Trên Đỉnh Phù Vân

Lần đầu tiên độc hành trên đất Bắc, chưa thỏa sự hiếu kỳ giữa chốn kinh đô ngàn năm văn vật, chưa thể nguôi ngoai niềm khát khao về một miền linh thánh, còn đó những danh sơn thắng tích, còn đó những huyền thoại mang mang, như một kẽ rong chơi giữa hành trình cô định, lặng lẽ trôi đi.

Xuôi chuyến từ Hà Nội ra Quảng Ninh, lần lượt những địa danh thoảng qua tai như những lời thủ thỉ. Không phải những Đà Lạt, Vũng Tàu, không phải những Sa Pa, Tam Đảo…, mà là Hải Hưng, Đông Triều, Côn Sơn, Kiếp Bạc… những địa danh ngàn đời gắn liền với lịch sử, giáo sử, trong giây phút mơ màng, đối với tôi nó đã thành huyền sử.

Qua khỏi Đông Triều khoảng hơn nữa giờ xe, một cảnh tượng tự nhiên cuốn hút tôi như một điều kỳ diệu linh thánh, một đỉnh núi hùng vĩ vút cao nhô mỏm đá cheo leo ra tự hình cùng mây trắng, vẫn tự nhiên trường hằng hữu, mà lại mơ màng như có hư không. Chưa một lẩn chiêm ngưỡng, nhưng tự đáy lòng đã tự thấm hiểu, tôi buột miệng kêu lên: Yên Tử! Yên Tử!

Băng qua mấy dốc đồi khe suối, tôi đã đến chân núi Yên Tử. Chuẩn bị tư trang nhẹ nhàng cùng với câ gậy trúc, tôi bắt đầu đặt chân lên thánh địa khi nắng mai đã dát vàng lên từng lá cây ngọn cỏ. Dốc lên thăm thẳm, hun hút giữa bạt ngàn cỏ cây là từng phiến đá, dẫu rêu phong ảm đạm nhưng vẫn mới lạ trong từng phút giây.

Bước chân đó không thể nào làm cho đá mòn như nước chảy, đá không thể in hằng dấu chân như cát mịn, nhưng đá và chỉ có đá mới là kẽ chứng nhân miên viễn cho cả xưa và nay cùng về hội tụ. Giữa sự yên ắng rộn ràng của hoa rơi lá rụng, giữa sự tịch tăng tưng bừng của gió thoảng mây trôi, tôi cảm như bước chân giẫm lên bước chân, hiện tại giẫm lên quá khứ, lớp lớp xếp điều nhau với một trật tự đáo để của tự nhiên. Con người sao bé nhỏ quá! Nhân ngã sao tầm thường quá! Nén hết thị phi vào một thoáng vô vùng, may ra còn chó chút đồng điệu để cảm thông, để nghe ra những trang huyền thoại.

Làm sao một ông vua có thể lặn lội trong đêm để trèo lên dốc núi? Làm sao chốn Lam Sơn chướng khí này là trụ xứ của bậc quân vương? Càng lên cao dốc càng đứng, đó đây dọc đường là những bia đá mòn, tôi thở hổn hển mệt nhoài, nhưng phía trước vẫn hấp dẫn tôi kỳ lạ. Phía trước không còn dốc đá cheo leo nữa, mà là những cây tùng. Hai hàng tùng hai bên tủa ra những bộ rể khỏe khoắn đan chéo giữa đường đi, tạo thành những bậc tam cấp đều đặng tự nhiên và vô cùng đẹp.

Những cây tùng cao to mà tương truyền được vua Trần trồng từ độ ấy, độ ấy đến bây giờ, 700 hay 1000 năm dường như không còn quan trọng nữa, miễn là của vua trồng, Thái Tông hay  Nhân Tông cũng không còn là điều đáng kể. Đáng kể là tự bây giờ đến nay, nó vẫn sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt, làm vật chứng cho niềm tin bé bỏng lên ngôi. Từng rễ tùng là từng trang sử, bước lên từng rễ tùng là bước lên từng giai thoại tháng năm.

