Chỉ cần chúng ta có một niệm từ, vạn vật sẽ trở nên tốt lành; chỉ cần chúng ta có một tâm từ, vạn vật đều sẽ vui mừng. Một niệm từ bi, sẽ không làm tổn hại vạn vật, vạn vật đương nhiên sẽ vui mừng; đem tâm thực hành hạnh từ bi, vạn vật được bảo hộ, đương nhiên sẽ cảm thấy hạnh phúc.
“Nhất nhân từ bi, chúng giai bạn lữ”, nếu như một người hành hạnh từ bi, mọi người đều trở thành bạn của người đó. “Vạn nhân từ bi, pháp giới nhất như”, nếu như mọi người trong xã hội đều có thể hành hạnh từ bi, thì thiên hạ sẽ trở thành huynh đệ thủ túc, tương thân tương ái lẫn nhau. Từ bi của Phật giáo không chỉ biết mỉm cười, ca ngợi mà có lúc từ bi cũng là thuyết phục một cách nghiêm khắc.
Khi chúng ta đến chùa lễ Phật, vừa bước vào cổng chùa sẽ nhìn thấy tượng Phật Di Lặc bụng to, miệng cười toe toét, ngồi ngay cửa chùa đón tiếp chúng ta một cách hoan hỷ, đây gọi là làm công việc nhiếp thọ từ bi; nhưng khi đi vào bên trong, phía sau Phật Di Lặc có một vị thiên tướng hộ pháp Vi Đà, tay cầm chùy kim cang giáng ma, mình mặc giáp sắt nhìn rất dũng mãnh uy vũ, đó chính là dùng từ bi vũ lực để nhiếp phục phiền não của chúng ta. Có người được sự khích lệ của từ bi trở nên tiến bộ, có người phải thuyết phục nghiêm khắc mới răn nhắc được. Giống như gió mát mùa Xuân, nước mưa mùa Hạ làm cho vạn vật sinh trưởng; sương buốt mùa Thu, tuyết lạnh mùa Đông làm cho vạn vật chín mùi, như trong Thiền Lâm Bảo Huấn đã nói: “Hú chi dựng chi, Xuân Hạ sở dĩ sinh dục dã; sương chi tuyết chi, Thu Đông sở dĩ thành thục dã.” Dùng lòng từ bi thương yêu để nhiếp hóa chúng sanh, điều này mọi người có thể dễ dàng hiểu được; còn như thế nào là dùng lòng từ bi vũ lực để nhiếp phục chúng sanh thì khó mà hiểu thấu được.
Hòa thượng Không Dã – người Nhật Bản khi ra nước ngoài hoằng pháp, đi ngang qua một con đường núi, bỗng có một bọn cướp núi hung nhãn cầm dao xông ra đòi tiền lộ phí. Hòa thượng nhìn bọn chúng, bất giác rơi nước mắt, bọn giặc nhìn thấy vậy cười lớn: “Tên Hòa thượng này thật là tham sống sợ chết.” Hòa thượng trả lời bọn chúng: “Bần đạo nghĩ đến các vị, trai tráng mạnh khỏe mà không làm việc lợi ích cống hiến cho xã hội, trái lại đi lập băng kết đảng cướp bóc của cải nhà người, tương lai chắc chắn sẽ bị đọa vào địa ngục chịu khổ, bần đạo vì nghĩ cho các vị nên mới rơi nước mắt.” Bọn giặc nghe được những lời nói từ bi như thế của Hòa thượng, cuối cùng đã dứt được tâm tham vọng sân hận, về sau tất cả đều trở thành đệ tử của Hòa thượng. Bất luận cường đạo thổ phỉ hung nhãn đến đâu, đứng trước lòng từ bi cũng đều được cảm hóa thành người hiền lương chất phác, sức mạnh của lòng từ bi quả là không gì không bạt nổi, không khó khăn nào mà không khắc phục được.
