Trời thu trong vắt, nắng rực. Đường qua miền đất đỏ, mù mịt bụi. Rốt cuộc Ngộ Đắc cũng về đến chùa Thầy Tổ, mất cả ba tiếng đồng hồ. Đường về thấy ngán, chứ tới rồi lại vui.
– A-di-đà Phật, bạch sư phụ con mới về.
– Hả, sao nhanh vậy? Chưa nhắc Tào Tháo mà Tào Tháo đã tới? Bộ hết tiền rồi hay sao về sớm vậy?
– Dạ không phải! Bạch sư phụ, con còn tiền xài. Nhưng trường cho nghỉ một tuần, con xin về chơi vài hôm.
– Về xin tiền coi bộ tốt hơn lý do đó! Con đi học, ở chùa người ta quanh năm suốt tháng chẳng phụ trợ gì, nghỉ mấy ngày, coi giúp người ta chút chuyện chùa chiền, hở ra là về chùa….
Ngộ Đắc không ngờ vừa về tới đã bị sư phụ quở cho một chập. Nhưng nói thế thôi, Đắc vốn là đệ tử cưng mà, so với chư huynh đệ, tương lai Ngộ Đắc có lẽ sáng nhất. Là đứa trẻ được sư phụ lượm ở cổng chùa khi chưa đầy tháng, gởi cô nhi viện nuôi tạm đến 4 tuổi, sư phụ lại đến rước về cho xuống tóc. Xét theo thâm niên tu hành, lý đáng Đắc là đại sư huynh, nhưng xét theo tuổi đạo, Đắc xếp hàng thứ bảy. Song, sáu vị đứng trên Đắc thì đã sao? Ai bì nổi sự thông minh, tài trí của thầy Đắc, luận về học vấn càng cách xa. Xét ra, ngôi Già lam này có được phát huy hay không phải nhờ một tay thầy Đắc. Thế nên Ngộ đắc cảm thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn. Đắc không hề khinh rẻ quý sư huynh kém cõi hay chê bai đàn em, chỉ âm thầm hiểu được vị thế của mình mà phải tự trao dồi, nổ lực. Có lẽ sư phụ và quý Phật tử cũng nhìn nhận điều đó, cho nên mọi sự hỗ trợ hầu như đều hướng đến Ngộ Đắc, khiến thầy sanh ra lo lắng nhiều hơn vui mừng. Sư phụ khi nãy rầy thế, chứ lòng không hẳn, có lẽ Ngài cũng mong Ngộ Đắc có dịp rảnh về vài ngày. Một là để cho đệ tử có thời gian nghỉ ngơi ở chùa thầy tổ, hai là sư phụ có cơ hội quan sát ông “quý tử” một chút, xem phong cách chuẩn chưa, tâm tư sáng không…. Thầy Đắc rất ngán bị lão sư thẩm tra, nhưng lại thích về chùa, vì mỗi khi về, gặp đại sư huynh tán gẫu, hay nhị ca, tam ca gì cũng hứng khởi cả: Chừng nữa lạng trà thơm, mấy huynh đệ có thể ngồi tới sáng, khi đó Đắc tha hồ chiết giải văn tự, thao giảng Phật Kinh, triển khai sở kiến từ các học thuyết cổ đại cho đến thời sự hiện đại .v.v… Thôi thì quý anh ngồi nghe chẳng biết chán. Lúc ấy, thầy Đắc cảm thấy vừa hảnh diện, vừa ấm áp! Trong tất cả các cuộc nói chuyện với chư huynh đệ, họ luôn có một sự lãnh hội và chia sẽ thân tình, khác với mấy khi thầy thuyết giảng trước số đông tín chúng, cứ lo sợ sơ suất, lại phải tùy pháp hội, căn cơ của người nghe, nên ít khi được cởi mở tận tình. Nếu rảnh rỗi hơn, cùng mấy chú nhỏ đánh vũ cầu, đá banh, những trò chơi mà ở thành phố ít có cơ hội.
