Ngụ Ngôn của Áisôpos (伊索寓言)
Aesop (Áisôpos, 伊索, Ê-đốp) – người Hy Lạp của thế kỷ thư sáu – là một trong bốn nhà ngụ ngôn nổi tiếng trên thế giới. Những câu chuyện nho nhỏ trong vở sách ‘Áisôpos Ngụ Ngôn’ đã trở thành những bài học cho nhi đồng; những chuyện đọc trước giờ ngủ; và những chuyện kể dưới bóng cây vào mùa hè trên sân trường…
Câu chuyện “Thỏ và Rùa” là một trong những chuyện ngụ ngôn rất thân thiết với đọc giả trẻ Việt Nam!
Hôm nay tôi lên Internet tìm kiếm tài liệu về ‘Ah Q Tự Chuyện’ của Lỗ Tấn (魯迅), vì tôi đã có ý định viết một bài về ‘tinh thần Ah Q’ – một đề tài tôi đã từng viết rất nhiều vì đó là một khoa trình văn học của khóa thi tú tài tại Hồng Kông. Nhưng tôi bất ngờ gặp lại tên một tác giả mà tôi rất sùng bái, đó là Tiền Chung Thư (錢鐘書)
‘Vệ Thành’ là tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả này, nhưng bài viết tôi thích nhất lại là những tiểu phẩm tùy bút của người, nhất là bài ‘Đọc Áisôpos Ngụ Ngôn’. Đó là một bài viết về cảm tưởng của tác giả sau khi đọc ngụ ngôn của Áisôpos, và cũng là một trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu xa nhất cho tôi.
Ngụ ngôn là ngụ ý trong ngôn ngữ. Nó là một loại văn thể riêng biệt, chuyên dùng tỷ dụ, hoặc xuyên qua những câu chuyện nho nhỏ của thú vật để phúng dụ hay giáo huấn người đời, hy vọng đọc giả có thể xiễn minh đạo lý (阐明道理). Cái đẹp của loại văn này là mộc mạc, trực tiếp, đơn giản nhưng lại đầy triết lý của đời sống.
Áisôpos (伊索 ) – người Hy Lạp của thế kỷ thư sáu – là một trong bốn nhà ngụ ngôn nổi tiếng trên thế giới. Những câu chuyện nho nhỏ trong vở sách ‘Áisôpos Ngụ Ngôn’ đã trở thành những bài học cho nhi đồng; những chuyện đọc trước giờ ngủ; và những chuyện kể dưới bóng cây vào mùa hè trên sân trường… tôi đã được lớn lên với những câu chuyện hấp dẫn và đầy giáo dục này. Nhưng đối với tác giả Tiền Chung Thư, Ngụ Ngôn của Áisôpos không thích hợp cho trẻ con. Người nói, những thiện nhân ác quả, những phân biệt thị thị phi phi của lòai người đều không phải ấu trĩ, rõ rệt và công bình như trong thế giới của động vật. Những câu chuyện trong đó sẽ làm cho sự suy tư của con người ‘thuần khiết hóa’.
Luận điểm đầu tiên được đưa ra là câu chuyện của ‘chó và bóng’… một con chó đang ngậm đồ ăn trong miệng, đi qua cầu. Khi nó thấy hình bóng mình trong nước, tưởng là con chó khác, liền nhả đồ ra, nhảy phốc vào nước để dành lấy miếng ăn kia. Rốt cuộc miếng ăn của mình bị rơi mất. Bản ý câu chuyện đây là cai ‘tham’. Nhưng Tiền Chung Thư cho rằng: thường nói, ai ai đều cần phải có một mãnh gương (để ta có thể tự ngã phản tỉnh). Nhưng ông cho rằng… người tự tri thường không cần mãnh gương đó, và người không tự tri soi gương rồi cũng là vô dụng.
Lại câu chuyện người lão bà và con gà: Lão bà vì muốn con gà mình được sinh thêm nhiều trứng, nên cố sức nuôi dưỡng gà cho mập mạp thêm ra, nhưng hởi ơi, khi gà mập lên, thì nó không còn đẻ trứng. Câu chuyện này cũng nói về chữ tham. Nhưng theo Tiền Chung Thư, câu chuyện là cho chúng ta biết… người giàu có thường là kẻ keo kiệt (nhất mao bất bạt 一毛不拔).
