Trừng Phạt Hòa Thượng Giả

Ngày xưa có một người nhà giàu, lớn tuổi rồi mới sanh được một cậu con trai, đặt tên là Thừa Tài.

Thời gian vụt qua như tên bắn, thoáng chốc đã mười tám năm trôi qua, Thừa Tài trưởng thành, trở thành một chàng trai phong lưu, suốt ngày rong chơi, tìm hoa ghẹo nguyệt, tiêu tiền như nước chảy. Người cha cưng cậu như ngọc, không những không la rầy lấy một câu mà còn đắc ý bảo : “Có người tiêu xài thì mới có người bán được chứ !”

Năm nọ người cha mất, để gia tài bạc triệu lại cho Thừa Tài. Không đầy ba năm, tài sản đều bị tiêu tán cả. Từ một cậu ấm chuyên uống rượu, ăn thịt, mặc áo hồng quần xanh, Thừa Tài đã trở thành một kẻ áo quần lam lũ, đầu bù tóc rối, mặt mày dơ bẩn, sống như một kẻ ăn mày. Hàng xóm không thèm để mắt đến, bạn bè không ai nhìn nhận, ai thấy cũng đều chán ghét.

Thừa Tài nghĩ : “Nếu cứ như vầy mãi há chẳng phải là con đường chết sao ? Dù thế nào cũng phải   tìm   một con đường sống mới là phải chứ !”

Một hôm, nhìn thấy một vị hoà thượng đến thôn trang hoá duyên, không luận là nhà giàu hay nghèo, ai cũng có bố thí chút ít, mắt Thừa Tài sáng lên, đảo tới đảo lui mấy vòng, thầm tính kế : “Đúng rồi, ta sẽ cải trang  thành một hoà thượng để hoá duyên, không ngờ đây là một nghề kiếm sống không vốn, thật tuyệt !”.

Thế la cậu ta cạo sạch tóc, cải trang thành hình dáng một hoà thượng, đi ra ngoài hoá duyên. Nhưng chỉ được mấy ngày, bụng không được no, hai chân không thể đi nổi, bên cà thọt, bên cà nhắc, Thừa Tài trở thành một “Hoà thượng cà thọt”

Hoá duyên quá khổ, Thừa Tài muốn hoàn tục. Một hôm, Thừa Tài  đang đi trên đường, bỗng có một ni cô trẻ đi đến chắp tay xá chào và bảo : “Ngài vốn chưa thoát tục, dĩ nhiên khó được an vui. Hãy đến Nam Hải lễ Phật, theo thiện bỏ ác xưa”.

Thừa Tài thấy đột nhiên xuất hiện một ni cô trẻ đẹp nói với mình vài lời như thế, bỗng nhiên mặt mày rạng rỡ, ý nghĩ xấu trổi dậy. Vị ni cô kia lườm Thừa Tài một cái rồi vội vả ra đi. Thừa Tài mới cà nhắc theo mấy bước, cô đã đi xa rồi. Nhìn theo vóc dáng sau lưng của ni cô, hai mắt của Thừa Tài chớp lia lịa : “A ha ! Núi Phổ Đà Nam Hải đúng là cõi an vui ở cửa Phật của ta rồi !”.

Anh ta càng nghĩ càng cảm thấy thích thu ùvà tìm mọi cách vượt biển đến núi Phổ Đà. Nhưng anh ta hiểu rõ mình là một hoà thượng giả nên không dám đến chùa viện lớn xin ở, chỉ dựng một túp lều tranh nhỏ tại khúc quanh ở phố Ngọc Đường nương náu, bên trong treo một bức tượng Bồ tát Quan Âm. Hằng ngày anh ta kiên trì với tiếng mỏ nhịp nhàng, lời kinh trầm bổng và hoá duyên khách hành hương.

Việc làm ăn quả nhiên rất tốt đẹp, cuộc sống ngày càng sung túc, song tâm địa anh ta ngày càng phóng túng buông lung. Không bao lâu,  Thừa Tài phá bỏ am tranh, chuyên môn đuổi theo những cô gái hành hương trẻ đẹp, làm hoen ố cửa Phật, tổn hoại luân thường đạo lý.

Một hôm đến động Triều Âm, Thừa Tài đùa cợt, nhìn chằm chằm vào mấy cô gái hành hương trẻ đẹp. Lúc thì buông lời sàm sở chọc ghẹo, lúc thì sờ mình chạm vai, khiến cho mấy cô hoang mang lo sợ, nhưng không biết làm sao, cũng không dám la lên cho mọi người biết. Ngay khi ấy, từ trong rừng trúc tía, một ni cô trẻ đẹp đi ra. Vừa nhìn thấy, Thừa Tài biết chính là ni cô mình đã gặp trên đường. Không cầm lòng được, anh ta la lên thất thanh : “Hoá ra là cô ta ! Đây thật là có duyên ngàn dặm vẫn tìm nhau”. Ba hồn sáu phách của anh ta đều mụ đi, hai mắt dán về phía trước như bị hai sợi dây vô hình kéo đi, hấp tấp vội vàng cho kịp ni cô.

Thế là một ni một tăng, kẻ trước người sau từ động Quan Âm đi đến Bàn Đà Thạch ở Tây Thiên, qua am Mai Trúc, đến Tâm Tự Thạch, chùa Phổ Tế, động Triêu Dương, dọc theo Thiên Bộ Sa, xuyên qua Vọng Hải Đình, vượt qua thung lũng Phi Sa, đến động Phạm Âm. Đi một vòng như thế, hai chân Thừa Tài đau nhức, thở không ra hơi. Lúc này trời cũng đã tối, bốn bề không còn một ai. Thấy ni cô khom mình trên lan can đá, cúi đầu chăm chú nhìn vào, cảnh chiều trong động, Thừa Tài lao lên như một con sói đói.

Nhưng không ngờ đầu anh ta va vào lan can đá, máu tuôn ra thành vòi. Khi ấy ni cô đã ngồi trên đài sen, đưa tay vẩy một cái về phía động Phạm Âm, lập tức từ trong động, một ngọn sóng lớn cao cả trăm trượng nhào lên cuốn phăng Thừa Tài ra ngoài biển Hoa Sen, hoá làm một con cá lạy vào bờ.

Thừa Tài hối hận thì đã muộn. Từ đó, mỗi khi lũ mùa xuân về, mọi người lại nghe tiếng “ùm ùm” như tiếng lạy từ ngoài đại dương về núi Phổ Đà cầu xin Bồ tát Quan Âm rủ lòng thương của con heo nọ. Vì anh ta đã làm nhiều việc ác, làm hoen ố cửa Phật cho nên đến ngày nay vẫn không chịu tha thứ.

Viên Lộc dich

(Theo Quan Âm Truyền Thuyết)

Trích: Tập san Suối Nguồn 16