Đuốc Tuệ – Tạp chí đầu tiên của Hội Phật Giáo Bắc Kỳ

Ngày 01.9.1935, Ban Quản trị Trung ương Hội Phật giáo Bắc Kỳ họp hội đồng tại chùa Quán Sứ, Hà Nội quyết định xuất bản tờ tuần báo Đuốc tuệ làm cơ quan ngôn luận hoằng dương Phật pháp của Hội thay thế cho Tập kỷ yếu của Hội đã ra được bốn số.

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 10.12.1935 tuần báo Đuốc tuệ đã ra số đầu tiên do hội trưởng Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm, ông Cung Đình Bính làm quản lý; sư cụ Phan Trung Thứ (chùa Bằng Sở hay Bình Vọng) làm chánh chủ bút, phó chủ bút là sư cụ Dương Văn Hiển (chùa Tế Cát). Ban biên tập gồm một số c­ư­ sĩ như­­ D­ư­ơng Bá Trạc, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Nguyễn Can Mộng…, và các tăng sĩ: th­­ượng tọa Thái Hòa, Tố Liên, Trí Hải… do ông Trần Trọng Kim làm tr­­ưởng ban biên tập, cư sĩ Nguyễn Trọng Thuật làm thư­­ ký tòa soạn.

Năm 1943, người Nhật đưa ông Trần Trọng Kim đi Singapore thì Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha đảm nhiệm vị trí trưởng ban biên tập. Trụ sở báo đặt tại chùa Quán Sứ, số 73 phố Richaud (sau 09.03.1945 đổi tên là phố Quán Sứ), Hà Nội.

Đuốc tuệ có khổ 140 x 220 mm, 32 – 46 trang, mỗi tuần ra một số vào ngày thứ ba, mỗi kỳ in 5000 bản tại nhà in báo Trung Bắc Tân Văn. Tháng 8 năm 1936, nhà in Đuốc tuệ của Hội khai trương, đảm nhiệm việc in báo Đuốc tuệ.

Nội dung Đuốc tuệ thường gồm các mục:

  • Bàn luận về Phật giáo; 2. Dịch thuật các kinh Phật; 3. Lịch sử chư tăng, chư bồ tát; 4. Truyện các cao tăng; 5. Ký những nơi danh lam thắng cảnh; 6. Văn thơ; 7. Giải đáp; 8. Chú thích; 9. Tin tức trong nước và thế giới.

Từ năm 1937, báo mỗi tháng ra hai kỳ vào ngày 01 và ngày 15. Chất lượng bài vở Đuốc tuệ khá tốt, hành văn lại phổ thông, dễ hiểu là nhờ báo có đội ngũ biên tập và cộng tác viên đông đảo gồm các nhân sĩ trí thức nổi tiếng nh­­ư phó bảng Bùi Kỷ, các cử nhân Hán học D­ư­ơng Bá Trạc, Nguyễn Thiện Chính… các nhà văn Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, Ôn Như­­ Nguyễn Văn Ngọc, Phó bảng Nguyễn Can Mộng, Lê Toại…; các học giả như­­ Trần Trọng Kim, Trần Văn Giáp…; danh tăng nh­ư­ các hòa thư­­ợng Tế Cát, Trung Hậu, các th­­ượng toạ: Trí Hải, Thái Hòa, Tố Liên và các cây bút trẻ sau này như Trí Quang (chuyên về luật),­­ Tâm Ấn, Thanh Đặc v.v.

Hơn mười năm tồn tại, Đuốc tuệ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ hoằng dương Phật pháp thể hiện trên các mặt sau:

  • Về Phật học

Đuốc tuệ có nhiều bài viết hoặc dịch về kinh, luật, luận:

I. Kinh

Đuốc tuệ đã đăng tải bản dịch và giảng nghĩa các bộ kinh: Bách dụ; Giảng nghĩa kinh bát đại nhân giác; Thập thiện; Phật nói kinh năm mới; Phật thuyết Tu Ma Đề trưởng giả kinh; Phật thuyết Hiếu tử kinh; Bát nhã tâm kinh trực giải; Diệu pháp liên hoa kinh; Phật nói kinh phúc báo bố thí; Phật nói kinh ông trùng tính; Kinh Thiện sinh diễn ca; Kinh báo ơn cha mẹ diễn ca, Kinh Địa tạng diễn âm của các dịch giả Nguyễn Văn Ngọc, Thiều Chửu, Tố Liên, Nguyễn Thiện Chính, Nguyễn Nhún, Viên Quang.