Tắm rửa xong, thầy Đắc không dùng tiểu thực theo chúng mà đi ngay ra cốc đại sư huynh. Giờ này, lão ấy hẳn ở nơi đó, vì ông ta chẳng ăn chiều. Phải sớm đến trình diện kẻo lão không biết mình có mặt, đi lên trên thiền thất đóng cửa thì uổng một đêm không được tao ngộ! Nhưng cửa cốc đang đóng. Quái! Lão đi đâu? Tìm trước không thấy, sau không thấy, hồ sen không thấy, vườn kiểng không thấy… Thầy Đắc hơi thất vọng, có lẽ hôm nay không gặp được đại huynh, thôi sang thăm lão tam, lão tứ, nhân tiện “đàm đạo” bên ấy cũng vui. Cốc của quý vị này cất ngoại biên tự viện, từ chỗ của Đại sư huynh sang tới đó phải qua mấy ngôi tháp lớn, có các cây xoài, hàng sao lâu năm, cảnh thật u nhã, ấn tượng. Sang thăm các huynh ấy, quyết định như vậy đi! Thầy Đắc rảo bước hướng về cốc lão tam, lão tứ.
– Mới hay…lạc bước…cõi hồng trần…
Công danh… tài lợi ….cảnh phù vân…
Lảng bảng… tình đời… duyên lai thế…
Lênh đênh… thuyền ái …nợ oán ân…
Lầm lũi đi đâu… này tiểu tử …
Trăm năm… đại mộng… còn chưa tỉnh…
Truyền kiếp …luân hồi … mãi lần khân….
Nấu cát …. tìm cơm … một kẻ đần….
A! Thì ra Đại huynh đang ở đây, lão ta đang nằm dưới chân tháp của Tổ khai sơn và hát nghêu ngao kìa.
– Thầy Ngộ Minh! – Ngộ Đắc mừng rỡ gọi giật giọng.
– Ai kêu tui đó!… Tui… hỏng có ở đây! Ngộ Minh cầm quyển sách đang kê dưới đầu, vừa trả lời, vừa đậy mặt lại.
– Anh cả, anh cả, thôi đi mà! Tui tìm thầy từ nảy tới bây giờ đó. Em út mong gặp đại huynh mà đại huynh làm mặt lạ vậy? Có gì đổi thay sao?- Ngộ Đắc vừa ra vẻ thiết tha, vừa ra vẻ giễu cợt sư huynh mình.
– Có, có đấy. Cách đây một giờ ta khác, bây giờ khác. Chú nói đi, thăm ta có mục đích gì? – Ngộ Minh làm ra vẻ nghiêm chỉnh trầm trọng.
– Uống trà tán gẫu thôi mà.
– Được thôi, mỗi bình trà tính 10 ngàn, trong lúc nói chuyện, hễ thầy hỏi tui trả lời tính 2 ngàn một phút, còn thầy kể chuyện cho tui nghe tính 20 ngàn một phút.
– Anh cả học đâu ra cái thói sòng phẳng quái đản vậy?- Ngộ Đắc hỏi chế giễu.
– Cái gì là quái đản? – Ngộ Minh làm ra vẻ khó chịu
– Nếu tui hỏi, coi như tui là người tư vấn, phải trả 2 ngàn thì hợp lý. Ngược lại, tui nói, thầy nghe, thầy lại bắt trả 20 ngàn, gọi là tiền gì?
– Tiền công nghe!
– Tui không thèm nói!
– Ta cũng đâu có cần nghe!
– Nhưng….. – Ngộ Đắc toan cãi
– Sư đệ, sư đệ- Ngộ Minh vuốt ngọt- Kiến thức Phật học là muôn vàn không sánh nổi. Nhưng với những người không cầu học, không muốn cầu học thì đừng cố trao truyền. Hoặc cố công hóa độ cũng phải tùy duyên. Ngoài ra, nếu không vì mục đích hoằng pháp mà nói, chỉ vì thỏa tính ham danh, lắm lời của mình, chỉ để khoe khoang kiến thức, phô trương ưu thế học vấn của với người đối diện thì… phải bỏ tiền ra mướn họ nghe mới đúng chứ!
Ngộ Đắc cười xòa, dĩ nhiên thầy biết đại sư huynh muốn nhắn nhủ một điều… nhưng có lẽ không nhằm vào thầy Đắc. Huynh đệ họ hay nói bóng nói gió về tình trạng cuộc đời, về tâm lý con người nên rất ăn ý cách “trực chỉ nhân tâm” kiểu “thẳng mực tàu đau lòng gỗ” như vậy. Mặt khác, thầy Đắc tuy tuổi trẻ, nhưng từ nhỏ sống bên sư phụ, nhân cách phảng phất nhiều nét giống lão sư, hành xử cẩn trọng và mềm mỏng, hoạt bát nhưng không phô trương, cân nhắc nhưng không xét nét, tài năng nhưng chẳng lộ tính ham hố kiêu kỳ. Cố nhiên câu nói trên của đại sư huynh không nhằm vào thầy Đắc.
