Luận về ba tầng giáo dục Phật giáo

Kế lớn trăm năm lấy giáo dục làm nền, pháp không phải tự nhiên mà khởi, đạo do người truyền. Tôn giáo hưng thạnh nhờ vào nhân tài, bồi dưỡng nhân tài nhờ vào giáo dục, giáo dục phát triển dựa vào thể chế, thể chế thành lập do có niệm lý trí. Để thành lập một cơ chế giáo dục Phật giáo hợp lý, khiến trở nên mô phạm, có hệ thống, đây nhiệm vụ cấp thiết trước mắt cho sự cách mạng và phát triển giáo dục Phật giáo. Để thực hiện được mục tiêu này cần phải có một lý niệm giáo dục sáng suốt và tiên tiến.

Giáo dục Phật giáo được chia theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng là chỉ tất cả các hoạt động giáo hóa của Phật giáo cho cả hai giới tăng và tục. Nghĩa hẹp là chỉ cho sự bồi dưỡng và giáo dục trong nội bộ Phật giáo, đặc biệt là học tăng của Học viện Phật giáo. Đầu tiên nói về nghĩa hẹp. Giáo dục ở Học viện Phật giáo là một loại giáo dục Phật giáo theo nghĩa hẹp, và cũng là toàn thể trung tâm giáo dục của Phật giáo, vì đây là nền giáo dục lấy sự bồi dưỡng Tăng bảo làm mục tiêu. Giáo dục tăng tài không phải là một việc nhỏ, vì có liên quan đến sự hưng suy tồn vong của Phật giáo, tính quan trọng của sự giáo dục này không cần nói cũng hiểu rõ, cần phải được thận trọng xem xét.
Giáo dục tăng tài phân làm ba tầng là: giáo dục thành nhân, giáo dục thành tăng và giáo dục thành Phật. Chúng xuất gia là một quần thể xã hội đặc thù, gánh vác trọng trách “thượng cầu hạ hóa” (trên cầu giáo pháp chư Phật, dưới hóa độ chúng sanh), vị trí ở vào khoãng giữa người và Phật, trách nhiệm đã nặng, yêu cầu lại cao. Tuy lấy việc thành Phật làm mục tiêu, nhưng lấy việc thành nhân làm nền tảng; đã không thể thành nhân thì càng không thể thành Phật. Đại sư Thái Hư nói: “Làm xong bổn phận người tức là thành Phật” (nhân thành tức Phật thành) chính là nhấn mạnh việc làm người là bước đầu tiên để thành Phật.

1. Giáo dục thành nhân

Đứng về phương diện giáo dục thành nhân mà nói thì quan trọng nhất là giáo dục tố chất văn hóa, giáo dục văn hóa đã trở thành giáo dục đạt chuẩn cho những công dân có trình độ văn hóa, kỹ năng cơ bản và tố chất đạo đức tương đối cao. Về mặt này không có sự nhấn mạnh quá độ về tính đặc thù của giáo dục Tăng nhân, vì giáo dục tố chất văn hóa là sự giáo dục mà tất cả mọi người đều phải tiếp nhận để thành nhân, không ai có thể ngoại lệ. Tính quan trọng của tố chất văn hóa vốn là một vấn đề không cần phải bàn tới nữa, nhưng do một số người có những ý niệm sai lầm cho rằng về phương diện này Phật giáo có tính đặc thù, nên tôi thiết nghĩ vẫn cần phải nói rõ. Phật giáo cho rằng một trong những chướng ngại tu hành đó là sở tri chướng, có người mượn cớ này để cường điệu có hay không có tri thức văn hóa không quan trọng, thậm chí cho rằng tri thức càng nhiều càng chướng ngại cho việc tu hành. Kỳ thực sở tri chướng mà nhà Phật nói là chỉ cho học quá nhiều tri thức vô dụng hư dối, chỉ cho học mà không tiêu hóa được tri thức, sanh ra cố chấp, từ đó tạo nên chướng ngại cho việc tu hành. Nhưng cũng không thể vì học kiến thức có thể tạo thành sở tri chướng mà không thèm học, không học kiến thức sẽ trở thành vô tri, vô tri chính là ngu si, mà ngu si chính là một trong ba độc (tham, sân, si), điều này còn đáng sợ hơn cả sở tri chướng. Mấu chốt là phải nắm lấy trung đạo, đã phải học tốt kiến thức, còn phải biết ứng dụng thực tế, chứ không phải làm nô lệ cho kiến thức.

