Và Phật Đã Cười

1

Chậm rãi, tôi bước dọc theo hành lang, thực hành một thời thiền ngắn trước giờ đi ngủ. Mảnh trăng đầu tháng đã xuôi về bên kia cánh đồng, để vương lại một chút ánh sáng nhàn nhạt trên những tàn bồ đề đang vào mùa trút là. Nhưng chiếc lá bồ đề rơi vương vãi xuống sân trong ánh sáng chới với khiến cho người hành thiền bất chợt động tâm. Không được! Tôi tự nhủ và quay lại với việc thiền hành của mình. Vừa bước được mấy bước, chợt nghe tiếng người gọi ngoài cổng chùa. Ai gọi cửa vào giờ này nhỉ, tôi nghĩ, và tạm ngưng việc hành thiền để trở vào phòng lấy chìa khoá cổng.

Ở chùa, thỉnh thoảng có người đến gặp thầy tôi vào giờ này, và có lúc còn khuya khoắt hơn, chủ yếu liên quan đến việc đám chết. Thấy tôi vốn là người dễ dãi trong những việc như vậy nên dân chúng thường hay tìm đến nhờ thầy khi họ ngại tìm đến nhưng nơi khác. Mấy hôm nay thầy tôi đi vắng. Thầy cùng với một vài thầy khác ra thiết đàn chẩn tế tại một tỉnh nào đó ở ngoài Bắc. Thầy tôi giỏi về nghi lễ, có giọng tán tụng hay nên rất bận rộn với những chuyện cúng kiếng.

Đến lúc thầy đi vắng là không may rồi! Tôi vừa nghĩ vừa đi ra cổng. Dưới ánh trăng lờ mờ, dáng người đứng ngoài cổng không phải là một cư sĩ mà là một vị tăng, với hai chiếc va li để gần. Ai nhỉ? Chắc là thầy nào đó ở miền Nam ra. Tôi nghĩ và bước nhanh đến cổng.

– Có phải Nguyên không? Thầy kia hỏi.

– Mô Phật… có phải anh Tâm đó không?

– Còn ai đây nữa.

– Sao anh lại về đột ngột thế này? Sao lại không báo trước cho biết? Anh học xong rồi, hay là chỉ về thăm thôi? Anh đã ghé đâu chưa hay là về thẳng chùa? Anh đã….

– Ấy, mở cửa đi đã chớ, gì mà hỏi dồn dập dữ vậy.

Tôi mở cửa và xách giúp một chiếc va li vào trong. Sư đệ tôi nghe có tiếng người thì đi ra, nhận thấy anh Tâm chú ta kêu toáng lên, ngạc nhiên và mừng quýnh như gặp người thân vừa chết sống lại.

Tôi đưa chiếc va li vào trong phòng. Phía sau là Quảng, sư đệ tôi, xách chiếc còn lại, hỏi:

– Anh mang qùa gì về mà nặng dữ vậy?

– Không có quà gì đâu. Toàn sách trong thôi.

– Ủa, sao anh lại mang sách về. Bộ học xong rồi hả?

Sư huynh không trả lời, bảo sư đệ rót giúp ly nước rồi nói sang chào sư phụ. Tôi bảo sư phụ đi vắng, tuần sau mới về. Nhìn thân thể gầy nhom và đôi mắt quầng thâm, tôi nghĩ là sư huynh bị bệnh nên nghỉ học trở về. Tôi lập lại câu hỏi mà tôi đã hỏi ngoài cổng:

– Anh về thăm hay đã học xong rồi?

– Không phải về thăm, cũng không phải học xong.

Không thay đổi, vẫn cái cách ưa trả lời ngăng ngẳng kiểu thế này, tôi nghĩ.

– Nghĩa là sao?

– Nghĩa là không còn đủ điều kiện để học nữa và phải bỏ học.

– Anh không theo kịp chương trình học à? Sư đệ tôi chen vào.

– Cứ tạm nghĩ như vậy.

