Dân tộc, văn hóa, bản sắc là gì?
Nếu đem ba danh từ này quy nợp vào một định nghĩa trên sự phân chia của địa lý, nếp sống, ngôn ngữ, thói quen, và diện mạo… thì chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem lại một câu trả lời hoàn mãn. Thử hỏi một cô gái Việt kiều sinh trưởng tại nước ngoài, không mặc áo dài, không đội nón lá, không dùng nước mắm, cũng không biết tiếng Việt, có thể thôi là người Việt?
Trong ngôn ngữ, mỗi xứ, mỗi khu, mỗi vùng, mỗi miền đều có đặc tính riêng biệt trong sự biểu đạt của những người địa phương mà chúng ta thường gọi là ‘phương ngôn lý ngữ’. Còn nhớ một bài ca dao
Cùng một dân tộc và cùng một động tác, bên này thì ‘Cái Lan’, bên kia lại ‘Con Lan’, bên đây thì ‘xinh cực’, bên nọ thì ‘đẹp hết chê’, thử hỏi ta còn có thể phân loại chủng tộc theo sự khác biệt trên ngôn ngữ không?
Nếu nói những tuồng ‘cải lương’ là nghệ thuật đặc thù trên sân khấu của người miền Nam Việt Nam, thì thà nói đó chỉ là sự cải thiện của một loại văn nghệ cổ xưa – Hát Bội hoặc Hát Tuồng, được truyền sang từ Kinh kịch của Trung Quốc. Nếu nói môn ngôn ngữ học được xuất hiện sau khi quyển sách ‘Ngôn Ngữ Đại Cương’ nổi tiếng của ông (Thụy Sỹ) Ferdinand de Saussure chào đời, thì thà nói đó chỉ là một nối tiếp trong sự nghiệp nghiên cứu về ngôn ngữ của người Ấn Độ thời xưa. Nếu nói Pasta/spaghetti là một thức ăn đặc sắc của người Ý, thì thà nói đó chỉ là một loại mì được nấu theo phương cách khác biệt với đĩa mì xào của người Hoa.
Có ai biết được hơn hai ngàn năm về trước người Ai Cập đã xử dụng phương pháp ‘một năm 365 ngày, một ngày 24 tiếng’ – một phương pháp mà ta ngày nay gọi là Lịch Tây – để làm một tiêu chuẩn tính đếm ngày giờ trôi đi của họ.
Cho nên những gì mà ta gọi là đặc sắc của một dân tộc, rất có thể chỉ là những sự vật ‘được phát minh lại’ dưới sự diễn biến trong lịch sử và thời gian của loài người, và sau đó được nhận định là văn hóa riêng biệt của dân tộc mình. Những đặc sắc mà ta luôn tự hào, nói cho cùng cũng chỉ là sự khác biệt giữa mình và người, giữa chủng tộc này với chủng tộc nọ, giữa quốc gia này với quốc gia nọ. Và nếu có giá trị chăng, thì chỉ là giá trị của công lao trong sự phân biệt mà thôi!
Tôi từng đọc một bài văn ‘Sóng và nước’: sương, tuyết, mưa, mây, sống, lục, lũ… đều có sự khác nhau trên hình dạng, nhưng tất cả đều không thể tách rời bản chất của nước! Thật vậy, mọi người tuy khác nhau trên hình hài, da thịt, màu sắc nhưng chung quy đều thuộc một loài sinh vật – nhân loại. Nhưng không hiểu sao loài người chúng ta lại có những thành kiến cố chấp, chủng tộc phân chia, quốc giới hạn chế, để rồi giết hại, đấu tranh, phỉ báng, chà đạp, khinh bỉ, chửi bới lẩn nhau – Dân tộc mình là con rồng cháu tiên, chủng tộc nọ là man di mọi rợ. Nền văn hóa nước mình thì sâu xa gồm ngàn năm lịch sử, nền văn hóa nọ thì chỉ là phụ thuộc của một dân tộc khác…!
Lại có những người tự xưng là anh hùng yêu nước, thanh niên nhiệt huyết, trung gan nghị đảm, cho rằng, những ngày xuân ngày lễ ở nước ngoài là những cơ hội hiếm có để biểu dương văn hóa, thúc tiến đặc sắc của quê nhà – thật là một tinh thần đáng khen ngợi! Nhưng hỡi ơi, trong những buổi văn nghệ mừng Xuân, ngoài một vài bài ca giọng cổ, một vài cô áo dài tha thướt, hầu như những tờ tử vi, những bao đỏ lì xì, những đĩa quýt tươi, những mâm ứmt ngọt, những đoàn múa rồng, múa lân, công phu biểu diễn, cho đến những bản nhạc tay, nhạc disco đều là đặc sắc của sự ‘phát minh lại’ vừa kể trên!
