Thân Nữ Nhi

Hôm nay là ngay Vu Lan, tôi không thể đến trước bàn vong của Ba đốt được một nến hương hay thấp được một ngọn đèn. Tôi chỉ muốn viết lại bài này để tưởng niệm người và đồng thời tôi muốn chia sẻ phần tâm sự này với những người đang có vấn đề không vui với cha me, những vấn đề đó có thể chỉ vì sự chênh lệch giữa hai thế hệ.

Hôm qua tôi vừa xem một điện ảnh Đường Sơn Đại Địa Chấn (After Shock). Phim này là một cự tác hiện đang chấn động thị trường điện ảnh tại Đông Nam Á. Câu chuyện tường thuật về những thành viên còn sống sót trong một gia đình sau trận động đất vào năm 1976 tại Đường Sơn tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Câu chuyện rất truyền cảm, lay động lòng người và đã đoạt đi rất nhiều nước mắt của khán giả.

Sau trận động đất của một thiên tai thảm họa, người mẹ trong phim phải đưa ra sự lựa chọn giữa đứa con trai và con gái sinh đôi, vì trong đống gạch đổ nát chỉ có thế cứu được một người. Sự lựa chọn trong 23 giây của người mẹ đã ảnh hưởng sinh mạng và số phận suốt 32 nằm dài của người con gái bị bỏ lại.

Tôi cũng đã đích thân mục kích về khóa trình giả tạo của sự chế phim, cho nên mỗi khi coi phim, tôi thường giữ được sự bình tĩnh trong nội tâm, và cố gắng không xen vào những cảm xúc của mình, để có thể chuyên chú vào nghệ thuật trình diễn của các diễn viên; kỹ thuật chế phim của những người sau màn ảnh; phong cách trình bày của người đạo diễn vv… Nhưng đêm hôm qua tôi đã bị mất ngủ, lòng xôn xao về câu chuyện cảm động của tuồng phim này. Sự cảm động đó không phải chỉ vì tôi bị xúc chạm về nỗi đau của những người dân xấu số; những dòng nước mắt của tôi bị lấy đi không chỉ vì những thảm trạng của thiên tai nhân họa. Sự đồng cảm đó một phần là vì tôi thương xót cho số phận bạc bẽo của đứa con gái bị ruồng bỏ trong phim nói riêng và cho những thân gái bạc phận sinh trong gia đình phong kiến nói chung.

Giọt lệ của tôi đã tuôn trào liên tục theo những dòng nước mắt của đứa bé gái khi nghe người mẹ quyết định bảo tồn sinh mạng của người em trai mà không phải là mình! Tuy sự lựa chọn đã trở nên vô tình và dã man, nhưng không ai có thể oán trách người mẹ vì hai đứa con đều là hai miếng thịt trong trái tim bà, trong những người thiệt hại, người đau khổ và ray rứt nhất chính là người mẹ… Nhưng tại sao sinh mạng của người con trai lại quan trọng hơn người con gái?

Trọng nam khinh nữ là một tư tưởng truyền thống và có thể nói là một lậu tập vẫn tồn tại trên thế giới, nhất là trong xã hội phong kiến thủ cựu của dân tộc Trung Hoa. Cho đến ngày hôm nay, tư tưởng phong kiến này vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người. Thường có câu ‘Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô’, nghĩa là: chỉ được một trai cũng có thể gọi là có, nhưng được mười con gái thì cũng như không. Con trai được chia gia tài, được truyền nghề trong gia tộc, được đưa vào trường học, được làm chủ trong nhà, được lập bàn thờ cúng cho tổ tiên ông bà … những quyền lợi mà xã hội thời đại cho là căn bản nhất của con người, hầu như chỉ dành riêng cho nam tính!

Vì sao? Chỉ vì một lý do: con trai sẽ là người nói dòng tiếp giống, là người giải quyết sự nguy cơ của tuyệt tự. Trong tự điển nho giáo, tuyệt hậu là tội đứng đầu trong chữ hiếu! Cho nên người ta phải tìm đủ mọi cách để sinh cho được một nam. Dưới chế độ chỉ được sinh một con bên Trung Quốc (one child policy), không biết bao nhiêu sinh mạng bị ủy diệt; trong mỗi phúc, mỗi giây, một bé gái vô tội đã bị rơi bỏ khi vẫn còn nằm trong bụng mẹ!

Tôi lớn lên trong một gia tộc truyền thống…  Mẹ tôi là vợ bé! Lý do Ba tôi có thể thuận lý thành chương, danh chánh ngôn thuận cuới mẹ về, chỉ vì người vợ lớn bị bịnh bất dục. Sau khi tôi ra đời và sau mấy lần sẩy thai của mẹ, không khí trong nhà trở nên rất căng thẳng. Nhưng sự căng thẳng đó đã được tan rã khi em trai đầu tiên của tôi chào đời.

Còn nhớ ngày đầy tháng là ngày vui vẻ nhất trong gia đình, Ba tôi đã đãi tiệc mừng rất lớn trong nhà hàng Đồng Khánh và đã mời hết bạn bè, bà con, láng giềng đến dự. Cho nên khi mẹ lại một lần thọ thai, ngoại tôi đã lặn lội tìm kiếm thầy thuốc bắc nổi tiếng để giúp mẹ sinh thêm một đứa em trai. Vì nghe đồn thuốc bắc có thể chuyển hóa bào thai nữ biến thành nam! Không biết có phải vì thuốc nhiệm mầu hay Phật Trời gia hộ, mẹ đã thành công sinh thêm một đứa. Từ đó hai người con trai đã trở thành trung tâm của cuộc sống trong gia đình.

