Ngày xưa, trong một ngôi chùa Viên Âm nọ, hằng ngày đông đảo tín chúng đến dâng hương lễ bái. Hương hỏa trong chùa nhờ đó mà rất hưng thịnh. Trên xà ngang trước chùa, có chú nhện giăng tơ và sinh sống ở đó. Do mỗi ngày đều hưởng cái khói hương và sự kiền thành lễ bái của tín chúng, chú nhện kia nhờ đó mà sáng ra cái Phật tánh của nó. Trãi qua một ngàn năm tu luyện, Phật tánh trong chú nhện ngày càng sáng ra.
Bỗng có một hôm, Đức Phật quang lâm đến ngôi chùa Viên Âm kia, thấy hương hỏa trong chùa hưng thịnh như thế lòng Ngài rất hoan hỷ. Lúc rời khỏi ngôi chùa, Đức Phật vô tình ngẩng đầu lên và thấy chú nhện trên cây kèo. Đức Phật liền nói với chú nhện: “Ta với ngươi, gặp nhau xem như cũng có duyên, thôi ta hỏi ngươi cái này nhé, xem ngươi trong một ngàn năm tu hành có gì sở đắc. Ngươi thấy thế nào?”. Chú nhện gặp được Đức Phật nên rất là vui mừng vội vàng nhận lời Ngài. Đức Phật hỏi: “Trên đời này cái gì mới là đáng quí”. Chú nhện suy nghĩ, rồi đáp: “Trên đời này cái đáng quí là cái “không đạt được” và cái “đã mất đi”. Đức Phật gật gật đầu, rồi ra đi.
Và cứ thế lại qua một ngàn năm nữa, chú nhện vẫn ở nơi cây kèo chùa Viên Âm để tu luyện. Phật tính của nó lớn lên rất nhiều. Một hôm, Đức Phật lại đến và nói với chú nhện kia rằng: “Ngươi vẫn khỏe chứ, vấn đề của một ngàn năm trước ngươi có nhận thức gì sâu hơn chăng? Chú nhện đáp: “Con nghĩ cái đáng quí trên thế gian này là cái “Không đạt được” và cái “Đã mất đi”. Đức Phật dạy: “Ngươi nên khéo suy nghĩ thêm, ta sẽ đến lại tìm ngươi.”
Lại thêm một ngàn năm qua đi. Một hôm gió lớn thổi đến mang một giọt cam lồ rơi trên lưới của chú nhện. Chú nhện chăm nhìn vào giọt cam lồ tinh anh trong suốt rất đẹp, tức thì nó khởi lòng yêu thích. Chú nhện mỗi ngày đều ngắm cam lồ mà lòng rất vui, nó nghĩ có lẽ đây là những ngày vui nhất trong ba ngàn năm qua. Bỗng gió lớn lại nỗi lên và thổi mất giọt cam lồ kia. Chú nhện trong phút chốc cảm thấy như đã mất đi cái gì đó, cảm thấy cô đơn buồn bã. Lúc ấy Đức Phật lại đến bên chú nhện, Ngài lại hỏi: “Nhện à, một ngàn năm lại đây, ngươi đã khéo suy nghĩ vấn đề này chứ: “Trên thế gian này cái đáng trân quí nhất?”. Chú nhện đang nghĩ đến giọt cam lồ, bèn trả lời Đức Phật rằng: “Cái đáng trân quí trên thế gian này là cái “không đạt được” và cái “đã mất đi”. Đức Phật liền nói: Thôi được, ngươi đã nghĩ như thế thì ta sẽ cho ngươi vào cõi nhân gian một chuyến nhé.
Thế là, chú nhện được đầu thai vào một gia đình quan lại, thành cô tiểu thư con nhà giàu có. Cô được đặt tên là Chu Nhi (Con nhện tiếng hoa là Tri Chu(hoặc đọc là Tri Thù) “蜘蛛”). Chẳng bao lâu cô bé Chu Nhi đã đến tuổi mười sáu, thành một cô gái yêu kiều diễm lệ, ai nhìn cũng cảm mến.
