Hôm nọ về chùa, Thầy tặng tôi hai số báo Phước Huệ. Một mới một cũ, tập mới là báo xuân 2010 vừa qua, và tập cũ là số Phật Đản 2005. Đã lâu tôi không đọc báo của chùa, thậm chí những sách vở, tạp chí, báo chí Việt Nam tôi đã không còn tiếp xúc. Còn nhớ lại ngày xưa, tôi đã từng viết một bài rất ngắn, đề tài là ‘Những dấu chân mèo’.
Thầy nói nội dung dễ thương nên được đăng trên báo của chùa. Tôi vẫn còn nhớ những lời văn thô sơ mộc mạc của tôi và tình cảnh mà Thầy tôi đã sửa những dòng chính tả cho tôi. Tình cảnh đó mường tượng như vừa xảy ra ngày hôm qua, nhưng không ngờ thời gian đã trôi qua gần ba mươi năm dài.
Bìa sách bây giờ màu sắc hơn và giấy in cũng láng hơn. Nhưng khuôn mẫu và phong cách trình bày vẫn không thay đổi nhiều, nhất là những tác giả quen thuộc như Chúc Thanh và Đồng Minh. Cầm báo chùa trên tay, tôi cảm thấy rất là thân thiết, nhưng đồng thời lại cảm thương cho sự vô thường của thời gian.
Đúng là vật thị nhân phi, báo chùa vẫn như xưa nhưng người đọc thì đầu đã bạc, mắt đã mờ. Chỉ có một điều tôi biết là không bao giờ thay đổi: đó là văn chương của tôi, vẫn còn thô sơ mộc mạc như thuở nào, và Thầy tôi vẫn còn phải lụm cụm ngồi sửa bài cho tôi.
Hôm nay là ngày Mother’s day của người tây phương, tôi rất muốn viết lại bài này, hy vọng lại một lần được đăng lên báo của chùa vào mùa Vu Lan tháng bảy và đồng thời cũng là một kỷ niệm cho cá nhân tôi.
‘Những dấu chân mèo’ là một chuyện xảy ra lúc tôi còn nhỏ. Tôi còn nhớ rất rõ ràng chuyện xảy ra vào lúc mùa mưa tại Việt Nam…
Từ nhỏ tôi đã được đưa vào học tại trường tiểu học Thánh Tâm (tức nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn), một ngôi trường chuyên dành cho trẻ con của những gia đình người Việt gốc hoa như tôi. Hán ngữ dĩ nhiên là một ngôn ngữ chính trong khóa trình học tập và học sinh trong trường, từ lúc biết đọc và biết viết, chúng tôi mỗi ngày đều phải tập viết hai bản thư pháp chữ Hán bằng bút lông, một bản chữ lớn và một bản chữ nhỏ.
Bút lông là một dụng cụ viết chữ của người Hán thời xưa, đã gồm hơn ngàn năm lịch sử và đã được truyền sang các nước kề cận như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam vân vân. Đến nay văn hóa cổ truyền này vẫn tồn tại và đã được xem như là một nghệ thuật, một quốc bảo bên Trung Quốc. Viết chữ bằng loại bút này rất khó, viết cho đẹp thì càng khó, nhưng cho đến ngày nay mọi người đều phải công nhận, đó là một phương pháp luyện tập chữ viết công hiệu nhất. Cũng vì vậy, nên trường học người Hoa đa phần đều bắt buộc trẻ em tập viết vào lúc thuở nhỏ.
Nhưng tiếc thay cho những trẻ em trong trường, không ai thích dùng loại bút này cả! Dĩ nhiên tôi cũng không ngoại lệ, vì ngoài sự khó khăn trong việc sử dụng, mực đen có thể đem lại rất nhiều bất tiện và bê bối. Tôi cũng như những đứa trẻ khác, mỗi ngày chỉ viết cho có lệ mà thôi và đó thường là một việc làm giờ chót của tôi trước khi lên giường. Vào lúc mùa khô, khí hậu nóng nực, mực khô rất nhanh, nhưng vào lúc mùa mưa, mực lâu khô, nên tôi thường phải để bài viết trên bàn, phơi cho đến sáng.
Một hôm… khi vừa tỉnh giấc, tôi phát hiện bài viết và bàn học phủ đầy những dấu mực của chân mèo. Tôi chỉ tưởng đó là những chú mèo hoang đến tìm miếng ăn miếng uống. Trong phòng đương nhiên không gì hấp dẫn, nên tôi biết chắc chú mèo này sẽ không đến viếng nữa. Nhưng không ngờ dấu chân mèo lại xuất hiện. Đêm đó tôi đành phải khép cửa sổ lại…
Đến ngày hôm sau, khi trời vừa sáng và khi tôi đang còn lim dim trong giấc mộng, tôi đã nghe mơ màng tiếng kêu của một chú mèo, tiếng kêu rất dài và tôi còn nhớ đó không phải là tiếng kêu bình thường như những con mèo khác. Tôi liền mở cửa ra xem, thì trong lúc đó, một con mèo mun nhảy phóc vào phòng, động tác rất nhanh chóng, tôi chưa kịp nhìn kỹ thì chú mèo đã mất tông tích.
Đêm về tôi lại khép cửa, nhưng lần này tôi để lại một chén cơm trên hàng rào trước cửa sổ. Đêm đó, mưa tầm tã, thỉnh thoảng một vài tiếng sấm sét ầm ĩ đánh ngang bầu trời yên tịnh của màn đêm. Tôi bắt đầu nghe tiếng chó sủa, kế đó là tiếng ho của ngoại tôi, và tiếng khóc la của những em bé bên láng giềng… lẫn lộn trong đó, tôi mang máng nghe được tiếng kêu của một con mèo, một tiếng kêu rất quen thuộc.
Tôi liền mở toang cửa sổ ra… một chú mèo trong bóng tối nhảy thật nhanh vào phía tủ quần áo của tôi, hành động càng nhanh chóng hơn những lần trước. Bên ngoài trời đen như mực và mưa rất lớn, chén cơm mèo đã trở thành một chén nước. Tôi không biết chú mèo đã chờ đợi bao lâu và tôi càng không hiểu tại sao nó lại có một hành vi kỳ lạ như vậy, vì tôi từng nghe ngoại nói mèo rất sợ nước!
Tôi càng không thể suy đoán, phòng tôi có gì hấp dẫn đã làm cho chú mèo lưu luyến không chịu bỏ cuộc. Tôi bắt đầu tìm kiếm những dấu nước của chú mèo… thì ra nó đang ẩn núp trên đầu tủ đầy những bao quần áo cũ của tôi và bên mình nó, bốn con mèo con chưa mở mắt đang chen lấn say mê bú sữa mẹ.
Tôi rất cảm động và cảm thấy rất may mắn được chứng kiến một tình cảnh đẹp nhất của thế gian này. Tình cảnh đó đã in sâu vào trí nhớ tôi và sẽ không bao giờ phai mất được. Thời gian đã trải qua gần bốn mươi năm dài, chú mèo đã không còn tồn tại, nhưng hành vi của nó thật đáng cho người đời như tôi mãi mãi ca tụng. Ca tụng cho một tình thương thiên nhiên, một tình thương không ranh giới, không bờ bến và không cùng tận… đó là tình thương của mẹ.
Happy Mothers day
Ah Yin
10/05/2010 Melbourne