Từ truyện ngắn “I am Đàn Bà”

Gần đây, qua sự giới thiệu của Phạm Hòa, một tác giả trẻ tuổi Việt Nam lớn lên tại Melbourne, tôi có nhân duyên đọc được những câu chuyện ngắn của Y Ban – một nhà văn nổi tiếng bên Hà Nội. ‘I am Đàn Bà’ là một tác phẩm ‘kinh dị’ nhất của Y Ban. Những danh từ như kinh dị, hồn nhiên, đẹp giản dị chính là những từ ngữ dùng để hình dung phong cách và đặc sắc của tác giả trên văn đàn Việt Nam ngày nay.

‘I am Đàn Bà’ là một quyển sách gồm nhiều chuyện ngắn, và cũng như sự biểu hiện của tên sách, những chuyện ngắn đó đều là chuyện của đàn bà. Với cá nhân tôi, câu chuyện dễ thương nhất là ‘Cái Tý’; câu chuyện diễn tả tâm lý đàn bà độc đáo nhất là ‘Tự’; nhưng câu chuyện để lại ấn tượng sâu xa nhất lại là câu chuyện đầu tiên cũng với đề tài ‘I am Đàn Bà’.

Như Y bạn đã viết trong nhập đề cho bài ‘Chuyện Nhỏ Xóm Nghèo’: “Nơi tôi ở là một xóm lao động nghèo, vốn nhiều phức tạp vì cái nghèo mà ra, nhưng cũng đầy tình thân từ cái nghèo mà đến”. Nhập đề này chẳng những thích hợp cho chuyện nhỏ lặt vặt xảy ra trong một xóm nghèo, nó cũng rất thích hợp dùng cho cốt chuyện này. ‘I am Đàn Bà’ là một câu chuyện viết về người phụ nữ tên Thị đi làm thuê bên xứ người. Chuyện của Thị khởi đầu chính vì cái nghèo… nàng đã phải bỏ lại chồng con, sang nước ngoài làm người giúp việc để kiếm tiền xây lại căn nhà dột nát đã không còn khả năng chống chọi nổi với phong sương cùng bão táp.

Ở nơi đất khách quê người, Thị không biết tiếng người bản xứ, không bạn bè, không cơ hội tiếp xúc với xã hội. Thị như sống trong một lâu đài trên hoang đảo. Người duy nhất mà Thị tiếp xúc hàng ngày chính là ông chủ của Thị – một người bị liệt toàn thân sau một tai nạn xe họa tại Đài Loan. Thế giới của Thị còn lại chỉ là hết lòng chăm sóc người bệnh này. Tuy ngôn ngữ bất đồng và Thị cũng chẳng biết ông chủ có còn khả năng lắng nghe được những lời thủ thỉ của Thị không? Nhưng Thị đã tâm sự rất nhiều với người, và nàng đã trút hết tất cả tình thương như tình mẹ, tình con, tình vợ, tình bạn, tình người… cho người đàn ông mà Thị không hề quen biết!

Và, vấn đề mang tính nhân bản đáng được chúng ta quan tâm ở đây chính là một khi mối liên hệ ấy, chủ và tớ, bắt đầu len lõi sự bằng tình yêu thương nam nữ, sự can thiệp của xúc chạm xác thịt thì cũng từ đó không biết bao nhiêu chuyện vui buồn lẫn không ít phiền toái, luân lý đạo đức bắt đầu nãy sinh. Để rồi đi đến một kết cục bi thương đầy nước mắt. Sau khi chuyện đã vỡ lở, bà chủ đã tố cáo Thị với tội “quấy rối tình dục” và Thị phải đối diện trước vành móng ngựa, Thị không biết bào chữa cho mình, và cũng không tiền thuê người biện hộ, Thị chỉ biết nói ra một câu nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt: ‘I am đàn bà’ cùng với những lời cầu khẩn xin tha tội cho hành vi thiếu lý trí của mình. Trong nhà giam, Thị xấu hổ, Thị muốn ôm con khóc cho thật nhiều, Thị chỉ muốn về với chồng, với con, với cái làng xóm nghèo nàn nhưng rất dễ thương của Thị…câu chuyện chấm dứt đầy tình thương và tình thương đó cũng từ cái nghèo mà đến.

