“Hãy khơi lên những ngọn lửa lụi tàn, để cho cuộc đời là bài thơ khúc hát, tiếng ca dịu dàng như rơi nhẹ vào không gian…”
(Gởi quê hương – Mặc Giang).
“Thương thay cá chậu chim lồng
Nhảy bay lặn lội cũng trong ngục tù”
Ôi! biển khổ ba đào, trùng dương dậy sóng. Trong rừng cây, cành chen nhau mà lá cũng chen nhau. Nơi phương xa hướng về cố quận, theo dõi từng hơi thở, nhịp đập của con tim, Mặc Giang thấy thương xót cảnh đời xôn xao danh lợi, rộn rực tranh đua. Để rồi, có những hôm:
Thao thức vì ai ngồi đây mãi…!
Và ai đó đã suy gẫm, gẫm suy về lí tưởng. Bước ra đời độ sanh dễ lắm sao. Chẳng khác gì thuyền dậy sóng ba đào. Ra giữa biển chịu biết bao dồn dập…Thế nhưng, Mặc Giang đã không ngần ngại, với thệ nguyện rộng sâu như biển, “ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”. Cho nên:
Tiếng lòng thúc dục thương nhân thế
Bút mực yêu kiều dệt thành thơ…
Cuộc tồn sinh lận đận, mây trắng ẩn non ngàn, lênh đênh như cánh nhạn chiều thu … Trần lao là thứ vô thường.Vạn vật trong thế gian đều là giả hiện. Ngó lại càn khôn cha mẹ sanh thành chẳng khác nào hạt bụi chợt còn chợt mất, như mảnh phù du thoạt nổi thoạt tan…Bụi trần dao động lăng xăng, hư không vẫn tĩnh lặng.
Lành thay, trong cảnh giới tài sắc, danh lợi của cõi Ta Bà, rạng rỡ hình bóng những bậc chân nhân nối tiếp trên đường dài phiêu lữ chấm phá điểm son tạo thành dấu ấn làm cho cõi diêm phù không phải chỉ là nơi đày ải tử sinh! Cái gì là khổ, cái gì là khổ đế! Cái gì là diệt, cái gì là diệt đế! Cái gì là sắc, cái gì là không sắc! Nếu trầm luân sao ta đeo đẳng ta bà? Nếu cát bụi vô thường sao ta chẳng mất hư hao?
Nhận diện, đối mặt, bước đi, nhìn thấy, cơ cảm, tư nghì thì có gì phiền ưu, kham nhẫn! Bầu trời không lồng lộng thì mây trắng đâu có thong dong! Biển cả không mênh mông thì sóng mòi đâu lướt gió! Nếu tất cả đều buông, đều bỏ, đều lẩn tránh thì chẳng khác nào thả hư vô đi vào cõi chết, thả cát bụi đi vào rêu mờ, trầm mịch lặng yên!
Sinh tử không ngừng, tại sao đóng cửa ? Mất còn biến hiện, tại sao buông trôi? Hoa hồng chỉ có khi trổ trên cây gai góc. Chồi non chỉ nẩy khi sinh lực điểm cuối cành khô. Nụ cười và tin yêu đương nhiên đã đẹp những khi diễm hạnh nhưng càng đẹp hơn trên những muộn sầu. Lìa bùn sao có được sen? Nước nào gọi là trong nếu không có đục? Đường trần mở cửa đón nhân gian. Tử sinh vẩy chào reo phù thế. Xưa nay, mãi mãi và vô cùng! Vốn như thế và trên tư thế đó, Mặc Giang, người đã đem đến cho đời món quà tinh thần lớn nhất, tạo cho con người có một nghệ thuật sống bình an, thông cảm, cởi mở, yêu quê hương, khơi dậy tình người:
“Tha nhân mở cõi thương lòng
Nhìn trong thiên hạ khắp trong cuộc đời
Nơi nào khổ ải chơi vơi
Ta xin đến đó cho đời bớt đau
Nơi nào bãi biển nương dâu
Ta xin đến đó bắc cầu lại qua”.