Tạp chí đăng nhiều kỳ Khóa hư giảng yếu do Thiều Chửu dịch và giảng nghĩa mà với tinh thần tự tôn dân tộc, ông gọi Khóa hư là một bộ kinh của đạo Phật Việt Nam.

Nguyên vào năm 1932 – 1933, Nguyễn Hữu Kha dịch Khóa hư lục, dịch phẩm mang tên Khóa hư kinh dịch nghĩa1 hiệu sách Hòa Ký, 36 phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến), Hà Nội xuất bản 100 cuốn. Lần này, ông sửa chữa và cho đăng nhiều kỳ trên bán nguyệt san Đuốc tuệ từ số 106 ra ngày 15.04.1939 đến số 153 ra ngày 01.04.1941, với tên Khóa hư giảng yếu không có phần “lời tựa” (của Nguyễn Thận Hiên) và “thể lệ dịch kinh” nhưng có thêm “lời bàn góp” để làm rõ nghĩa thêm cho nguyên tác và chú thích những từ khó. Ông cho biết: “Tôi cố dịch (Khóa hư lục) ra làm hai phần: một phần dịch theo thể văn biền ngẫu, trọng về văn chương, cho tiện tụng; một phần dịch ra tản văn, trọng về đạo lý cho người dễ hiểu và cho đăng vào Đuốc tuệ, cho pháp âm được vang khắp gần xa. Trong đó có nhiều nghĩa sâu xa, sức tôi chưa hiểu nổi, dám mong các ngài chỉ giáo cho”.

Học giả Lê Hữu Mục, trong tạp chí Vạn Hạnh2số ra năm 1967, đánh giá:Mặc dù còn những thiếu sót về lỗi chính tả, phần phiên âm và phiên dịch của Thiều Chửu rất chính xác và chải chuốt, và ông đã đóng góp một phần quan trọng vào việc tìm hiểu sách Khóa hư.

Giáo sư Nguyễn Lang nhận xét: “Văn Khóa hư là văn biền ngẫu rất khó dịch. Nhưng bản dịch của ông (tức Thiều Chửu) là một bản dịch rất đặc sắc, đọc rất êm tai, nghĩa lý khá rõ ràng. Ông lại chú giải mỗi khi có danh từ khó và thỉnh thoảng lại thêm vào những lời “bàn góp”3.

  • Luật

Ngoài các bài viết về ngũ giới, tạp chí đăng nhiều kỳ chuyên đề Phật luật học: “Tư tưởng xương minh Phật giáo” của tỷ khiêu Thích Trí Quang từ số 132 ra 15.05.1941 đến số 163 – 164 ra ngày 01 và 15.09.1941.

III. Luận

Đuốc tuệ đăng nhiều bài luận, xin dẫn một số bài tiêu biểu: Phật giáo đối với cuộc nhân sinh của Trần Trọng Kim; Vì lẽ gì tôi tin Phật giáo; Nghĩa chữ “Không” trong đạo Phật của Bùi Kỷ; Phật giáo tân luận; Luận về Khóa hư của Nguyễn Trọng Thuật.

Với bài Nhân gian Phật giáo Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật là người khởi xướng tư tưởng Nhân gian Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Ông viết: “…Chủ nghĩa nhân gian Phật giáo đối với đạo Phật là phát biểu những điều chân chính có quan thiết đối với đời người, ra để làm lợi ích cho đời, chứ không có gì là lạ khác”. Ông kêu gọi: “Từ nay hễ nói đến đạo Phật mà ta đang chấn hưng đây, ta nên nhớ mà gọi là nhân gian Phật giáo. Ta làm việc gì, ta suy nghĩ điều gì về đạo Phật, ta viết sách, giảng diễn, khảo cứu, giải nghĩa kinh sách gì về đạo Phật, ta phải nhớ và phải theo về cái chủ nghĩa nhân gian Phật giáo mà làm, thì chân lý chính nghĩa của đạo Phật mới sáng tỏ ra đời, mới có thực ích thực lợi cho người, mà con đường ta tin theo mới không mơ màng huyền hão, sai lạc với bản tâm cứu thế của đức Thế Tôn.4

Ông cho biết: “Vì đạo Phật là đạo cứu tế, cứu thời, là đạo lấy chủ nghĩa bình đẳng, chủ nghĩa từ bi làm nghĩa vụ thực hành cứu độ cho loài người, là đạo ở nhân gian hiện tại, cho nên Ban Khảo cứu Hội Phật giáo chúng tôi hơn một năm nay chuyên tìm tòi lấy những cái chủ nghĩa cốt yếu nhân gian Phật giáo ấy để đề xướng lên và dâng cúng cùng thập phương giáo hữu.

