Truyện ngắn của Uông Triều
Những ghi chú về am Ngọa Vân:
1. Am Ngọa Vân nằm trên núi Vây Rồng thuộc cánh cung Đông Triều, địa phận xã Bình Khê, huyện Đông Triều. Theo các ghi chép Phật giáo thì Ngọa Vân là nơi vua Trần Nhân Tông, tổ sư thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm viên tịch. Nằm ở độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển, Ngọa Vân có thảm thực vật phong phú bao phủ, nhiều nhất là các loại trúc rừng, trên núi có mây trắng che quanh năm…
2. Những kiến trúc hiện thời ở khu vực Ngọa Vân chỉ còn là phế tích: một am thờ sơn thần dựng lại trên nền cũ có tên Thiên Sơn từ; một tịnh am ghi Ngọa Vân am; tháp đá có đặt bài vị vua Trần; một bia lớn khắc hai mặt đã bị kẻ gian đập vỡ vì nghi có vàng bên trong… Một kiến trúc vòm bị mất phần mái, một số hàng đá xây bó vỉa, ngói mũi hài, ngói mũi lá, gạch vồ, đá kê chân cột, voi đá, ngựa đá…
3. Không xa địa điểm Ngọa Vân là chùa Quỳnh Lâm, nơi có pho tượng Di Lặc bằng đồng, đứng đầu trong An Nam tứ đại khí xưa kia của Đại Việt; đền An Sinh thờ bát vị hoàng đế; quần thể lăng mộ các vua Trần, trong đó có một lăng mộ đang nằm giữa hồ nước thủy lợi…
4. Đường đến Ngọa Vân còn chưa có đường chính, phải đi qua rừng trúc và các địa điểm có tên như đập Trại Lốc, suối phủ Am Trà, Tàn Lọng, Đô Kiệu, Thông Đàn, Đá Chồng, có chỗ phải lội qua suối rừng…
Vào dịp bảy trăm năm ngày mất của Người, Uông cùng một đoàn văn nghệ sĩ trong vùng đắc ý hành hương lên thăm Ngọa Vân. Uông đã ngồi thiền dưới chân tháp tổ, ăn rau rừng, uống nước suối, bẻ trúc làm gậy, một đêm miên man không ngủ được…
***
Cờ thiên địa phất thì tiến, cờ tứ định thì đi thong thả, cờ ngũ hành thì đi nhanh, cờ lục hợp thì thổi cơm… Chiến trận.
Đêm mịt mùng trên đỉnh Ngọa Vân.
Đã bốn ngày mưa gió gầm gào rên xiết. Đức Phật hoàng trở dậy, gió quất vào mạng sườn thảo am từng đợt. Cột cái, cột quân, rui mè, lốc ngói vặn mình co rút, chống đỡ. Gió mạnh nhưng chưa quật nát, nghiến xéo tất được. Vách gỗ vặn kêu răng rắc, gió muốn nhổ bật thảo am, cuốn thốc lên trời nhưng bốn thân cột cái làm bằng gỗ lim, chôn sâu dưới đất, mút chặt thin thít không chịu nhúc nhích. Thảo am lừng lững chống lại từng đợt gió xoáy…
Người hướng mặt về Đông.
Giọt sáng leo lét của đèn hạnh muốn tắt hút vì gió mạnh. Trời đặc như hũ nút, gió gào sầu oán, khóc lóc. Tiếng vượn kêu nghe thảm quá, như người hát khúc ai não đưa cố nhân về đất cũ. Thiên địa đang chơi khúc nhạc bi hùng đưa những chiến binh tử trận về cố quốc. Ta muốn ra ngoài trông thấy những cảnh trí dữ dội này.
Thị giả Pháp Không dựa vào góc thảo am, thưa rằng:
– Mấy hôm liền trời đất tối om vần vũ. Không biết định liệu thế nào. Xin Tôn đức đừng ra ngoài kẻo gió máy không ngờ được hết. Ngày này, trời thường gió buốt, đêm nay bỗng gió lốc, mưa táp. Trời đất thất thường khó đoán trước.
Nhân Tông nhìn lặng vào khoảng không chốc lát.
– Ngươi có nghe thấy tiếng gió hú không? Ta nhiều năm ở chốn yên thâm chưa từng nghe thấy tiếng gió như thế. Cây đào núi gầy gò, đứng co ro, sần sùi mấu trơ trọi, gió đã tuốt hết lá rồi phải không? Tiếng hú như tiếng giặc Thát bị đâm ộc máu trên dòng Bạch Đằng. Tiếng kêu dữ lắm, thảm thiết. Tiếng người kêu than trước khi chết không khi nào dễ chịu cả.
