Trái với nhiều người lầm tưởng rằng những người đại diện cho đạo Phật – những vị thánh – là những con người nghiêm khắc, u buồn, suy tư và mang nét bi quan yếm thế, như trong bài thơ: “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của một nhà thơ nổi tiếng đã viết, thì ngược lại, sự giải thoát của đạo Phật mang đầy tính chất trẻ thơ, hồn nhiên, khoái hoạt và vui đùa.
Thiền sư Vân Môn, tung tăng như một đứa trẻ khắp các cánh đồng: “Gậy vác ngang vai, đông tây nam bắc, mặc tình đập vào gốc rạ mục”.
Bố Đại Hòa Thượng, một cuộc đời rong chơi ta bà với chiếc bao bố rỗng, một trẻ thơ vô tâm không định hướng đến nỗi đường đi của mình lại hỏi thăm nơi một đám mây trời:
Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh xem người thế
Mây trắng hỏi đường qua
Con đường giải thoát, theo như phần đông phàm phu chúng ta quan niệm đôi khi hiện ra như một hướng đi buồn tẻ, gò bó và khổ hạnh, với Xuyên thiền sư đó là con đường trở về với niềm vui vô hạn, tự cho vô hạn:
Hát la la lý cười ngân ngất
Khúc ca gì mà vui khoái cả muôn năm
Nỗi niềm hân hoan vô trụ xứ của đạo Phật được Thượng Sĩ Huệ Trung của đời Trần diễn tả trong Phóng Cuồng Ca:
Trời đất liếc trông, hề, ôi thênh thang
Chống gậy rong chơi, hề, phương ngoài phương
Đói thì ăn, hề, cơm mười phương góp
Mệt bèn ngủ, hề, nơi chẳng quê hương
Mỏi nghỉ chút, hề, hoan hỉ địa
Khát uống no, hề, tiêu dao thang
Vui ta vui, hề, Bố Đại vui sướng
Điên ta điên, hề, Phổ Hóa điên cuồng…
Thiền sư Không Lộ đời Lý , trước câu hỏi thiết cốt dằn vặt một đời của một đệ tử: thế nào là tâm yếu Phật pháp, thế nào là con đường dập tắt mọi khổ đau, phiền não, đã ha hả cười to. Đối với Ngài, cuộc đời chỉ là một ngày vui trọn không sót giữa đất trời thôn quê vô tận:
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Thế nên, đạo Phật vô thượng là vì thế: đối với cái già nua, cổ lổ của chúng ta là tính chất trẻ thơ vĩnh cữu vì chưa từng ô nhiễm của nó, ngược với cơn vô thường chóng vánh của đời người thì nó là Bất tử, Chân Thường, đối với nỗi khổ đau vô vàn hình trạng của chúng ta thì nó là An Lạc, đối với phận kiếp sanh già bệnh chết của chúng ta thì nó là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Tính cách trẻ thơ, luôn luôn tươi trẻ, vui đùa, khoái hoạt tự tại của tất cả các vị tăng PG đều bắt nguồn từ cái Thường, Lạc, Ngã, Tịnh này.
Sự trẻ trung tươi mới đó là do đã chết đi cái con người cũ kỹ của vòng sanh già bệnh chết, đã chết đi cái bản ngã nặng nề hợp tạo bằng tham, sân, si, mạn, nghi, tà, kiến… và bởi thế, nỗi sợ hãi chết đi, sự quay cuồng lo lắng giữa được và mất đã chết đi, các tướng sanh diệt đã chết đi: “sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền”. Nói như một đệ tử trả lời thầy mình: “con hiện nay da dẻ đã lột sạch, chỉ còn nguyên một Nhất Chân”. Hay nói một cách văn vẻ như Trần Thái Tông:
Ai hay mây cuốn trời không tịnh
Bên trời núi biếc lộ nguyên màu.
