Làm Thế Nào Để Xác Định Được Người Có Tính Mắc Cỡ

Làm thế nào để xác định được người nào mắc cỡ, người nào không? Có thể dùng biện pháp nào để giải quyết vấn đề này? Vấn đề được đặt ra ở đây cũng không kém quan trọng là: Mắc cỡ có phải là một vấn đề hay không? Mắc cỡ có phải là ưu thế chưa được phát hiện của người có tính hướng ngoại?

Hướng nội không có nghĩa là mắc cỡ.

Trước tiên, mắc cỡ không đơn giản là biểu hiện của tánh cách hướng nội. Nếu vào buổi tối cuối tuần bạn cứ ở miết trong nhà, không hề bước chân ra ngoài; nếu vì muốn xem một quyển sách hay mà bạn không đi dự tiệc, cũng không nên vì thế mà nói bạn là người mắc cỡ. Trừ phi buổi tiệc khiến cho bạn cảm thấy lo lắng, mục đích xem sách của bạn cốt để trốn tránh buổi tiệc đó.

“Khi chúng ta cùng ở chung với người lạ, mắc cỡ được biểu thị bằng một trạng thái căng thẳng và không tự tin nghiêm trọng hơn những trường hợp thông thường.” Nhà tâm lý học Jerome Kagan thuộc đại học Harvard nói: “Người mắc cỡ phần lớn có khả năng là người có tánh cách hướng nội, nhưng người có tánh cách hướng nội không hoàn toàn đều có tính mắc cỡ.” Mặc dù theo cách định nghĩa này, người mắc cỡ chiếm tỷ số không ít. Kagan nói: Trong số chúng ta, có trên 30% người bị chứng mắc cỡ. Tỉ số cao như thế, nhưng có rất nhiều người vẫn không chịu thừa nhận.

Tiến sĩ Michael Sebastian Battaglia thuộc Trường đại học San Raffaele, nước Úc chiêu mộ được 49 em học sinh tiểu học gồm lớp 3 và lớp 4, ông yêu cầu các em trả lời bảng câu hỏi điều tra, sau đó dùng những cấp độ mắc cỡ được mọi người thừa nhận cho chúng bình xét cấp bậc. Ông bày ra một loạt các bức vẽ trước mặt các em học sinh, trên các bức vẽ là những gương mặt biểu thị sự vui mừng, giận dỗi, cũng như không hề biểu thị một cảm xúc nào cả, ông yêu cầu các em nhận dạng sự sai biệt giữa những khuôn mặt này. Những em học sinh có mức độ mắc cỡ cao thì luôn gặp khó khăn trong việc nhận dạng những khuôn mặt biểu hiện sự giận dỗi.

Khi dùng điện não đồ ghi lại sự hoạt động não bộ của các em học sinh, Sebastian Battaglia phát hiện ra mức độ hoạt động trong màng não của các em học sinh có mức độ mắc cỡ cao tương đối thấp. Màng não là nơi phát sinh tư duy phức tạp của con người. Sebastian Battaglia kết luận rằng: Có lẽ các em học sinh có tính mắc cỡ không thể đọc hiểu được những động tác trên khuôn mặt của những em khác, mà những động tác trên khuôn mặt này chính là tín hiệu mà các em đã dùng để ra dấu với người khác trong giao tế. Những em mắc cỡ không có khả năng nhận dạng được những tín hiệu đó trên gương mặt, cho nên luôn tỏ ra cảnh giác cao độ.

Tính mắc cỡ có phải do ảnh hưởng từ gien?

Nhà tâm lý học John Gabriel thuộc đại học Leland Stanford Junior nước Mỹ cũng đã làm một cuộc nghiên cứu tương tự. Ông không chỉ cho đối tượng thực nghiệm là người thành niên quan sát ảnh khuôn mặt người, mà còn cho xem những tấm ảnh rùng rợn như cảnh tai nạn xe. Ông phát hiện ra rằng, đối tượng thực nghiệm có tính mắc cỡ khi đối mặt với cảnh tai nạn xe đều có biểu hiện giống như những người khác. Khác chăng là phản ứng của họ đối với những tấm ảnh khuôn mặt người.

Ông còn nghiên cứu những gien có liên quan đến tính mắc cỡ. Sau khi phân tích DNA, ông phát hiện ra rằng những đứa trẻ bị chứng mắc cỡ có từ một đến hai gien tương đối ngắn. Những gien này có liên quan đến sự lưu động của một loại được gọi là huyết thanh tố và chất tổng hợp trong não bộ. Huyết thanh tố có khả năng ảnh hưởng đến sự lo nghĩ, phiền muộn và những trạng thái cảm xúc khác của con người. Rất nhiều nhà nghiên cứu tin rằng: Ít nhất những gien này cũng có tác động đến một mức độ nhất định.