Thiền tông chủ trương “bất lập văn tự”, có người còn đem chỗ ưu khuyết của nam Năng bắc Tú (dòng thiền phương nam của Lục tổ Huệ Năng và dòng thiền phương bắc của Đại sư Thần Tú) ra chứng minh người có học vấn không bằng người tu chứng. Kỳ thực, Lục Tổ Huệ Năng đối với cái gọi là “bất lập văn tự” có một sự phê bình rất sáng suốt, Ngài cho rằng không thể phỉ báng kinh giáo. Nam Năng bắc Tú, không thể đánh giá một cách đơn giản là ai hơn ai kém, nếu như không có Thần Tú gây sức ảnh hưởng lớn đối với triều đình thì nam tông sẽ không dễ có được cơ hội phát triển tốt nhất, đương thời bắc tông là một tông phái thiền mạnh nhất, tiếp tục gây sức ảnh hưởng mãi đến cuối triều Đường. Nên cho dù có bàn đến sự hơn kém, cũng không thể nói một cách điên đảo. Không biết chữ hoặc biết chữ không nhiều, đây vừa là khuyết điểm mà cũng là ưu thế của Lục Tổ, vì cha mẹ mất sớm, gia cảnh lại nghèo túng, về sau lại bị kẻ xấu rượt đuổi phải trốn đông lánh tây, ẩn cư suốt 16 năm trời, căn bản là không có điều kiện đến lớp chứ không phải Ngài không muốn đi học, chính bản thân Lục Tổ cũng không vì thế mà lấy làm hãnh diện. Tuyệt đối Lục Tổ không phải vì muốn thuyết minh “diệu lý của chư Phật không liên quan gì đến văn tự” hoặc vì muốn nhấn mạnh “bất lập văn tự” mà cố ý không học chữ. Giả sử Lục Tổ không phải vì vô số chướng nạn mà không thể học chữ, giả sử Lục Tổ cũng có trình độ văn hóa giống như Thần Tú thì nhất định sự thành tựu và cống hiến của Ngài không chỉ có thế. Sự thiếu kém của Thần Tú cũng tuyệt đối không phải vì trình độ văn hóa cao, mà là vì tinh thần sáng tạo không bằng Huệ Năng. Giả như tính sáng tạo của Thần Tú lớn hơn một chút thì thành tựu của Ngài sẽ càng nhiều. Ngoài ra, điều cần phải nói rõ nữa là Lục Tổ tuy biết chữ không nhiều, nhưng không phải là người không có văn hóa. Lục Tổ thường bảo đệ tử trước đọc kinh, sau đó y theo kinh văn giảng giải cho đệ tử nghe, đó cũng là cách tự nâng cao trình độ văn hóa của mình. Trong “Đàn Kinh” có nhiều chỗ trích dẫn kinh điển Phật giáo, điều đó chứng tỏ Lục Tổ rất thông thuộc kinh Phật. Lục Tổ giảng pháp sâu sắc dễ hiểu, tóm thâu những điều tinh yếu, giọng Tổ lại sang sảng, logic, giàu văn từ. Có thể Lục Tổ là một nhà thơ nhân gian thiên phú, hoặc có sự nghiên cứu nhất định về phương diện này. Tóm lại, Lục Tổ là người có trình độ văn hóa tương đối cao, tuy không bằng Thần Tú, nhưng chắc chắn hơn người bình thường. Lục Tổ lại giỏi về việc lấy ưu bù khuyết, lấy sự giác ngộ cao siêu của mình để bù lại chỗ kém khuyết của trình độ văn hóa, đồng thời Tổ lại tận dụng mọi cơ hội ra sức học tập, bao gồm cả việc học từ đệ tử, học từ các yếu tố tổng hợp khi thuyết giảng. Có thể nói Lục Tổ là người có trình độ cao nhất đương thời.

