Bịt Tai Trộm Chuông

Bịt Tai Trộm Chuông (掩耳盗铃)

“Yểm nhĩ”: nghĩa là bịt hai tai lại, “đạo linh” là ăn trộm chuông.

Ngày xưa, “chung” và “linh” đều là một loại nhạc khí, nhưng chỉ khác nhau về kích cỡ, nên “yểm nhĩ đạo chung” cũng có thể gọi là “yểm nhĩ đạo linh”. Khi trộm chuông, tại sao tên trộm lại bịt tai lại?

Tên trộm đến nhà người họ Phạm ăn trộm, nhưng khi đến nơi thì mọi thứ trong nhà đều đã dọn đi cả, không có gì để lấy, chỉ còn lại một cái chuông lớn trong sân, tên trộm nghĩ: Cái chuông này có thể bán kiếm được chút tiền, thế là hắn nhấc lên thử nhưng nó quá nặng, không cách nào chuyển đi nổi.

Hắn bèn nghĩ: Nếu đập vỡ cái chuông ra từng mảnh thì có thể đem về được, thế là hắn tìm một cái búa gõ nhẹ một cái, nhưng âm thanh lại vang đi rất xa. “Chết rồi! nếu bị hàng xóm nghe được thì làm sao đây?” Nghĩ thế, hắn liền bịt hai tai mình lại.

Tên trộm cho rằng mình không nghe được tiếng chuông thì người khác cũng không nghe được. Bạn nghĩ xem, hắn hành động như thế có thông minh không? Hắn tự dối được mình, nhưng có thể dối được người khác chăng!

Ý nghĩa:

Khi bạn làm một việc gì sai thì nên thừa nhận, vì trước sau gì mọi người cũng đều biết việc của bạn làm. “Bịt tai trộm chuông” giống như tên trộm trên thì có tác dụng gì chứ!

Nhật Chính (dịch)