Hôm ấy, Tân khoa trạng nguyên Cam Lộc (Trong tiếng hoa Cam Lồ “甘露” chỉ giọt nước cam lồ và Cam Lộc “甘鹿” chỉ cho tên nhân vật hóa thân của giọt Cam Lồ, hai âm Lồ và Lộc phát âm giống nhau) vừa trúng cử khoa thi, nhà vua quyết định mở yến tiệc đãi tân khoa trạng nguyên ở hậu hoa viên. Đến dự có rất nhiều thiếu nữ ở tuổi trăng tròn, trong đó có Chu Nhi và còn có Trường Phong (Trường Phong là tên Công Chúa cũng ngụ ý là Gió lớn, yếu tố đã đề cập phần trước).
Trong buổi tiệc, chàng trạng nguyên đã biễu diễn tài nghệ thi văn thơ của mình cho mọi người thưởng thức, bao cô gái trong buổi yến tiệc không ai không xiêu lòng trước tài hoa phong nhã của chàng trạng nguyên. Riêng Chu Nhi thì vẫn bình thản chẳng hề nao núng hay ghanh ti gì, bởii nàng biết, cuộc hôn nhân này là Đức Phật đã ban cho nàng.
Vài ngày sau, thật trùng hợp, Chu Nhi cùng với mẹ lên chùa dâng hương lễ Phật thì cùng lúc đó Cam Lộc cũng cùng hầu mẫu thân mà lên chùa. Sau khi lễ Phật xong hai vị gia trưởng cùng đứng một bên để hàn thuyên. Chu Nhi và Cam Lộc bèn rảo bước ra hành lang trò chuyện.
Chu Nhi rất vui vì cuối cùng nàng đã có thể gặp lại người mình mến thương, nhưng Cam Lộc thì chẳng hề có chút biểu hiện là yêu thích nàng. Chu Nhi bèn nói với Cam Lộc: “Lẽ nào chàng đã quên câu chuyện chú nhện ở chùa Viên Âm mười sáu năm trước sao? Cam Lồ rất đỗi ngạc nhiên bảo: “Này cô nương Chu Nhi, cô dễ thương và rất được người khác yêu thích, nhưng sức tưởng tượng của cô hình như hơi phong phú đấy!” Nói thế rồi cùng mẫu thân ra về.
Chu Nhi về nhà, lòng nghĩ thầm, Đức Phật đã sắp xếp cho ta cuộc hôn nhân này sao lại không để Cam Lộc nhớ lại câu chuyện năm xưa. Tại sao Cam Lộc đối với ta không có chút cảm giác nào…???
Ít ngày sau, hoàng đế truyền lệnh cho Cam Lộc và Trường Phong công chúa kết hôn; Chu Nhi và thái tử Chi Thảo (Chi Thảo芝草 tên một loài cỏ)kết hôn. Tin này đến với Chu Nhi như tiếng sét bên tai. Nàng cố nghĩ mãi không ra, Đức Phật lại đối xữ với nàng như thế chứ! Mấy ngày liền nàng bỏ ăn bỏ uống, đầu óc rối bời, hồn phách sắp rời khỏi xác, mạng sống trong sự nguy cấp. Thái tử Chi Thảo biết được điều này vội vàng với nàng túc trực một bên giường bệnh. Chàng nói với Chu Nhi đang nằm thoi thóp trên giường bệnh: “Hôm ấy, sau vườn thượng uyển trong các cô nương, ta thấy nàng liền sanh lòng thương mến, bèn một mực khổ cực cầu xin Phụ hoàng mới chấp thuận việc hôn nhân này. Nếu nàng không còn ở lại trần gian này thì ta cũng chằng muốn sống nữa”. Chàng vừa nói vừa rút kiếm ra chuẩn bị tự vận.