Dưới đây tôi xin thêm vào một vài câu chuyện và luận điểm cá nhân:
Câu chuyện mặt trời và gió: Một hôm gió so tài với mặt trời, xem ai có thể làm cho một người đàn ông trên cõi trần cởi bỏ chiếc áo khoát và chiếc mũ trên mình. Gió dùng tất cả sức lực, làm cho trời đất âm u, địa chuyển thiên xuyền, phong ba bão táp đồng thời nổi dậy, nhưng thảm thay gió càng mạnh thì người đàn ông càng dùng sức níu kéo lại áo mũ của mình. Đến khi mặt trời ra tay, nó chỉ dùng thêm một tí sức, người đàn ông đã bắt đầu cảm thấy nóng nực, một chập sau, người đó tự động cởi đi áo và mũ. Ý nghĩa của câu chuyện này là: khuyên răn có công hiệu hơn là cưỡng bức. Theo tôi thấy, tại sao gió lại không so tài xem ai có thể làm cho người đàn ông mặc thêm áo vào mình? Mọi người đều có tài ba và khả năng riêng biệt, nếu chúng ta nhận biết được tài ba đó, tận thiện kỳ dụng, tri kỷ tri bỉ thì chắc chắn sẽ bách chiến bách thắng!
Câu chuyện bà lão và bình hứng rượu: Một bà lão tìm được một bình hứng rượu cũ. Bà biết nó đã từng là một bình rượu hảo hạng. Bà thường đem ra ngửi, say mê về mùi rượu nồng nàn thơm tho còn lại trong bình. Ngụ ý của câu chuyện là: những sự việc mỹ hảo sẽ lưu lại ký ức lâu dài cho chúng ta. Tôi cho rằng bà lão chắc chắn là dân ghiền rượu! Thử hỏi người không uống rượu, sao biết được mùi thơm của nó. Cũng như… có người cho rằng mùi sầu riêng rất thơm ngon, nhưng kẻ khác lại cho đó là mùi phân tiện của con mèo! Mùi vị chỉ là một cảm giác riêng biệt của mọi người và thật ra, chúng ta sẽ không cần gì đến những ký ức mỹ hảo trong dĩ vãng, nếu chúng ta biết sống một cách hoàn hảo trong những ngày tháng hiện tại của mình.
Câu chuyện người bán tượng Thần Tài: Một người điêu khắc đem tượng Thần Tài của mình ra chợ bán. Có người hỏi, tại sao không để trong nhà thờ cúng? nếu được thần tài gia hộ, tiền được chắc chắn sẽ nhiều hơn! Người điêu khắc nói: tôi chỉ muốn lấy tài lợi nhãn tiền, chờ đợi Thần Tài ban phước, lâu dài quá! Chuyện này phản ảnh những người tham lợi trước mặt, làm chuyện sai quấy, đắc tội thiên thần, không sợ báo ứng. Câu chuyện này làm tôi nghĩ đến chuyện… Tổ Đơn Hà ngày xưa đem tượng Phật gỗ chẻ ra làm củi nấu nước. Ông điêu khắc này phải chăng là vị đại giác ngộ!?
Câu chuyện con chim quạ: Một con chim quạ đen muốn dự cuộc thi tuyển bộ lông đẹp trong rừng. Nó tự thấy xấu xí, nên đem lông trên mình nhổ ra và gắn vào những lông đầy màu sắc mà nó thu nhặt được từ những loại chim khác. Không ngờ nó lại được giải! Các loại chim khác bất bình, đem những lông giả tạm của nó nhổ rạ, hiện ra trước mắt là lô sơn chơn diện, bản mặt xấu xa của nó. Bài này dạy chúng ta đừng nên nhận xét người bằng bộ mặt bên ngoài và cũng đừng nên bám víu vào những vật tạm bợ không thuộc về mình, vì một khi bị tiếc lộ, chúng ta sẽ tự thọ kỳ nhục. Theo Tiền Chung Thư, câu chuyện này chưa nên chấm dứt, con quạ bực tức đem lông của các chim khác đều nhổ ra, hiện ra trước mắt là một đám chim trần trụi, xem thiên nga và chim quạ còn khác nhau chỗ nào!? Ông cho rằng… đây là một thủ đoạn thường dùng để che xấu của người đời và là một chiêu cao siêu nhất! Theo cá nhân, tôi lại cho rằng khi các loại chim bị mất đi bộ lông bên ngoài, tất cả trở về bản lai diện mục, không ai hơn ai… đó chính là cảnh giới vô ngã vô tha, minh tâm kiến tánh của đạo Phật, không phải sao?