– Đệ chấp nhận, nhưng còn việc tính tiền bình trà 10 ngàn? – Đắc hỏi vặn lại.
– À, cái này, trong nhân gian thường nói: cái gì cũng có cái giá của nó!- Vừa nói, Ngộ Minh vừa nháy mắt ra vẻ giễu sư đệ.
– Thầy định trần tục hóa cách tiếp đãi đệ sao? Học theo thói đời hồi nào vậy?
– Không, không hề. Đệ đừng khinh thường tui quá vậy, tui không sao chép cách đối đãi thế thường đâu. Học trong kho tàng ứng xử của Phật Giáo đó- Ngộ Minh phân trần.
– Thầy đừng nói là kinh Phật dạy nghen, Diêm vương mời thầy tức thì đó.
– Ậy, đừng rủa huynh tội nghiệp, không phải trong kinh nhưng có trong bộ truyện nổi tiếng của văn học Phật giáo.
– Bộ nào mà quái vậy?
– Tây Du Ký, vừa mới đọc lại, và vừa mới… ngộ ra lý đó- Ngộ Minh đáp gọn
– Hả… đừng làm đệ ngọng chứ!
– Không đâu, đệ có xem đoạn Tam Tạng đổi bát thỉnh kinh có chữ không? Đệ coi, ngay Phật Quốc, người ta vượt bao nạn tai, vạn dặm khổ sở đến nơi thỉnh Kinh, lòng cao như núi Tu Di, chí quyết xả thân vì Pháp. Thế mà đành đoạn cho thỉnh kinh không có chữ. Cuối cùng phải… biết điều, đành trao bát vàng mới thỉnh được kinh có chữ. Làm như vậy chẳng lẽ Phật Tổ không biết, cũng không bắt tội, theo ý ngu huynh, có lẽ mọi lối hành xử trên đời này, muốn xuôi buồm thuận gió như ý đều phải dùng luật “Biết điều” cả!.. luật này e rằng thành… chân lý rồi!
– Kha…kha……….
– Kha… kha……
Cả hai huynh đệ phá lên cười ngặt nghẽo. Như trên đã nói, họ rất quen cách dẫn chuyện theo lối “thẳng mực tàu” như vậy.
– Nếu thầy ưng như thế, đệ không dám nói nhiều. Nhưng cho đệ nói một câu thôi, huynh đừng giận nhé.
– Phật dạy không được giận dù trước lời khen hay tiếng chê, người tu phải đạt đến trình độ “Bát phong xuy bất động”, đệ cứ tự nhiên nói.
– Huynh thô lậu quá!- Ngộ Đắc vừa buông lời vừa cười vang và cất chân chạy.
– Mồ tổ nhà mi, chẳng lẽ ta mắng đến tiên, nhơn, sư, cha, cao tằng cố tổ mi chứ! Đứng lại – Ngộ Minh vừa mắng vừa rượt đuổi
– Ế..ế, một là không sân, hay là không vì sân mà dùng lời ác khẩu mắng chửi người, ba là chửi … cao quá! Coi chừng huynh với đệ chung đầu ông tổ đấy!
Nói xong,Ngộ Đắc dợm chân ra vẻ chạy tiếp, nhưng Ngộ Minh vẫn cứ đuổi tràn, Ngộ Đắc không dám chạy liều, sợ sư huynh giận thiệt, nên đứng lại. Không ngờ Ngộ Minh tóm được liền nện cho một hơi, tuy không đau nhưng cũng không thoát khỏi được cái tay khóa như gọng kiềm của lão, túng thế, Ngộ Đắc xuống nước:
– Chịu thua anh cả rồi, thua rồi mà. Cho đệ xin sám hối!
– Cái gì, sám hối cái gì? – Ngộ Minh hỏi lại
– Thì tui nói Thầy thô lậu đó!
– Chứ không phải sao mà còn xin lỗi? Ngươi không xin lỗi ta, ta chỉ đánh cái tội dám mắng ta. Còn mi xin lỗi ta đánh tiếp vì cái tội không có lập trường, không có chí khí! Nói một câu “biết điều” xem, nói được thì ta tha…
– Được rồi, được rồi, đệ đãi huynh trà bánh xôi đậu gì cũng được, tha cho đệ đi!
– Không khế hội rồi, không tha!