Tôn đức dướn người, bàn tay tì trên sàn gỗ, huyết mạch chạy giật giật nơi thái dương, những ngón tay khô dài, xòe rộng, tì miết trên mặt gỗ. Ánh lửa bập bùng…
Pháp Không định đỡ thượng hoàng, ngài gạt ra.
– Nói cảnh trí bên ngoài đi, ngươi có nhìn thấy những đám mây không? Từ ban chiều mây đã cuộn một mối ngờ ghê rợn, chúng muốn lút xuống cả mặt đất, trùm lên rừng già, cây cỏ, bò vào trong các ngóc ngách, trườn nhoài, luồn lách khắp thảo am. Mây đen vẽ ra những đầu rồng, đầu hổ, binh tướng nhà trời. Tất cả như muốn chúi đầu xuống thảo am. Ta thấy mây mờ lắm, chiến trận năm xưa…
Sông Tam Trĩ.
Quân ta rút lui về xứ Thanh. Thủy chiến. Giặc Thát hai mặt Nam Bắc giáp công vũ bão, khóa chặt, hòng bắt sống vua Trần. Bao nhiêu tướng sĩ đã vì ta và thượng hoàng mà tổn mạng. Lòng người chút nao núng, biết có thoát hiểm trong gang tấc? Tiên tổ có độ trì? Ta cũng có lúc mềm lòng, lưỡng lự nên hòa hay đánh? Để cho giặc trói, giữ cho xã tắc khỏi bị giầy xéo? Giặc đã đuổi rút phía sau, sát khí ngùn ngụt. Quyết chiến. Người cầm lái vẫn bình tĩnh quạt những mái chèo chắc nịch, phăm tới. Thuyền lút vào chỗ lau sậy kín đáo, chỉ cần lỏng tay một chút thuyền sẽ không thể nào lọt vào được chỗ quặt gấp ấy hoặc mũi thuyền loay hoay chổng ra, làm mồi cho quân thù. Những khi giáp ranh sống chết, mới biết mạng người là thế nào.
Trận Bạch Đằng.
Đằng đông nổi lên những quầng đỏ dữ dội chói sáng. Màu đỏ bi hùng, màu đỏ thảm khốc. Nước sông cuộn dâng, cuốn lốc, hút nước xoáy kéo rút, kêu ồng ộc như tiếng trâu rừng bị chọc tiết. Ta cùng thượng hoàng ra gươm đốc chiến, dồn binh giặc về sông Bạch Đằng cho đại quân ta tiêu diệt. Nguyễn Khoái nhận nhiệm vụ đánh tiên phong dụ địch. Đại quân của Hưng Đạo vương đang xuôi dòng Hóa Giang quặt vào Bạch Đằng chặn đường tiến ra biển.
Tiếng kêu của giặc Thát bị đâm ộc máu. Máu tanh sủi bọt, đàn cá dữ không dám bơi lên nuốt máu. Huyết người không phải là thứ dễ uống được.
Trống trận từng hồi riết róng, quân sĩ hô vang như sấm. Tên bay như muỗi rừng hung dữ. Kiếm sắc vung như múa, giáo nhọn tua tủa, sấm sét nổi rền.
Sát! Sát!
Tinh kỳ gió giật như quất. Quân chạy hàng ngang, quân chạy hàng dọc, quân quay tròn, quân xé nhỏ, quân từ dưới đất chui lên, quân từ trên trời rơi xuống, tiếng thét xé họng. Lũ giặc hoang mang không biết quân binh đổ ra từ đâu.
Hỗn chiến.
Máu giặc Thát, máu quân Trần tưới đẫm cờ chiến.
Thuyền lớn xô vào nhau đắm gẫy, mũi gỗ lim nhọn hoắt bọc sắt giàn trận giăng bẫy quân thù. Quân giặc Thát cao lớn, mặt bạnh hổ mang, lông mày xếch ngược, dữ tợn, la ối, giãy dụa.
Chém giết vung tay không tiếc. Quân hai bên bờ giáp công, trồi lên, trụt xuống. Tên bắn như mưa. Giặc liều chết mở đường máu, giáo nhọn quây chặt, đánh bật xuống. Bè lửa thả xuống đốt cháy những chiến thuyền đang vùng vẫy.