– Hay là anh không đủ tiền để học tiếp?… Nếu vậy thì tiếc quá. Không phải là trước khi đi anh đã tính kỹ chuyện tài chính rồi à?

– Có quan trọng gì đâu chú. Nếu đủ điều kiện thì học cho hết khoá, còn không thì dừng lại. Mọi việc tùy duyên thôi. Đời này đâu phải việc gì tính là được. Mà có học gì thì rồi mình vẫn là gã thầy chùa nhà quê thôi… phải không?

Chất giọng có chút gì đó chán nãn của sư huynh khiến sư đệ tôi đang hí hửng phải xìu mặt lại. Chú ta là người vô tư, nhưng tư dưng lại tỏ ra chiều nghĩ ngợi.

– Sư phụ về anh thưa thử xem. Biết đâu sư phụ sẽ giúp anh.

– Đã giúp thì giúp rồi, đâu phải đợi đến lúc này. Chú biết rồi, chùa này không chủ trương chuyện học.

– Biết đâu sư phụ lại đổi ý.

– Em nghĩ Quảng nói cũng có lý – tôi thêm vào – Nếu anh ngại thì em sẽ thưa giúp anh.

Sư huynh không để ý đến lời tôi nói. Bảo sư đệ mở va li, rồi lấy ra hai hai bức tượng Phật bằng đồng nhỏ, cho tôi và sư đệ một người một bức, bảo rằng quà kỷ niệm từ đất Phật. Tôi biết sư huynh đã mệt nên đi dọn phòng để anh nghỉ.

2

Thầy tôi trở về. Sư huynh mang y hậu sang chào. Tôi cũng mon men vào theo, xem sư phụ có đề cập đến việc học của anh Tâm không, nếu có tôi sẽ nói thay cho anh. Sư phụ chẳng tỏ ra một chút ngạc nhiên nào với sự trở về đột ngột của sư huynh. Anh Tâm đã hiểu trước vấn đề nên tỏ ra rất tự nhiên.

– Bạch thầy, con trở về tuần trước, nhưng nghe chú Nguyên nói là thầy đi cúng xa.

– Dạo này có nhiều trai đàn chẩn tế ở xa mời nên thầy thường vắng chùa. Chú học xong rồi hay sao mà về đó?

– Bạch thầy, con học chưa xong, nhưng có lẽ là không tiếp tục được nữa.

– Sao lại là không tiếp tục được?

– Bởi vì hiện tại con gặp khó khăn về tài chính.

– Chú thật hời hợt. Không phải trước khi đi chú nghĩ rốt ráo rồi à?

Ngẫm nghĩ một lát, thầy nói tiếp:

– Mà thôi, nếu thấy không đủ điều kiện nữa thì nghỉ. Học cho nhiều cũng chẳng làm gì được ở cái vùng quê đìu hiu này.

– Bạch thầy – tôi nói xen vào – con nghĩ anh Tâm nghỉ học dỡ dang như thế này thật uổng. Thầy có cách gì giúp anh ấy không?

Anh Tâm nháy mắt bảo tôi đừng nói, nhưng tôi vẫn tiếp tục:

– Ước gì con có đủ khả năng để giúp cho anh.

– Chà, huynh đệ các chú thương nhau thật. Thầy đã nói với các chú nhiều lần rồi, chùa này không chủ trương học nhiều. Học vừa đủ để tu thôi.

Anh Tâm lại nháy mắt bảo tôi đừng nói gì thêm. Tôi xá chào thầy và bước ra khỏi phòng. Vừa bước ra cửa đã gặp sư đệ đứng ở đó. Chú ta lẩm bẩm: Học đủ vừa tu. Bao nhiêu là đủ để vừa tu?

Tôi trở về phòng, ngồi một lát thì thấy sư huynh trở về. Sư huynh rầy tôi, bảo đề cập chuyện đó làm gì. Tôi im lặng không nói, nhìn ra vườn. Ngoài kia giàn mướp đang trổ những chiếc hoa đầu mùa, tươi vàng, rực rỡ. Ngày mai những bông hoa kia sẽ bắt đầu héo. Chúng chỉ đẹp được một ngày – một ngày lộng lẫy.

