Hồi ức về cha

“Tình Cha ấm áp như vầng thái dương, ngọt ngào như nước xuôi đầu nguồn, suốt đời vì con gian nan, ân tình đậm sâu bao nhiêu, Cha hỡi! Cha già dấu yêu…”.

Không biết từ bao giờ, câu hát đã trở thành điệp khúc quen thuộc trong tôi. Cứ mỗi lần nhìn thấy ở đâu đó một chú công nhân trước khi vào ca phải đưa con đến trường, một anh lái đò mỗi ngày đưa con sang sông đi học hoặc bác xích lô phải còng lưng với những chuyến hàng nặng trĩu để kiếm tiền trang trải việc tiêu dùng trong gia đình và ngay cả việc học phí của con cái. Hay trên màn ảnh, trong sách báo viết về những mảnh đời bất hạnh: mẹ mất sớm, cha một mình hai trách nhiệm dưỡng dục và dạy bảo con cho đến ngày khôn lớn… thì hình ảnh người cha khả kính hôm nào lại hiện về trong tôi và ít nhiều những kỷ niệm tuổi thơ như một cuốn phim chậm đưa tôi về quá khứ.

Chuyện thì nhiều, nhiều lắm, tôi không sao nhớ nổi, song có những chuyện tôi không dám quên hay cho đến cuối đời cũng không thể nào quên được.

Tôi còn nhớ, năm ấy, tôi vừa học hết lớp 8, sắp sửa bước vào lớp cuối cấp của chương trình. Ở lớp này nhà trường quy định toàn thể nữ sinh phải mặc đồng phục áo dài trắng, quần đen – mấy năm qua, từ khi bước vào cấp hai tôi được kế thừa bộ đồ của chị Hai để lại để mặc đi học. Mùa nào cũng vậy, hễ đến nghỉ hè thì tôi giặt sạch cất kỹ, để đến ngày khai giảng đem ra mặc cho mới. Cứ thế kéo dài đến hôm nay. Sự thay đổi này làm cho tôi không ít dao động về con đường học vấn của mình. Bởi không riêng gì nhà tôi mà tất cả bà con năm nay ai nấy cũng đều than vắn thở dài, vì một trận lũ lụt đi qua đã cuốn đi hết những thửa ruộng đang gần kì gặt hái. Nhà nào cũng không có lấy một hạt thóc vào bồ. Cả nhà tôi đói no đều tùy thuộc vào gánh hàng cỏn con trên vai mẹ. Còn cây cuốc trên vai cha, ngày có ngày không, còn chưa bảo đảm được ngày hai bữa gạo. Mấy chị em tôi thì đứa nào cũng “ăn chưa no, lo chưa tới”, ngoại trừ cái việc “sai đâu đánh đó” thì chỉ biết nhảy dây với cò cò…, không ích lợi gì cho sự thiếu hụt của gia đình. Bây giờ lại thêm cái nạn “áo dài khăn đóng” này nữa, không biết lấy gì để mua sắm? Chắc là đã đến lúc buộc tôi phải âm thầm từ giã tuổi học trò. Nghĩ đến đó tôi bỗng thấy tiếc nuối ngậm ngùi và nảy sinh ý nghĩ so sánh với nhà của mấy bạn chung lớp; giá như nhà mình chỉ bằng một chút xíu của nhà Hoài Trang thì mình không đến nỗi phải khổ tâm như vầy. Nhà bạn ấy rất sung sướng. Mỗi ngày đi học bạn đều có người đưa đón tận nơi, ngày nào cũng bánh xôi đầy cặp, đối với mình mình không cần như vậy, mình chỉ có ước muốn nhỏ nhoi nhưng chắc là cũng không được rồi. Bởi nhà mình vốn là như vậy, như vậy… Chính thế mà chị Hai đã sớm rời xa mái trường để rồi trong chị bây giờ chỉ còn lại một chuỗi ngày trôi qua vô nghĩa.