Lệnh ban xuống: những kẻ đầu hàng được tha mạng để giữ hòa khí sau này.
Từng đống giặc trói giật cánh khỉ, trùng trục hàng ngàn tên.
Thăng Long đã mấy lần thất thủ, quân thần phải rời bỏ kinh thành, tông miếu tổ tiên bị đào bới. Uất ức, dồn nén, căm thù tột độ. Trận chiến cuối cùng như bát nước tràn, binh sĩ bị mất hết gia quyến xông lên chém giết khôn cùng, một người địch chục người, chục người địch trăm người, trăm người địch vạn người, nỗi đau không kìm được nữa. Bắt sống được tướng giặc ta sẽ đem về Chiêu Lăng làm lễ hiến tiệp.
Thắng trận vang lừng. Bọn giặc cướp kinh hãi không dám đưa quân sang lần nữa.
Nhưng bao chiến binh tử trận? Máu quân thù, quân ta chảy thành sông. Qua vùng chiến địa vẫn ngửi thấy mùi xác người chết thối. Chiến công nào chẳng có bùn và máu.
Trận chiến nào chẳng vấy máu binh sĩ, quân giặc cùng đường đâm chém man rợ. Chiến binh không đầu vẫn vung kiếm trước khi ngã gục. Dòng máu nóng phun lên từ cổ họng sùng sục như nước sôi mùa lũ. Tiếng người khóc thét, sợ hãi, giận dữ, rên xiết, đau đớn, uất ức, câm lặng.
Như tiếng gió thét mấy ngày qua.
Sa trường đẫm máu, nỗi đau tràn mãi không sao xóa khỏi.
Tiếng vượn hú nghe như tiếng quân thù lúc hấp hối. Bao chiến binh vì xã tắc mà tử trận? Sợ rằng nhiều quá mà không chăm lo cho hết? Có người còn trách móc vì quên lãng? Ta đã ở gần họ lắm rồi. Những chiến binh kiêu dũng của Đại Việt. Những cánh tay vẫy gọi, nhưng cánh tay nhỏ quá, tiếng kêu cứ yếu dần, ta có đến kịp chăng?
Tiếng nước suối sôi sùng sục, hay tiếng ngựa chiến giậm chân giận dữ dưới dòng thác chảy tràn dưới chân Ngọa Vân mùa lũ.
Gió thổi đau đớn, quay cuồng như đêm nay.
Đêm nay là đêm cuối cùng?
Ta muốn nhìn xem quang cảnh bên ngoài. Tối quá, chẳng thấy gì cả.
Đêm nay, giông bão ngập tràn, mưa trời trút cả lòng mình xuống đất.
***
Thao thức…
Gió.
Gió từ phương Nam thổi đến. Quay quật, xoay vòng, van vỉ, dằn vặt, xé nát từng thảm rừng trúc.
Phương Nam.
Ta đã thân hành đến đó, khất thực cả tháng trời trong thành Chà Bàn của nước Chiêm Thành. Người Chiêm Thành khác chăng dân Đại Việt, trải qua binh đao chống giặc Thát, đau đớn, vui mừng. Dân cày đâu cũng giống nhau. Ta đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân cũng vì cảm động ân cần tiếp đón, cũng là muốn xây mối bang giao bền chặt với láng giềng. Lời của bậc quân vương nặng như núi, không làm không được, ta có lầm chăng?
Công chúa phải ưng lòng vâng sứ mệnh của vương huynh và phụ hoàng. Huyền Trân là công chúa duy nhất của ta, triều thần trách móc. Có người còn ví việc ta gả Huyền Trân cho Chế Mân khác chi việc nàng Chiêu Quân đi cống Hồ. Có ai hiểu được nỗi lòng của ta, lòng người cha trăn trở, lo âu vì mệnh nước, vì gia quyến. Phong tục mỗi phương mỗi khác, công chúa có yên lòng làm dâu nước người, trí não hướng về đất Bắc. Ngẫm cho cùng, phận nữ nhi hy sinh vì xã tắc đã từng. Công chúa An Tư phải gả cho Thoát Hoan để hòa hoãn với giặc, nhẫn nhịn biết mấy? Nữ vương Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Thái tổ, đức hy sinh, thiệt thòi còn gì lớn hơn nữa? Các cung nữ đã vì ta mà trẫm mình dưới suối Yên Tử, còn gì cảm động hơn? Con gái ta không một lời oán thán, chữ hiếu nào sánh bằng? Nữ nhi cũng có khi là bực anh hùng.