Trong truyện Tây Du Ký, ở đoạn cuối cuộc hành trình, thầy trò Đường Tam Tạng đến một giong sông rộng chỉ có độc nhất một chiếc đò để qua. Khi qua đò cập bến, sắp bước lên thì Ngài Đường Tăng giật mình vì con đò không có đáy. Đang còn lưỡng lự, thì Tôn Ngộ Không đẩy Ngài lọt vào trong đò rồi tất cả leo lên. Ra đến giữa sông, tất cả thầy trò mỗi người đều thấy cái xác chết của chính mình từ thượng nguồn trôi xuống. Đoạn này diễn tả cái chết của phàm ngã mà Thiền gọi là “đại tử nhất phiên”. Con người cũ kỹ ngàn năm có chết đi, tâm phân biệt gây ra bao nhiêu tội lỗi có chết đi, thì mới đến được đất Phật, mới đến được bờ bên kia, bờ Niết Bàn mà Đại Thừa gọi là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Trong hệ thống Đại Thừa, sự giải thoát đạt được khi hành giả đạt đến Vô Sanh Pháp Nhẫn, chỗ tận cùng của việc học tập (Vô học), chỗ chấm dứt của mọi tụ tập (Vô công dụng địa). Địa vị giải thoát này còn gọi là Sanh địa, cũng gọi là Đồng Chơn Địa. Diễn tả một cách hình ảnh thì Sanh địa là chết đi con người sanh tử lầm than để sống lại nơi Niết Bàn Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Đồng chơn địa là đã chết mất con người già cũ hủ lậu để trở nên một trẻ thơ mới nguyên tinh khôi vô lậu của Niết Bàn.
Phẩm Thập Địa, Kinh Hoa Nghiêm diễn tả sự vượt qua, sự chết đi này như sau: “nếu như có hai thế giới, một thì tạp nhiễm, một thì thuần tịnh. Chặng giữa của hai thế giới này khó qua được, chỉ trừ Phật, Bồ Tát có đại phương tiện nguyện lực. Bồ Tát ở các địa cũng như vậy: Có tạp nhiễm hạnh, có thanh tịnh hạnh. Chặng giữa hai hạnh này khó vượt qua được, chỉ trừ Bồ Tát có đại phương tiện nguyện lực. Ở các địa trước, Bồ Tát biết lỗi lầm, tai họa của phiền não thế gian, vì ngự chánh đạo nên chẳng bị lỗi lầm của phiền não làm lây nhiễm, nhưng chưa gọi là siêu phiền não hạnh. Đến vô công dụng địa, hoàn toàn không bị ô nhiễm, mới gọi là siêu phiền não hạnh, vì đã vượt qua hết tất cả”.
Sự hoàn toàn không bị ô nhiễm, sự trong trắng tuyệt đối bất chấp ngũ trược của thế gian, đó là điêu mà chúng ta gọi là tính cách trẻ thơ vĩnh cửu của giải thoát. Trong Thiền tông, điều mà hành giả phải tìm kiếm trọn đời để chứng ngộ cho được là: “Đâu là khuôn mặt xưa nay của ông trước khi cha mẹ sinh ra?”. Chữ “bổn lai” trong thành ngữ “bổn lai diện mục” này gợi cho chúng ta một cái gì rất nguyên sơ, rât trinh bạch, cái tuổi thơ trẻ trung vĩnh cửu mà chúng ta bỏ quên dọc đường luân hồi sanh tử.
Tính cách trẻ thơ vĩnh cửu đạt được khi ý thức phân biệt chết đi, để cuộc đời là trường hoạt dụng của vô phân biệt trí. Chỉ có một trẻ thơ vô phân biệt như vậy, không ô nhiễm như hoa sen như vậy mới có thể hành động mà không vướng mắc vào 4 tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng. Độ thoát chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào để độ, không thấy có “cái ta” nào đang hành đạo Bồ Tát. Chỉ có một trẻ thơ thiêng liêng như vậy mới có thể du hý chơi đùa, vì biết rằng tất cả các pháp đều vô tự tánh. Chỉ có một trẻ thơ như vậy mới làm nổi trò chơi siêu tuyệt của đại thừa: không nắm, không bỏ.