Câu chuyện con trâu và con ếch: Một con ếch mẹ thổi bụng mình lên thiệt to, hỏi ếch con: con thấy mẹ to hay là con trâu to? Ếch con nói: con trâu! Ếch mẹ lại gắn sức thổi ra to thêm… và to thêm… nhưng ếch con vẫn nói là con trâu to hơn! Đến lần cuối thì bụng bị nổ bung ra, ếch mẹ ngã lăng ra chết! Tiền Chung Thư cho rằng: ếch mẹ rất ngu, nó nên so với con trâu xem ai nhỏ nhen hơn ai! Người cho rằng, trên thế gian này tất cả khuyết hàm đều có một bão thường: Keo kiệt được gọi là một mỹ đức; ngu dốt được cho là thật thà; xảo trá được cho là lanh lợi; vô tài cũng được xem là có đức! Như vậy mọi người tha thứ bao dung những khuyết điểm với nhau, tương ảnh tương chiếu, đương nhiên vô sự. Theo tôi thấy, nếu chúng ta luôn luôn có lòng bát nhã bao dung như vậy, đó là Bồ Tát hạnh. Nhưng khổ thay sự bao dung này chỉ tuân hành theo chỉnh trắc của cá nhân mình. Nếu người mà ta ưa thích thì người vô tài cũng trở nên có đức (無才便是德); ngược lại, người hiền lành thật thà cũng bị chỉ trích là đồ chậm hiểu chậm biết!
Câu chuyện hồ ly và trái nho: Một con hồ ly rất đối bụng, thấy những trái nho chín trên cây thật ngon lành, nó dùng đủ mọi cách để hái lấy nho, nhưng kết quả đều thất bại. Một chập sau, nó tự nói: ‘Nho này chưa được chín, chua lắm, cho cũng không thèm’. Chuyện này ám chỉ những người vô dụng, không làm nên sự việc lại tìm lời bào chữa cho mình! Tiền Chung Thư cho rằng: đó cũng là một phương pháp thường dùng của người đời để độc chiếm những tốt lành do mình tìm được, cũng như con hồ ly này, nếu như nó thành công ăn được những trái nho ngọt ngào đó, nó vẫn sẽ nói là chua, như vậy nó sẽ được độc chiếm và tận hưởng cây nho đó. Nhưng theo tôi thấy, đây chính là tinh thần của Ah Q. Một tinh thần tự an ủi! Nếu những tinh thần này có thể làm cho ta giảm đi một phần đau khổ của thất bại, thì đó cũng là một chuyện tốt thôi! (why not?)
Câu chuyện con cáo và con cừu con: Một con cừu con sợ bị cáo bắt, đang ẩn núp trong một ngôi miễu. Cáo nói với cừu: nếu chú không chịu ra, trước sau gì cũng bị người ta lấy để tế Thần. Cừu con đáp: Tôi thà hiến thân cho Thần hơn là hiến thân cho miệng của ông. Đây có nghĩa là: nếu có chết, cũng phải hy sinh một cách đầy ý nghĩa và oanh liệt. Câu chuyện này đã làm tôi rợn cả thân người… phải chăng đây cũng là cách giáo dục trẻ con của những phần tử khủng bố!?
Ngụ ngôn của Áisôpos đều là chuyện kể về thú vật. Mỗi thú vật là một tượng trưng cho một loại người trong xã hội chúng ta. Những nhược điểm, thói xấu và bản chất của con người đã được thể hiện trong những loài thú này một cách rõ ràng và bộc trực. Nó chính là một mãnh gương để người đời soi rõ bộ mặt của mình. Về phương diện… nó có thích hợp cho trẻ con hay không? Đây là một câu hỏi mà ta phải tự hỏi với nhau, vì sự thích hợp đó phải tùy theo loại xã hội mà ta đã xây dựng cho lớp trẻ của thế hệ sau này, và mọi người trong xã hội đó đang đống diễn vai trò gì trong câu chuyện.