Cứ quanh quẩn với những ý nghĩ ấy. Nét mặt tôi lúc thì buồn, khi thì chân mày chau lại, không làm sao qua được ánh mắt tinh vi của cha tôi đang ngồi chẻ lạt gần đó. Tôi bỗng giật thót người khi nghe cha gọi tên mình: “Nga! Cha thấy con có một thay đổi gì đó, từ cái bữa chiều liên hoan cuối năm hôm đó, con đi về với vẻ thẩn thờ và dường như con có khóc? Rồi từ hôm ấy đến nay, con cũng ít nói chuyện với ai trong nhà này, thật ra là sao vậy?”. Nghe cha tôi hỏi tự nhiên hai hàng nước mắt tủi thân càng chảy mạnh ra, nong nóng cả hai gò má và cổ họng thì nghẹn cứng lại không sao thốt nên lời.

Một lát sau, khi mọi vật trở lại bình thường, tôi khẽ đến bên cha thực lòng trình bày những thổn thức trong lòng mình. Sau khi nghe xong, đến lượt cha tôi trầm ngâm xa vắng. Từ lúc ấy trở đi cha tỏ ra ít nói, mà hay tư lự một mình bên chiếc ghế mây dưới gốc xoài cạnh nhà. Tôi không biết cha đã nghĩ gì và định làm gì, nhưng sáng mai lại bảo với mẹ là: “Tôi đi làm xa, nếu lâu thì trong một tuần lễ còn nhanh thì khoảng 2-3 ngày về. Bà ở nhà cố gắng trông chừng mấy nhỏ…” Thấy mẹ ừ ừ cho qua chuyện, xong cũng không khỏi thắc mắc: Từ nào đến giờ đâu có chuyện đi làm xa này, ông này hôm nay sao lại tỏ ra bí mật quá nhỉ! Nói thì nói vậy nhưng mẹ tôi rất bận bịu với công việc, không có thời giờ đứng đó thắc mắc lâu.

Hai hôm sau, cha tôi trở về trước sự ngạc nhiên của gia đình với nào là lỉnh kỉnh những bút mực, sách vở, quần áo và có cả thức ăn. Nhưng không hiểu sao vừa bước chân vào nhà, thoáng qua nét mặt cha, tôi thấy cha thật xanh xao hốc hác, tôi có cảm giác dường như cha đã làm một việc gì đó quá sức mình, nhưng tôi không thể nghĩ ra được gì. Còn mẹ tôi thì rất lo âu nên hết khuấy nước chanh rồi lại thoa dầu. Tôi nghĩ, có lẽ mẹ biết hơn ai hết, song tính mẹ rất kín đáo và tế nhị nên mọi việc không có gì là nghiêm trọng lắm. Mấy chị em tôi lo xoay vần bên đống hàng mới về. Vừa nhận thấy bộ đồ của tôi được gói cẩn thận trong một tờ báo, tôi vừa mừng vừa cảm động đến không cầm được nước mắt. Ngay lúc ấy, cha tôi cũng vừa kêu tôi: “Nga! đó là món quà cha tặng cho con, con hãy cố gắng học tập cho tốt! Nhà mình tuy nghèo túng thật, nhưng cha không nỡ nhìn thấy con đi con đường mà chị con đã đi, khi nào cha còn thở thì con cứ cắp sách đến trường”. Nghe qua lời cha, tôi bàng hoàng như người vừa tỉnh mộng. Từ lâu trong tôi bao giờ cha cũng là một người nghiêm khắc. Vậy mà hôm nay cha lại tỏ ra khoan dung độ lượng và lại ấm áp hơn bao giờ hết.

