Con đường giáo dục tuyệt diệu được đức Thế Tôn chỉ dạy không ngoài Thánh đạo tám ngành, làm cho chúng sanh xa rời cấu uế, đạt tâm an tịnh.
Khi hành đạo và hoằng đạo, muốn duy trì mạng mạch Phật pháp, đem an vui và giải thoát cho nhân loại, con người cần tu tập Giới Định Tuệ để nhận ra chân lý của ba đặc tánh Khổ (dukkha), vô thường (anicca), Vô ngã (anattã).
Chúng ta nhớ lại sự kiện đức Phật sau khi hành thiền định, tâm Ngài trở nên trong sáng, thanh tịnh, không uế nhiễm, không nhiệt não. Với tâm này, Ngài vững chắc hướng đến Lậu tận trí, quán triệt về lý Tứ đế. Ngài hiểu biết hoàn toàn các lậu hoặc, lậu hoặc tập khởi, lậu hoặc đoạn diệt và con đường đưa đến lậu hoặc đoạn diệt. Với trí tuệ đoạn diệt các lậu hoặc, Ngài được giải thoát. Tri kiến về giải thoát khởi lên trong Ngài. Ngài biết sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc gì cần làm cho sự giải thoát, giác ngộ đã được Ngài làm xong. Như vậy đối với Ngài không có gì cần phải làm thêm đối với tiến trình giải thoát nữa.
Như thế đức Phật đã dạy diệt khổ và con đường thoát khổ nhờ tu tập, hành trì chỉ quán mà chúng ta đã được đọc trong các bài kinh của Kinh tạng Nguyên thủy. Vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông (bahujana hitãya, bahujana Sukhãya). Những bài kinh này đã được thuyết giảng bằng thứ ngôn ngữ thông dụng, phổ cập đặc biệt hàng ngày làm cho phù hợp mọi đối tượng để khai sáng tâm họ. Những bài kinh này phản ánh trí tuệ thâm sâu và lòng từ không biên giới nơi vị đã chứng đạt quả vị giải thoát giác ngộ. Phương pháp giáo hoá của bậc Đạo sư là huấn luyện trực tiếp ngay vào bản tâm, cá tánh từng người đệ tử giúp họ cải đổi tư duy cũ, lạc hậu, ích kỷ, mà vươn lên, sống hợp với cách sống cho người và vì người.
Có thể nói, các hàng đệ tử Ngài bất luận người lớn hay trẻ nhỏ, có học thức hay quê mùa, dù là thành viên nào trong xã hội … khi từng được đọc hay nghe bất kỳ bài kinh Phật học nào của Ngài, thì tuỳ căn cơ, trình độ của mình, vị ấy cũng đều thấm nhuần nghĩa lý thâm sâu, hành trì kính cẩn lời dạy, giải toả được nhiều ưu tư, phiền muộn, ngõ cụt trong các lãnh vực, tình huống cuộc sống. Với chất liệu pháp Phật nhiệm màu, sẵn chứa trong những lời huấn thị ân cần, soi sáng con người thoát khỏi u đồ, thành tựu sự nghiệp, đạt được thuần tịnh, trong sáng nơi tâm, biết thức tỉnh, cảnh giác, góp phần làm cho cuộc sống thêm phần ý nghĩa. Để vượt qua cam go, phiền não, gây tác hại về mặt tinh thần, trở ngại bước tiến, ngăn cản mục tiêu, có bảy phương pháp[1] đoạn trừ:
1. Thấy biết: Đạo Phật vốn dĩ là đạo của „Duy tuệ thị nghiệp’, chính vì vậy mà khởi động đầu tiên mang tên gọi này, có liên quan đến đức tin bất động. Tại tốc độ nào đó, chánh kiến là phương pháp đi đầu, giúp con người nhận thức, phân biệt, phát hiện nguyên nhân, truy tìm nguồn gốc. Chẳng hạn bàn về khổ đau, nhờ thấy và tìm ra sự ràng buộc của níu kéo, bảo thủ, ít hiểu biết. Bước thứ hai, thiết lập trạng thái hân hoan trên cái thấy rõ nguồn cội một cách rốt ráo, chơn chánh; các nút gút lần hồi được tháo, nhờ khéo truy nhân. Như vậy có thể nói, sự phát triển của trí tuệ ban đầu có liên quan đến cái thấy như thật để có thể thực hiện bước kế dễ dàng, đồng nghĩa với khép mình trong khuôn khổ đạo đức.