Người nhíu hàng chân mày bạc trắng, bàn tay buông trên mặt sàn, tì mạnh xuống mặt gỗ, cánh tay gồng lên, khí huyết dồn lên trí não. Những nếp nhăn co vào, giãn ra như sóng táp. Vũ trụ đang bị hút trụt vào thảo am, giữa núi rừng đen đặc. Pháp Không khiếp sợ nhìn thượng hoàng. Những cơn sóng đang trải qua trong lòng ngài. Sóng chạy giật từ đỉnh thái dương, lan sang huyệt ấn đường, lõm sâu ở chân mày, tỏa xuống lưỡng quyền, tụ dưới nhân trung, nuốt mạnh trong yết hầu, nín thở một khắc, rung chuyển toàn thân, rồi lại tuần hoàn ngược lại. Giông bão đang nổ ra trong khoảnh khắc nhỏ của đời người. Trên mặt đức Phật, bể khổ, hoan lạc đang cuộn lại, quấn quýt, quay vòng, tì nén, đan xiết vào nhau, bung ra dữ dội. Chưa bao giờ người đệ tử trung thành thấy những chuyển vận ghê gớm trong lòng pháp chủ. Ngài vận khí huyết, hai tay rung lên, dòng máu đỏ chảy vần vũ trong đó.
Trời cồn cào, vặn vã. Không phải cuồng phong nhưng đau nhức xé ruột. Công chúa Huyền Trân theo chồng về Chiêm Thành, sính lễ là châu Ô, châu Rí. Vùng đất yết hầu phương Nam đã thuộc về Đại Việt. Bờ cõi được mở rộng nhưng công chúa sống một đời xa lạ, sự hy sinh có đáng?
Huyền Trân là con gái duy nhất của ta, đem gả cho Chế Mân cũng vì gây dựng ích lợi cho Đại Việt. Ý ta có chống được thiên định? Vua nước Chiêm Thành mất, theo phong tục Huyền Trân phải lên giàn thiêu cùng chồng? Lòng ta như lửa đốt. Ngày con gái ta bị thiêu cháy cũng là lúc thể xác ta tan rã từng mảnh. Người cha nào nỡ nhìn con gái mình lên giàn thiêu như thế. Khi An Tư phải gả cho Thoát Hoan làm kế hoãn binh, bao người thương xót, khóc than, lòng đau như cắt. Nhưng có cách nào để cứu quân dân Đại Việt trì hoãn thêm được vài ngày khỏi bị truy đuổi, thảm diệt? Có cơ hồi hoàn lực lượng? Người đời trách ta không thấy tấm gương tày liếp, có bao người hiểu được lòng ta?
Huyền Trân trở về.
Mừng vui nhưng lòng ta quặn thắt, tóc trên đầu đã bạc thêm mấy phần. Chuyện giữa Khắc Chung và Huyền Trân ta không tra xét, công chúa đã yên bình trở về, thế là thỏa lòng rồi. Cha con gặp nhau buồn vui khôn xiết, ta còn mong gì hơn nữa?
Gió thốc.
Gió bớt dồn dập quay quắt nhưng thổi cuồng, quất vào chỗ sâu xa nhất của lòng người. Cây rừng phần nhiều đã buông tuồng sau những đợt gió dữ, run rẩy chờ hơi ấm quay về; chỉ những loài cây vững chãi nhất, cứng cáp nhất còn kiêu hãnh, can trường đứng thẳng dậy, vươn thẳng lên trời, cho dù cuồng phong đã tuốt tướp lá, thân cây rớm máu, cơ thể chi chít những vệt nhựa tứa dãi khô thẫm lại, lớp vỏ già căng rộp mình, vặn cong, rơi xuống mặt đất, nước vội cuốn đi.
Chị gái ta ốm nặng, đòi gặp lần cuối. Phút sắp lâm chung nào chẳng cảm động. Thiên Thụy đã vì Trần Khánh Dư mà tổn danh. Ai hiểu được lòng nữ nhi cũng thường tình? Ta đã dặn dò. “Chị nếu thời tới thì tự đi, gặp cõi âm có hỏi việc gì thì cứ trả lời: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ đến.”
Gió nhạt dần.
