Dáng Ba

Đã hơn hai năm rồi tôi chưa gặp lại Ba, điều làm tôi nhớ nhất là dáng đi của Ba.

Mùa đông năm đó, bà nội qua đời, Ba cũng bị mất việc, thật là những ngày khốn khổ, tôi từ Bắc Kinh đến Từ Châu, định cùng Ba về nhà thọ tang. Đến Từ Châu gặp Ba, nhìn thấy đồ đạc ngổn ngang đầy sân, lòng lại nhớ đến nội, nước mắt tôi bất giác tuôn trào. Ba an ủi: “sự tình đã đến nước này, đừng nên đau lòng nữa, may mà trời không nỡ tuyệt đường cha con mình.”

Về đến nhà bán hết gia sản, Ba trả nợ cho người ta; còn phải mượn tiền làm ma chay cho nội. Những ngày tháng này gia cảnh thật là bi thảm. Đám tang nội xong, Ba phải đến Nam Kinh tìm việc, tôi cũng phải trở lại Bắc Kinh đi học, thế là tôi và Ba cùng lên đường.

Khi đến Nam Kinh, có bạn hẹn đi dạo chơi, chúng tôi phải ở lại một ngày; sáng hôm sau đáp thuyền đến Phố Khẩu, buổi chiều lên xe đi Bắc Kinh. Ba vì bận việc nên nói không thể đưa tôi, Ba dặn một người bồi phòng quen biết trong khách sạn đưa tôi ra bến xe. Ba đã dặn đi dặn lại người bồi phòng vô cùng tỉ mỉ, nhưng rốt cuộc vẫn không yên tâm, sợ người bồi phòng không hết lòng, nên Ba hơi có chút do dự. Kỳ thực năm đó tôi đã 20 tuổi, đã đi lại Bắc Kinh vài ba lần, nên không có gì đáng lo cả. Ba do dự một lát, cuối cùng quyết định đích thân đưa tôi đi. Tôi nhiều lần khuyên Ba đừng đi, Ba chỉ nói: “không sao, để người khác đi Ba không yên lòng!”

Chúng tôi qua sông, vào đến bến xe. Tôi đi mua vé, Ba bận kiểm tra hành lý. Hành lý quá nhiều, Ba phải cho người bốc vác thêm một ít tiền mới có thể qua được. Tiếp đến Ba lại bận trả giá với chủ xe. Lúc đó tôi thật thông minh quá đáng, luôn cảm thấy Ba nói chuyện không được nho nhã lắm, nếu mình không tiếp lời vào là không xong. Nhưng cuối cùng Ba cũng trả được giá, liền đưa tôi lên xe.

Ba chọn cho tôi một chỗ ngồi gần cửa, tôi trãi chiếc áo khoác lông màu tía Ba may cho lên chỗ ngồi. Ba dặn tôi đi đường cẩn thận, ban đêm phải khẽ tỉnh một chút, đừng để bị nhiễm lạnh. Kế lại nhờ nhân viên phục vụ trên xe để mắt đến tôi dùm. Tôi thầm cười sự cổ hủ của Ba, bọn họ chỉ biết đến tiền, có dặn họ cũng bằng thừa mà thôi!

Tôi đã lớn như thế này, lẽ nào không thể lo cho bản thân mình được sao? Ây da, bây giờ nghĩ lại, lúc đó sao tôi lại thông minh đến thế!

Tôi bảo Ba: “Ba, Ba về đi!” Ba nhìn ra ngoài xe, bảo tôi: “để Ba đi mua một ít quýt. Con ngồi yên ở đây, đừng đi đâu nhé!” Tôi nhìn ra phía ngoài lan can sân ga, ở đó có vài người bán hàng đang đợi khách. Đi tới sân ga, còn phải xuyên qua con đường sắt, phải trèo xuống, rồi lại bò lên. Ba thuộc típ người mập, phải đi con đường như vậy đương nhiên không được tiện cho lắm. Tôi vốn muốn đi, nhưng Ba không chịu, nên đành phải để cho Ba đi.

Nhìn theo tôi thấy Ba đội chiếc mũ nỉ nhỏ màu đen, mặc chiếc áo khoác màu đen, bên trong là chiếc áo bông màu xanh đậm, đi một cách khó khăn đến con đường sắt, chậm chậm trườn người xuống cũng không mấy khó khăn. Nhưng khi đi qua con đường sắt, Ba còn phải trèo lên sân ga thật không phải dễ dàng. Ba dùng hai tay bám vào thành phía trên, co hai chân lên; toàn thân hình mập mạp của Ba nghiêng hẳn về phía bên trái, hiện rõ dáng vẻ cố gắng. Lúc này tôi chỉ nhìn thấy phía sau lưng của Ba, nước mắt tôi lập tức tuôn trào.

Tôi vội vàng lau khô dòng lệ, vì sợ Ba bắt gặp và cũng sợ người khác nhìn thấy. Lúc tôi nhìn ra ngoài lần nữa thì Ba đã ôm bọc quýt hồng tươi quay trở lại. Khi qua con đường sắt, Ba trước đặt bọc quýt xuống đất, tự mình cẩn thận trèo xuống, xong lại ôm bọc quýt lên đi tiếp. Khi đến bên này ga, tôi vội chạy đến đỡ Ba, chúng tôi cùng đi tới xe. Ba cầm bọc quýt nhanh nhẹn đặt xuống chiếc áo khoác da của tôi.

Xong đâu đấy, Ba phủi phủi bùn dính trên áo, ra vẻ vô cùng thư thái. Đợi một lát, Ba bảo tôi: “Ba đi đây, đến nơi nhớ viết thư cho Ba biết!” Tôi nhìn theo dáng Ba đi ra. Ba đi được vài bước, quay đầu lại nhìn tôi bảo: “Vào đi con, bên trong không có người.” Đợi cho dáng Ba khuất hẳn vào dòng người đi lại trên đường, không còn nhìn thấy nữa, tôi mới quay vào ghế ngồi xuống và nước mắt lại tuôn ra.

Mấy năm gần đây, tôi và Ba mỗi người một ngả, cảnh nhà ngày một sa sút. Thời trẻ, Ba ra ngoài kiếm sống, một mình tự lập, làm được rất nhiều việc lớn, ai ngờ đến già lại gặp phải cảnh suy sụp như vầy! Chính vì vậy mà khiến Ba nhìn đâu cũng cảm thấy thương tâm, không thể tự chủ được mình. Uẩn khuất trong lòng, tự sẽ phát lộ ra ngoài, nên dầu là việc nhỏ nhặt trong nhà cũng dễ dàng làm cho Ba nổi giận.

Dần dần Ba đối với tôi cũng không còn giống như ngày xưa nữa. Nhưng gần hai năm không gặp, Ba rốt cuộc đã quên bẵng những điều không tốt của tôi, luôn tưởng nhớ đến tôi, tưởng nhớ đến đứa con trai của Ba. Sau khi trở lại Bắc Kinh, Ba viết cho tôi một bức thư, trong thư Ba nói: “Ba vẫn khỏe, chỉ có hai vai đau nhức vô cùng, cầm đũa cầm bút đều không được tiện lắm, có lẽ ngày về với ông bà đã không còn xa nữa.”

Đọc đến đây, trong giọt nước mắt long lanh, tôi như nhìn thấy được bóng dáng to mập, mặc chiếc áo bông màu xanh đậm, bên ngoài khoác chiếc áo khoác nỉ màu đen của Ba. Ây! Tôi không biết đến lúc nào mới có thể gặp lại Ba nữa đây!

Tác giả: Chu Tự Thanh

Bát Nhã lược dịch