Qua khỏi đoạn đường tùng, tim tôi như thót lại, phía trước là một cảnh tượng kỳ bí đến mê hồn. Từng đôi tháp cổ hiện ra, lớn có nhỏ có. Gần cả trăm ngọn tháp châu tuần quanh một vách tường đá thấp, bước qua ổ cửa vòm của tường đá là đối diện ngay một ngôi tháp trung tâm, không cao lớn lắm, không đồ sộ lắm nhưng vẫn là ngôi cao giữa tịch lặng bốn bề. Không còn nghi ngờ gì nữa, tháp của vua Trần Nhân tông đây rồi! Nơi yên nghĩ cuả đấng điều ngự giác hoàng đây rồi! Tôi buông túi vải xuống, bỏ nón gậy xuống, như trút bỏ hết lớp son cuối cùng của phồn hoa phố thị, trong một niềm xúc động vô biên, tôi đê đầu đảnh lễ ba lạy trang trọng và thành kính nhất trong đời, quên kìm hảm cả sự xúc động từ hai bờ mi chảy dài xuống má. Quay lại nhìn quanh ô cửa vòm của bức tường đá bao quanh, chập chùng mây trắng lá xanh, vài con đường mòn đất đỏ uốn lượn như những sợi giây vắt qua phiến lá. Dưới kia trần gian sao mà bé nhỏ thế! Uống một ngụm nước trong để lắng dịu tâm can và nghe từng cơn gió núi, bất chợt một bài thơ của Trần Tử Ngang hiện về, âm vang từng tiếng:

“Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi lệ hạ”.

(Đăng U Châu Đài Ca- Trần tử Ngang)

Tạm dịch:

Bao người kim cổ nay đâu
Ngàn xưa cho đến ngàn sau bẻ bàng
Mênh mang trời đất mênh mang
Một mình bất chợt đôi hàng lệ sa.

Đang miên mang với dòng suy nghĩ, bổng nhiên một tiếng chuông từ đâu trên cao vọng xuống. Tiếng chuông chùa hay tiếng chuông núi? Âm thanh của người hay âm ba của suối? Của ai thì cũng kỳ diệu linh thánh giữa lúc này. Đi thôi! Gần lắm- lòng tự bảo lòng- tôi nhẹ nhàng xách gậy nón đứng lên, tạm biệt vườn tháp Huệ Quang, qua những gốc cây Đại cuồn cuộn như những thớ vỏ dày như những bắp tay của lực sĩ, bước lên những thỏi gạch cũ mờ rêu phong in nhiều dấu tích. Nhìn lên, trên những bậc tam cấp cao của mái chùa cổ kính: Hoa Yên Tự.

Tôi lẫm nhẫm đọc trong đầu cái tên quen thuộc, lục lọi lại những kiến thức lịch sử ít ỏi của mình: Chùa Hoa Yên từng là nơi hoằng hóa của Phù Vân Quốc Sư, là nơi Trần Thủ Độ từng nói với Thái Tông “Hoàng Thượng ở đâu thì triều đình ở đó”, là nơi tổ trúc lâm trụ tích đến cuối đời, là nơi truyền pháp cho tổ sư Pháp Loa là nơi Huyền Trang Tôn Giả bao ngày vững chong ngọn đèn Tổ Đạo… Bấy nhiêu cũng đủ cho lữ khách cảm thấy diễm phúc khi mình đặt chân đến thắng địa này. Chùa cũng khá đơn sơ, nhỏ nhắn, nhưng quan cảnh núi rừng thật tịch mịch bao la. Những gốc sứ oằn mình dưới thời gian 700 năm đằng đẳng, mà cành lá vẫn tươm ra những cành lá nõn nà. Bữa cơm chùa đạm bạc với rau dưa, mà vẫn thắm đẫm đời tu nhở một lần về Yên Tử.