Tố chất văn hóa càng cao càng tốt. Đứng từ phương diện giáo hóa và giáo dục mà nói thì chỉ có thể là lấy sở trường để bù sở đoản, lấy chỗ cao để hướng chỗ thấp, không thể nào đi ngược lại. Không có văn hóa, lại không có quyền phát biểu thì không chỉ không thể hóa độ chúng sanh, trái lại còn bị chúng sanh hóa. Từ đó, đối với những người xuất gia mà nói, việc đầu tiên là phải bổ túc tố chất văn hóa. Do người viết kiến thức hạn hẹp, không hiểu rõ lắm về học lực và trình độ văn hóa quân bình của Tăng Ni trong hiện tại, luôn cảm thấy hình như về phương diện này Tăng Ni còn kém hơn trình độ bình quân của xã hội. Nếu quả đúng như vậy thì Tăng Ni nên nhanh chóng tiến hành bồi dưỡng mặt thiếu sót này, chí ít cũng phải đạt đến trình độ đại học, yêu cầu này có thể hơi thấp, nhưng dần dần sẽ nâng cao thêm.

Giáo dục yếu tố văn hóa có thể được chọn dùng với nhiều hình thức, một là có thể bồi dưỡng liên kết với đại học, cho Tăng Ni học đại học giống như sinh viên ở ngoài. Hai là có thể giáo dục thông qua Phật học viện, 3 năm đầu trong Phật học viện chủ yếu học văn hóa do các giáo sư và phó giáo sư có trình độ cao của trường đại học đảm nhiệm, yêu cầu trình độ của Tăng Ni ngang bằng với trình độ của sinh viên đại học. Ba là thông qua hình thức tự học tự thi. Bất luận là thông qua hình thức nào cũng phải bắt buộc đa số Tăng Ni (đặc biệt là những Tăng Ni trẻ) phải đạt được tiêu chuẩn đề ra.

Thông qua giáo dục tố chất văn hóa, bước đầu khiến cho Tăng Ni trở thành những công dân có tố chất cao đạt tiêu chuẩn, một người có nhân cách kiện toàn được xã hội kính trọng, một người có đầy đủ trách nhiệm và ý thức gánh vác xã hội, một người có đầy đủ kỹ năng tự lập cơ bản và năng lực giúp đỡ người khác. Chỉ khi có đầy đủ những điều kiện này mới có khả năng tiến thêm một bước trở thành những Tăng Ni gương mẫu, trước thành nhân sau thành Tăng, trước kiện toàn nhân cách sau mới bồi dưỡng đến phong cách Tăng nhân.

2. Giáo dục thành Tăng

Giáo dục thành Tăng là yêu cầu của tầng thứ hai. Nhân cách kiện toàn, trở thành một người tốt, một công dân tốt chỉ là tiền đề và cơ sở để trở thành một vị Tăng vị Ni đạt tiêu chuẩn, bồi dưỡng phong cách Tăng nhân cần phải yêu cầu cao hơn. Mục tiêu chủ yếu của Phật học viện là bồi dưỡng nhân tài hợp chuẩn, bồi dưỡng tăng tài phải lấy Tam học làm trọng tâm, khiến cho học tăng đạt được trình độ nhất định về ba phương diện giới định tuệ, trở thành người trì giới tinh nghiêm, có định lực thâm hậu và trí tuệ rộng lớn.