(Hoa Tha Nhân)
Trong suốt chặng đường qua, thơ Mặc Giang đã khởi sắc, nghinh hương, và giờ đây, lại chấp cánh cho nhạc bay cao. Âm nhạc ấy của Mặc Giang đã nâng thơ lên thành một cung bậc cảm thụ mới như ngọn gió trong lành đang thổi về trên khắp mọi miền. Tập nhạc mang tính triết lý hiện sinh kỳ ảo trữ tình : “Dòng thơ gọi tình người”, đi trên “Hành trình quê mẹ” không ngưng nghỉ, đâu không quê mình, đâu chẳng của ta, “Mình với ta tuy hai mà một, Ta với mình tuy một mà hai”, cùng “Lối cỏ hoa cài”… mở ra vạn lối, như cầm trên tay, ngay trước mắt, tuyệt siêu mà hiện thực, kỳ diễm mà hiện sinh, góp phần tô điểm cho vườn hoa Phật học, thơ nhạc nước nhà thêm màu sắc phồn vinh.
” Nghĩa sông tình biễn mênh mông
Sông đi ra biển bềnh bồng ra khơi
Sông đi từ giữa núi đồi
Xuyên qua rừng nội trụt trồi cao nguyên “
(Tình biển nghĩa sông-Thơ nhạc).
Giữa không gian tịch lặng, những ca khúc được phổ từ thơ Mặc Giang đã giao thoa, rung cảm và ngân lên thành lời ca ngọt ngào, êm dịu . Con người hội nhập cõi uyên nguyên mênh mông diệu vợi . Hương đất trời bây chừ trổi khúc lan man bất tận trong mạch nguồn sâu thẳm của năm ngàn năm văn hiến con Lạc, cháu Hồng.
Thơ nhạc Mặc Giang đơm hoa kết trái, đến độ chín muồi, người đã dâng cho đời những quả ngọt nồng nàn hương vị, đậm đà tình yêu quê, như trái cây bốn mùa:
“Cây ngon trái ngọt tươi màu
Quanh năm suốt tháng chớ đâu một ngày
Sống sao cho trọn vui vầy
Người kia cũng nhớ người này cũng trông”
Ai đang sống quê mình hay dù có xa quê, nghe điệu nhạc mà không dừng chân đôi chút, để sống trọn tình quê, mà nâng niu gìn giữ, mà hoài vọng cố hương, và muốn trở gót quay về thăm lại chốn xưa:
” … Thái Nguyên yêu ơi, sức sống chứa chan nâng niu dân tình đảm đang, xin vẫn không nguôi thương nắng mưa quê tôi”:
( Thái nguyên quê tôi)
…Và từ dạo ấy, sắc thắm muôn hoa lại nở khắp thân thương trên muôn vạn lối đi về:
” Hoa nào có ý lạ đời
Bởi hoa muôn sắc tuyệt vời thế thôi
Bông hoa là của đất trời
Ngắm hoa là của ai người biết hoa”
(Sắc thắm muôn hoa)
Những đóa hoa lòng thánh thiện kết tinh tình thương yêu vô ngã, tung nở ngát hương theo từng nhịp đập con tim bằng những lời ca khôn xiết niềm vui bất tận vang vọng giữa cõi ta bà uế trược, đau thương :
” Hướng dương khoe ánh thái dương
Quỳnh hương nhoẻn nụ đêm sương rực màu
Hoa sen nở rộ dưới bàu
Lại chen hoa súng trắng màu hoa cau.
(Sắc thắm muôn hoa)
Mặc Giang ung dung giữa cuộc đời, bình dị giản đơn, gần gũi thân thiết với cuộc sống con người như hoa sen nở rộ dưới bàu, trong đám bùn lầy không nhiễm chút tanh hôi. Hương các loài hoa thơm không bay ngược chiều gió. Nhưng hương người đức hạnh ngược gió khắp muôn phương. Chỉ có bậc chân nhân toả khắp mọi phương trời. Thơ ông là nguồn sống vô tận của vũ trụ càn khôn. Và ở đó, ta bắt gặp vẻ đẹp của một tâm hồn thi sĩ:
”Tai có thể nghe ngàn vạn lí xạc xào
Mắt có thể thấy khuất muôn trùng vời vợi
Vượt cung trăng để thăm viếng hằng nga
Căn gác nhỏ nhưng nhìn trời đất hẹp”.