Ngộ Đắc không biết nói thế nào cho phải, đành đứng chịu đòn. Nhưng Ngộ Minh không “dần” nữa. Buông sư đệ ra, lão ngồi xuống bên chân tháp, thởû dài nói:
– Xem ra nhà người đi học tám chín năm trời, chỉ được cái từ chương!
Im lặng giây lâu, Ngộ Đắc như thấm thía lời của đại sư huynh, lòng nghe chùng xuống. Rõ ràng, bao tháng ngày qua, học và cố nhớ, câu móc liên đới các vấn đề, Ngộ Đắc có thể thao thao bất tuyệt trên bục giảng, nhưng về đây, đại sư huynh bảo nói một câu phải lẽ, không thốt nên lời, thậm chí không hiểu được thâm ý của huynh nữa, gẫm mình cách Đạo còn xa, bất giác thở dài.
Thấy sư đệ ra vẻ thẩn thờ, Ngộ Minh an ủi:
– Tiểu tử, đừng ngớ người ra nữa. Ngày kia đi, sư phụ cho tiền lên trển xài, nhớ chia ta phân nữa gọi là phí tư vấn, ta nói cho nghe.
Ngộ Đắc chỉ cười buồn, nói:
– Tôi muốn có thời gian suy nghĩ.
– Không nên, tiểu tử ngốc! Đạo trước mắt, không là không, nghĩ cũng hoài công, lòng ngươi đa đoan, đâu kham công án mà nghĩ!
– Thầy có thể bây giờ nói ra – Ngộ Đắc hỏi.
– Khi ta đánh ngươi, nói ra mi vĩnh viễn oán ta. Ở đây ta chỉ nói chuyện trao bát vàng đổi kinh. Này nhé, Khi chưa trao bát vàng ra, lúc đó chỉ thỉnh được Vô Tự Kinh. Nhưng Ngài Tam Tạng lúc rơi xuống nước, kinh sách bị ướt, mở ra phơi mới thấy kinh không có chữ liền đem đổi lại. Lúc đó, Ngài Tam Tạng phải trao ra bát vàng, đem được kinh có chữ về. Sau này, người ta nói kinh không có chữ là kinh độ sanh, còn có chữ là độ tử. Như vầy nhé, Niết Bàn vốn vô tướng, làm gì có từ ngữ để chỉ được thể của Phật Tánh, nhưng Kiến Tánh tức vô sanh, giải thoát. Cho nên Đức Lục Tổ nói: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, đây là ý nghĩa của “Vô Tự Kinh” là kinh độ sanh, nếu ngộ thì ngay nơi đời này “liễu sanh thoát tử”. Vô tự, vì “Vô Tướng Đối”, cho nên không cần có gì để trao đổi là muốn diễn tả nghĩa này. Như Lai Tạng Tâm vốn bất sanh bất diệt, vô khứ lai, không đối đãi. Ngược lại, về phía kinh có chữ, hình ảnh rơi xuống sông chỉ cho chúng sanh trầm luân, trong cõi trầm luân ấy, họ dùng mắt thường, trí năng của con người để đi tìm chân lý, khi đó phải có pháp để hiển bày, tức là con đường hữu tướng, mà hữu tướng thì có đối đãi, phải đem pháp cầu pháp, chẳng hạn như đem bố thí để độ xan tham, lấy tinh tấn để trừ giải đãi …. do đó phải trao bát vàng để đổi Hữu Tự Kinh. Còn nói đây là kinh độ tử, vì đi trên hữu tướng phải nhìn theo lối nhân quả: có thiện ác, có tội phước, có sanh tử, có luân hồi. Khi con người ta đã nhận thức được tướng trạng thế gian theo cõi hữu tướng rồi, Phật Pháp hình thành tướng Pháp đối đãi: có tứ đế, có nhân duyên để hoặc định hướng pháp, sau đó lập ra pháp tu để đối trị …. “Vô Tự Kinh” là “Đốn siêu phương tiện”, trong khi “Hữu Tự Kinh” lại phải hiển bày tám vạn bốn ngàn pháp môn.