3

Từ ngày sư huynh về, thầy tôi giao công việc hướng dẫn đạo tràng Bát quan trai cho anh. Trước đây việc này do thầy tôi đảm trách, và khi thầy đi vắng thì tôi và sư đệ cũng nhau chia sẽ. Chương trình cho một ngày Thọ bát do thầy tôi đưa ra, chúng tôi y cứ theo đó mà làm. Phần thuyết pháp là phần chúng tôi ngại nhất, bởi mỗi lần thuyết pháp, nhìn xuống thấy các cụ già cứ ngủ gà ngủ gật, nản hết chỗ nói. Mỗi lần thầy tôi thuyết giảng, các cụ nể nên còn giữ im lặng và cố lắng nghe. Còn mỗi khi tôi giảng, là chẳng có ai thèm chú ý đến, nhiều khi các cụ còn ngồi bắt chí cho nhau.

Sư huynh rời chánh điện sau khi giảng xong thời pháp, gặp tôi ở sân anh nói, Phật tử chùa mình không có người nào tuổi dưới năm mươi. Tôi cười nói, Phật tử trẻ họ bận làm ăn, thời gian đâu mà đến chùa tu học. Sư huynh im lặng, lát nói, nhà thờ Tin Lành bên kia cuối tuần nào người ta cũng tập trung về làm lễ đông đảo, cả già lẫn trẻ. Chẳng lẽ tín đồ của họ không có công việc làm ăn. Phải chăng đạo Phật của mình bản chất vốn thế, là chỉ dành cho người già? Hay là do vì vấn đề tổ chức và quản lý của mình?

Nói rồi anh về phòng cất y hậu. Khi xuống trai đường phụ tôi don cơm anh nói tiếp câu chuyện mà lúc nãy đang nói dỡ. Anh lại nhắc đến cách làm từ thiện của thầy tôi, điều mà anh thường hay phàn nàn.

Thầy tôi mỗi năm tổ chức ba lần bố thí, vào các dịp Phật đản, Vu lan và Tết. Mỗi lần như vậy, thầy vận động Phật tử quyên góp, rồi sau đó chia ra khoảng 500 phần quà và phát cho người nghèo trong vùng. Thầy tôi cho rằng việc làm từ thiện như vậy là đúng, nhưng sư huynh thì không đồng ý, bảo rằng bố thí như vậy không có hiệu quả, bởi vì nó không giải quyết được vấn đề gì cả. Người nghèo sẽ không bớt nghèo với số tiền và quà quá ít ỏi dành cho họ như vậy. Đó là chưa nói đến có những người sự thực không nghèo, nhưng vì lòng tham cũng đến nhận. Trong khi đó bên phía Tin Lành, họ tìm hiểu những người nào nghèo khó thực sự, nhưng có chí hướng làm ăn, thì tài trợ vốn để gia đình đó phát triển kinh tế, hay lập ra quỷ học bổng giúp những học sinh và sinh viên nghèo…

Quan điểm giữa sư phụ và sư huynh luôn không giống nhau, từ việc tổ chức tu tập cho Phật tử đến việc làm từ thiện, việc đào tạo tăng chúng. Sư huynh đề nghị nên thành lập Gia đình Phật tử, thầy tôi bảo không cần thiết. Sư huynh đề nghị lập một học bổng cho học sinh nghèo thay vì bố thì kiểu đại trà như vậy, thầy bảo việc ấy có các tổ chức xã hội lo. Sư huynh nói tăng chúng ngày nay cần nên được đào tạo cho đến nơi đến chốn, thầy tôi bảo học đủ để tu thôi…

Có sư huynh về tôi thấy cảm thấy vui vui, vì có đối tượng để nói chuyện, và cả được nghe chuyện. Nghe anh kể chuyện đông chuyên tây, chuyên đâu đâu, nhiều khi chẳng hiểu ất giáp gì, vẫn ưa nghe. Chuyện gì anh nói, có biết tí chút thì tôi góp lời, còn không thì cứ lắng nghe. Những chuyện mà anh kể ở trên, thú thực tôi chẳng bao giờ nghĩ đến. Tôi ít khi nghĩ đến những việc mà nó không thuộc phạm vi của mình.