Như vầng trăng sáng tỏ không vướng chút mây mờ, Mặc Giang đã thong dong giữa cuộc đời “bước đi không mỏi, bước tới không ngừng”. Và cứ thế:
” Chân chưa mỏi trên nẻo đường vạn dặm
Núi dốc bản đồi đưa tay bắt nắm
Cát bụi gió sương một cõi trần gian”.
Chính vì tình thương yêu bao la nó len sâu trong tim, chảy khắp huyết mạch cuộc đời bình dị của tâm thái siêu việt, nên thi sĩ đã không ngần ngại, thăm khắp hang cùng ngõ hẻm, “biển gọi mây ngàn tôi cởi sóng vượt đi”, gian nan như lửa rèn tâm trí, nện gót vang lừng nhịp khúc ca. Mỗi động tĩnh khứ lai của ông đều là bài pháp không lời.
“Phật Pháp Thân quê nhà ta đó
Đạo cứu đời vời vợi thanh lương
Chân diệu hữu ai ai cũng có
Đạo vì đời truyền khắp muôn phương”.
Và có ai biết rằng, Mặc Giang không bao giờ bỏ lỡ cơ hội “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, nhiệt huyết thắp sáng ngọn đèn chánh pháp “phá nghi võng ư trùng trùng”, luôn thổi ngọn gió an lành vào thế gian hỗn độn này:
“Hoa Nhập Thế vào cuộc đời tế độ
Sống an lành trang trải vạn tình thương
Dìu dắt nhau trên thiên lí đường trường
Một khi biết quay đầu là bỉ ngạn”.
(Hoa nhập thế).
Giữa gió chướng mây ngàn và phong sương cát bụi, mỗi bước chân ông đi cũng chính là mỗi bước chân trở về. Thi sĩ đã gieo vào đời ngũ trược những bông hoa lấp lánh ánh trăng ngàn, những ca khúc trữ tình vang lên từ vần thơ ấm áp tình đời, lặng lẽ âm thầm đưa những con người còn tham sân nhân ngã bỉ thử, quay cuồng trong vòng xoáy của cơn lốc lợi danh, được tĩnh thức đi về trên một đạo lộ an bình, ngát hương đạo hạnh.
Sự hiện hữu thơ nhạc của thi sĩ chính là suối nguồn đạo đức mà chúng ta có thể vốc uống được dòng nước mát trong lành của bản thể trào tuôn vô lượng. Thơ nhạc Mặc Giang cất lên cao. Dòng tâm thức đang ươm mình cho hoa đời đua nở, mạch sống giữa sắc pháp và tâm linh, giữa hữu tình và vô tình đang quyện lẫn vào nhau tạo nên nét đan thanh tấu hợp trên cung đàn miên viễn của thế giới và nhân sinh vũ trụ. Lời ca có lúc trầm lắng trong niềm xúc cảm thêng liêng:
“Đồng đội ơi, anh nằm ở đâu. Không tên với tuổi hoà trong đất mẹ hồn nước oai linh. Đồng đội ơi, hương rừng núi đồi khói chiều mờ sương. Đồng đội ơi, núi rừng đất mẹ ấp ủ hồn anh…”
(Tôi là người chinh nhân-Thơ nhạc)
Thái dương chói lọi về dãy núi xa xa, bầu trời trong xanh bao la thật đẹp. Tôi thong dong bước đi giữa làng quê yên ả miền Trung. Bên sông, bên ruộng, bên vườn, mát trong ngút ngàn màu xanh non nước, khiến cõi lòng càng thương nhớ quê hương:
“Quê hương tôi đất nghèo mưa nắng
An lành gian khó sẽ chia nhau
Miền trung lối dọc đò ngang
Tình người nói sao cho vừa”.
( Miền Trung quê hương tôi-Thơ nhạc)
Ôi! đi giữa chiều quê nghe lời ca vang vọng giữa hư không, ai cũng cảm thấy tâm hồn mình thanh thản, nhẹ nhàng, phá tung mọi giam hãm của thế giới vật chất, vượt hẳn khỏi giới hạn nhỏ bé của thân ngũ uẩn này. Tâm hồn mở rộng, đón nhịp giao thoa giữa con người và vũ trụ vạn vật. Cảm xúc trào dâng, tình người ấm áp, khơi dậy giữa chốn trần một thuở long đong, hương đồng cỏ nội in dấu hài đậm nét nguyên sơ.