Với một người đã chết đi con người xưa cũ nhiễm ô của mình, cơ cấu huân tập sanh tử đã bị tháo tung, thức đã chuyển thành trí, thì mới có thể giởn đùa với sáu thức mà không ô nhiễm:
Tổ Dược Sơn hỏi Vân Nham rằng: “Nghe nói ngoài cửa đông thành Quảng Châu có một tảng đá bị quan Châu dời đi, có thật không?”. Ngài Nham nói: “Không những quan Châu, mà hết thảy người trong nước dời cũng chẳng động” Tổ Dược Sơn lại hỏi: “Nghe nói ông biết giởn đùa với sư tử, có phải không?” Đáp: “ Phải”. Hỏi: “ Làm trò được mấy xuất?” Đáp: “Làm trò được sáu xuất” Tổ Sơn nói: “Ta cũng làm trò được”. Hỏi: “Hòa Thượng làm trò được mấy xuất?” Tổ Sơn nói: “Ta làm trò được một xuất”. Ngài Nham nói: “Một tức sáu, sáu tức một”.
Sau Vân Nham đến tổ Qui Sơn, tổ hỏi: “Có nghe trưởng lão ở chỗ Dược Sơn làm trò giỡn sư tử, có thật không?” Đáp: “Thật”. Hỏi: “Giỡn hoài hay có lúc dẹp bỏ?” Ngài Nham nói: “Muốn giỡn thì giỡn, muốn dẹp thì dẹp”. “Khi dẹp bỏ thì sư tử ở chỗ nào?”. Ngài Nham nói: “Dẹp hết, dẹp hết!”
Chỉ có một trẻ thơ thật sự như vậy, giải thoát như vậy, mới nói được như tổ Triệu Châu: “Trên dòng nước xiết, đá cầu”. Dòng nước này là dòng sanh tử, là “Thức A Đà Na vi tế, thường chảy như nước xiết”. Trên dòng nước xiết ấy là một đứa con nít đá cầu, chơi đùa như thế mà không bị ướt chân, đó là một hình ảnh đẹp đẻ của một trẻ thơ giải thoát vậy.
Tính cách trẻ thơ muôn đời, không bị nhiễm ô bởi phiền não, không bị di chuyển bởi thời gian, được Tế Điên Hòa Thượng diễn tả như sau:
Ta vẫn là ta tự thuở nào
Ai nhìn ta khác bởi chiêm bao
Khi là Hòa Thượng khi dân giả
Ta vẫn là ta tự thuở nào
Thiền sư Vạn Hạnh, vị quốc sư trực tiếp dựng lập đời Lý thịnh vượng kéo dài trên hai trăm năm, một người ảnh hưởng đến lịch sử như vậy, lại có cái nhìn thờ ơ với lịch sử, một cái nhìn vô chấp, vô trụ đối với thế cuộc, một cái nhìn y như trẻ con xây ngôi nhà cát trên bải biển, khi nào thủy triều ập vào đánh tan cũng được. Cái nhìn không chấp (được cũng được, mất cũng được) này mang tính chất thơ ngây thiêng liêng của bậc giải thoát, thơ ngây nhưng quả thực là đáng sợ đối với hàng phàm phu kiên cố chấp trước như chúng ta:
Tùy vận thịnh suy chi sợ hãi
Thịnh suy đầu cỏ hạt sương phô
Và ở đời Trần có một vị vua, hai lần đánh thắng quân Mông Cổ xâm lược, đưa đời Trần cực thịnh về mọi mặt, một người đã bỏ cả đời mình để tạo lập một phái Thiền độc lập của VN, đem cả đời mình để xây dựng Thiền, thế mà đối với người ấy, Thiền cũng chẳng có gì cả, chẳng có gì quan trọng cả: “Vô tâm đối cảnh, hỏi chi Thiền” .Người ấy là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.
Đó là những trẻ thơ thiêng liêng của đạo Phật. Các vị hoạt động trong nhiều lãnh vực khác biệt nhau, nhưng đồng một tính chất vô chấp, vô trụ nên không ngăn ngại lẫn nhau. Cũng như những trẻ em ở trần thế này, vào đêm Trung Thu thả một vầng trăng lồng lộng mà say sưa nhìn ngắm hoặc tụ họp múa ca, các vị cũng thả cuộc đời lợi mình, lợi người vào hư không mười phương thanh tịnh, như hình ảnh cuộc đời Huệ Trung Thượng sĩ trong bài tán thán của đệ tử Tông Cảnh:
Thiền Thầy ta, con quì(1) một cẳng
Giữa trời tay thả tâm như như…
(1) Con quì là con thú tối linh theo truyền thuyết PG đi chỉ bằng một chân.
Giác Ngộ số 19 PL.2535
Tri ân tác giả đã chia sẻ bài viết – TVHQ