Nhà văn Dạ Ngân cho rằng: “Thị là một thân phận phụ nữ nông dân điển hình trong thời đại. Qua chuyện ngắn ấy, Y Ban đã vượt lên chính mình, đã thoát khỏi chuyện tình cảm đàn ông, đàn bà để hướng vào thân phận đàn bà chung hơn, lớn lao hơn”. Tôi rất đồng ý về những lời bình giá này, đồng thời tôi cảm thấy: tác giả đã dùng đủ mọi phương cách bào chữa cho sự lỗi lầm của Thị, để giữ lại tấm lòng thương hại của đọc giả cho số phận của người đàn bà bạc bẽo này. Cũng như diễn tả lúc Thị áp mặt vào má ông chủ khóc òa khi chuyện bất ngờ xảy ra: ‘Ông chủ đã cảm nhận được cái hôn của Thị, thân thể của người run lên, và điều kỳ diệu hơn ông đã khóc và tay ông đã nắm được tay Thị’. Sự kích động trong lòng của một người tàn phế đã đem lại một kỳ tích mà chính khoa học và y học ngày nay cũng không thể nào giải thích được.

Như vậy phải chăng Thị là một dâm phụ? Và Thị có tội hay không? Tôi tin rằng đây là những câu hỏi mà mỗi đọc giả đều nêu ra sau khi đọc xong câu chuyện này. Tôi cũng tin rằng đây là những đề tài mà chúng ta có thể tranh luận với nhau miên miên bất tuyệt. Tôi nghĩ, tội “quấy rối tình dục” không nghiêm trọng bằng tội “tình dục xảy ra chưa được đối phương chấp thuận” (sex without consent). Theo định nghĩa trong pháp luật ngày nay, tình dục chưa được sự đồng ý của đối phương là một tội nặng và đã được quy nạp vào hàng liệt của tội hãm hiếp (rape). Nhưng luật pháp không ngoài hai chữ nhân tình!

Trong xã hội Tây Phương, tình dục không bị coi là một chuyện tội lỗi, xấu xa, nó được xem là hành động thiêng liêng nhất của vạn vật. Theo học thuyết Thái Cực của Đạo giáo: ‘…Vô Cực chi chân, nhị ngũ chi tinh, diệu hợp nhị ngưng. Càn đạo thành nam, Khôn đạo thành nữ. Nhị khí giao cảm, hóa sinh vạn vật. Vạn vật sinh sinh nhị biến hóa vô cùng yên…’. (無 極 之 真 , 二五 之 精 , 妙 合 而 凝 . 乾 道 成 男 , 坤 道 成 女 . 二 氣 交 感 , 化 生 萬 物 . 萬 物 生 生 而 變 化無 窮 焉 ). Có nghĩa là vạn vật hình thành đều khởi đầu từ sự hòa hợp giữa âm và dương, thiếu một không được, nó là gốc gác của thiên lý và là đầu đuôi của vạn vật.

Trong khi trên quan điểm Phật giáo, thường thì chúng sinh khi sinh vào thế giới Ta-bà này đều do lòng ái dục. Thì ở đây có vẻ như thừa nhận một thực tế rằng đã là con người, sinh mạng của ta đã được bắt đầu dưới sự giao hợp của hai thái cực này. Cho nên tình dục là một sức thôi thúc, là một nhu cầu trong đời sống hàng ngày của chúng ta, vì nó đã ngấm ngầm trong tiềm thức trước khi ta chào đời. Tuy nói là một nhu cầu trong đời sống, nhưng nó không phải là những nguồn năng lượng tối quan trọng để nuôi dưỡng cho thân hài chúng ta. Những lời Phật dạy; những giáo dục trong gia đình; những tư tưởng thủ cựu của truyền thống; những ý niệm và chuẩn mực của đạo đức; cho đến những lập hiến của pháp luật… đều là những quy tắc để ngăn trừ và ràng buộc sự phóng đãng của tình dục.