Về phương diện tư tưởng bị “thuần khiết hóa”, Tiền Chung Thư cũng nói đúng một phần nào. Những lòai thú thường dùng trong chuyện đều là những loại có đặc tính quen thuộc, như: cáo là xảo trá, sư tử là hung giữ, thỏ là thông minh, rùa là chậm chạp, cừu là hiền lành. Những đặc tính này chính là bản tính của loại thú đó và đây cũng là cái đơn giản hóa mà Tiền Chung Thư đã ám chỉ! Xã hội chúng ta là một đại thiên thế giới đầy sự phức tạp, mâu thuẫn và khúc chiết! Phân biệt của cái thiện và ác, có tội hay không tội, trái hoặc phải, trung và gian chỉ cách nhau một màng giấy mỏng. Nhiều khi cả đến luật pháp trên tòa cũng không thể hạ kết luận cho cái thị và cái phi của một sự kiện. Chúng ta sẽ không thể sinh toàn nếu sự nhận định của ta chỉ quy theo mẫu rập khuôn, hay công thức hóa theo những gì ta thường thấy thường dùng trong đời sống, như ta đã quy định cho đặc tính của các lòai thú kể trên. Thật ra, sư tử hung giữ chỉ khi lúc đang săn mồi, con cừu chưa chắc hiền lành nếu lãnh thổ của nó bị xăm phạm. Còn lòai người chúng ta, đã sát hại biết bao sinh vật không những chỉ vì bụng đói, nhưng lại là để thỏa mãng sự thực dục của mình. Như vậy, lòai thú hung tàn nhứt phải là loài người mới đúng! Nhưng chỉ vì đó là những hành vi ta thường thấy thường làm, nên mọi người chúng ta đều cho đó là hành động của lẽ ‘đương nhiên’, là sự an bày của tạo hóa trong vũ trụ.
Lằn mức giữa đúng và sai, thiện hay ác, thuận và nghịch là những triết lý rất tế nhị, thẳm sâu của đời sống. Nhiều lúc ta có thể phân biệt một cách rõ ràng, nhưng nhiều khi sự khác biệt rất mỏng manh và mơ hồ. Biết bao kiện tụng cãi cọ trên tòa đã chứng minh cho ta thấy, cái đúng và sai nhiều khi chỉ tùy theo quan điểm, gốc độ, tuổi tác, hoàn cảnh, giáo dục của con người. Ở độ tuổi nầy thì đúng, mà bước qua độ tuổi khác lại là sai; trong hoàn cảnh nầy thì đúng, ở hoàn cảnh khác thì sai; đối với chủng tộc nầy thì đúng, mà đối với chủng tộc khác thì sai… Ta có thể nói: chuyện đời luôn luôn là phức tạp như vậy! Nhưng thật ra, những phức tạp đó đều sinh từ tâm của ta. Tâm chính là nguồn gốc sinh ra tất cả ngoại duyên ngoại cảnh. Dưới đây là một kinh nghiệm mà tôi tin chắc nhiều người đã từng trải qua: cùng một nồi canh khổ qua, trong bữa cơm sáng ta lại không thấy đắn, nhưng trong bữa cơm chiều ta lại cảm thấy rất đắn. Như vậy nồi canh đó thật sự là đắn hay không đắn? Đây chính là giáo lý “bất tự sinh” trong đạo Phật. Tức là cái đắn không phải phát xuất từ trái khổ qua, hiện tượng của cái đắn đó chỉ được nhận thức thông qua mối quan hệ với ‘tâm’.
Tôi là một người rất may mắn trong sự trưởng thành, vì tôi thường được theo bà ngoại về chùa khi lúc còn bé, nên hạt giống Phật đã bắt đầu nảy mầm từ thuở nhỏ. Giáo lý của Phật đã giúp và dìu dắt tôi thong dong giữa dòng sông thuận và nghịch của cuộc đời. Người làm tôi tổn thương nhất trên đường tình cảm lại chính là một mục điêu để tôi được rèn luyện thành một người cứng rắn và sáng suốt hơn. Những phương pháp thiền quán trong đạo Phật chính là những bước đường chỉ dẫn cho tôi trong sự rèn luyện này.
Thường có câu, gừng càng già thì càng cay, người càng lớn thì càng khôn, sự thật là như vậy… Tôi còn nhớ một câu của HT Nhất Hạnh: “Có vấp ngả mới nhìn thấy sáng suốt, có đau thương lòng mới cứng rắng hơn”. Mỗi người chúng ta đều phải trải qua nhiều giai đoạn khổ đau trên con đường thành trưởng (growing pain). Chỉ bằng những bài ngụ ngôn này, làm sao giúp những mầm non được nên người và làm sao dìu dắt được chúng đi lên con đường chánh đạo? Hạt giống Phật mới thật sự là nguồn nước miên miên để cho những mầm non được thăng hoa và mậu thịnh.
Ah Yin 12/11/10