Do đặc điểm của tự thân Phật giáo, nhấn mạnh việc thống nhất tu học, thực hành tùng lâm học viện hóa, điều này không có sai trái, nhưng không thể lấy lý do tu trì để phớt lờ việc học chuyên nghành. Giống như đại học ngoài đời, Phật học viện vừa phải bồi dưỡng đại cương, lại phải bồi dưỡng chuyên nghành, phân bổ chuyên nghành là điều vô cùng thiết yếu. Như các loại giáo trình cơ bản: Kinh điển cơ bản của Phật giáo, lịch sử Phật giáo Ấn Độ, lịch sử Phật giáo Trung Quốc, phương pháp nghiên cứu Phật giáo, ngôn ngữ Phật giáo (chủ yếu là tiếng Hán cổ) là những môn mà mỗi một học tăng cần phải học. Ngoài ra còn có thể chiếu theo yêu cầu của Tam học, kết hợp đặc điểm chùa, tông phái và nơi ở của mình để soạn ra giáo trình chuyên môn dạy cho học tăng nghiên cứu chuyên sâu về một chuyên nghành.

Ngoài lao động và rèn luyện thể dục ra, Phật học viện phải lấy việc đào tạo chuyên nghành làm chính, lấy việc học tập kiến thức văn hóa Phật giáo làm chính, phải tạo ra những điều kiện học tập tốt, khiến cho học tăng được chuyên tâm, chỉ lo việc đạo, không lo đến việc ăn mặc, đầu tư hết thân tâm vào trong việc học tập. Thông qua học tập, khiến cho học tăng trở thành những nhân tài vừa liễu giải được những kiến thức Phật pháp, lại vừa tinh thông về một chuyên nghành. Điều phải nhấn mạnh là Phật học viện vừa phải bồi dưỡng những nhà lãnh đạo Phật giáo tương lai, lại phải bồi dưỡng một lớp học giả Phật giáo cao cấp có tinh thần phụng sự cống hiến. Trước đây chưa có nghiên cứu Phật giáo chuyên nghành, nên nhiệm vụ này phải nhờ vào tự thân Phật giáo gánh vác. Hiện tại tuy có một số người bắt tay chuyên nghiên cứu về Phật giáo, nhưng số người này không phải xuất thân từ giới Phật giáo. Đành rằng những cư sĩ học giả Phật giáo phải cố gắng, nhưng những người xuất gia cũng không nên đem toàn bộ nhiệm vụ này giao cho giới học giả, mà nên có những bậc Long tượng gánh lấy trách nhiệm nghiên cứu Phật giáo, nắm lấy quyền phát ngôn về phương diện này.

3. Giáo dục thành Phật

Giáo dục thành Tăng là nhiệm vụ chủ yếu của Học viện Phật giáo, nhưng giáo dục Phật giáo là giáo dục trọn đời, thành tăng chỉ là một giai đoạn trong suốt quá trình đó, mục tiêu căn bản của người xuất gia là làm Phật làm Tổ, thật giống như điều người ta nói: không muốn làm binh sĩ của nguyên soái thì không phải là một binh sĩ tốt. Tăng Ni không muốn thành Phật thì chắc chắn vị Tăng Ni ấy không đạt tiêu chuẩn, trong khi giáo dục thành Phật là giai doạn giáo dục cao nhất của Phật giáo.

Đối với sự giáo dục thành Phật, các học giả hầu như không có quyền phát biểu, nhưng có thể đưa ra một số kiến nghị. Giáo dục thành Phật có đầy đủ tính đặc thù, chủ yếu là giáo dục tự ngã, tự lực thành Phật. Con đường thành Phật của mỗi người không hoàn toàn giống nhau, mỗi người đều có những cơ duyên đặc biệt, nhưng có một điểm giống nhau là đều phải trải qua sự nổ lực gian khổ trường kỳ mới có thể thành tựu. Thành Phật phải là những bậc lợi căn, , lợi căn cũng cần có sự điểm hóa của những bậc đại thiện tri thức mới có thể khai ngộ. Giáo dục thành Phật không chỉ là nhiệm vụ của Phật học viện, còn phải có bậc đại thiện tri thức trực tiếp khai thị, điều kiện đầy đủ, cơ duyên thành thục mới có thể đạt đến thành tựu.

