Tác giả: Dung Nghi Pháp sư
Tế Điên Thiền sư, sau khi lãnh ý chỉ ở Viễn Hạc đường thì không sống theo lối bình thường nữa, uống rượu ăn thịt liên miên. Khẩu hiệu của ông ta là :
Một chén, hai chén, Phật cũng thây.
Một miếng, hai miếng, mặc kệ Phật.
Suốt ngày ông ta điên điên khùng khùng, thích chơi trò lộn nhào với con nít, có lúc vào động vượn kêu ra cả bầy vượn rồi nhào lộn với chúng để vui chơi. Bấy giờ hai hàng Tăng chúng của chùa Linh Ẩn bị ông ta đùa cợt đến thất điên bát đảo chịu hết muốn nổi. Nhơn đó mới gọi ông ta là Tế Điên.
Thế nhưng nhìn kỹ lại, sự lộn nhào của ông ta rất có chừng mực, có khách có chủ, chớ không phải giữ khăng khăng theo một kiểu.
Như khi Trưởng lão niêm xướng ở Vân Đường :
Đêm trước canh ba trăng sáng tỏ
Có người hiểu được đốt đèn lên
Bỗng nhiên nhớ lại việc năm ấy
Mới hay đại đạo quá ngang bằng.
Tiếp theo hỏi :
– Đại chúng có nhớ được việc năm ấy không ?
Tế Điên lúc đó đương tắm trong nhà tắm, kêu to lên : “Tôi hiểu rồi, tôi hiểu rồi !”
Nói xong lật đật vận choàng tắm (xà rông), xỏ vội áo cộc, chạy thẳng đến Pháp đường trình thưa :
– Đệ tử nhớ lại việc năm ấy.
– Đã hiểu rồi, sao không trình ra trước đại chúng ? Trưởng lão nói.
Tế Điên liền lộn nhào trước pháp tòa, lộ nguyên của quý. Chúng tăng đều che miệng cười. Trưởng lão nói :
– Thiệt là giống của nhà ta.
Nói xong trở về phương trượng.
Đây là cú lộn nhào đầu tiên của Tế Điên. Cú lộn nhào đó không phải là tầm thường mà là biểu lộ sự lãnh hội trọn vẹn đạo pháp của Trưởng lão. Đó chính là cú “lộn nhào Tự giác”.
Sau đó, chùa Tịnh Từ bất cẩn bị cháy, lửa thiêu rụi cả Thọ Sơn Phước Hải Tạng điện, Hoàng Thái Hậu nằm mộng thấy kim thân La-hán đến bà hóa duyên 3.000 quan tiền để trùng tu điện chùa. Phụng giá đến chùa dâng hương. Vị Phương trượng nghe tin đích thân dẫn 500 tăng chúng ra nghinh tiếp, Tế Điên cũng ngật ngà ngật ngưỡng đi theo đại chúng. Thái hậu vừa thấy Tế Điên nhận đúng là vị La-hán trong mộng khi hôm, vừa muốn vái chào, Tế Điên lật đật lộn nhào, vì chưa mặc quần nên toàn bộ của quý phơi ra hết, đứng dậy bước đi. Vị Thủ tọa thấy tình trạng vô lễ như vậy sợ đến tóe khói, lật đật đến nói với Thái hậu :
– Bẩm nương nương, ông tăng này thường ngày có chứng điên điên khùng khùng, xin người đừng bắt tội ông ấy.
Thái hậu nói : “Ta biết rồi”. Nói xong bèn bảo Mao thái úy đem 3.000 quan tiền giao cho thầy Tri khố, rồi lệnh kiệu giá trở về cung. Cú lộn nhào này là “cơ phong”. Thái hậu nhìn thấy tức thì có biểu hiện : “Như người uống nước, lạnh nóng tự biết”. Cú lộn nhào này rõ ràng là “lộn nhào giác tha” của Tế Điên.
Một hôm Tế Công đến đưa đám ông bán bánh cốt đột họ Vương. Ông đi một mạch đến nhà họ Vương, vừa đúng lúc người ta cất đám. Bà Vương liền thỉnh ông làm Sư dẫn lộ. Tế Điên cũng không từ chối, bèn lớn tiếng ngâm nga :
Ối này ông Vương bánh cốt ơi,
Tánh ông xưa nay vốn tỉ mỉ
Xay đậu xay hoài ngàn trăm vòng
Hấp bánh hấp hoài ngàn trăm vỉ
Dùng hết bao nhiêu là dầu phọng
Đốt cháy ngàn vạn bó củi bi
Hôm nay đành bỏ chẳng còn chi.
Ngày thường khách mua sòng phẳng
Giờ đây linh cửu
Biết gởi về đâu ?
Ôi !
Một trận gió Xuân man mác
Chim kêu hoa rụng, nước xuôi dòng.
Mọi người khiêng quan tài để ở lò thiêu ngơi nghỉ, thỉnh Tế Điên châm lửa. Tế Điên tay cầm đuốc, nói : Mọi người hãy nghe đây !
Bà Vương cho tôi ăn bún thang,
Muốn đưa ông Vương đến Tây phang,
Tây phang ngàn dặm xa lăng lắc,
Chẳng bằng tạm náu ở Dư Hàng.
Bạn bè đưa tang nghe nói chả ra làm sao cả ! Bàn tán chưa xong thì bỗng có một người ở Dư Hàng đến nói với bà Vương :
– Xin chúc mừng bà ! Khuya hôm qua bà có thêm được đứa cháu ngoại. Thằng bé này rất kháu khỉnh, dưới sườn có bốn chữ son : “Ông Vương cốt đột”, chắc là hậu thân của ông Vương đây !
Nguyên, ông Vương có một người con gái lấy chồng ở Dư Hàng, nhân vì ở cữ nên không thể về nhà đưa đám được. Mọi người nghe nói như thế mới biết Tế Điên là nhân vật phi phàm bèn xúm lại hỏi nguyên do. Tế Điên muốn tìm cách thoát thân bèn nhảy lên bàn trồng chuối ngược một phát, phơi trọn vẹn bộ đồ lòng trước mắt mọi người. Ai nấy đều cười rộ. Tế Điên thừa cơ hội tót đi mất. Cú lộn nhào này của Tế Điên có thể gọi là “lộn nhào tàng phong”. Giống như lúc bình thường lộn nhào với lũ trẻ, lộn nhào với bầy vượn đều có tác dụng “giả khờ”. Vì thế tôi nói cú lộn nhào của Tế Công rất chừng mực, có khách có chủ, quý vị có biết được ý chỉ của Tế Công không ? Một thằng cha, chẳng ngại làm tiếng kêu vượn rừng, làm thêm bụi bẩn trên gương của độc giả, ném bút xuống mà nói rằng :
Từ ngày học được múa ngã tư,
Lép bép vỗ tay cứ múa hoài.
(Trích Cát Đằng Tục Tập)
ĐK. dịch