Chúng ta hãy lắng lòng hòa cùng nhịp đập của điệu nhạc cùng vũ trụ vạn hữu, giữa hàng vạn trái tim đang thổn thức giai điệu tình yêu quê hương thắm thiết, non nước phiêu bồng, sơn cùng thủy tận:
” Dòng sông bến nước con đò cũ
Lỡ bước thiên đường chợt nhớ quê”
(Nhớ quê hương)
Lời ca vút cao, làm trỗi dậy sức sống kì diệu êm đềm, nhẹ nhàng, ngọt ngào, đầm ấm như hơi thở, sẽ mãi mãi lan tỏa trong từng niệm hiện tiền, trong chiếc lá hay làn hương ngây ngất, trải dài vô tận giữa hư không. Xuân lại về sau một thời gian tàng ẩn trong mùa đông giá lạnh.
…Riêng anh, từ dạo xa quê, dấn thân vào đời, cuống cuồng xoáy theo cơn lốc lợi danh. Nay nghe câu hát diệu kỳ, từng bước tìm về chốn xưa sao nặng lòng luyến thương quá, những hình ảnh đã một thời cho anh bao hạnh phúc với ngọt ngào đầy vơi. Bây giờ trở lại nơi đây, hơn nữa đời người, mái đầu anh đã bám đầy bụi trần và con tim anh thổn thức tình đời xuôi ngược. Câu hát yêu thương gợi cho anh nhớ lại tất cả, để những hình ảnh thân thương, quen thuộc đó, là hành trang cho anh sống đúng phẩm giá ý nghĩa của một con người.
“…Người nông dân yêu thương ruộng đồng, mang gió mưa thuận hòa, thêm sức đậm đà, tay cày, tay cấy ba miền Việt Nam.
(Người nông dân-Thơ nhạc
Tận hưởng thơ nhạc Mặc Giang, ta cảm thấy hạnh phúc như một đứa con tìm về đất mẹ, được nâng niu trong vòng tay dịu ấm, được hấp thụ những tinh hoa quí giá mà thi sĩ đã trao gửi tận cõi lòng.
I.M..Đô Ghen, nhà sinh học người Nga cho rằng: “Âm nhạc có ảnh hưởng đến hệ hô hấp tuần hoàn và những khía cạnh khác trong cơ thể”. Thật vậy, âm nhạc từ thơ của Mặc Giang khiến người nghe cảm thấy nhẹ nhàng thư thái, xua tan những căng thẳng mỏi mệt sau một ngày lao động trí lực, miệt mài tận tụy lao lung giữa sự sống với gánh nặng áo cơm.
Sự tái hiện những âm thanh đầy sức sống, sức hấp dẫn của quê hương, đất nước trong thơ nhạc thi sĩ, đem đến cảm giác dễ chịu như đang hít thở hương hoa sen tươi mát, dịu dàng lan tỏa giữa hư không và nó cũng đáp ứng nhu cầu tìm về non nước hồn thiêng trong mỗi chúng ta. Những ca khúc trữ tình ấy, đã tham gia và hỗ trợ trong các dịp lễ hội, nghỉ ngơi cộng đồng, trong sự chuyển động của tập thể ban ngành các cấp, làm phương tiện nghỉ ngơi, giải trí và đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc giáo dục con người, nhất là thế hệ trẻ về tư tưởng, đạo đức. Đánh thức lương tâm, thức tỉnh một sự bồn chồn cao quý, một nỗi niềm lo lắng thiêng liêng.
Thơ nhạc Mặc Giang làm cho cuộc sống không còn tẻ nhạt và trầm lắng như Sô Xta côvits có nói rằng: ”Âm nhạc nâng con người lên, làm con người cao quý hơn, củng cố phẩm chất niềm tin vào sức mạnh bên trong của bản thân, vào sứ mệnh lớn lao của mình “:
“…Hai bên mấy lối xe qua cầu rồi, cảm cơ công đức thanh cao, tăng thêm sức sống ngọt ngào miền Nam”…
(Thương về Tiền Giang)
Trường đời ai đã ngủ say, bỏ quên gối mộng bên rày cuộc chơi, chừ đây nắng rực lưng trời, vuờn thơ đã dậy hương rồi người ơi… Mặc Giang đã đem đến cho ta những ca khúc bay bổng diệu kỳ, vun bồi sự sống hôm nay trong suối nguồn tươi mát của đạo pháp.