Mấy hôm sau, sư huynh vào Sài Gòn gặp một vị thầy cũ dạy anh trước đó. Trở về anh bảo với tôi rằng sẽ trở lại với khoá học của mình. Tôi hỏi có ai giúp đỡ hay sao thì anh nói rằng anh nhận dịch bài thuê và sẽ dùng số tiền dịch mướn đó trang trải cho việc học của mình. Việc này do người thầy cũ giúp. Vị này là giáo sư của một trường đại học và cũng là một dịch giả có tiếng. Ông thường ký hợp đồng dịch sách cho các nhà xuất bản. Khi biết những trở ngại của anh Tâm, ông bảo rằng nếu anh Tâm chịu dịch sách, tiền công có thể giúp anh hoàn tất khoá học. Dịch sách để cho đủ tiền học là không thể. Nhưng đó là cách ông giúp mà anh Tâm cảm thấy ít ngại.

4

Anh Tâm điện về cho Quảng và tôi lúc sắp lên máy bay. Anh đi lặng lẽ như hôm trở về. Tôi không biết việc lựa chọn của anh là đúng hay sai, nhưng tôi vẫn muốn anh thực hiện trọn vẹn một việc đang còn dang dỡ. Trước ngày anh đi, tôi đã đưa cho anh hết số tiền mà chị hai tôi cho tôi mua máy vi tính cùng với số tiền mà Quảng để dành mua xe máy để sau này vào đại học có phương tiện đi lại. Lúc đầu anh Tâm không nhận, nhưng rồi đã không từ chối được trước sự nài nỉ của Quảng và tôi.

Từ lúc biết anh Tâm sẽ tiếp tục con đường học vấn theo cách tự kiếm tiền như vậy, thầy tôi hình như có phần bối rối. Thầy không ngăn cản, nhưng tôi biết là thầy không tán thành sự chọn lựa đó. Thầy nói anh Tâm không cần phải làm khổ mình với những việc như vậy, bảo rằng ngày xưa thái tử Tất-đạt-đa thành Phật đâu phải nhờ vào bằng cấp; Huệ Năng đại sư có biết chữ đâu mà vẫn thành Tổ. Các chú đầy tham vọng, cứ chạy hết trường này sang trường khác mà vẫn mãi hoài phàm phu.

Tôi im lặng nghe thầy nói, đầu ốc nghĩ ngợi mông lung. Có phải anh Tâm đang chạy theo tham vọng hảo huyền không? Có phải rằng đã dấn thân vào con đường “xuất trần thượng sĩ” mà vẫn chưa thoát ra khỏi danh vọng thế gian không? Có phải là anh bon chen nghiệp học để cho bản thân sung sướng về sau không? Có phải….

Anh Tâm chưa bao giờ nói với tôi lý do tại sao anh đeo đuổi nghiệp học vấn cả…

Tôi không biết giữa thầy tôi và anh Tâm ai đúng ai sai. Thầy tôi suốt cả đời tu hành chân chất, và gắn bó với ngôi chùa quê này đã mấy chục năm nay. Thầy không để ý nhiều đến những vấn đề bên ngoài xã hội. Thầy sống thanh bần an lạc nơi ngôi chùa quê nằm lặng lẽ bên cánh đồng làng bình yên như một bức tranh vẻ.

Anh Tâm sống với thầy từ nhỏ, ngoan ngoản và hiền lành, và hầu như không phạm phải lỗi lầm gì trong suốt quãng đời hành điệu của mình. Nhưng càng lớn, quan điểm của anh và thầy càng trở nên trái ngược nhau. Anh ít khi cãi lời thầy, nhưng lại không hề đồng ý với cách quản lý cũng như điều hành công việc chùa của thầy.

