Viết bởi Thích Nữ Chơn Hạnh
Đã từ rất lâu, người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng xem Nguyên Đán là một cái tết vô cùng quan trọng. Hằng năm, khi những cánh én báo hiệu mùa xuân về, khi những cánh mai vàng ngoài kia bắt đầu hé nụ là lòng người trở nên xao xuyến lạ kỳ. Người người hớn hở, nhà nhà nô nức đón xuân, những đóa hoa xanh đỏ tím vàng rực rỡ khắp phố phường, mọi sinh hoạt của con người lúc nầy cũng trở nên tưng bừng và sôi động hẳn lên.
Tết đến, mọi người gác lại tất cả những lo toan phiền muộn và bỏ qua những nỗi bực dọc của những ngày tháng cũ để chào đón năm mới với một tâm hồn thanh thản nhẹ nhàng. Người ta thăm viếng nhau, chào đón nhau, chúc tụng nhau bằng những lời tốt đẹp và trao cho nhau những nụ cười hoan hỷ, thân thiện làm cho không khí ngày xuân vốn đã ấm áp lại càng ấm áp thêm hơn.
Trong những ngày tết, nhất là ngày mồng một, mọi người hết sức cẩn thận lời ăn tiếng nói và hành vi cử chỉ của mình. Bởi lẽ theo họ, đây là thời điểm khởi đầu của một năm, và những điều tốt xấu trong năm ấy đều có liên quan và bắt nguồn từ ngày này của những lời ấy.
Nếu nhân gian xem Mồng Một Tết là ngày quan trọng như thế nào thì đạo Phật cũng xem ngày nầy quan trọng như thế ấy, thậm chí còn quan trọng hơn nhiều. Bởi vì với đạo Phật, đây không những là ngày đầu tiên của một năm mà còn là ngày đánh dấu cho sự ra đời của một vị Phật tương lai – Phật Di-lặc. Vì thế, với đạo Phật, mừng xuân mới cũng chính là mừng Xuân Di-lặc vậy.
Trong nghệ thuật tranh tượng của Phật giáo, ngài Di-lặc thường được mô tả theo một hình thức hết sức đặc biệt với cái bụng thật lớn và cái miệng cười thật tươi để nói lên rằng:
“Bụng trống năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ
Miệng lớn hay cười, cười những việc khó cười trong thế gian.”
Nụ cười của đức Di-lặc là nụ cười hoan hỷ bất diệt, tâm hồn của đức Di-lặc là tâm hồn bao dung không bờ bến. Và, không ai nhìn vào hình tượng của Ngài mà không cảm thấy lòng mình trở nên thanh thản nhẹ nhàng.
Thật ra không phải ngẫu nhiên mà tượng Phật Di-lặc được tạc theo hình thức như vậy, mà đây chính là thể hiện mong ước và tâm tư của đạo Phật trong việc đem nụ cười vào trong cuộc đời.
Cười chẳng có gì là khó, vì nó chẳng hao công sức cũng chẳng tốn bạc tiền. Nhưng, để có được nụ cười với những hiệu quả của nó đôi lúc lại là một việc không dễ dàng chút nào. Vì thực tế cho thấy, có người suốt ngày chẳng tìm ra được nụ cười dù đó chỉ là nụ cười gượng gạo. Lý do thật dễ hiều. Bởi lẽ, đôi lúc hoàn cảnh khiến cho tâm hồn con người ta trở nên khô cứng và vì vậy phải sống trong ầm thậm lặng lẽ để rồi dần đánh mất đi nụ cười.
Bảo rằng, cười sao được khi cuộc sống có quá nhiều lo âu phiền muộn, cười sao được khi biết bao đau khổ đang đè nặng trong tâm hồn. Nói một cách khác, con người ta chỉ cười khi trong lòng không có phiền muộn lo âu, ít có ai cười trong hoàn cảnh trái ý nghịch lòng. Và chính vì thế mà khiến cho cuộc đời càng trở nên mệt mỏi, căng thẳng và thật sự có những nụ cười mà trong đó là lệ chảy.
Cuộc đời vốn đã quá nhiều đau khổ và vì thế rất cần đến những nụ cười. Bởi vì nụ cười là cửa ngỏ của con tim, nó mở lối cho tình người xích lại gần nhau; nụ cười làm ấm lại một tâm hồn đang bơ vơ lạc lõng, nụ cười làm cho mọi người thông cảm lẫn nhau. Lại nữa, cười có thể làm giảm bớt sự căng thẳng của cuộc sống, cười có thể làm vơi đi nỗi bực dọc, đau khổ trong tâm hồn.
Cuộc sống là sự tương quan giữa người với người là sự tương quan giữa người và thiên nhiên vật loại. Và, thái độ sống của người nầy ít nhiều đều có ảnh hưởng đến niềm vui và nỗi buồn của người khác và cho cả thế giới thực vật nữa. Ai có thể vui được khi bên cạnh họ có một người đang âu sầu, buồn bã; ai có thể vui được khi bên cạnh họ có người đang gắt gỏng, giận hờn. Cảnh làm sao vui, khi cảnh ấy có người buồn. Ngược lại, cuộc sống sẽ trở nên vui vẻ hơn, bớt căng thẳng hơn khi mọi người biết cười và biết tặng nhau nụ cười hoan hỷ.
Nụ cười là nắng ấm mùa xuân, là đóa hoa tô điểm cho cuộc đời, làm cho cuộc đời trở nên đẹp hơn và thi vị hơn. Vậy thì tại sao lại không cười? Đành rằng những nghịch cảnh trong cuộc sống đôi khi khiến cho con người ta muốn cười cũng không thể nào cười được. Nhưng nếu có thể cười được thì hãy cứ cười.
Nhưng làm thế nào để luôn có được nụ cười? Đó chính là khi ta biết buông bỏ tất cả những ưu tư, hờn giận trong tâm hồn; khi ta biết cười tán dương cho hạnh phúc của người khác, và khi ta biết cười được những việc khó cười trong thế gian. Đức Di-lặc là người có nụ cười như vậy. Ngài là biểu hiện cho tâm hồn hoan hỷ, bao dung của con người. Cho nên mỗi lần xuân đến là mỗi lần hình ảnh hoan hỷ của Ngài lại hiện về như để nhắc nhở chúng ta rằng:
“Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cuộc đời như nước chảy trôi
Lợi danh như bóng may chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời”.
Đời người chẳng có bao nhiêu, vì vậy hãy sống cho có ý nghĩa. Để sống có ý nghĩa trước hết là phải biết cười và biết cho người cụ cười. Bởi lẽ nụ cười là chất liệu của yêu thương, là mùa xuân bất diệt của nhân loại vậy.■
Thích Nữ Chơn Hạnh
(Nguồn: TS. Pháp Luân số 47)