Giai thoại giữa Thiền sư Đại Điên và Hàn Dũ

Đường Hiến Tông là một ông vua sùng tín Đạo Phật, đương thời từng cung nghinh xá-lợi của Phật vào cung để cúng dường. Một hôm, trong cung vào ban đêm bổng có ánh sáng rực rỡ lạ thường, sớm hôm sau tất cả quần thần đều vào triều chúc mừng vua đã cảm ứng được ánh sáng của Phật, riêng Hàn Dũ thì không một lời chúc, cho rằng đó không phải là ánh sáng Phật, chưa hết lại còn viết tờ tấu “Gián Nghinh Phật Cốt Biểu” để can vua, bài xích Phật là người man di mọi rợ (cho rằng chỉ tộc Hán mới tôn quí). Không ngờ, Hàn Dũ đã chạm phải lòng kiền thành đối với Phật Pháp của vua khiến vua nỗi giận, liền truyền lệnh đày Hàn Dũ đến Triều Châu làm thứ sử, khiến cho Hàn Dũ thấy càng uất ức không phục.

Bấy giờ, Triều Châu vẫn đang là vùng đất hoang vu chưa được khai hoang ở phương Nam, Thiền sư Đại Điên đã hành đạo ở đây và rất được chúng dân tôn kính. Hàn Dũ nghe đồn vùng đất này có vị cao tăng, nên đã cho người đến mời ngài về phủ đàm đạo cũng là để hỏi cho ra lẽ nỗi uất ức sâu kín trong lòng. Thế nhưng Hàn Dũ ba lần cho người đến thỉnh ngài đều ba lần về không. Thiền sư không hề có chút nễ mặt vị thứ sử này làm cho Hàn Dũ không mấy hài lòng.

Một hôm bỗng nhiên có người vào báo, thiền sư Đại Điên muốn gặp thứ sử Hàn Dũ. Lần này thì Hàn Dũ có cơ hội để làm khó trở lại. Ông cho người ra trả lời rằng mình không có tâm tình để gặp thiền sư và còn hỏi thêm: “Tại sao lúc trước ba lần mời thỉnh mà không chịu đến, bây giờ không mời mà tự đến là có ý gì?”.

Thiền sư Đại Điên đứng ngoài cửa trả lời với người hầu rằng: “Lúc trước ba lần mời mà không đi bởi không vì cái uy của thị lang. Nay không mời mà đến là bởi vì Phật quang.”

Hàn Dũ đứng trong nghe lời nói này như bị đánh trúng vào tim đen, vội vã chạy ra mời thiền sư vào. Hàn Dũ, mang trong lòng đầy những câu hỏi uất ức chưa được giải đáp đến nên chỉ muốn bái kiến thiền sư để mong có một lời giải thích thỏa đáng.

Hàn Dũ hỏi: “Lúc trước ta nói với vua không phải là Phật quang, điều đó có gì sai chăng?”

Thiền sư trả lời: “Không sai!”

– “Thế thì ánh sáng rực rỡ mà vua quan cùng thấy là ánh sáng gì?” Hàn Dũ nôn nóng.

Thiền sư đáp: “Ánh sáng đó là ánh sáng của chư thiên và long thần, họ đến để thủ hộ cúng dường xá-lợi Phật”

– “Vậy thì đâu là Phật quang?” Hàn Dũ hỏi tiếp.

– “Thị Lang!” Thiền sư bất giác kêu to.

Hàn Dũ ngẫn ngơ chưa rõ ý gì.

– “Ông còn thấy chăng?” thiền sư nói tiếp.

Một khoảng không im lặng. Hàn Dũ bất giác hiểu ra dụng ý của thiền sư. Từ đó, từ một người chống báng Phật giáo kịch liệt, Hàn Dũ đã trở thành một cư sĩ hộ pháp thuần thành nhờ trí tuệ hóa độ của thiền sư Đại Điên.

Lời bàn: Thực ra, gọi là Phật quang chính là “vô sắc vô tướng chi quang”. Ánh sáng chân thực của Phật vốn không hề có sắc tướng, không hề có một tướng trạng hay hiện tượng nhất đinh để có thể nắm bắt hoặc nhận biết qua cái cảm quan nhận thức của chúng sinh. Muốn biết Phật quang là gì thì hãy rời xa mọi sự chấp thủ của sự phân biệt đối với mọi sắc tướng. Đến lúc đó sẽ tự nhiên thấy đâu là Phật quang!

TT. Sưu tầm và lược thuật

(Theo truyện phật giáo Trung Hoa)