Tôi cố gắng học, nỗ lực hết sức mình để không phụ lòng cha mong mỏi. Cuối năm đó và liền những năm kế tiếp tôi đều đạt kết quả rất khả quan. Nhưng có một điều tôi mãi ôm ấp trong lòng là chiếc áo dài năm xưa cha tôi mua ấy, nó có một bí ẩn gì tôi chưa được biết. Bởi mỗi lần nhìn thấy tôi mặc chiếc áo ấy đi học mẹ tôi đều căn dặn thật kỹ: “Con nhớ giữ gìn nó cho cẩn thận nhé. Nó là một kỷ niệm khó quên đối với con đó!”. Lúc đầu nghe thì chỉ cho phớt qua, lâu dần câu nói làm tôi phải suy nghĩ. Mẹ tôi còn nói: “Chiếc áo dài này không đơn giản là vải vậy đâu”, tôi càng tò mò hơn nữa. Một hôm nhân lúc mẹ tôi vui vui, ngồi nhổ tóc bạc cho mẹ, tôi đem câu chuyện “áo dài” ra hỏi. Mẹ tôi nói: “Bây giờ thì con có thể biết vì con không còn đi học nữa, con sẽ không còn ray rức và chi phối về nó. Thật ra trước đây nhà mình rất nghèo túng mà thấy con lại hiếu học nên cha con đã dùng máu mình bán đi, kiếm chút tiền nong đổi lấy áo dài cho con mặc đi học. Vì sút máu hơi nhiều nên sau đó cha con mất sức mà bệnh một trận tưởng không qua khỏi, nào ngờ trời thương… rồi cha mẹ sợ con buồn, ảnh hưởng đến việc học nên đã âm thầm giấu kín”. Tôi như người vừa trải qua một cơn ác mộng. Tôi không dám tin đó là sự thật. Một sự thật của bốn năm trước mà như mới vừa xãy ra hôm qua. Tôi đã khóc, tôi cũng không biết vì sao mình khóc nhưng suốt buổi chiều hôm ấy tôi không sao cầm được nước mắt.

Rồi một lần khác, biết cha rất thích uống rượu, sau những buổi làm mệt mỏi. Nhưng cha lại ngại mẹ: một phần thì lúc trước cha đã hứa bỏ rượu, phần khác là sự thiếu hụt trong nhà nhưng tôi thì chẳng biết mô tê gì cả. Hôm ấy mẹ vắng nhà, thấy cha buồn buồn. Tôi lén trộm mấy ký gạo đổi rượu cho cha. Tưởng là việc mình làm sẽ được cha hưởng ứng. Nào ngờ được cha gọi vào nghiêm mặt dạy rằng: “Con nè! Cha rất thương con, vì ít nhiều con đã rất hiểu cha, phần nữa là con rất giống cha. Con đã vì thương cha mà làm cái việc ngoài sức mình. Lần khác con không nên như vậy, cha sẽ không khen tặng con đâu! Không phải cha không biết hưởng thụ mà cha uống hết bao nhiêu rượu này tức là một mình cha đã ăn một lần bốn bữa ăn của gia đình, cha nỡ nào nhìn thấy con mình đói kém”. Cha tôi lại nói tiếp: “Người ta ở đời hơn nhau là óc phán xét, còn thực sự hưởng thụ thì có ai hơn ai. Sau này con lớn lên sẽ hiểu cha nhiều hơn…”. Ngồi nghe cha nói tôi vừa cảm thấy quê quê, cũng lại vừa cảm thấy có lý sao ấy. Tôi ngầm thán phục cha vô cùng. Người đã vì sự dưỡng dục con cái mà đã hết lòng hy sinh đời mình, kể cả một chút gì đó dành riêng cho bản thân cũng không dám. Gần mười ba năm qua từ khi có mặt chị em chúng tôi trên cõi đời này, cha và mẹ phải làm rất cật lực mới đủ nuôi cả gia đình. Vậy mà kiếp nghèo còn không chịu buông tha.

Thế rồi ngày tháng như thoi đưa, mới đó mà tôi đã qua mười chín mùa thu cuộc đời. Tôi đã trưởng thành trước tuổi bởi cuộc sống gia đình khiến tôi phải sớm va chạm với đủ mọi thứ. Chính vì thế tôi đã chọn cho mình một hướng đi mà tôi cho rằng không thể nào lầm lẫn được. Ngay cả cha tôi cũng phải ngạc nhiên, bởi có hai lý do riêng mà cha tôi không tin tôi sẽ chọn con đường này: thứ nhất là tính tôi rất nóng nảy, bốc đồng và ngang bướng. Thứ hai là tôi rất kén ăn, sợ rằng không thích hợp với môi trường chay lạc. Khi nghe tôi xuất gia, Người cứ tưởng đó là do ham vui nhất thời. Cha tôi đâu nghĩ rằng con mình đã lớn, đã cảm nhận được cuộc thế phù hư và đã biết định hướng cuộc đời.