Đức Nhân Tông lỏng người, thả tay xuống chỏm gối. Ngài nhìn về hướng Bắc, trùng đồng sáng rõ, ánh lửa giữa đêm như thiêu đốt.
Những cảnh dữ dội ngoài kia, đám vượn khỉ kêu khóc vì sợ gió bão, ai hiểu được lòng ta? Những người thân thích của ta, môn nhân Trúc Lâm, ta đi rồi họ có thương xót thực lòng. Ta đâu dám nghi ngờ…
Bồn chồn.
Tiếng gà gáy sớm…
Pháp Không khơi thêm bấc đèn, phòng lửa tàn. Điều Ngự nét mặt bình yên, phẳng lặng sau cơn giông bão. Ánh mắt ngài đang thấu vào cõi xa xôi, xuyên qua màn đêm, nhập vào cõi hư vô tận cùng, ánh lửa từ nghìn xa trập trùng tràn về. Cảnh tượng lạ kỳ. Luồng khí sáng từ trong thảo am Ngọa Vân bỗng cựa quậy, thoát ra khỏi tường vách chật hẹp, tỏa ra bốn phương trời, mười phương đất, rực sáng như muốn thiêu đốt lần cuối. Ánh sáng ngụt mạnh, bốc như hỏa lò, căng đượm, nóng rực, rát bỏng mặt người. Một sức nặng ngàn cân từ thảo am Ngọa Vân đang rời khỏi mặt đất, chầm chậm, yên bình, hướng thẳng lên trời.
Pháp Không xiết mạnh hai bàn tay vào nhau, hỏi khẽ.
– Bảo Sái đang đi xem những chỗ để kinh sách dưới Thông Đàn, đề phòng mưa gió làm ướt hỏng, một chốc sẽ quay lại. Tôn đức có nỗi lòng, có muốn sai bảo điều gì chăng?
Tiếng Người đáp lại nghe như gió thoảng.
– Bữa trước hai vị tì kheo Tử Danh và Hoàn Trung dìu ta lên đây, họ muốn ở lại nhưng ta không giữ. Ta bảo họ việc sinh tử không thể xem thường, cũng không cần ồn ã. Ta đang chờ thôi.
Điều Ngự nghiêng mình. Trời đất chuyển vận, những đợt gió day dứt, quất siết bắt đầu giạt dụa, dềnh dang, im lịm rồi tắt hẳn. Trời quang đãng, sáng rực lên. Giữa đêm, không khí thoáng rộng lạ thường.
Pháp chủ mở rộng đôi bàn tay cho khí mát tràn vào. Ta chắc không phải đợi lâu, cũng chẳng vội gì. Ngày của ta đã định, càn khôn đang chuyển mình. Rừng Ngọa Vân yên lặng như ngày ta mới lên đây, thảm trúc vẫn tươi tốt rì rào. Tiếng nước chảy dưới khe, nghe rõ và trong quá, tiếng của đất trời, của rừng xanh, của muông thú quây quần, tiếng của lòng ta. Một vệt sáng, chói rực trên trời…
Bảo Sái quay lại thấy Pháp Không đang túc phục bên thượng hoàng. Nhìn nhau, bồn chồn.
– Trời yên gió phải không?
– Dạ, trời lặng, sáng bừng lên.
– Giờ này là giờ gì?
– Thưa, giờ Hợi.
– Chưa đến giờ của ta.
Phía trời Bắc một vì tinh tú sáng rực trụt xuống. Tiếng vượn kêu khóc ngừng bặt, lá cây thôi trút. Vũ trụ yên lặng, sức nặng đang tút sâu xuống đỉnh Ngọa Vân như dòng thác ánh sáng. Đức Nhân Tông gật đầu, vẻ mặt thanh thản.
Chùa kế bên, môn nhân bỗng vung búa đánh một tiếng chuông ngàn. Âm thanh rền, trầm, tỏa xung bốn bề. Tiếng chuông đập vào vách thảo am, phả ra khoảng lặng mênh mang, đổ tràn xuống thung lũng, tràn ngập khắp cây cối, muông thú, hoa lá, chạy rung trên mặt đất, lọt vào khe sâu, suối nước, vọng tưởng trong lòng pháp chủ Trúc Lâm.
Rề……nn.