Thành Phật phải dựa vào căn tánh, ngộ tánh và cơ duyên không hề có sự trùng lập, không thể đơn giản dùng lại rập khuông mô hình của người xưa, vì như thế chẳng khác nào khắc thuyền tìm kiếm, chẳng những không tìm được kiếm mà còn làm trò cười cho thiên hạ. Công án thiền tông cung cấp những câu chuyện người xưa ngộ đạo, những câu chuyện này chỉ có thể dùng để tham khảo, không thể bắt chước, càng không thể suốt ngày quanh quẩn suốt bên công án. Có người còn biến công án thành một loại văn bản, rồi bị kẹt vào đó không thoát ra được. Suy tính trăm mưu nghìn kế rốt cuộc chỉ làm văn vẻ trên bút mực; tìm đạo lý ở nơi huyền diệu, kết quả là càng đi càng xa, không còn dính dáng gì đến đạo lý. Tham thiền cần phải tham thoại đầu, trưởng dưỡng thành tâm thiền linh động hoạt bát mới có thể tiếp cận được với đạo. Những lời bàn luận vô ích, càng ít nói càng tốt.

Ngoài giáo dục Phật giáo theo nghĩa hẹp, còn phải nói sơ về giáo dục Phật giáo theo nghĩa rộng. Giáo dục Phật giáo theo nghĩa rộng chủ yếu gồm cả giáo dục Phật giáo ở Phật học viện, đại học Phật giáo (bao gồm cả trung, tiểu học) và giáo dục Phật giáo ở đại học ngoài đời (bao hàm cả trung và tiểu học). Tuy hiện tại chưa có đại học Phật giáo chính quy, nhưng nhất định sẽ được thành lập vào một ngày không xa. Giáo dục Phật giáo ở đại học ngoài đời chủ yếu bồi dưỡng người nghiên cứu về Phật giáo và người quan tâm tìm hiểu, lấy việc phổ cập kiến thức Phật giáo và nghiên cứu Phật giáo làm chính. Đại học Phật giáo chủ yếu bồi dưỡng cho tín đồ Phật giáo, đặc biệt là cư sĩ, là nơi tập trung những người tín ngưỡng Phật giáo. Phật học viện thì lấy việc bồi dưỡng tăng tài làm mục tiêu chủ yếu, là nơi đào tạo những bậc long tượng trong Phật giáo. Tôi đã từng một lần ở Hội học thuật Vô Tích nêu lên cách nói về “tân tứ chúng”, tức những người truyền trì mạng mạch Phật giáo (chủ yếu là chúng xuất gia), người tín ngưỡng (cư sĩ), người nghiên cứu Phật giáo, người quan tâm đến Phật giáo. Bốn chúng (hai chúng xuất gia, hai chúng tại gia) trong truyền thống nói đương nhiên là lực lượng chủ yếu của Phật giáo, nhưng cũng không nên xem nhẹ người nghiên cứu và người quan tâm đến Phật pháp, huống gì trong đó có người có thể trở thành người quản lý tôn giáo, lập trường của hai loại người này cũng rất quan trọng đối với sự tồn vong của Phật giáo.

Giáo dục Phật giáo là một vấn đề lớn có liên quan đến vận mệnh Phật giáo, vận mệnh Phật giáo cũng liên quan đến vận mệnh của quốc gia dân tộc. Giáo dục Phật giáo và vận mệnh dân tộc nên được kết hợp xây dựng, khiến nó không chỉ phục vụ cho Phật giáo, mà còn cống hiến cho sự nghiệp hòa bình và phát triển đất nước.

Tác giả: Từ Văn Minh

Bát Nhã (dịch)