Giữa dòng nước đục, nhà thơ của của chúng ta đã xắn tay áo lên, nhẹ nhàng “lóng đục thành trong” bằng chính những ca khúc trầm bổng, linh hoạt thanh thoát, giúp cuộc sống con người có chiều hướng vươn lên. Lời ca bày tỏ tình cảm trong sáng, ngợi ca quê hương, thể hiện tình người hướng thiện.
Khi âm nhạc từ thơ của thi sĩ cất lên, vang vọng giữa trường đời, lòng con người trên quê hương yêu dấu một phút bừng niệm , thấy được sự thật của cuộc đời bằng chính kinh nghiệm sống với bản thân, các hạt giống thiện có cơ hội bừng dậy, đón nhận hương vị ấm áp của cuộc đời. Tâm thức con người giờ đây bừng sáng, “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”, niềm hỷ lạc thấm nhuần trong từng trái tim, nụ cười thấy rõ thực tại sinh động, khơi nguồn tuôn chảy trong vô tận thời gian và không gian:
“…Non đi nặng nghĩa núi non, Nước đi nặng nghĩa chờ con nước về. Trăm năm non cũng nước non, Ngàn năm non cũng nước non muôn đời. Tình non nghĩa nước tuyệt vời. Nghĩa non tình nước rạng ngời nước non”.
(Tình nghĩa non nước)
… Bên kia đường, mẹ già đang quảy gánh hàng rong bước thoăn thoắt về phía chợ, bác nông dân đang gặt lúa hối hả, mồ hôi nhễ nhại. Các em học sinh cắp sách đến trường, từng bước hồn nhiên vui khỏe, cô chú công nhân trong nhà máy đang lao động nhịp nhàng. Khi điệu nhạc từ thơ của thi sĩ ngân lên, tất cả những mệt mỏi căng thẳng sẽ được lùi dần vào quá khứ, nhường chỗ cho những tiếng cười đôn hậu của người mẹ, cái cười đức độ của người cha, … cho đến nụ cười cởi mở, cảm thông đều hé nở rạng rỡ trên môi người.
Và cũng có những khi trời xanh quá mênh mang, nghe ca khúc của thi sĩ, ta lại thèm trải lá vàng làm chiếu, nằm mơ màng nghe tiếng mẹ ru xưa:
“Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau
Tấm lòng biển rộng sông sâu
Tình thương chan chứa một màu thanh lương”
(Những lời mẹ thương)
Thời gian đã chở tháng ngày của tuổi ấu thơ trôi nhanh, nay khôn lớn giữa dòng đời biết bao lần vấp ngã, khi nghe những lời ca ấy, tôi chỉ ước mong một điều duy nhất là được về bên mẹ cha, nghe tiếng thâm tình xoa dịu vết đau thương, đón nhận sự chia sẽ đầy ngọt yêu, cởi mở và hiểu biết, được rưng rức những giọt nước mắt hạnh phúc trong mái ấm gia đình trên từng nhịp đập hơi thở của quê hương yêu dấu… Và kia, ngôi sao mai sáng đẹp kì diệu lấp lánh trên bầu trời, vạn vật yên tĩnh. Tiếng côn trùng trên mặt đất cũng lặng im. Một bầu không khí trong lành đầy ân sũng bao trùm khắp tạo vật đang say ngủ…
Mây nhởn nhơ bay và chồng chất cao như núi. Giữa chợ đời, người đàn bà đang ngồi trên chiếu vặn dây đàn. Bà cất lên điệu nhạc nghe thật sùng kính. Ca khúc Mặc Giang theo những vần thơ vang lên trong bầu không khí ban mai, toàn thể không trung dường như biến đổi thấm nhuần sự tràn trề kì diệu và đầy ý nghĩa:
“Miền trung lối dọc đò ngang. Tình thương nói sao cho vừa . Ai ngang qua gởi dùm nỗi nhớ, nỗi nhớ chia xa nhớ lạ lùng”
Tiếng gãy đàn thì ta nghe không rõ, nhưng giọng ca của người đàn bà vang dội qua mặt nước một thanh âm trong trẻo và thâm hậu. Âm thanh bài hát cất cao theo những từ ngữ câu chữ trong áng thơ bất hũ của Mặc Giang, lay lắt tràn ngập tâm hồn ta, đem lại cho ta một niềm vui thuần khiết:
“…Đồng hương hai tiếng nặng tình, Đồng bào hai tiếng như mình với ta, Mở vòng tay lớn hoan ca, Nghe lòng chan chứa một nhà Việt Nam.”