Tôi thương thầy tôi. Tôi không muốn anh Tâm làm thầy tôi buồn. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn muốn anh tiếp tục được học. Tôi từ nhỏ bị bệnh nặng, dẫn đến trí nhớ bị hỏng nên không học hành được nhiều. Học gì cũng không nhớ, không thuộc, tôi trở thành kẻ thách học bởi vì khả năng của mình. Đời tu của mình vì thế tôi không nghĩ gì đến những chuyện cao xa. Tôi an phận với những công việc và thời khoá của mình ở chùa. Và tôi mong anh Tâm và Quảng sẽ học thay tôi và làm những công việc khác tôi…

Buổi khuya lên chùa, sau thời công phu cùng thầy và Quảng, tôi ngồi lại nửa tiếng đề hành thiền, thời khoá mà tôi vẫn giữ đều đặn mỗi ngày. Nhưng sáng nay tôi đã không giữ tâm yên tĩnh được. Tôi vẫn lan man nghĩ đến chuyện giữa thầy tôi và anh Tâm. Anh Tâm có nên đeo đuổi nghiệp học vấn một cách khổ sở như vậy không? Thầy tôi có cần phải giữ chặt quan điểm học vừa đủ tu thôi như vậy không? Sao chỉ mỗi câu hỏi cỏn con như vậy mà tôi vẫn không tìm được câu trả lời. Tôi đần độn quá! Phật ơi, Ngài có thể trả lời giúp con không? Tôi tự hỏi và nhìn lên tượng Phật. Và trên kia, đức Phật đã cười!

Tôi trở về chùa sau gần một tháng nằm viện. Trở về chùa, trở lại nơi thiết thân nhất của mình, người chợt nhẹ hẳn đi.

Giàn mướp ngoài kia đã kết đầy trái, non tơ và xanh mướt. Có đi đâu đó xa trở về, mới thấy ngôi chùa và khu vườn này đáng trân quý biết chừng nào.

Tôi vẫn phải nằm suốt ngày vì chưa thể ngồi lâu được. Quảng mang lên đặt ở bàn một tấm hình chụp chúng tôi hồi còn nhỏ. Tôi hỏi để làm gì thì chú ta bảo “dấu ấn quá khứ, coi lại cho vui!” Tôi nói “quá khứ không truy tìm” thì chú ta bảo “rứa thì đem nó đi đốt hỉ.”

Tôi không nhớ rõ tấm hình này được chụp từ khi nào, hình như lúc Quảng mới vào tu, bởi vì trông cái chỏm tóc còn rất ngắn, cười thì toe toét bày cả mấy cái răng sún. Hồi đó hình như anh Tâm đã học lớp 9. Anh Tâm lúc nào trông cũng già trước tuổi. Đây là một trong những tấm hình hiếm hoi ghi lại dấu ấn thời chúng tôi còn thơ dại. Xuề xoà như Quảng vẫn lưu tâm giữ lấy những tấm hình xưa cũ thế này! Tôi thì chẳng bao giờ muốn lưu giữ một thứ gì của tuổi thơ cả!

– Ba đứa này rồi ai sẽ về với Phật trước tiên? Tôi nhìn tấm hình, buột miệng.

Quảng đang lau bàn, dừng tay lại nhìn sang chỗ tôi nằm, ngẫm nghĩ một lát, hỏi:

– Anh có thấy khoẻ lên chút nào không?

Tôi biết câu nói của tôi khiến Quảng sợ. Quảng đã nghe những trao đổi giữa thầy tôi và bác sĩ về bệnh tình của tôi, linh cảm về một điều gì đó không lành sớm sẽ xảy ra với tôi.

Tôi có niềm tin kiên định vào Phật. Tôi biết đức Phật không phải thần linh có thể đem đến cho người ta những phước lành nào đó, nhưng tôi tin vào năng lượng từ bi của ngài, và tôi tin vào những lời dạy của ngài về sự sống và cái chết, về những gì đã là quy luật của cuộc đời này. Tôi có đủ niềm tin để không trở thành bi quan; tôi có niềm tin để sống yên ổn với mệnh sống đang rút ngắn từng ngày!