Chỉ nguyền bể khổ tát vơi,

Xây đài cực lạc giữa nơi Sa bà”

Nguyễn Trọng Thuật còn viết nhiều bài trên báo Đuốc tuệ để quảng bá, hướng dẫn thực hành nhân gian Phật giáo: Tinh thần nhân gian Phật giáo của Việt Nam xưa; Chủ nghĩa quần chúng giải thoát của đạo Phật; Câu chuyện đạo Phật với việc làng; Lễ kết hôn trước cửa Phật; Đạo Phật rất cần cho vấn đề kinh tế ngày nay… Tiếc thay ông lâm bệnh mất sớm không đi tiếp con đường Phật giáo nhân gian mà ông đã khởi xướng.

Một số bài luận khá tốt do các cư sĩ các chi hội Phật giáo địa phương được Đuốc tuệ đăng tải như: Phật có quan thiết với sự sống của đời người (Phan Đình Hòe), Phật học với sự thực tế (Nghiêm Văn Hợi), Vô Thượng Chính Giác (Phạm Tài Luyện), Chân lý đạo Khổng và đạo Phật (Nguyễn Huy Xương), Tôn giáo luận (Phạm Quang Định), Ba đường tu (Đinh Gia Thuyết), Luận về giới sát sinh (Vũ Văn Dưỡng), Lòng xu hướng (Công Chân), Chân lý đạo Phật (Thanh Chân) v.v.

Muốn Phật giáo Việt Nam hưng thịnh thì phải phục hưng Thiền học, sớm nhận ra điều này Đuốc tuệ đã đăng rất nhiều bài viết về Thiền tông ở Ấn Độ, Trung Quốc, về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, và các chuyên khảo đăng nhiều kỳ như 1. Lược khảo về phép tu thuyền định ở Đông phương, 2. Tập thuyền định theo phương pháp khoa học của Thiều Chửu.

Với ngót 25 bài viết về Tịnh Độ như: Ba món tư lương sang Tịnh độ, Tôi tu Tịnh độ, Muốn vãng sinh sang Tịnh độ ở phương khác phải xây dựng Phật giáo ở nhân gian trước, Nhân quả với Tịnh độ v.v… chứng tỏ lúc bấy giờ đã có nhiều người tu Tịnh độ. Hội Phật giáo Bắc Kỳ cho rằng phải tiến hành Thiền Tịnh song tu, bởi vì Tịnh độ tông nếu không đi đôi với Thiền thì không đủ sức làm cho tinh thần Phật giáo Việt Nam cường kiện như lời Trần Trọng Kim nói: “Phải biết rằng nếu những người xuất gia chỉ tu Tịnh mà không tu Thiền thì Phật giáo nước ta càng ngày càng thấp kém thêm, khó lòng mà hưng thịnh lên được. Đó là cái yếu điểm (tức điểm quan trọng) trong sự chấn hưng Phật giáo ngày nay, ta rất nên chú ý ở chỗ ấy thì cơ hồ mới có thể thành công được”.

Cũng nhờ có báo Đuốc tuệ mà độc giả được biết tình hình Phật giáo ở một số nước trên thế giới qua các bài Lược khảo về Phật giáo ở các nước: Trung Hoa; Nhật Bản, Anh, Mỹ, Xiêm La, Ấn Độ, Cao Miên… độc giả cũng được đọc hàng chục bài viết về Phật giáo của Thái Hư đại sư, Đường Đại Viên, Lương Khải Siêu, Dương Lạc Tai… do các ông Nguyễn Thượng Cần, Thiều Chửu, Nguyễn Trọng Thuật, các sư Đỗ Trân Bảo (Thái Hoà), Thanh Đương dịch từ tạp chí Hải triều âm của Trung Quốc.