2. Phòng hộ : muốn tu tâm, trước hết phải hiểu biết tâm mình, sau đó mới có thể hộ trì và phát huy hết khả năng của tâm. Muốn vậy, cần trang bị tốt kiến thức phòng hộ, vì tâm được minh họa như dễ thay đổi, bị dao động, khó thấy, rất tinh tế, khó hiểu, khó kiểm soát và nhanh nhẹn cực kỳ qua bài kệ sau:
Phandanam capalam cittam, durakkham dunnivãrayam.
Ujum karoti medhãvr, usukãro’va tejanam.
Tâm hoảng hốt giao động. Khó hộ trì khó nhiếp.
Người trí làm tên thẳng. Như thợ tên làm tên.
( Dh. 33)
Hoặc:
Sududdasam sunipumam, yatthakãmanipãtinam.
Cittam rakkhetha medhãvr, cittam guttam sukhãvaham.
Tâm khó thấy, tế nhị. Theo các dục quay cuồng.
Người trí phòng hộ tâm. Tâm hộ an lạc đến.
(Dh. 36)
Thật vậy, chánh niệm đóng vai trò trọng trách trong các oai nghi tế hạnh, hộ trì các căn nghiêm mật, vì phạm hạnh giới đức là nấc thang căn bản để tiến lên mục đích tối hậu.
Yato yato sammasati, khandhãnam udayabbayam
Labhati pĩti pãmojjam, amatam tam vijãnatam.
Người luôn luôn chánh niệm. Sự sanh diệt các uẩn.
Được hoan hỷ hân hoan. Chỉ bậc Bất tử biết.
(Dh. 374)
Như vậy cách sống theo đạo Phật khiến người hành trì không những toàn hảo mặt đạo đức bên ngoài mà cả phần giải thoát giác ngộ tâm linh bên trong. Phương pháp sống này vun trồng những tình cảm hướng thượng, từ bỏ cái hướng hạ, trong đó tình cảm trân quý luôn pha lẫn chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh trí và chánh giải thoát. Các ngành này là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đưa người hành lời đức Phật dạy đến chỗ bình an, giải thoát, giải thoát tri kiến.
3. Thọ dụng: phản tỉnh rành rẽ đời sống giá trị phạm hạnh, mục đích cao quý của kiếp người, con người vượt lên thú vui tầm thường, tạm bợ trong việc thọ dụng bốn sự cúng dường, loại trừ mười sáu tâm bất thiện:[2] 1. tham 2. sân 3. phẫn nộ 4. hiềm hận 5. giả dối 6. não hại 7. tật đố 8. xan tham 9. man trá 10. phản bội 11. ngoan cố 12. bồng bột 13. ngã mạn 14. tăng thượng mạn 15. tự kiêu 16. phóng dật.
Với thực chất ít muốn, biết đủ và bằng lòng với những gì mình đang hiện hữu, con người thúc liễm thân tâm, trau dồi trí đức, hành đạo trang nghiêm, nuôi sống thọ mạng nhờ các vật thực thanh tịnh.
4. Kham nhẫn: khi cuộc sống con người ngày càng đạt đỉnh vinh quang, con người càng bị nô lệ bởi guồng máy vũ bão, tất bật, hối hả của cuộc sinh tồn; thì kiến thức, nghề nghiệp gắn với sự thành công của vị ấy, chỉ có thể trở thành tài trí sắt đá, bỏ sau tình cảm đối với những người xung quanh. Lúc này, chính đức nhẫn nhục, tha thứ, buông xả, kham nhẫn, độ lượng, từ bi, nhân ái, tử tế, khoan dung là các phẩm chất thánh thiện, cần phải song hành, có thế mới tạo sự cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tâm linh. Cả hai phẩm chất này không thể tách rời nhau được, chúng là mục tiêu tối hậu hướng đến sự thật.
5. Tránh né: cuộc sống càng tiến bộ, hiện đại, con người càng dễ mắc nhiều cạm bẫy, lo toan, mưu trí, sai lầm. Muốn thoát khỏi tệ nạn, hữu lậu, con người nên tránh né những tụ điểm, chỗ ngồi không thích hợp; không nên la cà phố, quán hay lai vãng các trú xứ bất an, vô bổ; tránh xa, không giao thiệp bạn xấu, bạn lười, những bạn khó kiềm chế. những áp lực, căng thẳng … trong đời sống thường nhật.