Ngay lúc ấy, Đức Phật liền xuất hiện, Ngài nói với Chu Nhi trong cơn hấp hối rằng: “Nhện con à! con có từng nghĩ qua, Cam Lồ (Cam Lộc) là do ai mang đến cho con không? Đó chí là gió (Trường Phong công chúa) mang đến, cuối cùng cũng là gió mang nó đi, Cam Lồ thuộc Trường Phong công chúa, Cam Lồ chẳng qua chỉ là một đoản khúc ngắn ngủi trong cuộc đời của con thôi. Còn thái tử Chi Thảo là một cây cỏ nhỏ bé trước của chùa Viên Âm năm xưa, nó đã trông con lớn lên qua ba ngàn năm, thương mến con đã ba ngàn năm, thế nhưng, con không hề cúi đầu nhìn xuống nó một lần.
Nhện con à! Ta lại hỏi con nhé “Thế gian này cái gì mới đáng cho ta trân quí?” Chu Nhi nghe xong sự thật của câu chuyện, hình như nàng đã tỏ ngộ ra được tất cả. Nàng nói với Đức Phật: “Cái đáng trân quí nhất trên thế gian này không phải là cái “không đạt được” hay cái “đã mất đi” mà là hạnh phúc ta có được trong tầm tay ở phút giây hiện tại.” Nàng vừa nói xong thì cũng vừa lúc Đức Phật ra đi. Chu Nhi cũng như vừa hoàn hồn lại, nàng mở to đôi mắt nhìn thái tử Chi Thảo đang cầm kiếm sắp sửa tự vận trước mặt nàng, nàng vội vàng đánh rơi cây kiếm trong tay thái tử và ôm chầm lấy chàng….
Lời bình:
Câu chuyện đến đó đã chấm dứt, người viết có lẽ đã có ý đễ lại sự suy gẫm cho một kết cục trong mỗi độc giả. Câu chuyện chỉ đơn giản vậy thôi nhưng hàm chứa một chân lý của cuộc sống mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể dễ dàng quên đi. “Cái trân quí nhất của thế gian này không phải cái mà ta “muốn mà không được” hay cái “mà ta đã làm mất đi”, cái trân quí nhất đó chính là cái mà ta có thể cầm chắc trong tay, hạnh phúc ngay trong hiện tại.
Ái tình của thế gian có lẽ là một cái gì đó tồn tại vĩnh hằng trong đời sống của mỗi con người trên thế gian này. Một cái gì đó rất tế nhị, rất nhạy cảm và rất phức tạp mà xưa nay không ai có thể định nghĩa nó một cách chuẩn xác. Và chính nó đã chi phối hầu như toàn bộ nội dung của cuộc sống này bên cạnh cái ăn cái ngủ hay nói chung là sáu dục tình của thế gian.
Câu chuyện vì thế mà đã phương tiện mượn hình tượng này để nói lên một chân lý sống hạnh phúc để cho người ta có thể dễ dàng đón nhận, trong cái bình thường ấy vẫn toát lên cái phi thường.
Và dù thế nào đi nữa, hạnh phúc vẫn là bắt đàu từ con người. Trong cái VÔ THƯỜNG ấy, biết bao sự đổi thay trong từng sát na, hãy sống và biết trân quí cái hiện tại, thôi lo âu quá khứ, bớt mộng tưởng xa xôi, chỉ có hiện tại mới là thực của chính mình, là thực của hạnh phúc mình.
Và một thông điệp rất quan trọng nữa mà câu chuyện muốn gởi gắm đến độc giả đó là “Biết nhìn xuống bằng đôi mắt thân ái và từ bi” đối với cuộc sống xung quanh đang chờ đợi sự quan tâm cua chúng ta, và biết đâu đó lại là “Nhân Duyên”, là “Phép lạ” nhiệm mầu của sự hạnh phúc…
TT. dịch