Kẻ tu hành thì sướng sao được. Khi ta rời bỏ vương quyền vào chốn thâm sơn cùng cốc đã có người bảo sau lưng rằng. Lão ấy vốn ham hư danh thôi, muốn được ngang hàng với thái tử Tất Đạt Đa ở nước Ấn xa xôi. Làm gì phải nhọc công đến nơi cùng cốc. Khó nhọc ai nấy thấy từ đầu. Ta vốn là bậc quân vương, những ngày đầu tu tập chay tịnh, khổ luyện không phải là không có lúc nhọc người. Tương một hũ, cà một lọ, rừng rú âm u, rau rừng thay cho mỹ vị, tiếng muông thú thay cho đàn địch. Ta đâu than phiền, hối tiếc. Ta viết Sơn phòng mạn hứng để tỏ nỗi niềm.
Ai buộc mà đi giải thoát tìm?
Không phàm sao phải kiếm thần tiên
Vượn mòn, ngựa mỏi ta già phải
Như cũ am mây một sập thiền
Phải trái tâm theo hoa sớm rơi
Lợi danh dòng lạnh mưa đêm rồi
Hoa tàn, mưa tạnh non im ắng
Một tiếng chim kêu xuân hết thôi
…
Tôn Đức ngồi thế thiền, giữ cho lưng thẳng thắn, thấy mình nhẹ bỗng như lông vũ chim thiên tước. Hai đệ tử túc phục. Pháp Không tay đan siết vào nhau, suy tư cực độ. Bảo Sái bình lặng như nước hồ thu, sóng cồn chuyển dội từ đáy. Con muỗi rừng bấu vào mu bàn tay, Bảo Sái phẩy tay, muỗi bay vọt lên, tiếng vo ve giận dữ. Pháp Không giật mình. Bảo Sái bấm nhẹ vào tay: “Đừng để ý đến những chuyện ấy.’’
Trời bỗng sáng rực lên.
Chừng ấy người thôi. Những người theo ta, họ có thực lòng hay chỉ theo danh một ông hoàng mà mưu danh phật pháp. Lòng người khó lường, biết ai là chân thật. Ta có nghi ngờ chăng? Đức tin của ta đặt đúng chỗ chăng? Hai bàn tay úp rồi lại mở ra, đời người cũng như hai bàn tay thôi. Đệ tử cũng như hai bàn tay ta, ngón ngắn, ngón dài.
Một ngôi sao sáng rực trôi vào đêm tối mịt mùng, Tôn đức quay sang:
– Có thấy gì không?
– Thưa, một ngôi sao đáp hạ về Nam.
– Có điềm lạ chăng?
– Khi đệ tử lên Ngọa Vân, qua suối Doanh thấy nước dâng cao đến mấy trượng.
Đức Nhân Tông bỗng nói to lên:
– Ta biết được ta, ngươi hãy nghỉ đi một chốc, đừng lo lắng nhiều nữa. Điều tất đến sẽ đến.
Nhân Tông yên lặng, mường tượng những việc xung quanh. Trước mặt ngài nổi lên một đài sen giống như thiếu thời nằm mộng trong chùa Tư Phúc. Giấc mộng khi xưa đã rất gần, đài sen vươn dần lên khỏi mặt nước. Cánh sen hồng đậm, hoa sen xếp dày từng lớp. Hoa sen của ngày khai mãn. Đài sen đang mở ra, đợi một người lên ngồi ở trên ấy. Ngày của ta đã đến, chiếc lá rừng giật mình rơi tạt ngay dưới chân thượng hoàng.
Người ta nhẹ đi, đến giờ định rồi chăng? Phật pháp có ngày hưng thịnh, có ngày suy vi. Ta truyền lại y bát cho Pháp Loa, tất nhiên trong lòng có điều khó nói. Phật pháp cao cả, trí người có hạn, làm sao để việc hoằng pháp còn mãi về sau không bao giờ dứt. Chim hồng hộc bay cao mãi cũng phải dừng cánh nghỉ ngơi.
Thái Tổ đã từng dứt hoàng bào về Yên Tử học làm Phật, quốc sư Trúc Lâm thưa rằng. “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm. Tâm lặng lẽ và sáng suốt, đó chính là Phật.” Nhưng bắt đầu thế nào? Ta xác lập được chí hướng của mình, nếu không sẽ thành công cốc. Ta từng dạy đệ tử rằng. “Pháp tức là tính, Phật tức là tâm. Tính nào chẳng phải là pháp? Tính nào chẳng phải là Phật. Tức tâm tức Phật, tức tâm tức pháp, pháp vốn chẳng pháp. Tức pháp, tức tâm, tâm vốn chẳng tâm, tức tâm tức Phật…”
Ta độ cho mấy nghìn người, như thế đã gọi là mãn nguyện chưa. Đệ tử thông hiểu Phật pháp hay còn mải mê hư vị hão huyền, đến khi tìm ra huyền diệu thì không còn gì là sức lực nữa. Đường đi chông gai, biết đâu là chỗ trú chân yên lành được.
