Quả Phật Thủ

Thánh Thủy dịch từ Anh sang Việt

Tên thuốc: Fructus citri Sarcodactylis

Tên khoa học: Citrus medica L. var. Sarcodactylis Swingle

Tên gọi thường: Tàu: Fo Shou, Nhật: bushukan, Anh: Finger citron, Buddha Hand citron, VN: Phật thủ

Cách dùng: Quả Phật thủ được dùng làm thuốc trong Đông y, hay chưng trong dĩa trái cây cúng Phật, hay dùng thay cho chanh hay bưởi trong công thức nấu ăn, và làm mứt. Cây Phật thủ cũng được trồng trong chậu kiểng thành bonsai.

Người Việt Nam gọi là Phật thủ tức là bàn tay Phật. Nhưng quả Phật thủ nhìn giống một con bạch tuột vàng với rất nhiều tay dài, hay giống những loại dưa biển hơn là bàn tay của Phật.

Cây Phật thủ hình dáng nhỏ không quá 1.8 mét; cành lá xum xuê và có những gai nhọn trên thân. Cây Phật thủ không chịu lạnh được. Lá dày tròn đầu, hình bầu dục, và hơi có khía ở vành lá. Lá non có màu phơn phớt tím, nhưng rồi đổi thành màu xanh mướt như lá chanh, bưởi, cam… Không biết rõ phát xuất từ đâu, nhưng được thấy trồng nhiều bên Trung quốc ở những vùng như Yunnan, và Zhejiang thuộc về phía nam của Thượng hải. Cây Phật thủ được mang qua trồng ở Hawaii và California bởi di dân vùng đông nam á. Hiện nay cây Phật thủ có mặt khá nhiều ở những vùng miền nam nắng ấm như Cali, Houston, Louisiana, Florida, v.v… nơi có đông người Việt nam sinh sống.

Hoa Phật thủ và những đọt lá non cũng bắt đầu bằng một màu tim tím dễ thương. Cả những trái non, chưa hình thành từng ngón tay cũng mang một màu tím đôi khi khá đậm tưởng chừng như là màu nâu vậy; khi lớn ra, chúng đổi thành màu xanh lá rồi từ từ ửng vàng hoặc vàng cam trông rất đẹp mắt vì nguyên cây Phật thủ mang nhiều màu sắc nhất là vào cuối thu đầu đông khi những trái Phật thủ bắt đầu chín từng giai đoạn khác nhau. Nụ hoa Phật thủ trở thành trắng nỏn nà và có mùi hương êm dịu – gần như mùi hoa bưởi, hoa cam, hoa chanh trộn lẫn với nhau. Cây Phật thủ chịu khí hậu trên đồi cao nhưng không lạnh lắm. Hoa nở hai ba lần trong năm nhưng kết trái nhiều nhất vào khoảng đầu thu.

Quả Phật thủ mang một màu vàng anh. Vỏ dày hơi sần sùi và hay bị nám. Chiều dài có khi hơn 1 gang tay và chỗ mấy ngón tay xòe ra rộng nhất cũng bằng cái đĩa ăn cơm. Một trái Phật thủ có thể chia ra cả 20 “ngón tay”. Vỏ màu vàng và có mùi thơm lâu dài đặc biệt gần giống như giữa mùi hoa mơ với hoa mộc lan vậy. Mùi thơm này tiết ra bởi chất beta-ionone trong vỏ và là một loại hóa chất thiên nhiên tìm thấy ở rất nhiều hoa quả. Bên trong quả Phật thủ chỉ có phần sốp trắng, không có tí ruột nào ăn được mà cũng chẳng có hột. Những quả còn nhỏ chưa chín thường được phơi khô để sắc thuốc. Vỏ vàng của trái chín cũng được dùng làm thuốc, hay nấu chè, làm mứt, hoặc dùng để thêm hương vị trong nhiều loại nước uống và cả những loại rượu nữa.

Phật thủ được ưa chuộng vì hình thù rất lạ lẫm và mùi hương thơm dễ chịu. Người Á Đông xem Phật thủ như một loại trái cây may mắn và mang lại tuổi thọ lâu dài. Người ta thường chúc thọ hay chúc Tết mâm hoa quả có trái Phật thủ, và cũng hay mang lên chùa cúng Phật. Chỉ có người Tây phương là chưa biết rõ công dụng của nó chứ Phật thủ đã được xử dụng ở Trung quốc từ khoảng thế kỷ thứ 10 qua những vị thuốc gia truyền còn ghi lại.

Từ trái non, trái chín, đến là và hoa đều được xử dụng trong nhiều thang thuốc bắc. Phật thủ có vị đắng, chát, chua, và thuộc vị ấm. Chất chua mang nhiều vitamin C, glu-cô-xít, dầu, và 1 tí xíu vị ngọt nên rất tốt để “rửa ruột” (detoxification). Cũng như cam, quít, bưởi, và chanh, Phật thủ giúp cho bộ phận tiêu hóa được nhẹ nhàng dễ chịu hơn, đồng thời tăng kháng tính của cơ thể, và điều hòa chất kiềm và chất chua trong người. Phật thủ nấu nước uống có thể làm giảm đau kinh nguyệt, hay phơi khô, sắc ra, chưng uống để hạ bớt cơn say vì rượu bia.

 

Tìm kiếm dữ liệu về quả Phật thủ bằng Google trên mạng đưa đến những món ăn khá hấp dẫn như mứt Phật thủ,nhiều loại bánh kẹo, nước uống và cả một loại rượu mạnh mang tên vodka Phật thủ nữa (http://www.hangarone.com/).

Cây Phật thủ được bán trong chậu kiểng loại bonsai, hay bằng cách ghép cành để trồng trong vườn tư gia ở những vùng ấm áp miền nam (giá cũng khá đắt, một cây con chừng 3 inch trong chậu 5 gallon để giá gần $70). Cây Phật thủ và nhất là những trái lạ đời sẽ làm cho bất kỳ ai trông thấy cũng ngỡ ngàng và hiếu kỳ muốn biết.

Đang lúc trong mùa, quả Phật thủ thường được bày bán ở những chợ Á đông, một vài chợ Mỹ hạng cao cấp, và những sập hàng vùng nông thôn mang ra bán bên vệ đường.

(Có một lần tôi thấy chợ HEB ở Texas có bán Phật thủ: nhiều người đến tò mò sờ nắn, ngắm nhìn, đưa lên mũi ngửi mùi thơm, nhưng không thấy ai mua cả, chắc họ chẳng biết làm gì với nó. Giá tiền cũng khá cao, nhất là cho một loại trái cây làm cảnh thôi không ăn được: có mình tôi bỏ tiền ra mua 1 trái – gần 18 đô-la… hihi. Thôi thì đem về treo lên kính chiếu hậu trong xe, hy vọng người ta không tưởng là tôi treo bàn tay người thật… ít ra xe tôi sẽ có mùi thơm ngào ngạt, và biết đâu đó tụi trộm cắp xe sẽ hoảng sợ mà không đụng đến xe tôi.)

Thánh Thủy (The Buddhist Translation Group)