Khéo léo ứng xử với người có tính mắc cỡ

Nếu như một người khi sinh ra đã có sẵn gien mắc cỡ, thì người đó nhất định sẽ trở nên mắc cỡ? Từ 20 năm trước, Kagan lần theo dấu vết nghiên cứu đứa trẻ mới lên hai đã biết biểu hiện tính mắc cỡ. Đứa trẻ biểu hiện tính mắc cỡ khi ấy, 20 năm sau vẫn còn 2 phần biểu hiện giống như vậy, một phần kia thì đã được khắc phục. “Cha mẹ, hoàn cảnh và cơ hội giao tế, tất cả những điều này đều có ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách mắc cỡ của trẻ em, ta không nên xem thường.” Kagan nói: “Nếu như sinh ra đã có tính mắc cỡ, bạn muốn trở thành người giỏi ăn nói giống như Clinton sẽ rất khó đấy, nhưng sẽ không gây trở ngại cho bạn khắc phục tính cách mắc cỡ đó.” Bất luận là trẻ em hay người lớn, họ đều có rất nhiều cách giúp mình thoát ra khỏi tính mắc cỡ. Đầu tiên, cha mẹ phải khéo léo xử sự với những hành vi mắc cỡ của trẻ, nhất thiết không nên nói hành vi đó là ‘xấu”. Các chuyên gia khuyên rằng: “Cha mẹ nên có những biểu hiện dịu dàng, nói với con trẻ rằng: Cha mẹ muốn giúp con khắc phục tính cách ấy. Con không phải là một đứa trẻ xấu.” Đối với người trưởng thành có tính mắc cỡ mà nói, đối thoại trị liệu có thể giúp ta quan sát được tâm tình lo nghĩ của họ, từ đấy có thể giúp họ sống thoải mái trước ảnh hưởng của môi trường xã hội, giúp giảm bớt được những tâm trạng lo sợ liên quan. Thông qua việc giúp người bệnh thể hiện chính mình trong những hoàn cảnh mà họ cảm thấy không thích hợp thì hành vi trị liệu là một phương thức trị liệu có hiệu quả cho tâm trạng ghét xã giao của người có tính mắc cỡ.

Tính mắc cỡ làm cho trẻ xa rời bạo lực

So với trẻ có tính hướng ngoại thì trẻ có tính mắc cỡ chỉ chiếm một phạm vi nhỏ. Nhưng theo kết quả nghiên cứu cho thấy, thành tích của trẻ có tính mắc cỡ trong trường không những luôn luôn tốt hơn trẻ có tính hướng ngoại, mà còn ít bị phát hiện có liên quan đến bạo lực hay phạm tội. “Mắc cỡ là một tính cách bất lợi, nhưng nó cũng là một loại tính cách có đầy đủ tính bảo hộ”, giáo sư Hawkins thuộc khoa Phúc lợi xã hội học của Trường đại học Washington, nước Mỹ đã nói như thế. Sebastian Battaglia cũng nói: “Tính mắc cỡ chẳng qua chỉ là một sự khác biệt giữa người và người. Đây cũng là một loại hình thức của hạnh phúc.” Điều khiến cho các nhà khoa học hứng thú với việc nghiên cứu về tính mắc cỡ không mệt mỏi là: Họ luôn thích chỉ ra tính cách của nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như tổng thống tiền nhiệm nước Mỹ Abraham Lincoln, Mohandas Karamchand Gandhi của Ấn Độ và Mandela – vị lãnh tụ người da đen, gốc Nam Phi đều có những tính cách ngầm không giống với người bình thường. Nhưng nếu tính cách của họ khác đi thì có lẽ họ sẽ không đạt được thành tựu rực rỡ như thế. Những ví dụ tương tự, có rất nhiều trong giới văn sĩ. Kagan nói: “Theo tôi thấy, đại thi nhân T.S. Eliot rõ ràng là một đứa trẻ có tính mắc cỡ. Mặc dù như thế, ông vẫn là người đạt được giải Nobel Văn học.” (Nghiêm Khiết)

Vì sao một số người lại có tính mắc cỡ?

Kết quả nghiên cứu cho thấy có khoãng 10% trẻ em “bị tật mắc cỡ bẩm sinh”. Những em bé này khi tiếp xúc với người hay môi trường lạ sẽ tỏ ra dè dặt, ít nói hơn lúc bình thường. Liên quan đến vấn đề mắc cỡ bẩm sinh, có một giải thích phức tạp hơn là: Một số do lúc còn nhỏ bị người chỉ trích, hoặc do sai lầm nhất thời đã trở thành đối tượng cho mọi người chế nhạo. Một số khác do có bề ngoài xinh đẹp, hoặc do thành công trong hoạt động mà “được kính yêu quá mức”.