– Nhưng khi khiếu nại đến chỗ Phật Tổ về việc Ngài Huyền Trang trao bát vàng cho Đức A-nan, Ca-diếp để đổi lấy kinh, Đức Phật lại bảo: “Khi trước, có người mời đệ tử ta đến tụng một bài kinh, liền cúng ba thúng vàng cốm….nếu không như vậy, đệ tử Ta đời sau lấy gì mà ăn?”. Ở đây mang nghĩa gì? – Ngộ Đắc hỏi
– Trước tiên, cứ theo nghĩa đen mà suy, vô lượng vàng bạc của báu không thể sánh được với Pháp Giải Thoát. Điều này sư đệ tìm trong Kinh Kim Cang. Muốn cầu pháp, phải có sự hy sinh và biết trọng pháp. Cũng theo nghĩa đen này, hàng xuất gia đem pháp độ nhân sinh, phải biết giá trị của pháp mình truyền trao để trao cho người hữu duyên, hữu phước, thiết tha cầu, đại để là hình ảnh người có vàng muôn, bạc lượng dám bỏ ra để đổi lấy pháp. Đáng truyền thì cho không! Không đáng thì khó được! Nếu truyền khinh suất…. Đói ráng chịu!
– Chữ đói sư huynh nói ở đây là….Ngộ Đắc hỏi nhưng còn lấp lửng
– Là đói! Đói bỏ mạng mi đấy!
Ngộ Đắc phì cười, tuy cười, nhưng thầy không khế hội nghĩa này, Đắc sợ nói ra lại bị quở ngay, liền hỏi sang ý khác:
– Ai chắc là đại sư huynh nói đúng ý, thầy đâu phải là tác giả bộ Tây Du! Lỡ như chuyện Thiền Sư Đậu Hủ thì sao? Kẻ bán đậu hủ nói rằng “một” miếng đậu giá “hai” đồng, người kia lại nghĩ “nhất” như- “nhị” đế, ai dám chắc Tây Du không có ý châm biếm, sư huynh đâu phải là Ngô Thừa Ân?
Đại sư huynh nhìn Đắc và nở một nụ cười khó hiểu. Trước ánh mắt ấy, Đắc thực sự lúng túng…. Cả hai im lặng giây lâu, chính trong im lặng, họ nghe tiếng quạt phe phẩy bên tháp, thì ra có người thứ ba dự nghe câu chuyện từ nãy giời. Người đó là ai?
Cả hai đứng dậy lễ thầy, sư phụ cười nhẹ, cũng lại nhìn Đắc, sao ánh mắt của sư phụ và sư huynh giống nhau đến thế…. Đắc khựng người! Hồi lâu kham chịu, Đắc đánh liều hỏi:
– Sư phụ…. đại sư huynh nói thế có đúng không? –
– “Tâm tịnh thế giới tịnh”, tùy theo mình đem tâm nào để nhận xét, sự lãnh hội sẽ theo tâm đó mà hiển bày! – Sư phụ ôn tồn trả lời
– Còn từ “Đói” của đại sư huynh, có phải là đói pháp hay là nghĩa đói bình thường? Còn nghĩa bóng của nó nữa.
– “Nam nhi tự hữu xung thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”
– Sư phụ đáp bằng hai câu thơ của Ngài Quảng Nghiêm Thiền Sư, rồi thầy quay gót đi về phương trượng, lúc đi còn dặn lại:
– Không hiểu nổi thì vài ngày nữa hỏi lại đại sư huynh của ông, cách này là hạ sách. Nhớ …..“biết điều” với nó một chút!
“Nói một câu biết đều”, Đắc nghe toát mồ hôi lạnh!
……………………
Đêm ấy, Đắc thức cho đến tận khi gà gáy… Từ chương ư, mình đã lạc từ chương ư? Tất cả những gì mình học, có phải thật như cổ nhân dạy: “Bánh vẽ không no được bụng”. Chữ nghĩa đã nhiều, nhưng cửa sanh tử cũng không dễ gì bước qua!
……….
Rồi thời gian qua đi, hai mươi lăm năm sau, Thiền sư Ngộ Đắc nhân lúc dạy cho đồ đệ của mình, kể lại câu chuyện biết điều bên chân tháp. Có một đệ tử đứng lên hỏi:
– Bạch thầy, sư bác Ngộ Minh bảo thầy nói một câu biết đều, rốt lại khi ấy nên nói câu gì cho phải?
– Người mở miệng bị đánh 30 roi, không mở miệng cũng bị đánh 30 roi, rốt lại nói thế nào cho phải?
– Thế còn từ “đói” của sư Bác Ngộ Minh đã dẫn mang nghĩa gì? Bạch sư phụ?
– À….Có thể hiểu rằng: “Thực tế lý địa bất thọ nhất trần,
Sự sự môn trung bất xả nhất pháp”.
Hai mươi lăm năm sau, Ngộ Đắc đã trả lời câu “biết điều” như thế.
Cù Đũi (Bài viết “Tập San Suối Nguồn” TVHQ