Theo tôi biết, ấn phẩm của quyển sách ‘I am Đàn Bà’ đã từng bị thu hồi và đã gây lên dư luận sôi nổi trên nền văn hóa tại Việt Nam. Có nhiều người cho rằng sự thu hồi là do ‘tác giả quá sa đà vào khía cạnh sex’. Chắc vì tôi đã định cư tại Úc lâu ngày, nên tôi chẳng cảm thấy lối thể hiện trong sách có gì gọi là ẩm ướt hay buông tuồng như những lời dư luận. Ngược lại tôi cho rằng đó là một quyển sách rất thuần về văn học, giàu tính nhân bản, và lay động lòng người. Nhưng đồng thời tôi cũng rất hiểu lý do vì sao nó đã không được ấn hành. Việt Nam vẫn còn là một nước thủ cựu khi so với những nước đã được tay hóa lâu ngày. Có người gọi sự thủ cựu đó là lạc hậu, có người gọi đó là hủ lậu, nhưng chúng ta nên biết, rất nhiều vẻ đẹp của dân tộc đã được hiển hiện trong sự thủ cựu đó. Đức hạnh của phụ nữ mà nho giáo ngày xưa đã quy hoạch ra như: công dung ngôn hạnh, tam tùng tứ đức, tương phu giáo tử, trinh trung triết liệt chính là những vẻ đẹp nội tâm của đàn bà mà xã hội ngày nay cho là lỗi thời. Cá nhân tôi cũng cho rằng đây là những đòi hỏi quá đáng mà cha ông người xưa đã đem dành cho đàn bà. Nhưng có một điều chúng ta phải công nhận, phụ nữ của một thôn quê nghèo nàn lại có một vẻ đẹp phi thường hơn phụ nữ thành thị – đó là vẻ đẹp đầy phẩm chất của người vợ hiền và người mẹ Việt Nam.

Tôi không biết bài viết này có được dịp đăng trên tạp chí hay trên website của Phật Giáo. Nhưng tôi vẫn muốn viết ra một chút ít hiểu biết của mình trong vấn đề ngăn trừ tình dục trong Đạo Phật.

Đứng vào quan điểm Phật Giáo, đối với hành động của Thị, luận điểm không phải ở nơi đúng hoặc sai như trên luật pháp hay tình người, mà là ở cái xâm chiếm của tình dục trong tâm thức của chúng sinh. Trong giáo pháp của Phật, trì giới là một phương pháp kềm chế sự buông thả và lộng hành của ý dục; thiền quán là phương pháp diệt trừ ý dục bằng cách nhìn sâu, nhìn kỹ để chứng nghiệm cái thật tướng của các sự vật xung quanh chúng ta. Thiền quán gồm hai loại:

1. Đối trị quán: chuyên dùng một loại quán tưởng để đối phó một loại ý niệm sai lầm, ví dụ như ‘Quán Từ Bi’ là để đối trị sân hận; ‘Quán Bất Tịnh’ là để đối trị tham dục – nói trực tiếp hơn về pháp môn này, người tu luyện sẽ ngồi yên lặng, định tỉnh tâm thần, gom góp suy tư lại một chỗ, chuyên chú tưởng nghĩ về cái bất tịnh, xấu xa và vô thường của cái thể xác con người. Hy vọng sự bất tịnh đó sẽ làm cho ta mất đi lòng ham muốn đối với một thể xác khác. Nhưng dĩ nhiên là… nói dễ làm khó! Những gì đã biết, đã hiểu và có thể trình bày thao thao bất tuyệt đều là chỉ thượng đàm binh, đến khi ra trận đối địch mới biết được sự khó khăn của cái hành. Thường có câu: “Tình nhân nhãn trung xuất Tây Thi”. Trong ánh mắt của ta, người thương yêu thường là người xinh đẹp như Tây Thi tái thế. Dơ bẩn cũng trở thành tinh khiết; xấu xí cũng trở thành đẹp đẽ; đắng cũng trở thành ngọt! Tôi đã từng trò chuyện với một người bạn thân ‘đồng tính luyến’, tôi hỏi: “Sao có thể thỏa mãn tình dục từ một nơi dơ bẩn nhất trong cơ thể của con người?’, anh ta đáp: “Chỗ dơ bẩn nhất là cái miệng của con người!” Anh ta cũng đúng một phần nào… Họa tùng khẩu xuất, bịnh tùng khẩu nhập, tất cả đều khởi sự từ cái miệng của chúng ta! Nhưng câu trả lời này cho ta biết, một khi đã đam mê trong tình dục, tất cả đều trở nên hoàn hảo và tốt đẹp. Cho nên tôi cho rằng phương pháp này rất khó hành!