Đuốc tuệ đăng nhiều bài cổ xúy cho phong trào chấn hưng Phật giáo như Vì sao mà phải chấn hưng Phật giáo, Mục đích chấn hưng Phật giáo, Chấn hưng Phật giáo là rất cần thiết, Về vấn đề chỉnh đốn tăng già, Ý kiến về vấn đề cải cách trong Phật giáo nước ta … và có những hướng dẫn việc làm chấn hưng cụ thể cho các chi hội Phật giáo địa phương như: Công việc duy trì giáo vụ của một chi hội Phật giáo ở địa phương, Lễ kết hôn trước cửa Phật…

B. Về văn học

Có thể nói Đuốc tuệ là tờ báo có nhiều bài viết về văn học Phật giáo nhất với nhiều thể loại phong phú:

  • I. Những bài quốc văn cổ trong Phật học

Đuốc tuệ thường xuyên đăng những bài văn Nôm do các thiền sư Việt Nam sáng tác hay phóng tác trên các nguyên bản Hán văn. Các thiền sư Thái Hòa, Đắc Nhất thường làm công việc ấy, đó là những tác phẩm:

  • Cảnh sách khắc ở chùa Vĩnh Khánh, Hải Dương.
  • Quy nhất diệu chỉ (Bộ Hành trình tập yếu), Thái Hòa sao lục,
  • Sự lý dong thông trong bộ Hành trình tập yếu, Thái Hòa sao lục.
  • Thiền tịch phú của Chân Nguyên Tổ sư trụ trì chùa Lâm Động, Yên Tử soạn.
  • 5. Thiếu thất phú Bạch Liên Tiểu sĩ soạn.
  • 6. Thỉnh âm hồn văn, Kim Tiên Tử Đắc Nhất thiền sư, chùa Trường Tín, Hà Nội soạn.
  • 7. Vịnh cảnh chùa, Phạm Thanh Sắt sao lục, từ số 36 ra ngày 18.08.1936 đến số 70 ra năm 1938.
  • Ngũ giới diễn ca, Như Như sao lục.

Những công việc này thể hiện quan điểm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo và dân tộc của bản báo.

  • II. Các thể loại văn học

Xin giới thiệu một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu:

1. Chuyên khảo

Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật là người dẫn đầu thể loại này:

a. Việt Nam Thiền tông thế hệ: Dựa vào sách Thiền uyển tập anh, Nguyễn Trọng Thuật biên dịch và có lời bình về các bậc cao tăng và cư sĩ Thiền học nước ta. Với văn tài của mình, Nguyễn Trọng Thuật đã làm cho dịch phẩm Việt Nam Thiền tông thế hệ đọc dễ hiểu và đỡ khô khan hơn nguyên bản.

b. Việt Nam cao tăng khảo: Dựa vào ghi chép của Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục, Nguyễn Trọng Thuật giới thiệu một số cao tăng nước ta mà Thiền uyển tập anh không có. Các bài thơ trong sách này đã được Đồ Nam Tử chuyển thể lục bát đọc nghe êm tai và dễ hiểu.

  • Tiểu thuyết

Dựa vào Thần phả Siêu Loại và các truyện xung quanh bà Ỷ Lan nguyên phi, Nguyễn Trọng Thuật viết Cô con gái Phật hái dâu, giới thiệu về cô con gái làm nghề trồng dâu nuôi tằm, sau này là Nguyên phi Ỷ Lan, một Phật tử thuần thành có công lao to lớn thời Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông.

Đuốc tuệ cũng đăng trọn bộ Nhân quả tiểu thuyết của Phượng Sơn Nguyễn Thiện Chỉnh, tri phủ huyện Văn Giang, Hưng Yên.

Tiểu thuyết Phật hóa thể viết thư: như Thư gửi cô Mai, Sài Gòn; Ai tạo nghiệp (tiểu thuyết nạn nước lụt) dạng tiểu thuyết để truyền bá đạo Phật do Nguyễn Trọng Thuật thực hiện đăng nhiều kỳ trên Đuốc tuệ.

Lộc Mẫu phu nhân tiểu thuyết bằng thơ của thượng tọa Thái Hoà.

3. Truyện ký

Nhật ký đi du học ở Trung Quốc và bài ký sự Qua thăm Xiêm, Ai Lao của thượng tọa Trí Hải đăng nhiều kỳ trên Đuốc tuệ năm 1938, đã giúp độc giả hiểu thêm về Phật giáo các nước láng giềng của Việt Nam và rút ra những kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo tăng tài, xây dựng Hội Phật giáo.

– Đi tham cứu trường Phật học ở Huế (Tố Liên), Mấy ngày đi Huế (Trí Hải), là hai ký sự hay cho độc giả hiểu rõ thêm mối giao tình giữa Phật giáo Bắc Kỳ với Phật giáo Trung Kỳ.