Quảng đã tốt nghiệp 12, nhưng từ bỏ ý định thi vào đại học vì do tôi bệnh. Thầy tôi sai Quảng chăm sóc tôi, và ông cũng dành nhiều thời gian ở chùa hơn, không còn đi cúng xa nhiều như trước. Từ ngày anh Tâm đi học lại, rồi tôi bệnh, thầy tôi trở nên nhiều nghĩ ngợi. Chúng tôi là đệ tử của thầy, nhưng cũng như những đứa con. Không phải lúc nào những đệ tử cùng làm vui lòng thầy, và không phải lúc nào thầy cũng đáp ứng được nguyện vọng của các đệ tử, nhưng tình cảm thầy trò vẫn là điều gì đó rất thiêng liêng.

– Anh Nguyên, có internet thật tiện lợi đó nghe. Quảng bắt đầu đề cập đến chuyện kết nối internet của chú ta.

– Tiện lợi thế nào?

– Bây giờ ở tại ngôi chùa quê này, nhưng qua internet mình biết được mọi chuyện xảy ra ở các thành thị lớn, cả những chuyện bên Tàu, bên Tây.

– Chú nói thế nào mà Thầy cho kết nối internet hay vậy?

– Thuyết phục được Thầy khó lắm. Thầy cứ bảo lãng phí, không cần thiết, mất thì giờ, ảnh hưởng không tốt đến tu học. Em nói, có internet sẽ có nhiều điều lợi ích, như ở đây mình có thể biết ở đâu sắp khai giảng lớp Trung cấp Phật học, ở đâu sắp có giới đàn, ở đâu sắp có những khoá tu học sẽ được tổ chức… Em nói nhiều điều khác nữa, Thầy làm thinh, biết là thầy đã chịu nên nhờ đứa bạn hồi trước học chung liên hệ và kết nối giúp.

– Chú có tài thuyết phục thiệt. Giỏi!

– Thầy phải chìu em thôi. Đó là em chưa nói đến chuyện bỏ chùa về nhà đó nghe. Hồi trước mỗi lần bị thầy rầy la chuyện gì, em nói sẽ không tu nữa, về nhà, là thầy không rầy nữa. Kế sách này xem ra thật tuyệt vời, hỉ?

– Vậy thì có gì hay ho chớ! Hành xử với thầy của mình như vậy có nên không?

– Nhưng mà chùa này có ai thương Thầy bằng em. Anh Tâm thì lầm lì, mọi việc Thầy làm bằng lòng hay không luôn cứ ngậm thinh, không bao giờ chịu lắng nghe hay chia sẻ với Thầy điều gì. Anh thì có thương Thầy thật, nhưng mà có bao giờ giúp thầy được một việc gì ra trò, phải không? Rốt cuộc em vẫn là người thương Thầy nhất thôi, gần gũi thầy, giúp thầy nhiều việc.

Tôi thích cách nói chuyện của Quảng, nó chân chất và vô tư.

– Vậy trong thực tế chú thấy kết nối internet có ích không? Tôi quay lại đề tài internet.

– Có ích chứ. Bây giờ ngồi ở đây em biết được rất nhiều điều, nhưng… có điều những thứ này chắc không giúp ích gì cho việc tu tập cả. Hôm trước em kể với Thầy một vài chuyện và Thầy nói với em như vậy… Ngay cả việc em kể về những ngôi chùa to lớn có nhiều kỷ lục vừa mới được xây dựng, Thầy nói to lớn để mà làm chi, những thông tin như vậy không ích gì cả. Thầy mình hình như bảo thủ quá, anh Nguyên hỉ?

– Thầy thấy những điều đó không cần thiết với việc tu học thì Thầy nói chúng không cần thiết. Còn mình muốn biết thêm những gì đang xảy ra xung quanh mình thì mình cứ tìm hiểu. Nói Thầy bảo thủ thì không nên. Mà ngôi chùa to lớn chú vừa nói ở đâu vậy?

