Chiều nay lớp học nghỉ sớm, tôi thích thú ôm tập ra chiếc ghế đá ở hành lang trước lớp học bài. Ở đây, không gian yên lặng, gió thổi mát rượi, phía trước còn có vườn hoa kiểng tươi đẹp. Vừa học bài vừa ngắm cảnh, hóng mát thật thích thú. Tôi mải mê học cho đến khi những tia nắng yếu ớt cuối ngày dần tắt về Tây. Nơi ấy – nơi những tia nắng vừa chui xuống chỉ còn lại một màu đỏ ối như màu lửa ửng lên cả một khoảng trời. Cảnh vật được nhuộm một màu sắc kỳ ảo, kết quả của sự giao thoa giữa hoàng hôn và bóng tối.
Không còn học được nữa, tôi đứng dậy thâu dọn “chiến trường”. Quay nhìn ra cổng, trước mắt tôi, một cụ già chống gậy tre từ từ bước vào. Cụ khoảng sáu mấy, bảy mươi tuổi, vóc dáng ốm, nhỏ, đầu đội chiếc nón lá cũ, quai bằng sợi dây lác. Chiếc áo sơ mi bạc màu, vài mảnh vá chồng lớp trên hai vai. Chiếc quần tây màu xanh đen xắn lên khỏi bắp chân để lộ đôi chân gân guốc, bàn chân to trong đôi dép đã mòn. Tài sản của cụ là chiếc giỏ xách quảy trên vai. Gương mặt cụ hốc hác, da nhăn nheo, đôi mắt trũng sâu. Thế nhưng nhìn vào đôi mắt ấy, gương mặt ấy, tôi cảm nhận được cái gì đó thanh thản, bình an, trầm lặng nơi cụ. Dường như cái con người ốm yếu nghèo khổ không ảnh hưởng đến con người bên trong của cụ.
Cụ tiến đến bỏ dép bước lên bậc thềm nơi tôi đang đứng, chúng tôi chào nhau. Tôi định lên tiếng hỏi thì cụ đã đưa tay chỉ vào góc hành lang, giọng khàn khàn : “Tối nay cô cho ông ngủ nhờ ở đây một đêm có được không?” Tôi bất ngờ lúng túng, thoáng suy nghĩ : “Làm sao cho cụ ngủ đây được, chùa ni mà ! Với lại mình chỉ là học ni làm sao quyết định …, mà thưa lên người lớn thì chắc chắn không tiện cho cụ … Nếu mình là Trụ trì thì khỏi phải suy nghĩ …”. Thế là tôi đành bấm bụng nói lên một sự thật mà tôi và nhất là cụ không muốn nghe trong lúc này. Tôi ấp úng : “Dạ thưa cụ thông cảm, vì đây là chùa ni nên không nhận lời cụ được”. Nói xong tôi băn khoăn vô cùng, chợt nhớ ra một điều tôi vội vàng lên tiếng : “Cháu gởi cho cụ ít tiền, gần đây có chợ nhỏ, cụ đến đó tìm nơi ngủ qua đêm …”. Cụ lắc đầu bảo : “Ông chỉ xin ngủ nhờ thôi, không nhận tiền, cảm ơn cô ! Thôi để ông đi vậy !” Cụ chào tôi, đôi mắt ấy, gương mặt ấy vẫn bình thản, trầm lặng, không buồn không vui. Cụ quay mình mang dép, chậm chạp bước đi, lòng tôi xót xa theo từng bước chân của cụ cho đến khi bóng cụ khuất hẳn trước cổng. Trời đã nhá nhem tối, tối như cuộc đời của cụ.
Tối nay cụ sẽ ngủ đâu, rồi những ngày sau và cả cuộc đời xế chiều, cụ sống ra sao? Ôi ! Cũng một kiếp người sao mà … Càng suy nghĩ về cụ, bao nhiêu giáo lý đã học hiện lên trong đầu nhằm lý giải những điều băn khoăn. Dù vậy tâm trạng tôi vẫn bần thần sao ấy … Ai cũng có quyền chọn cho mình một cuộc sống tốt đẹp, sung sướng, hạnh phúc mà ! Nhưng có mấy ai ý thức được điều đó … Ngay cả mình đây, hiện tại … tương lai thế nào? Tôi giật mình. Trên chánh điện, tiếng hồng chung vừa gióng lên đổ dồn, rồi thong thả từng tiếng … từng tiếng … từng tiếng … Trời đã tối hẳn, những ánh đèn điện được bật lên, khuôn viên chùa sáng rực …
Sàigòn ngày … tháng … năm …
Thế là tôi đã từ giã mái chùa quê, từ giã vị thầy khả kính và bao huynh đệ thân thương, từ giã những ngày lấm lem bùn đất cùng huynh đệ vừa làm vừa giỡn dưới đồng ruộng, những buổi sớm mai một mình lang thang ngoài vườn kiểng, vườn rau hay giữa đồng lúa xanh bát ngát, tận hưởng cái cảm giác thanh thản bình dị của thiên nhiên, của cuộc sống yên ả giữa thôn quê. Và cũng từ giã luôn ánh trăng lấp ló rồi treo lơ lửng trên những ngọn dừa in lên bầu trời trong vắt mà tôi thường ngồi ngắm không biết chán … Tôi buồn lắm, tiếc lắm, nhưng cũng đành thôi, bởi tôi phải đi học mà ! Học ở tận Sàigòn lận !