Lại có một nguyên nhân tập trung vào yếu tố văn hóa. Đạt tỉ số cao nhất về tính mắc cỡ là ở các nước thuộc khu vực Á Châu. Đây là kết quả nghiên cứu đối với 9 quốc gia khu vực, nổi cộm nhất có Nhật Bản và Đài Loan; Israel có tỉ số thấp nhất. Một phần nguyên nhân những sai biệt này là nội dung văn hóa đặc thù khác nhau tạo thành. Do sự thất bại trong hoạt động xã hội mà một số nước Á Châu này bị uy quyền khuất phục và xem đó như một sự sỉ nhục. Còn ở Israel, do mạo hiểm mà bề ngoài tuy bị trách cứ một trận, nhưng lại xem đó là một sự cổ vũ.

Một báo cáo từ nước Mỹ có liên quan đến tính phổ biến của mắc cỡ cho rằng: Những người trẻ bị các sản phẩm điện tử bao vây, một mình xem tivi, chơi game, lướt sóng mạng, chát trong một thời gian dài, do đây mà nảy sinh ra sự cách ly với xã hội, làm giảm bớt cơ hội tiếp xúc trực diện với mọi người. Sử dụng mạng quá độ sẽ làm cho người ta cảm thấy cô độc, cách ly và tăng thêm tính mắc cỡ.

Khi tính mắc cỡ càng trở nên cực đoan sẽ làm cho cuộc sống người ta thay đổi theo một bình diện khác, khiến cho niềm vui xã hội của một người bị thu hẹp đến mức tối đa, khiến cho cảm giác không thích hợp và cách ly với xã hội của một người ngày càng lớn mạnh.

Dưới đây là vài nguyên tắc và sách lược đơn giản cho người có tính mắc cỡ, hy vọng mọi người suy nghĩ thấu đáo và thử áp dụng:

* Phải ý thức được rằng, không hề chỉ có một mình bạn cảm thấy mắc cỡ, mỗi một người mà bạn nhìn thấy có thể sẽ mắc cỡ hơn bạn.

* Cho dù có tồn tại nhân tố di truyền thì tính mắc cỡ cũng có thể thay đổi được. Ở đây cần phải có dũng khí và nghị lực, giống như bạn phải thay đổi một thói quen đã có từ lâu.

* Thử mỉm cười với người mà bạn tiếp xúc và tập nhìn thẳng vào mắt họ.

* Giao tiếp với người khác nên nói lớn tiếng bằng một âm thanh rõ ràng nhất, đặc biệt là khi giới thiệu tên mình hoặc khi thăm hỏi.

* Trong một hoàn cảnh xã hội mới, tự mình cố gắng nêu lên vấn đề hoặc phát biểu quan điểm của mình trước tiên. Chuẩn bị một số đề tài thú vị để nói chuyện và là người phát biểu đầu tiên. Ai cũng sẽ lắng nghe “người dạo đầu”, sau này cũng sẽ không có ai cho rằng bạn là người mắc cỡ.

* Bạn đừng bao giờ xem thường bản thân mình. Trái lại, để đạt được thành tựu như mong muốn, bước kế tiếp bạn phải chọn lấy phương thức hành động.

* Phải chú ý làm cho người khác cảm thấy thoải mái, đặc biệt là khi bạn tìm đến những người mắc cỡ khác. Làm như thế sẽ giảm nhẹ được ý thức tự ngã của bạn.

* Khi đi đến nơi mà trước đây thường làm bạn cảm thấy xấu hổ, phải luyện tập cho mình trầm tĩnh, thư thả, hướng tư tưởng tập trung vào một trạng thái lý tưởng.

Nếu như bạn là người có tính mắc cỡ, chúng tôi đề nghị bạn thử áp dụng những phương pháp nêu trên, có một số học sinh áp dụng những biện pháp này đã thoát ra được sự trói buộc của tính mắc cỡ, có đầy đủ tự do trong cuộc sống. Đó là nhờ ứng dụng được một số tri thức tâm lý học đơn giản vào trong đời sống, đồng thời xác thực được những ví dụ bổ ích. Nếu như bạn không còn mắc cỡ, bạn có thể cổ động lại những bạn bè và gia đình nào có tính mắc cỡ, khuyến khích họ thay đổi phương thức sống của mình.

HT. dịch