Rồi Quảng huyên thuyên kể về ngôi chùa, từ chủ đầu tư, kinh phí và các hạng mục công trình. Nhưng con số, những hạng mục xây dựng được kể ra đều khiến người nghe choáng ngợp. Và Quảng kể thêm rằng có công ty sách nào đó đã “tặng không” cho ngôi chùa này cả tá kỷ lục.

– Chắc tại ngôi chùa đó tăng chúng tu học đông lắm hỉ? Tôi hỏi.

– Đâu có! Hình như là có thầy nào đó đứng tên trụ trì, nhưng tăng chúng thì không có mấy người cả.

– Ủa, vậy chớ người ta xây dựng chùa to lớn như rứa để làm chi?

– Nghe nói để làm cơ sở du lịch tâm linh và để hộ quốc an dân gì đó.

– Xây chùa để hộ quốc an dân là nghĩa thế nào?

– Em thì nghe sao nói lại vậy chứ đâu hiểu nó có nghĩa thế nào. Nó là công việc thượng tầng, là vĩ mô, mình răng biết được. Mình suốt ngày luẩn quẩn trong chùa, cả năm không biết thị xã của tỉnh đen đỏ thế nào, làm răng biết được những chuyện cao xa…. Em ước một lần Thầy cho đến đó tham quan, cho biết.

– Chú lớn rồi, muốn thì xin Thầy mà đi, có chi phải ước ao nhỉ. Cứ ra tham quan cho biết, xem người ta xây chùa bằng gạch hay bằng đồng, Phật tử đến chùa lạy Phật hay lạy Mẫu, người ở trong chùa là tăng hay tục… Mấy cái đó chắc không phải thượng tầng, vĩ mô; những điều có thể nhìn thấy và biết ngay được.

Hôm anh Tâm còn ở chùa, tôi nghe anh kể về trường đại học Nalanda gì đó ở bên Ấn Độ. Đó là một trường đại học cổ xưa và quy mô nhất của Phật giáo, được hình thành và tồn tại gần mười thế kỷ. Nó là một đại học lớn, từ vấn đề cơ sở cho đến việc đào tạo giảng dạy. Một Đại học được phát triển lên từ một ngôi chùa, có thiền đường, cư xá, giảng đường đủ cho mười ngàn sinh viên và hai ngàn giáo sư nội trú. Nhưng chỉ cần vài trăm tên lính Hồi giáo thiện chiến cầm gươm, đã phút chóc san bằng và thiêu rụi đại học này. Nhưng cũng may trước đó Đại học Nalanda đã đào tạo nên nhiều bậc thầy và những vị này đã mang đạo Phật đến nhiều nơi khác nhau nên khi Phật giáo bị khủng bố tại đó nó vẫn còn sống tại những nơi khác. Nghe nói rằng khi Nalanda bị thiêu đốt, một số tăng sĩ đã mang kinh sách đến Tây Tạng; và may mắn thay Tây tạng là một xứ sở Phật giáo có liên hệ mất thiết với Nalanda, chứ Tây Tạng mà xứ sở Hồi giáo thì ôi thôi…

Tôi cảm thấy đau nhói ở ngực nên quay người vào trong vách. Những cơn đau vẫn đến bất chợt như thế này. Quảng thì không để ý đến, vẫn huyên thuyên kể, nói rằng sẽ có thêm những ngôi chùa to lớn khác sắp được xây dựng trong tương lai. Chú ta nói rằng có được những ngôi chùa đồ sộ như vậy thật thích, chứ toàn những ngôi chùa lẹt đẹt như chùa mình thì cũng buồn lắm, ai mà biết đến ai mà viếng thăm. Kể thôi một hồi, thấy tôi làm thinh, nghĩ là tôi đã chán nghe chuyện chùa hoành tráng kỷ lục nên chú ta bắt qua chuyện khác.