Phật lục, truyện ký của Nguyễn Trọng Thuật và Trần Trọng Kim, giới thiệu đại cương về đạo Phật và năm chư­­ơng nói về: 1) Thích Ca Mâu Ni Phật và mười đại đệ tử; 2) Chư­­ Phật; 3) Chư­­ bồ tát; 4) Thế gian và thế giới; 5) Sự thờ phụng và cách bài trí các tư­­ợng ở chùa kèm theo sơ đồ bài trí các tư­­ợng ở sáu chùa lớn và cổ: chùa Hòa Giai, chùa Bà Đá và chùa Liên Phái ở Hà Nội; chùa Bằng (Th­­ường Tín, Hà Nội); chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh), chùa Long Đọi (Duy Tiên, Hà Nam).

– Các truyện Ngụ ngôn của Thiều Chửu, Trí Hải, T.C v.v.

4. Thi ca

Ngoài nhiều bài thơ, phú, hát nói, Đuốc tuệ đăng Nhàn Vân Đình tham thiền thi thảo gồm 25 bài thơ của cư sĩ Nhàn Vân Đình Trần Duy Vôn ở Hải Hậu, Nam Định ghi lại cảm xúc của ông khi đến vãng cảnh các động, chùa ở miền Bắc, xin đơn cử:

Động Bích Đào

Động ở huyện Tống Sơn, Thanh Hóa. Triều Trần năm Bảo Thái, ông Từ Thức gặp nàng Giáng Tiên ở hang đó, nên tục gọi là hang Từ Thức. Trong động lắm tụ đá rủ xuống như giá chuông, giá trống, giá áo, rồng ấp, hổ phục, kho thuốc, kho muối, vào sâu lại có giếng nước, bàn cờ tiên. Hang lại nhiều hang, ngã ba ngã tư, tối om tối tít, dẫu có đuốc đi, song cũng quên lối. Vì thế không ai đi cùng.

Bể thần, gác mái lên hang,

Hoa đào lác đác rõ ràng dân cư.

Giá chuông, đá dựng hai bờ,

Giếng trong mà muối lờ lờ cát pha.

Rêu xanh phủ dấu sư già,

Ngư ông giấc bướm hay là Trang Châu.

Bầu tiên cảnh Phật nhuộm mầu,

Gót trần ta thử nghiêng bầu dạo qua.

  • B. Về công tác xã hội

Trước hết, Đuốc tuệ dành gần ba mươi bài viết về phụ nữ – những người có nhiều đóng góp trong phong trào chấn hưng Phật giáo và ngày một tăng dần tỷ lệ trong giới tu sĩ. Nổi bật có các bài Địa vị đàn bà con gái đối với đạo Phật (Thiều Chửu), Phải giải thoát trí tuệ cho phụ nữ (Nguyễn Trọng Thuật) giảng tại chùa Quán Sứ, Hà Nội đã thu hút rất nhiều thính giả. Bài diễn thuyết Phật giáo với phụ nữ Việt Nam, của bà Đinh Chí Nghiêm tại chùa Sơn Thủy (Non Nước), Ninh Bình, đã có ảnh hưởng lớn trong quần chúng. Lời than phiền của ni cô Tâm Nguyệt; Vấn đề ni học của các sư ni Đàm Hướng, Đàm Hoa v.v. phản ánh nhu cầu mở trường Phật học cho ni giới lúc bấy giờ.

Đuốc tuệ cũng không quên hướng tới đối tượng là thanh niên với các bài: Thanh niên Tăng chúng đối với Phật học, Cái buồn chung của Tăng giới thiếu niên trụ trì hiện nay Ngỏ bầu tâm sự cùng Tăng lữ thanh niên của Thượng toạ Tố Liên, Phật giáo với thanh niên Việt Nam ngày nay của Nguyễn Trọng Thuật.

Đuốc tuệ số 108 ra ngày 15.05.1939 đã đăng bài của Tỷ khiêu Thanh Đặc kêu gọi các tăng sĩ thanh niên không nên sống trên sự cúng dàng của tín đồ mà phải chọn một “sinh nghiệp của xã hội” để tự nuôi sống mình và hành đạo. Những nghề tu sĩ Phật giáo có thể làm theo Thanh Đặc là dạy học, làm thuốc, làm nhà in, nhà xuất bản v.v.

