Chuyện Tôn Giả Hoàn Mỹ

(Tiền Sanh Samiddhi)

Khất thực tỳ kheo, thầy có hay…

Trong khi trú tại Ôn Tuyền tinh xá (Tapoda), gần thành Vương Xá (Rājagaha), đức Thế Tôn kể câu chuyện này về Tôn giả Hoàn Mỹ (Samidhi).

Một lần, Tôn giả Hoàn Mỹ suốt đêm an trú trong thiền định. Rồi vào lúc bình minh, thầy xuống sông tắm rửa, sau đó quấn nội y, cầm thượng y trên tay và đứng phơi thân cho khô. Khi thầy đứng như vậy, toàn thân thể rực lên như vàng. Thầy giống như một bức tượng bằng vàng được tạc bởi một tay thợ thiện xảo, sự hoàn thiện của vẽ đẹp. Đó là lý do tại sao thầy được gọi là Hoàn Mỹ.

Một thiên nữ nhìn thấy vẽ đẹp khác thường của Tôn giả đã sanh lòng say đắm, và đã hỏi thầy như thế này:

– Này Tỳ-kheo, Thầy còn trẻ và đầy nhựa sống, chỉ là một thanh niên với mái tóc còn xanh. Chao ôi! thầy có tuổi xuân, thầy đáng yêu và khả ái trong mắt mọi người. Tại sao một người như thầy lại xuất gia mà không hưởng thụ khoái lạc cuộc đời? Trước tiên thầy nên thọ hưởng lạc thú cuộc đời, rồi sau xuất gia và thực hành hạnh Sa môn!

Nghe vậy, Tôn giả trả lời:

– Này Thiên nữ, đến một lúc nào đó ta phải chết, và lúc nào chết ta không biết; thời gian đó đối với ta bị che kín. Do đó trong sự sung mãn của tuổi xuân, ta nguyện sống đời xuất gia, mong được chấm dứt khổ đau.

Thiên nữ xét thấy không cám dỗ được Tôn giả, liền vội biến mất. Tôn giả đi đến bạch với đức Thế Tôn về việc đó. Nghe thế đức Thế Tôn nói:

Này Hoàn Mỹ, không phải chỉ mình thầy bây giờ bị Thiên nữ cám dỗ thôi đâu. Vào đời trước, những người xuất gia cũng đã bị thiên nữ cám dỗ.

Và theo lời thỉnh cầu của thầy, đức Thế Tôn kể lại một câu chuyện đời quá khứ.

* * *

Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) là vị vua trị vì Ba-la-nại (Benares), Bồ-tát thọ sanh vào một gia đình Bà-la-môn sống tại một ngôi làng ở Ca-thi (Kāsi). Đến tuổi trưởng thành, sau khi hoàn thiện tất cả việc học của mình, Bồ-tát đã xuất gia làm ẩn sĩ, sống trong rặng Tuyết Sơn (Himalaya), cận bên một hồ nước tự nhiên, tu tập Thiền định và Thần thông.

Bồ-tát suốt đêm an trú trong thiền định, và vào lúc mình minh, Ngài tắm rửa, mặc một chiếc y làm bằng vỏ cây, còn tấm y kia cầm tay, Ngài đứng lên phơi thân cho khô. Vào lúc đó, một thiên nữ nhận thấy vẽ đẹp hoàn thiện của Ngài đã sanh lòng say đắm. Cám dỗ Ngài, cô nàng đọc lên bài kệ đâu tiên:

Khất thực Sa môn, thầy có hay

Những lạc thú gì giữa đời nay ?

Đây chính là lúc, không lúc khác

Trước hãy hưởng lạc, tu sau này!

Bồ-tát lắng nghe lời của thiên nữ, và sau đó trả lời, bày tỏ chí nguyện của mình bằng cách đọc lên bài kệ thứ hai:

Giờ phút mạng chúng tôi không hay

Thời gian giấu che không hiển bày

Giờ là đúng lúc, không lúc khác:

Xuất gia khất thực, chính lúc này.

Khi nghe Bồ-tát nói vậy, Thiên nữ lập tức biến mất.

* * *

Sau pháp ngữ này, đức Thế Tôn nhận diện Tiền thân:

Thiên nữ là người như vậy trong cả hai câu chuyện, còn ta chính là ẩn sĩ.

phatviet.com