Thật ra Sàigòn cũng không xa lạ gì với tôi. Lúc còn cư sĩ tôi đã ở đây gần một năm, sau này về dưới quê tu tôi vẫn thường được nghe huynh đệ kể, và tôi cũng một đôi lần dạo qua vào đường phố. Nói chung, tôi đang đến một nơi mà tôi đã phần nào “rành đường đi nước bước”. Thế nhưng lần này đến “định cư”, tôi lại bị “dị ứng” cả thể xác lẫn tinh thần.
Bao nhiêu năm tu học dưới quê, suốt ngày quanh quẩn trong chùa, chùa quê yên tĩnh thoáng mát tạo sự dễ chịu cho cơ thể. Về tinh thần thì thật vô tư, ngày qua ngày chỉ có ba việc tu, học và chấp tác, không tiếp xúc với bên ngoài, huynh đệ chị em sống với nhau rất dễ thương gần gũi, tuy đôi lúc có giận hờn, nhưng vẫn bộc lộ cái gì đó chất phác chân thật … Còn những việc lớn hơn thì đã có Thầy và quý Sư cô lo. Vì thế mà tôi chẳng có vấn đề gì để suy nghĩ, lo toan.
Còn bây giờ mọi khía cạnh đều thay đổi, không gian chùa chật hẹp ồn náo với những tiếng động cơ xe máy, tiếng nhạc Karaoke từ các quán gần chùa, khí hậu oi bức nóng nực, ra tới đường thì hít thở khói, bụi của cơ ngơi nào là xe … Cứ thế đầu óc, thân thể tôi mệt mỏi, uể oải. Đã vậy, ngày hai bận rong ruổi qua các đường phố, tôi lại đưa vào A-lại-da của mình bao nhiêu đối tượng. Sàigòn vốn là trung tâm văn hóa, giáo dục, kinh tế … Dọc các đường phố, những tòa nhà chọc trời, những trung tâm thương mại, công ty nước ngoài, nhà hàng khách sạn, công viên văn hóa, trường học, công nghiệp điện tử, thời trang … làm cho Sàigòn phồn vinh, rực rỡ. Vì vậy mà Sàigòn đang là nơi thu hút mọi thành phần trong xã hội đến đây học tập, xây dựng tương lai, sự nghiệp …, trong đó có cả hàng tu sĩ như tôi cũng góp phần chen lấn. Đồng thời Sàigòn cũng vốn là một nơi nổi tiếng về những tệ nạn xã hội : Xì-ke, ma túy, mại dâm, cướp giựt, giết người, tai nạn giao thông xảy ra mỗi ngày. Sàigòn là nơi có những người giàu nhất và cũng là nơi có những người nghèo nhất. Đó là những người sống lang thang trên đường phố, những trẻ em không cửa không nhà, áo quần rách rưới, dơ bẩn, tóc tai bù xù. Tài sản của họ là những vật người ta quăng trên lề đường, nhà của họ là hè phố, mái hiên nhà người. Tôi rùng mình, một người nghèo ở dưới quê ít nhất cũng có mái nhà che mưa, che nắng, làm thuê làm mướn cũng có cơm cháo qua ngày, có áo quần thay đổi, tắm rửa …, còn những người này thì không.
Do môi trường xã hội đầy phức tạp như vậy nên cuộc sống sinh hoạt tu học trong chốn Thiền môn cũng khá “phức tạp”…, với lại việc học ở trường cũng có nhiều vấn đề làm tôi bận tâm suy nghĩ, lo lắng. Tất cả đập vào tâm thức tôi mỗi ngày khiến cho tôi bất an, tôi không tìm lại được trạng thái vô tư thanh thản, an ổn như lúc trước. Ngày ấy tôi có thể ngồi thiền, tụng kinh, lạy sám hối, niệm Phật, đi dạo hay làm công tác … Lúc nào tôi cũng cảm thấy có cái gì đó an ổn, yên vui trong lòng. Còn bây giờ, tất cả những “pháp môn” đó đều không trị được bịnh vọng tưởng bất an của tôi, dù bây giờ tôi ít nói ít cười giỡn hơn, suốt ngày cũng chỉ tu, học và công tác, thế nhưng trong “bụng” tôi lúc nào cũng có chuyện. Như một vị giáo sư của tôi thường nói : “Nó cứ nói lào xào suốt ngày trong bụng, biểu nó nín, nó không chịu nghe …”. Nhiều lúc suy nghĩ mông lung tôi lại muốn trở về quê tu cho rồi … Vì vậy với tôi, Sàigòn có thể là một nơi để chúng ta đi lên mà cũng là nơi “đủ nhân duyên” để chúng ta đi xuống.
Ngày qua tháng lại, tôi cũng đã tồn tại ở Sàigòn hơn một năm. Bây giờ thì tôi đã phần nào hiểu và biết chấp nhận môi trường mới, tôi bớt vọng tưởng. Thế nhưng tôi vẫn thường tự hỏi : Mình đi học là “được” hay “mất”? Dù rằng tôi vẫn biết cái gì cũng có giá trị riêng của nó, “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà ! Nhưng rồi tôi vẫn đắn đo, không biết giá trị của cái “được” và cái “mất” cái nào hơn cái nào???
Lập đông năm Canh Thìn.