2. Chánh quán: quán tưởng các sự vật đều là không có thật. Đối với phẩm chất của phàm phu chúng ta, tôi cho rằng pháp này càng khó.  Rõ ràng thấy trước mắt nhưng lại quán tưởng là không. Tuy đã hiểu được lý lẽ của cái không và cái có, nhưng không có nghĩa là ta có thể làm cho cái tâm không còn chấp cái không hoặc cái có!

Luận điểm trên chỉ là nhận định và kinh nghiệm cá nhân. Đạo Phật bao gồm vạn thiên pháp môn, hành giả cần phải tìm ra một đường hướng thích hợp cho mình để tu luyện. Nhiều khi chúng ta cần phải áp dụng đường hướng khác nhau để đạt đến mục đích. Cũng như đường này bi kẹt xe, thì ta chọn đường khác. Nếu như quán bất tịnh không thành công thì chúng ta có thể quán niệm danh hiệu của Phật. Nhiều khi phương pháp đơn giản trực tiếp nhất lại là phương pháp nhiệm mầu nhất!

Dục vọng của con người nhiều lúc chỉ bị khêu dậy từ ngoại duyên qua những cảnh tượng ta tiếp xúc; cũng nhiều khi nó phát xuất từ những vật dụng gồm nguyên liệu kích thích như rượu. Cho nên cấm uống rượu là một giới cơ bản trong Ngũ giới mà tất cả thiện nam tín nữ đã quy y với Phật đều phải thọ trì. Và ‘trì giới’ chính là sự tu tập sơ cơ trước khi chúng ta có thể đến với định, từ định ta mới có thể phát huệ. Đây chính là Giới Định Huệ trong Đạo Phật để đưa chúng ta ra khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Trong kinh Pháp Cú có nói:

“Dầu sống một trăm năm,

Ác giới, không Thiền định,

Tốt hơn sống một ngày,

Trì giới, tu Thiền định”.

Thiền quán trong Đạo Phật thật ra có thể áp dụng vào bất cứ mội trường hợp và bất cứ một cuộc sống nào. Phương pháp này có thể giúp ta phủi đi lớp bụi của u minh như sân hận, yêu thương, ham muốn, ganh tị vv…. Ví dụ như khi ta đang giận hờn một ai, ta có thể cố gắng nghĩ lại những ưu điểm hoặc những điều mà ta cho là hay, là tốt của người đó. Tôi tin rằng, lửa giận lập tức sẽ được nguôi đi một phần nào. Và dĩ nhiên phương pháp ngược lại có thể áp dụng vào khi ta bị quấy rối băn khoăn trong vấn đề tình cảm…Thiền quán nói khó mà dễ, vì nó không sâu xa trừu tượng như những phương pháp thiền định khác, như nghe lại tánh nghe hay nghe lại âm thanh của một bàn tay. Nhưng thiền quán cũng nói dễ mà khó, vì khi lửa vô minh bùng cháy, trí huệ ta sẽ bị lu mờ, cốt yếu là làm sao tìm ra một kẽ hở để ta tỉnh táo lại hoặc nới lỏng lại lòng sân hận, như… ta có thể uống một ly nước, hít thở không khí trong lành, tản bộ bên ngoài, hoặc làm vài động tác vận động cơ thể… một khi lửa giận được phai đi, ta bắt đầu thực hành thiền quán.

Thật ra… sự khó và dễ vừa nói trên ít nhiều cũng tùy ở nơi ta!

Ah Yin 1/11/10