Mỗi việc làm, nhất cử nhất động, của con người dựa trên hướng đi đạo đức, được gọi là tư cách đạo đức của người biết sống trong trạng thái khinh an. Thật vậy, nếu mỗi cá nhân suốt cuộc đời biết sống nhiệt tâm, tinh cần do khéo quán sát và nhận thức được tầm quan trọng của bản thân cũng như tha thân, vị ấy sẽ tránh đời sống, hoàn cảnh, môi trường bê tha, không lành mạnh chung quanh, nhờ biết xây dựng lối sống tốt đẹp và bình an không những ngay đời hiện tại mà cả về sau nữa, do khéo huấn luyện các phẩm chất siêu phàm.
6. Đoạn tận: tham đắm, nóng nảy, xung đột, bất mãn, tàn hại là các điều ác, bất thiện, là những pháp nguy hiểm, tổn hại cần trừ khử, đoạn diệt tận gốc, đối với những người thật học, thật hành lời đức Phật dạy. Thậm chí tham đắm vào sự bình an nội tại, cố chấp trí tuệ giải thoát, an vui … từ thành quả đạt được, cũng chỉ kẹt vào vòng đắm nhiễm khổ luỵ, do sợ khổ mà tu. Tu tập trong phạm vi có điều kiện như vậy, cũng chỉ đánh giá chưa đạt tinh hoa cốt tuỷ của đích cần đạt.
7. Tu tập: được sanh làm người thật quý, học lời Phật dạy để sống tốt hơn không những cho bản thân, tha nhân, cộng đồng, xã hội. lại còn trân quý biết dường nào. Như vậy ngành giáo dục Phật giáo tại mọi thời đại, giúp tâm con người không bao giờ dừng nghỉ ở những địa vị thành đạt, mà luôn chuyển hoá để nhận ra bản chất, giá trị trên các nẻo đời. Lời dạy của đức Phật tuy đã hơn 2,500 năm nhưng đã chiếu sáng cho toàn nhân loại, rõ mọi con đường vượt khó, ra khỏi thế gian đen tối đầy dãy tham lam, sân hận, si mê, trú vào thế giới rạng rỡ tươi sáng, tràn ngập giới hạnh cụ túc, định lực kiên cố và trí tuệ nhận thức đúng đắn một cách an ổn.
Ngày nay đức Từ Phụ tuy đã nhập diệt nhưng giáo pháp Ngài vẫn là ngọn đuốc soi đường cho bao thế hệ. Đối với những ai học Phật lâu năm một cách trung thành, nếu vị ấy tự tạo cho mình đức tin bền bỉ, rõ hiểu chánh pháp một cách đúng đắn, như thật, lại thực hành chánh pháp liên tục dẻo dai, bền vững, nhờ ý chí, nghị lực, nhất định vị ấy sẽ chuyển khổ đau thân xác thành an lạc nội tâm và có được hạnh phúc an tịnh thật sự.
Chính hạnh phúc an tịnh thật sự này hay giải thoát tri kiến, cũng gọi giải thoát lõi cây là hướng giáo dục nền tảng, vì không bao giờ sự nghiệp giáo dục lại dừng ở bất kỳ cấp bậc giới, định, tuệ, giải thoát nào cả. Chính giáo hoá thần thông cũng gọi giáo dục đích thực, trong việc giữ gìn hạnh phúc chân thật, lâu dài và bất động. Giáo dục này rất gần với những người làm công tác giáo dục. Đó là tâm huyết và trọng trách của những ai quan tâm đến ngành giáo dục và giáo dục Phật giáo trong mối quan hệ vì sự phát triển Xã hội và Giáo hội.
Đối với các nhà nghiên cứu giáo dục, giáo dục Phật học hay các nhà giáo … những vị này luôn đồng hành và trăn trở cho sự nghiệp đào tạo nhân cách, định hướng nghề nghiệp, xây dựng tương lai của nhiều thế hệ, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước cũng như Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa. Kế thừa tinh thần giáo dục của đức Phật và chào mừng Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 – 7/11/2011), có thể nói tóm lược rằng, giáo dục Phật giáo chính là ‘Duy tuệ thị nghiệp’, hay ‘Giáo dục, sự tồn tại của lõi cây’.
[1] Sabbãsava sutta, Majjhima nikaya.
[2] Trung bộ I, kinh số 3 hoặc 7