Đuốc tuệ cũng quan tâm tới hoạt động của các ban đồng ấu thiếu nhi nam và nữ tại chùa Quán Sứ cũng như tại các chi hội Phật giáo địa phương. Đây cũng là manh nha của thiếu niên Phật tử sau này mà bước đầu là huấn luyện các nghi thức lễ Phật hoặc mở trại sinh hoạt văn nghệ với các bài hát bằng tiếng Việt do các cư sĩ Công Chân và Thiều Chửu sáng tác và dạy dỗ.

Ngoài cuộc vận động cải cách trong Phật giáo, Đuốc tuệ có nhiều bài viết về việc bài trừ mê tín dị đoan trong đạo Phật xứ Bắc nhất là xóa bỏ tệ đốt vàng mã mà gương sáng là chi hội Phật giáo tỉnh Hải Dương đi đầu không đốt vàng mã tại lễ Xá tội vong nhân.

Nhờ có đội ngũ cộng tác viên đông đảo, có trình độ nên những năm đầu Đuốc tuệ làm ăn tấn tới, phát hành tới khắp ba miền và sang cả Phnông pênh (Campuchia) và Viên Chăn (Lào). Từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai xảy ra, nhất là khi Nhật vào Đông Dương, nhiều lúc tờ báo lao đao thua lỗ vì giá giấy lên cao, c­ư­ớc phí phát hành báo tăng (có đợt phải dồn hai đến ba kỳ vào một số để tiết kiệm c­ư­ớc phí hoặc phải in khổ nhỏ hơn trư­ớc), nhiều ngư­­ời mua trả tiền chậm hoặc không trả. Để duy trì tờ báo ngày 20.02.1941, Hội quyết định sát nhập báo vào nhà in Đuốc tuệ và giao cho ông Nguyễn Hữu Kha làm quản lý chung. Chánh Hội trư­­ởng Nguyễn Năng Quốc trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp Đại hội đồng năm 1941 đã đánh giá cao những đóng góp của Thiều Chửu đối với báo Đuốc tuệ: “Hội rất lấy làm cảm ơn ông Nguyễn Hữu Kha đã tìm hết cách để duy trì cho tờ báo ấy đư­­ợc xuất bản liên tiếp không đến nỗi bị đình bản nh­ư nhiều tờ báo truyền bá đạo Phật ở Trung, Nam kỳ”.

Tháng 3 năm 1942, hòa th­ư­ợng Phan Trung Thứ viên tịch, hòa thư­­ợng Tế Cát, phó chủ bút lên làm chủ bút báo Đuốc tuệ cho tới khi đình bản vào tháng 8 năm 1945.

Trong khí thế cách mạng sôi sục, ngày 15.08.1945 trên số báo cuối cùng (257 – 258) Đuốc tuệ đăng tin Ủy ban nhân dân cách mạng Tăng già Cứu quốc đoàn phủ bộ Thủy Nguyên thuộc chiến đấu khu thứ tư (Đệ tứ chiến khu Đông Triều) đã thành lập ngày 23 tháng 7 Ất Dậu (30.8.1945). Hội quán tại chùa Phư­ơng Mỹ, cách phủ lỵ Thủy Nguyên 2 cây số” và kêu gọi: “Tăng Ni các hạt mau mau thành lập đoàn Tăng già Cứu quốc, theo mục đích mà tham gia vào công cuộc cách mạng hiện thời, nếu vị nào có nhiệt tâm nh­ưng vì địa phư­ơng chư­a tiện nơi tổ chức xin kíp về chùa Phư­ơng Mỹ, Thủy Nguyên, chúng tôi hết sức hoan nghênh và sẽ trình bày công việc tiến hành”.

Nguyễn Đại Đồng

(Nguồn: Đặc San Suối Nguồn – Tập V – Tu Viện Huệ Quang)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Đuốc tuệ trọn bộ 1935-1945.
  • Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, NXB Văn Học, 1994.
  • Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sự kiện Phật giáo miền Bắc (1920-1953), NXB Tôn Giáo, 2008.
  • Nguyễn Đại Đồng, Lược khảo báo chí Phật giáo Việt Nam 1929-2008, NXB Tôn Giáo, 2008.
1 Thiều Chửu: Khóa hư kinh dịch nghĩa 1, Thư viện quốc gia, ký hiệu M7999, khổ 150 x 210 mm.
2Vạn Hạnh: Tạp chí ra hàng tháng do Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1967.
3 Nguyễn Lang : Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1994.
4 Nguyễn Trọng Thuật, Nhân gian Phật giáo, Đuốc tuệ, số 55, ngày 15.02.1937.