Đến Hoa Yên chỉ là một nữa lên đỉnh, tôi quyết định lên chùa Đồng ngay trong ngày tháng quý báu này. Dốc đá lên cao, dựng ngược và trơn láng quá, phải níu dây rừng và nương gậy trúc mới mong khỏi trượt té. Qu khỏi chùa Một Mái, lên một đoạn nữa là chủa Bảo Sát, càng lên cao không khí càng loãng, mây trắng la đà ven sườn đá tảng, khí thiêng Yên Tử dựng hình với tượng đạo sĩ An Kỳ Sinh hóa đá, cùng với hoa cỏ dọc đường làm vơi đi nổi mệt nhọc trèo non. Khoảng 3 giờ chiều là tôi đến được đỉnh chùa Đồng, lòng xúc động và vô cùng mãn nguyện

Trên đỉnh phù vân, mây ngàn và gió núi. Mây ở đây nhiều quá, cuồn cuộn bay và như muốn che lấp non xanh không khí trên đây lạnh quá ngôi chùa Đồng nhỏ nhắn bên một ngôi chùa cổ đơn sơ, như hội tụ khí thiên đất trời về trong một góc. Nén hương thơm không thể làm ấm lại không khí bạt ngàn của mây trắng, tôi cúi xuống tìm một khúc gổ và mạo mụi dóng 3 hồi hồng chung dài trên đỉnh non cao mây tự nhiên tan ra khoảng khoát. Ánh nắng chiều hồng lên, có thể nhìn thấy mây tử đỉnh cao tràn xuống đỉnh thấp, điệp trùng như mộng. Chốc chốc, mây lại tràn qua che kín đất trời , đến nổi tôi ngồi cách chùa Đồng có vài mét mà vẫn không thấy được dáng chùa. Cảm giác lạnh đến rợn người. Trời thẩm tối, mây nhiều quá, âm u và huyền ảo. Có phải là một kẻ phàm tình đã giám xâm phạm chốn non thiêng? Hay nghiệp dữ nặng nề chưa có phép thích nghi một cõi miền hoang dã? Tôi không giám chiều theo ước vọng được đón trăng trên đỉnh phù vân, có lẽ do đói và lạnh. Xuống núi thôi! Mây thảng ướt như phiến đá chênh vênh trên đường đi xuống, tôi phải băng mây ngàn xuống Hoa Yên trước khi tối hẳn.

Đêm tịch mịch, ngồi giữa lòng sơn tự đón trăng lên, bình yên và thanh thản quá ! Trăng bàng bạc khắp núi rừng, trăng vỡ ra từng âm thanh kỳ diệu như những vỏ đậu nứt nẻ ra dưới nắng trưa hồng. Mây bây giờ là những chiếc thuyền trôi dòng là biếc, lặng lẽ, nhẹ nhàng như trôi trên biển êm lặng sóng. Còn hồn tôi bây giờ là trăng hay là mây ? là biển lá xanh hay bầu trời bát ngát ? Tôi nào có biết ! Thiên nhiên là một kho tàng kỳ bí, bao la và sâu thẩm, không thể mượn vài tiếng chim đêm, vài âm thanh của cành lay trước gió, của lá rụng hoa rơi mà diễn tả hết được. Đất với trời hòa quyện dưới ánh trăng khuya, ấp ủ, vỗ về đứa con đi hoang từ muôn kiếp. Nhưng vạn đại như mới chỉ một ngày, tôi ngả mình khép mắt cho đêm hoang vu về ngụ hiên chùa.

Tiếng chuông khuya trầm ấm tỏa lan. Tôi mở mắt tỉnh dây, nghe năm tháng đi về như một giắc chiêm bao.

“Giọt sương đậu mái lương đình,
Nửa đêm thức giấc hỏi mình tan chưa.”

NT.

Nguồn: Tập san Suối Nguồn số 5