ra nơi nào để trọ, họ hỏi nơi trọ dành cho người hành cước đến trể ở đâu? Người ta trả lời rằng có một căn nhà ở ngoài thành phố nhưng ở đấy có ma, nhưng nếu họ muốn thì cứ đến đó trọ. Bồ-tát nói với cha:

– Thưa cha, con không sợ con quỷ Dạ-xoa nào cả ! Con sẽ hàng phục và mang nó đến nơi chân cha.

Bồ-tát thuyết phục cha mình như vậy, và họ cùng đi đến nơi ấy. Người cha nằm trên một chiếc ghế dài, còn Bồ-tát nằm bên cạnh bóp chân cho ông.

Bấy giờ, sau khi phục vụ Tỳ-sa-môn thiên vương (Vessavana) mười hai năm, con quỷ Dạ-xoa nhận được ngôi nhà này với điều kiện: Nếu những ai đi vào nhà này, khi bị hắt hơi và được cầu chúc sống lâu, đã trả lời: “chúc ngài trường thọ!” hay “ngài cũng như vậy!” Trừ những người đó ra, còn lại con Dạ-xoa có quyền ăn thịt. Con quỷ Dạ-xoa ở nơi xà giữa căn nhà.

Nó quyết định làm cho cha của Bồ-tát hắt hơi. Vì vậy, bằng thần lực của mình nó tạo ra một đám bụi mỏng, đám bụi bay vào lỗ mũi của người này, và đang lúc nằm trên ghế, ông ta hắt hơi. Bồ-tát không nói “Mong cha trường thọ!” Con quỷ từ chỗ trú của mình đi xuống, sẵn sàng nuốt lấy nạn nhận. Bồ-tát nhìn thấy nó đi xuống liền nghĩ, “Không nghi ngờ gì nữa, nó là kẻ đã làm cha ta hắt hơi. Con quỷ này chắc chắn đã ăn thịt tất cả những người không nói “Mong ngài trường thọ.” Để nói với cha mình, Bồ-tát đọc lên bài kệ thứ nhất như sau:

Già già mong cha sống trăm năm

Thêm hai mươi nữa, con cầu mong!

Mong cha không bị quỷ ăn thịt

Mong cha sống được một trăm năm!

Dạ-xoa nghĩ, “Ta không thể ăn thịt người này, bởi vì hắn nói: cầu cha trường thọ. Nhưng ta sẽ ăn thịt cha hắn.” Nghĩ rồi, nó đi gần đến người cha. Nhưng người này đoán biết sự thật vấn đề, ông nghĩ, “Đây hẳn là con quỷ Dạ-xoa, kẻ đã ăn thịt tất cả những ai không đáp lại: mong ngài trường thọ. Vì vậy, ông nói với con trai mình bằng bài kệ thứ hai:

Mong con cũng sống một trăm năm

Thêm hai mươi nữa, cha cầu mong

Thức ăn của quỷ là chất độc

Mong con sống được một trăm năm!

Con quỷ nghe vậy liền bỏ đi. Nó nghĩ, “Ta không ăn được hai người này.” Nhưng Bồ-tát hỏi nó:

– Này quỷ, hãy đến đây, tại sao ngươi ăn thịt những ai bước vào nhà này?

– Vì ta đã phục vụ Tỳ-sa-môn thiên vương trong mười hai năm.

– Gì, có phải ngươi được quyền ăn thịt mọi người?

– Trừ những ai nói “Ngài cũng vậy” khi người khác chúc họ trường thọ.

– Này quỷ, vào kiếp trước, ngươi đã làm một vài việc ác, hành nghiệp đó đã khiến cho ngươi bây giờ tái sinh làm kẻ hung dữ, độc ác, ngươi sẽ phải trãi qua cảnh tăm tối này đến cảnh tăm tối khác. Vậy nên từ này trở đi, ngươi nên tránh việc đoạt lấy mạng sống.

Bằng những lời như vậy, Bồ-tát đã hàng phục được con quỷ, khiến nó kinh hãi nỗi khổ địa ngục. Ngài truyền trao Ngũ giới cho nó, và khiến nó trở thành một người giúp việc biết vâng lời.

Hôm sau, khi người ta đến thấy con quỷ, biết Bồ-tát đã hàng phục nó, họ đi đến tâu với vua rằng:

– Bẩm Hoàng thượng, có một người đã hàng phục được con quỷ Dạ-xoa, và khiến nó trở thành một người giúp việc biết vâng lời!

Nhà vua cho gọi Bồ-tát đến và đề xuất Ngài làm Tướng quân, ban tặng cho người cha nhiều danh vọng, xếp đặt cho con quỷ làm người thu thuế. Rồi nhà vua làm theo những lời giáo huấn của Bồ-tát, thực hành bố thí và làm điều thiện, sau đó được sanh lên thiên giới.

* * *

Kết thúc pháp thoại nhằm giải thích tập tục trả lời “Mong được trường thọ” hay “Mong ngài cũng vậy” này, đức Thế Tôn nhận diện Tiền thân:

– Vào thuở đó, A-nan là nhà vua, Ca Diếp (Kassapa) là người cha, còn ta chính là chàng trai đó.