Âm nhạc từ thơ của Mặc Giang đã đưa ta ngược dòng dục nhiễm, trở về một thể tinh minh, thân tâm khinh an tự tại. Rồi đây, thơ nhạc của ông sẽ mãi không ngừng phát triển hoàn thiện cùng năm tháng…
Giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, làm vơi đi những hờn giận vu vơ, đưa người về dĩ vãng, tìm lại nét đẹp của tuổi thơ yêu dấu, nghe lòng bồi hồi, xao xuyến với tình yêu quê mẹ, nắng ấm quê cha, sống dậy lòng tự hào dân tộc: Thơ nhạc Mặc Giang đã chia sẽ với chúng ta nhiều điều…
Với sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ca từ, nhịp điệu, tiết tấu, thơ nhạc Mặc Giang tác động lớn đến người nghe. Sự khái quát hóa và tăng lên gấp nhiều lần những khả năng biến hiện cả ngữ điệu và tiết tấu, làm cho nó có một sức mạnh xoáy sâu vào cảm xúc thật lớn lao. Cuộc sống như bài ca còn mãi, vì “Tiếng hát chưa tan”:
”Góp thời gian tôi bước lên ngàn
Góp cuộc đời trong túi hành trang
Bước phiêu du về miền sương gió
Nâng tay đàn tiếng hát chưa tan”
Hoa Ưu Đàm thản nhiên bình lặng nở, toát ra làn hương vô giá quyện vào hồn thiêng của dân tộc. Sự hiện diện của thi sĩ giữa cõi đời thật trầm lắng nhưng quá sức hùng hồn, đáng sùng kính và ngưỡng mộ biết bao. Mặc Giang ơi! Đất nước, quê hương đang dõi soi hình bóng và dòng tâm chân thật đại đạo của thi sĩ. Nơi đó, có ánh mắt trầm tĩnh bao dung, nụ cười liễu đạo, sự hội tụ Bi Trí tròn đầy với tâm hồn trong sáng đong đầy tình thương đã trang trải đến muôn loài sức sống hồi sinh. Giờ đây, cây cỏ, lá hoa, núi đá cheo leo như bỗng hoá tâm hồn…
Không gian thênh thang chẳng để lại vết chim bay. Đại dương nghìn trùng không lưu dấu cá lội. Rừng xanh bát ngát đâu giữ lại tiếng chim ca. Nhưng giữa bụi trần, trong nếp sống của bậc chân tu sáng ngời đức hạnh, thi sĩ Mặc Giang đã để lại trong lòng người dòng tâm tưởng chẳng bao giờ phôi phai.
Mai đây:
“Nhân sanh tự cổ thuỳ vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”
Sự hợp tan của sắc thân tứ đại rồi sẽ đến, nhưng đó chỉ là một lần thi sĩ rong chơi trong cõi tục để giúp Mặc Giang hoàn thành chí nguyện.
“Vô thường cất bước rong chơi
Mở ra gót ngọc ngát lời hoan ca”
Vần thơ, nốt nhạc đã hoà quyện giữa hư không với gió mát trăng ngàn cùng lời ca bay bổng trên phím đàn không bao giờ dứt tuyệt. Nỗi thống khổ cô đơn trong lòng thế cuộc đã tan vào hư vô, gửi mình theo cánh gió băng ngàn vượt bể ái hà ra đi không trở lại.
… Ngoài kia, xe đang chạy, bụi bay mờ mịt trong dòng đời xuôi ngược. Giữa hư không, âm nhạc từ thơ của thi sĩ Mặc Giang cất lên cao, rồi nhẹ nhàng rơi rơi từng giọt ấm như mưa xuống một đám, khiến bầu trời nhân gian trong sáng, cát bụi lặng yên.
Một ngày Mùa Thu 2009
Hồng Tâm