– Em tin là bệnh của anh rồi sẽ sớm qua khỏi thôi. Khi anh lành bệnh em sẽ đi học. Dù ở ngôi chùa quê hẻo lánh như thế này, nhưng có học vẫn hơn, anh Nguyên hỉ? Thầy thì bảo thành Phật thành Tổ không phải nhờ vào sự học, nhưng mà cỡ mình, nếu không học thì người còn chưa thành nói đến thành chi. Anh thấy em nói có lý không?

– Chú tìm Thầy mà hỏi. Hỏi tui thì giống như hỏi cục đất, biết chi mà trả lời có lý hay không có lý.

– Tạm thời chấp nhận nó có lý đi để còn nói chuyện tiếp chớ…. Chắc em sẽ thi vào một trường đại học nào đó, như đại học Luật chẳng hạn.

Nghe đến câu này, sự ngạc nhiên khiến tôi quên mất cơn đau, xoay người trở lại, tôi hỏi:

– Chú mới nói cái chi vậy? Định học Luật để sau này đi làm thầy cãi à? Học Phật mà Thầy còn bảo không thể thành Phật thành Tổ, không biết chú định học cái đó vì muốn trở thành ông gì, luật sư chắc?

– Mới giả dụ vậy thôi, đã đi học đâu…

Im lặng một lát, Quảng nói tiếp:

– Em thật không thích học ở Học viện Phật giáo chút nào cả. Bây giờ học ở Học viện Phật giáo cũng phải nộp học phí. Thi đỗ vào Học viện nhiều khi không tìm ra chỗ ở để mà đi học. Sư phụ mình có quen biết ai ở đó đâu mà gởi gắm. Nhớ hồi anh Tâm vào Sài Gòn học, suốt cả tháng vẫn không tìm ra được một ngôi chùa để mà trú chân. Nhiều người học tại Học viện Phật giáo nhưng phải ở nhà trọ vì không có sự trợ giúp về vấn đề lưu trú.

– Uả, không phải rằng Học viện đã có cư xá cho tăng ni sinh lưu trú à?

– Anh đúng là không biết chi hết! Anh không nhớ hồi trước anh Tâm tìm không ra chỗ ở, điện về Thầy xin trợ giúp thì Thầy bảo không tìm được chỗ ở thì về chùa à?

– Vậy sao Học viện không xây cư xá cho tăng ni sinh?

– Có thể có khó khăn về mặt tài chính.

– Vậy sao hồi nãy chú nói đến chuyện xây chùa hàng trăm tỷ.

– Anh buồn cười thiệt. Việc chi phải ra việc đó chớ. Xây chùa là xây chùa, học viện là học viện.

– Chú ni nói giống thiền “công án” quá hè (cười)! Vậy chứ Học viện và mấy ngôi chùa kỷ lục kia không cùng hệ thống, không thuộc một tổ chức à? Nếu khác tổ chức thì thôi không nói làm chi (mà ai cho phép khác tổ chức!). Còn nếu là một thì sao người ta không trích một phần trăm từ mấy ngôi chùa kỷ lục kia để xây dựng cư xá cho tăng ni sinh, để ít ra sau này những ngôi chùa to lớn đồ sộ kia còn có kẻ về quét bụi?

– Em làm sao biết được mấy chuyện đó. Mà các ngôi chùa to lớn kia không cần đến mình quét bụi đâu…

Quảng cười và tiếp:

– Có lẽ người ta nghĩ xây chùa kỷ lục thì quan trọng nhất trọng việc phát triển Phật giáo hiện nay chăng? Hay là nó có một chiến lược mang tầm vĩ mô nào đó mà mình không đủ sức để biết?

Tôi nghe Quảng hỏi mà tự nhiên bối rối. Câu hỏi này chắc phải tìm Phật để xin câu trả lời mới được. Rồi tôi nhìn lên bức ảnh Phật treo ở trên vách, và trên kia… đức Phật đã cười!

Tạp truyện của Nguyên Hiệp