– Hãy thắp một nén hương thơm cung kính.
Niêm hương.
Hương làm bằng rễ bài mọc dưới chân Yên Tử đốt đượm và thơm quá, mùi hương cho trí não thanh tịnh, hương thơm bay khắp chốn cùng.“Một nén hương này, khói lành thơm phức, khí tốt bay lên, ngưng đọng năm phần pháp thân, biến mười phương lễ diệu… Một nén hương này, nướng cũng không chín, đốt cũng không cháy, gõ vào không mở, kéo lại không đến, ngó trộm thì con ngươi khô kiệt, ngửi thì cửa não tách đôi…”
Có ai dõi theo ta không? Chẳng ai cả. Ta xuất gia tu hành nhưng vẫn là bậc quân vương, người đời e dè, kiêng nể. Ta tự mình nghiêm cẩn với mình thôi. Cũng có lúc không khỏi trông thấy miếng thịt gà, bát canh cá chép. Nếu ta lén ăn thì ai dám nói điều gì? Nhưng ta giữ mình cho chính ta. Mâm cao cỗ đầy nhưng lòng người đâu thèm muốn. Những bài học kinh pháp đầu tiên là của Tuệ Trung thượng sỹ. Nhưng thấy thượng sỹ sống rất thế tục, ta sinh ra ngờ vực, bèn giả bộ ngây thơ lén hỏi. “Chúng sinh quen nghiệp uống rượu, ăn thịt thì làm sao tránh được tội báo?” Thượng sĩ giải rõ. “Giá như có người đứng quay lưng lại, bỗng nhà vua đi qua sau lưng, người kia bất ngờ ném một vật gì đó trúng nhà vua. Người ấy có sợ chăng? Vua có giận chăng? Như vậy phải biết hai việc không liên quan gì tới nhau.” Ta có làm được như ngài? Ta đã là vị chân chủ. Làm thế e phiền lòng, các đệ tử không yên trí mà tu hành được. Nhưng chuyện đó qua lâu rồi, ta đâu phải bận tâm nữa.
Nửa đêm.
Mây gió ngừng bặt. Không gian khoáng đạt, mát lộng. Tiếng vượn hú não dứt hẳn, trời đã qua cơn vận mình ghê gớm. Đằng đông, một ngôi sao sáng rực đang đốt cháy lần cuối. Đức Phật hoàng cố ngồi dậy nhưng không nổi, Bảo Sái muốn giúp nhưng ngài bảo.
– Đã không được thì thôi, đừng níu giữ. Bây giờ là giờ gì?
– Thưa, giờ Tí.
Điều Ngự hé môi, tiếng nhỏ, mỏng như gió, đôi mắt bình thản yên bình.
– Đây là giờ ta đi.
Lặng ngắt. Nghe thấy cả tiếng thở của rừng già nén lại. Sột soạt. Rì rầm. Râm ri. Người đệ tử trung thành không một giây chớp mắt.
– Thưa Tôn đức đi đâu?
Không có tiếng trả lời. Pháp chủ đang nhập dần vào cõi hư không.
– Ngươi nghe bài kệ của ta đây.
– Dạ, đã sẵn nghiên bút.
Pháp chủ đọc chậm rãi:
Mọi pháp đều không sinh
Mọi pháp đều không diệt
Nếu hiểu được như vậy
Phật hiện ra trước mặt
Không đến cũng không đi
Bảo Sái hỏi khẽ:
– Nếu không sinh, không diệt thì thế nào?
– Tai ngươi điếc rồi chăng?
Nói xong ngài nằm như thế sư tử, lặng lẽ ra đi.
Trên đỉnh Ngọa Vân mưa bắt đầu tuôn rạt, gió rừng gào thét tiễn đưa Tôn đức về cõi Niết bàn.
Đó là đêm mùng một, tháng mười một, năm Mậu Thân (1308), cách đây vừa tròn bảy thế kỷ.
Nguồn: http://nguoidaibieu.com.vn