Thật đáng buồn cười khi nghe những danh từ như ‘xuân nhà tết ta’! Không biết xuân nào là xuân của nhà, Tết nào là tết của ta! Ngày một tháng một hay là mùng một tháng giêng? Một ngày là tết dương lịch của nước Tây Phương, một ngày là tết âm lịch của nước Đông Phương mà vùng phát địa chắc chắn không phải là nước Việt Nam chúng ta!
Nói thực tế hơn, xuân chỉ là một giao điểm của thời tiết, một giai đoạn của luật tuần hoàn trong vũ trụ, xuân đi rồi xuân lại về, năm này qua năm nọ. Ngày Tết chỉ là một tiêu điểm chọn lựa của mỗi dân tộc để biết được khởi đầu của một vòng tròn. Nó là một thời điểm để ta hoài tưởng những gì xảy ra trong ngày tháng vừa qua; là một ngừng bộ để ta bình tĩnh suy nghĩ lại những gì nên sửa đổi trong ngày sắp đến. Nhưng dĩ nhiên ngày Tết vẫn bao gồm một ý nghĩa trọng đại vì nó có thể hiển hiện phần tâm linh, tình thương đậm đà của dân tộc. Chúng ta nên đón mừng trong niềm vui hớn hở thật sự, chớ không phải lấy nó làm một đề tài để moi móc, phê bình về vấn đề gìn giữ thuần phong mỹ tục; càng không phải một đề tài để ta đi tìm những bằng chứng trong lịch sử, để tranh luận về vấn đề văn hóa mình có phải lệ thuộc vào sinh hoạt của một quốc gia khác?
Việc nhấn mạnh về hoạt động gìn giữ đặc tính dân tộc tự thân nó không sai, nhưng những gì quá tuyệt đối sẽ trở thành cực đoan. Nó dễ dẫn tới sự bảo thủ, khép kín, lạc hậu, thối thất và tự làm nghèo mình… Lịch sử đã cho ta thấy: Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc sở dĩ thành lập cũng chỉ vì chánh sách phong kiến phụ bại của bà Từ Hy nhà Thanh, và một phần cũng là vì bản tính tự hào tự kiêu của những người Trung Hoa thời xưa vì họ cho rằng mình là nước văn minh nhất trên thế giới.
Chúng ta sinh ra đời là để sống! Những sự vật xung quanh ta trở nên có ý nghĩa chỉ khi chúng có thế làm cho đời sống con người được an vui. Tại sao chúng ta không thể thu tập những cái hay cái tốt của người và bác bỏ những gì lạc hậu của ta để xây dựng một đời sống tốt đẹp hơn! Úc là điển hình của một nước đa nguyên đa dạng – cái đẹp của nó chính ở nơi bao gồm các yếu tố độc đáo của những người di dân đem đến từ mọi nơi trên thế giới. Đã là một phần tử trong đất nước này, chúng ta nên sống hài hòa, bao dung và chấp nhận giá trị văn hóa của các quốc gia và dân tộc.
Còn nhớ một người bạn từng hỏi: Đã là một nước đa chủng tộc, tại sao chính phủ Úc quy định chúng ta chỉ được nghĩ trong ngày Tết Tây mà không phải là Tết Ta, và trong ngày Noel mà không phải là ngày Phật Đản? Tôi biết đây chỉ là lời càu nhàu trong những buổi trò chuyện thường mà thôi, vì tôi biết anh ta thừa hiểu ý nghĩa thật sự của những ngày này – đó là ý nghĩa của sự đoàn tụ, bao dung, từ bi, tha thứ, chia sẻ và hoan lạc.
Dưới sự phát đạt của giao thông và ngành thông điệp, loài người chúng ta càng ngày càng được xích gần nhau hơn, nên khuynh hướng của đa văn hóa là một đề tài nóng bỏng trên thế giới và là một hiện tượng tự nhiên của xã hội ngày nay. Đã có nhiều quốc gia tuyên bố sự thất bại về chánh sách đa chủng của họ, nhưng dù muốn hay không muốn, thích hay không thích, chấp nhận hay không chấp nhận, họ cũng phải đón nhận thực tế và cần phải cải cách bằng mọi giá để thích ứng sự đa dạng này!
Ah Yin 14/03/2011