Pháp sư Hằng Thuận khi tọa thiền trước điện Phật, có một tên trộm nhẹ nhàng lẻn vào, tên trộm nhìn thấy trên điện Phật đặt một túi gạo cúng cho chư Tăng nhân pháp hội Vu Lan Bồn ngày 15 tháng 7, bèn vói tay nhón lấy, đang lúc định quay trở ra, bỗng Thiền sư mở mắt quát lớn: “Đứng lại!” Tên trộm hoảng kinh đứng im tại chỗ, đang lúc chưa biết phải xử trí ra sao thì nghe tiếng Thiền sư hỏi: ‘Ngươi lấy gạo của Phật, chưa nói lời cám ơn đã vội bỏ đi sao?” Tên trộm nghe nói thế, bèn quay đầu hướng về tượng Phật, hấp tấp thốt lên hai tiếng: “Cám ơn!” Sau đó vác túi gạo lên vai loạng choạng đi ra. Không lâu, tên trộm bị cảnh sát tóm được, sau khi hỏi cung, cảnh sát dắt tên trộm đến gặp Thiền sư Hằng Thuận hỏi: “Có phải người này ăn cắp đồ của chùa không?” “Không có.” Hằng Thuận điềm tĩnh trả lời. “Thiền sư, Ngài không nên giấu cho tên này, hắn đã cung khai hết với chúng tôi rồi.” “Người này quả thật có đến chùa lấy một túi gạo, nhưng anh ta không phải là ăn trộm, mà là mượn của Phật dùng đỡ, vì trước khi đi, anh ta đã nói tiếng cám ơn Phật.” Tên trộm nghe Thiền sư Hằng Thuận thanh minh dùm cho mình như thế, trong lòng rất cảm động, sau khi chịu hình phạt xong, liền đến xin xuất gia với Thiền sư và trở thành người tu đạo rất tốt.
Cuối cùng sức mạnh của lòng từ bi lớn như thế nào? Con người trên thế gian này, thân phận khác nhau thì sẽ có sức mạnh nương tựa khác nhau, như trẻ em lấy tiếng khóc làm sức mạnh: nó muốn ra ngoài chơi, nhưng người lớn không chìu theo ý, nó giãy khóc “wa wa” lên, người lớn không còn cách nào khác đành phải bế nó đi chơi. Con gái lấy sự nũng nịu giận dỗi làm sức mạnh: chỉ cần vợ nổi giận, thì chồng đã lúng túng không còn chủ định được nữa. Nhà vua lấy quyền thế làm sức mạnh; La Hán lấy sự tinh tấn dũng mãnh làm sức mạnh; Phật Bồ Tát thì lấy từ bi làm sức mạnh. Do có từ bi nên sức mạnh được phát huy, có thể khắc phục được tất cả những khó khăn của thế gian, thành tựu được tất cả công đức. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từ bỏ tất cả vinh hoa phú quý, vương vị quyền thế của thế gian, không có vũ khí, không có quyền lực, Ngài chỉ dựa vào một tấm lòng từ bi, vậy mà đã thâu phục được toàn cõi Ấn Độ. Đề-bà-đạt-đa tạo phản, nhờ lòng từ bi của Đức Phật nên ông đã ngoan ngoãn cúi đầu sám hối. Voi điên hung ác tàn bạo khi nhìn thấy dáng vẻ từ bi của Đức Phật cũng phải thần phục quỳ xuống trước mặt Ngài. Ương-quật-ma-la mất trí hiếu sát, nhìn thấy đức Phật từ bi, cũng đã buông đao xuống, nguyện quay về nương tựa bên Ngài. Do đây biết rằng, lực lượng mạnh nhất trên thế gian này không phải là vũ khí dao súng, càng không phải là quyền thế địa vị, mà chính là lực lượng của lòng từ bi. Lòng từ bi của Đức Phật đã khiến chúng sanh được bảo hộ an vui. Hiện nay, tư tưởng từ bi của Phật Đà hơn bao giờ hết đã hướng dẫn toàn thể nhân loại trên thế giới hướng về con đường lớn khang trang sáng lạn và hạnh phúc.
Trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều phiền não tham dục, sân hận, kiêu ngạo, sợ hãi khuấy nhiễu tâm của chúng ta, khiến cuộc sống chúng ta không được an vui. Làm thế nào để đối trị được những phiền não này? Một niệm từ bi có thể hóa trừ tham dục, Một niệm từ bi có thể hóa trừ sân hận, Một niệm từ bi có thể hóa trừ kiêu ngạo, Một niệm từ bi có thể hóa trừ sợ hãi. Như người có lòng dâm dục nặng, nhìn thấy nữ sắc, nên khởi lên tâm từ bi, xem người đó như là mẹ, là chị, là em gái của mình; người nữ nhìn thấy người nam, cũng nên xem đối phương là cha, là anh, là em trai của mình. Như vậy, lòng dâm dục tự nhiên sẽ không còn. Về phương diện tiền tài, cũng thường khởi lên suy nghĩ nên đem bố thí, giúp đỡ cho người một ít. Luôn giữ tâm từ bi hỷ xả, thì lòng tham dục làm sao có thể sinh khởi được chứ? Lúc tâm sân hận nổi lên, có thể quán tưởng tượng Phật Bồ Tát đại từ đại bi ở trong chánh điện, khi tâm từ sinh khởi thì lửa sân hận tự nhiên tắt ngấm. Khi tâm sân hận, tâm kiêu ngạo nổi lên thì từ bi là phương pháp đối trị tốt nhất, nhẫn nại cũng rất có hiệu quả trong trường hợp này.
Quốc sư Mộng Song có một lần đáp thuyền qua sông, đến nhà tín đồ làm Phật sự, khi thuyền đang rời bến, có một vị tướng quân hông đeo gươm, tay mang roi, đứng trên bờ gọi to: “Ê, đợi một chút, chở tôi đi với!” Mọi người trên thuyền đều lên tiếng: “Thuyền đã đi rồi, không thể quày đầu trở lại.” Quốc sư ôn tồn: “Chủ thuyền, thuyền vẫn chưa đi xa lắm, nên quay lại chở anh ta đi!” Chủ thuyền nghe một người xuất gia nói có tình lý như thế, bèn quay đầu lại rước vị tướng quân, ai ngờ vị tướng quân kia vừa bước lên thuyền, nhìn thấy có một vị xuất gia ngồi trong thuyền, liền vun roi đánh quốc sư mà rằng: “Tránh sang một bên, nhường lại chỗ ngồi!” Chiếc roi hùng hổ nện lên đầu quốc sư, máu rịn chảy ra ngoài, quốc sư không nói lời nào, đứng dậy nhường chỗ ngồi. Mọi người nhìn thấy cảnh như thế vô cùng sợ hãi, không ai dám lên tiếng. Thuyền cập bến, quốc sư cùng mọi người xuống thuyền, Ngài đến bên bờ sông, lặng lẽ rửa sạch vết máu khô còn đọng lại. Vị tướng quân lỗ mãng này cảm thấy có lỗi với quốc sư, liền đến trước mặt quỳ xuống sám hối Ngài. Quốc sư điềm nhiên bảo: “Không có gì, người có việc phải đi, lòng luôn nôn nóng như thế.”
Là sức mạnh nào mà có thể giáng phục được vị tướng quân kiêu ngạo thô lỗ này? Đó chính là sức mạnh của lòng từ bi. Sức mạnh của lòng từ bi có thể chuyển sân hận thành hòa bình, chuyển tàn bạo ra tốt lành. Đứng trước tấm lòng từ bi, đá cũng phải gật đầu, giặc cướp cũng rúng động tâm hồn.
Bát Nhã (dịch)