Tuy vậy… từ nhỏ tôi vẫn rất diễm phúc được đối đãi tử tế, nhất là về việc học hành. Mẹ tôi vì nhà nghèo bị mất học, cho nên mẹ rất chú trọng về trình độ giáo dục và trí thức của con mình. Nhưng khổ thay, người học càng nhiều thì càng có tư tưởng mới mẻ như: theo đuổi chủ nghĩa bình đẳng, đòi hỏi nhân quyền, yêu cầu hợp lệ … trong lứa tuổi thiếu niên nhôn nhao thời trung học, tôi đã là một người đầy phản nghịch. Sự mâu thuẩn của tư tưởng giữa thời đại và phong kiến đã bày ra một đường hướng ảnh hưởng cả cuộc đời tôi.

Cha mẹ chị em trong gia đình tôi ít khi được gần gũi nhau, thật ra đây cũng là hiện tượng thường thấy trong xã hội tây phương ngày nay. Cho nên đối với tôi, việc trả hiếu cho công cha nghĩa mẹ mà tôi có khả năng thực hành chỉ là ‘dương minh thanh, hiển phụ mẫu’. Tôi thường làm những gì mà cha mẹ tôi có thể hảnh diện và tự hào về tôi trước bà con làng xóm. Từ lúc tuổi vị thành niên cho đến năm vào trường cao đẳng, tuy tôi không phải là ham học hay thông minh hơn người, nhưng tôi rất chăm chỉ và năng nổ trên đường học vấn.

Còn nhớ trong năm tốt nghiệp đại học, tôi vẫn biết ở đất Úc này, thành tích trong trường sẽ không ảnh hưởng nhiều về tương lai sự nghiệp, nhưng tôi rất gắn sức để lấy được bằng danh dự trong khóa tốt nghiệp của mình. Vì danh dự đó chính là một món quà tôi đã khao khát đem tặng cho cha mẹ từ lâu. Đến khi ra làm việc trong xã hội, tôi vẫn còn giữ lại những phong cách xông xáo này… Không ngờ những thói quen trong nếp sống đó đã đem lại rất nhiều tai họa cho sức khỏe…tôi đã bị lâm vào bịnh thần kinh suy nhược (depression) rất trầm trọng và cần phải trường kỳ phục dùng thuốc men chuyên trị bệnh tâm thần.

Ngày tháng trôi qua… Ba tôi ngày càng lớn tuổi và sức khỏe cũng gần như dầu cạn đèn tắt. Một lần mẹ kêu hết mọi người về nhà, vì sợ Ba sẽ mất đi năng lực nhìn nhận các con trong một ngày gần đây. Trong bốn chị em, tôi là người xa nhà sớm nhất và cũng là người ít gặp nhất. Ba tôi đã gắn hết sức nhớ lại tôi là ai, tên họ là gì, mấy tuổi, từ đầu đến? Trong giây phúc đó tôi cảm thấy ruột gan dường như bị cắt ra từng mảnh vụn. Đối với tôi, không sự đau khổ nào hơn là khi người thân yêu nhất trong đời không còn nhận ra mình là ai!

Một năm sau, ba tôi lìa trần… trước những ngày cuối cùng đó, Ba lúc mê lúc tỉnh và theo lời bác sĩ, Ba có thể kéo dài sinh mạng thêm một đôi ngày chỉ vì còn đang trông đợi những người thân trở về. Cả nhà đều cho rằng người đó dĩ nhiên là đứa con trai đầu lòng của Ba… Nhưng hỡi ơi, nguời mà Ba trong đợi chính là tôi! Khi vừa gặp lại lần cuối thì Ba ra đi im lìm trong giấc ngủ… khổ cho đứa em trai vẫn còn trên đường Hồng Kông trở về.

Nhìn lại những con đường đi qua của mình, tôi tự hỏi: lận đận hơn nửa đời người phải chăng chỉ vì muốn tranh dành lại địa vị của mình trong lòng của Ba; và phải chăng chỉ vì muốn chứng minh năng lực của đứa con gái đã làm cho Ba thất vọng khi chào đời! và phải chăng mình đang gào thét sự bất công cho thân phận nữ nhi bằng hành động của một cường giả!

Ba lớn mẹ hơn hai con giáp, tư tưởng giữa hai người đã tồn tại kẽ hở của hai thế hệ, hà huống là giữa Ba và tôi. Tôi không thể đòi hỏi một người sinh vào thời đại nho giáo, có thể tẩy rửa đi những tư tưởng cố cựu đã thấm nhuần và ăn sâu vào trong nguồn gốc dân tộc hơn ngàn năm lịch sử.

Hôm nay là ngay Vu Lan, tôi không thể đến trước bàn vong của Ba đốt được một nến hương hay thấp được một ngọn đèn. Tôi chỉ muốn viết lại bài này để tưởng niệm người và đồng thời tôi muốn chia sẻ phần tâm sự này với những người đang có vấn đề không vui với cha me, những vấn đề đó có thể chỉ vì sự chênh lệch giữa hai thế hệ.

Người Hoa thường nói: Chuyện khó xử nhất là chuyện nhà. Ai phải ai quấy có ai mà biết được!? Nhưng thân tình là một nguồn sức lực mạnh mẽ nhất để chúng ta giải quyết mọi vấn đề.  Hy vọng mọi người đều biết thương tiếc và yêu quý những sự vật nhãn tiền của hiện tại vì ngày mai có thể không bao giờ đến…

Ah Yin (Vu Lan 2011)