Chấp nhận sai lầm

Tác giả Ni sư Thubten Chodron

Pháp Hạnh dịch từ Anh sang Việt

Khi nói về đề tài “Đối phó với những lời chỉ trích”, Ni Sư Thubten Chodron nhận xét, “Khi chúng ta bị chỉ trích, thì phản ứng tức thì thường là sự tức giận.  Cái gì tạo nên phản ứng này? Chính là cảm nhận của chúng ta về tình huống đó.” Bài giảng sau đây của Ni Sư gợi ý cách để chúng ta có thể xem xét lại cảm quan và giảm thiểu cơn giận của mình.

Hãy xem xét một tình huống khi chúng ta phạm một lỗi lầm và ai đó phát hiện ra được.  Nếu một người đến và nói rằng chúng ta có cái mũi trên gương mặt, thì chúng ta có tức giận không? Không.  Tại sao không? Bởi vì cái mũi của chúng ta hiển nhiên. Cả thế giới này thấy được nó.  Người ta chỉ nhìn thấy và nhận xét về nó như vậy thôi. Lầm lỗi và sai phạm của chúng ta cũng tương tự. Chúng hiển nhiên, và mọi người nhìn thấy chúng. Người nhận thấy chúng chỉ bình luận về những gì hiển nhiên đối với mọi người. Tại sao chúng ta phải tức giận? Nếu chúng ta không thấy khó chịu khi có người nói chúng ta có cái mũi, thì tại sao chúng ta giận khi anh ta nói chúng ta có lỗi?

Chúng ta sẽ thoải mái hơn nếu biết ghi nhận, “Vâng, bạn nói phải. Tôi đã làm sai, “hoặc,” Vâng, tôi có một thói quen xấu.” Thay vì đóng vở kịch “Tôi hoàn hảo, sao anh dám nói như vậy!”, chúng ta có thể thừa nhận lỗi của mình và xin lỗi. Có lỗi có nghĩa là chúng ta bình thường, không phải là điều tuyệt vọng. Thừa nhận sai sót của mình và xin lỗi thường làm tình hình lắng dịu.

Thật khó để chúng ta nói, “Tôi xin lỗi,” phải không các bạn? Lòng tự cao thường ngăn cản chúng ta thừa nhận sai lầm của mình, cho dù cả hai phía, chúng ta và người kia biết chúng ta đã phạm lỗi. Chúng ta cảm thấy mình sẽ mất mặt khi xin lỗi hoặc mình sẽ trở nên ít quan trọng hoặc kém giá trị đi. Chúng ta lo sợ người khác sẽ áp đảo chúng ta nếu chúng ta thừa nhận sai lầm. Để bảo vệ chính mình, chúng ta thường hay tấn công trở lại, chuyển hướng sự chú ý sang người kia. Chiến lược này, vốn không giải quyết được cuộc xung đột, thường hay được sử dụng trong sân chơi mẫu giáo cũng như trong chính trị quốc gia và quốc tế.

Trái với quan niệm sợ hãi sai lầm của chúng ta, xin lỗi thể hiện sức mạnh nội tâm, không phải là sự yếu đuối. Chúng ta có đủ sự trung thực và lòng tự tin để không phải giả vờ như mình là người không lầm lỗi.  Chúng ta có khả năng thừa nhận sai lầm của mình. Vì vậy, nhiều tình huống căng thẳng có thể được hoá giải bởi những lời đơn giản, “Tôi xin lỗi.” Thường thì tất cả những gì người kia muốn chỉ là chúng ta xác nhận nỗi đau của anh hay chị ta và vai trò của chúng ta trong nỗi đau đó.

Trích từ “Đối phó Với Chỉ Trích,” trong sách Đối Trị Giận Dữ của Ni Sư Thubten Chodron,xuất bản bởi Snow Lion Publications

Pháp Hạnh (The Buddhist Translation Group)