Có một chú tiểu muốn đi hóa duyên, chú đặc biệt chọn mặc một bộ y phục cũ rách.
“Tại sao con lại chọn bộ y phục này?” Sư phụ hỏi.
“Chẳng phải sư phụ đã nói không được chú trọng bề ngoài sao?” Chú tiểu có vẻ ấm ức: “Cho nên con mới tìm bộ y phục cũ rách này, với lại, mặc như thế các thí chủ mới thương tình mà cúng dường nhiều tiền.”
“Con đi hóa duyên hay đi xin ăn?” Sư phụ trừng mắt hỏi: “Có phải con muốn mọi người tội nghiệp mà cúng dường con không? Hay con mong muốn mọi người nhìn thấy con tuổi trẻ đạo cao, sau này có thể hóa độ được vô số chúng sanh?”
Kiên trì để sống, hay là phải sống cho đúng nghĩa.
Có một ngày trời thật nóng bức, hoa cỏ trong sân chùa hầu như sắp bị thiêu rũ.
– “Ui cha cha! Không được rồi, mình phải tưới cho chúng ít nước mới được!” Chú tiểu hô hoán lên và vội vàng chạy đi xách một thùng nước đến.
-“Đừng vội!” Sư phụ bảo: “Bây giờ trời đang nắng gắt, bên lạnh bên nóng gặp nhau, nhất định chúng sẽ chết, con đợi đến tối, trời dịu xuống hãy tưới.”
Đến khi trời chạng vạng tối, bồn hoa kia giờ đã trở thành “một chậu cỏ khô queo khô hoắc”.
-“Không cho tưới sớm, giờ thì…” Chú tiểu lầm bầm: “Chắc là đã chết mất rồi, dù có tưới bao nhiêu cũng không sống nổi.”
-“Đừng nhiều lời! Lo đi tưới mau!” Sư phụ ra lệnh.
Tưới nước xong, chẳng bao lâu, không những các đóa hoa đã rũ xuống giờ đều tươi tốt vươn mình khoe sắc trở lại, mà còn căng đầy nhựa sống.
-“Trời ạ!” Chú tiểu thán phục: “Bọn chúng thật cừ, ẩn nhẫn chịu đựng, kiên trì để sống.”
Sư phụ liền lên tiếng đính chính: “Không phải chúng kiên trì để sống, mà là chúng đã sống đúng nghĩa.”
-“Thế cả hai có gì khác nhau đâu?” Chú tiểu cúi đầu.
-“Đương nhiên là khác nhau rồi.” Sư phụ vỗ vỗ vai chú tiểu: “Sư phụ hỏi con, sư phụ năm nay đã hơn 80 tuổi rồi, như vậy sư phụ đã kiên trì để sống, hay là sư phụ đã sống một cách đúng nghĩa?”
Tụng kinh tối xong, sư phụ gọi chú tiểu đến trước mặt hỏi: “Thế nào rồi? Con đã nghĩ thông điều sư phụ nói chưa?”
-“Dạ chưa.” Chú tiểu cúi đầu trả lời.
Sư phụ gõ chú tiểu một cái bảo: “Con thật ngốc!” Người mà từ sáng đến tối chỉ biết sợ chết thì người đó tìm đủ mọi cách để được sống còn; người mà mỗi ngày đều nhìn thẳng về phía trước để sống thì người đó sẽ sống thật đúng nghĩa. Được sống thêm một ngày thì phải sống vui vẻ một ngày. Có một số người khi sống, vì sợ chết mà mỗi ngày đều lạy Phật dâng hương, mong muốn sau khi chết sẽ được thành Phật, những người đó chắc chắn sẽ không bao giờ thành Phật.”
Sư phụ mỉm cười nói tiếp: “Người mà kiếp này đáng lẽ có một cuộc sống thật tốt, nhưng họ không hề biết trân quý nó thì có lý nào sau khi chết, ông trời lại cho họ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn?”
Trời đất bao la, đâu cũng là đạo tràng.
Về sau, chú tiểu được lên làm trụ trì, lúc nào cũng ăn mặc rất là tươm tất, ngày ngày mang hòm đựng thuốc đến những nơi bần cùng dơ bẩn nhất rửa ráy, thay thuốc cho người bệnh, sau đó trở về chùa với một bộ dạng tèm lem tuốc luốc.
Chú tiểu giờ đã trở thành Đại Đức luôn tự mình đích thân đi hóa duyên, nhưng tay trái chú vừa nhận tiền vào, tay phải liền rút ra giúp đỡ cho những người đáng được giúp đỡ khác.
Chú ít khi ở suốt trong chùa, chùa chiền cũng chưa từng được xây cất rộng thêm ra, nhưng tín đồ đến chùa ngày một đông, mọi người luôn đồng hành cùng chú lên non xuống biển,đến tận những nơi hang cùng ngõ hẻm xa xôi.
“Khi sư phụ còn tại thế đã dạy tôi, hoàn mỹ chỉ có thể có tìm thấy ở tại thế gian này. Sư phụ còn bảo tôi, thanh tịnh chính là giúp đỡ cho nhưng người không thanh tịnh, khiến cho họ trở nên trong sạch. Sư phụ lại khai thị, hóa duyên chính là làm cho mọi người có thể nắm tay nhau, giúp đỡ lẫn nhau, khiến cho chúng sanh đều có thể kết được thiện duyên.” Vị Đại đức trẻ nói: “Thậm chí Chùa là gì, Chùa không nhất định phải ở trong rừng núi mà nên ở trong nhân gian. Nam Bắc Đông Tây đều là nơi tôi có thể hoằng pháp; trời đất bao la đâu chẳng phải là đạo tràng.”