Sau này, mỗi lần về thăm quê, thăm cha mẹ già bên mái nghèo năm cũ, tôi thường được nghe cha nhắc: “Con cố gắng tu cho tốt nhé, đường con đi là con tự nguyện dấn thân…” Bằng giọng run run, Người cứ nhắc đi nhắc lại hoài. Đến ngày tôi từ biệt ra đi, Người còn đưa tôi ra tận đầu ngõ, đứng nhìn bóng tôi xa khuất rồi mới trở vào nhưng cũng không quên miệng vói theo: “Con lên trển ráng tu nhé!…”

Tuy vậy, quy luật cuộc đời vốn rất ganh tị với những bình yên của vạn vật. Nó thích xáo trộn cái vui với cái khổ, cái hạnh phúc với cái chua cay lại rồi cho đó là ý nghĩa. Nó không bỏ xót một vật nào dù cho nhỏ như con kiến.

Rồi một chiều cuối đông, tiết trời rất lạnh. Những chiếc lá khô còn lại cũng lặng lẽ lìa cành, nhường chổ cho những mầm non sắp đâm vọt ra để đón chào nắng xuân ấm áp. Trong lúc mọi người đang tấp nập lại qua sắm sửa bánh quà chuẩn bị ngày tết, trong lúc niềm vui sắp tràn ngập lên khắp quê hương, thì cũng chính là lúc màu trắng khăn tang sắp phủ trùm lên túp lều tranh hiu quạnh. Tin cha hấp hối làm cho tôi không còn thấy trời mây gì cả. Tôi có cảm giác đất dưới chân mình sụp lỡ hết và không còn một miếng để tôi bám lấy. Cái ngày khổ đau nhất, cái giờ khắc định mệnh sao quá vội vàng không kịp cho tôi chuẩn bị một chút nào. Tôi tức tốc lên đường hy vọng còn kịp để nói với cha lời cuối cũng như cha tôi đã gắng gượng đến phút sau cùng mong gặp được tôi mà cũng không sao gặp được. Đứng cạnh bên cha mà đã nghìn trùng xa cách, tôi chỉ kịp nhìn thấy gương mặt gầy guộc hốc hác của cha: hai gò má hóp lại, đôi mắt quầng thâm sâu hóm với nắm xương gầy khô đét sau một cơn bệnh ngặt nghèo. Tôi muốn có một bàn tay vô hình nào đó kéo sợi dây thời gian cho nó ngừng trôi để tôi kịp sám hối cha và trút cạn nỗi lòng thương nhớ. Nhưng sức tôi quá yếu nên tử thần đã nhanh tay dắt cha đi rồi.

Thế là hết, cha đã khép lại mấy mươi năm cuộc đời với tất cả buồn vui vinh nhục. Tất cả chỉ gói gém trong chiếc quan tài chật hẹp, rồi mai này người ta sẽ đưa cha ra ngoài tha ma đồng trống, để lại mái tranh nghèo này một mình mẹ già sớm hôm bên án hương trầm nghi ngút. Ôi! Cuộc đời thật bất công, thật tàn nhẫn!

Dẫu biết rằng đời là vô thường, các pháp hữu vi có sinh ắt có diệt và bài học ấy tôi đã đọc biết bao lần mỗi buổi sáng điểm tâm quá đường. Vậy mà tôi không sao ngăn được giọt lệ đau buồn khi tiễn cha về cõi vĩnh hằng bất diệt. Tôi đã khóc, khóc thật nhiều, khóc đến nỗi giọt lệ không còn là nước mà đã đóng băng trong tôi.

Đã năm năm trôi qua mà hình ảnh cái “ngày khủng khiếp” ấy không sao quên được trong tôi. Lúc nào tôi cũng cảm thấy mình có lỗi với cha. Tôi muốn sám hối và muốn nghe cha nặng lời trách mắng. Nhưng mà… cha đâu nữa?…

Mỗi lần về nhà, tôi chỉ biết âm thầm đến trước bàn thờ cha, cắm lên đó ba nén hương rồi đứng đó tự mình dày vò lấy những lỗi lầm của mình, mong rằng trong khói hương linh thiêng cha sẽ hiểu được và tha thứ cho tôi. Cuối cùng tôi tự sách tấn mình bằng câu nói của chính cha tôi khi xưa: “Con hãy tu cho tốt nhé, đường con đi là con tự dấn thân”.

TNDT.

Trích: Tập san Suối Nguồn 13