Cho nên thầy nói ra thì nó đụng chạm, phiền hà người ta thật. Thầy khuyên tất cả quý bà con có gặp ai như vậy nói dùm thầy, một mình thầy nói không ra đặng mênh mông bao la đâu. “Đừng bao giờ bắt cha mẹ nuôi con mình, đừng bao giờ làm những chuyện đó!” Cha mẹ nuôi mình ơn như trời như biển mà mình không nuôi lại được, bây giờ lại bắt nuôi con mình nữa, bậy quá chừng quá đổi rồi! Thầy nói, quý bà con nghĩ thầy nói có đúng không?
Mình chưa mang cái thai nghén, mang chín tháng đi ột ệt muốn chết vậy đó. Thầy hôm trước cổ thầy nó đau, có ông bác sĩ đưa thầy cái niệt mang về chút xíu vậy thôi, cái băng thôi mà thầy còn thấy khó chịu vô cùng vô tận, mà quý vị Phật-tử mang thai như vầy chín tháng đi ột ệt, đi không dám đi, chạy không dám chạy nữa, nhảy không dám nhảy, leo trèo không dám leo trèo, hỏi như vậy có là khổ hay không?
Tới chừng sanh ra nó nghen, thấy đau đớn lắm, không thể tưởng tượng. Sanh ra đó người ta nói “bấm cây cột mềm như chuối!” Cột mềm sao được mà mềm? Nhưng vì đau quá, đau không thể tưởng tượng, cho nên lúc đó bấm cây cột người ta có cảm tưởng mềm như cây chuối! Nhưng mà nó đau quá sức đau. Lúc mà sanh tưởng như rồi sao? Có nhiều khi đứa con ngỗ nghịch không chịu chun ra, còn nằm ngang, nằm dọc phải mổ bụng nữa chớ; quý bà con thấy có nguy hiểm không?
Rồi bây giờ mình lớn tuổi, sanh con ra nuôi lớn lên, có nhiều đứa bệnh hoạn hoài, nó lớn đến đâu tiền tới đó, rồi đêm đến nó đau phải vác trên vai ù ơ ú ợ… đi cả đêm, khổ vậy! Nhiều khi nó sổ mũi, hỉ không được, có người kê cái miệng nút cái chụt phun ra ngoài. Bây giờ mình lớn rồi, có ai dám nút mũi của ba má mình không? Ớn quá há! Ớn quá số kể! Nói thiệt cho nghe chớ thầy cũng chưa làm được nữa! Thầy biết nói nhưng sự thực thầy làm chưa được. Bà cụ, thân mẫu thầy đó, mặc áo vàng chắp tay đứng đó, bà ăn chay bà tu, cho nên thầy có phước nhờ bả tu cho nên thầy mới tu; con nhờ đức cha mẹ. Nhưng mà sự thật thầy nghĩ ràng bả còn sống thực sự mà bả nghẹt mũi thầy cũng cam chịu, nhờ tín đồ kêu bác sĩ, chớ thầy không dám nút mũi nữa. Thầy nói chính thầy hiếu dữ lắm nghe, mà thầy thấy thầy làm chắc cũng chưa được. Quý bà con chắc cũng chưa ai làm được việc đó.
Nhưng mà cha mẹ, bất cứ cha mẹ nào, cũng làm điều đó được hết! Thí dụ thầy không tu, thầy ở ngoài đời, thầy có vợ con, chác con thầy thầy cũng làm được nữa, thầy mút ra cũng được nữa, không gớm; tại sao kỳ vậy, không biết nữa! Cho nên người ta nói “nước chảy xuôi” là vậy đó, nó không chảy ngược. Con mình làm sao mình thương quá, ai cũng vậy, quý vị thấy không?
Đến đổi hồi xưa ông Hứa Trang Quân lúc ổng còn làm thừa tướng, một hôm ổng đi săn, ổng cầm cây tên bắn mục đích bắn con khỉ mẹ chết để bắt khỉ con, khi ổng giương tên bắn con khỉ mẹ, bị tên độc, khỉ mẹ hét lên rồi, thì con khỉ đực là cha nó chạy lại, nó rứt con nó, nó giao cho chồng nó, rồi nó giẫy xuống chết. Quý vị có thấy không, con thú mà nó thương con nó như vậy, nó có lòng thương con nó như vậy, thì tại sao con người lại bỏ con giữa chợ, hay là hành hạ con, giết chóc con. Nói xin lỗi, thua con khỉ rồi!
Rồi con khỉ con nó cũng đáp lại tình mẹ nó cũng xứng đáng, khi đó ông Quân mới muốn bắt khỉ con, ổng làm sao? Ổng lấy cây roi. Con khỉ đực tha con nó một đổi xa, nó ngó chừng coi vợ nó làm sao – con thú mà nó khôn vậy – thì khi nó nhìn thấy vợ nó ngã xuống chết rồi, ông Quân bèn cầm cây roi đánh vô khỉ mẹ thật đau, trót trót vậy. Con khỉ đực thấy thương quá, bồng con chạy lại gần coi, con khỉ con thấy mẹ bị đánh như vậy, nó tội nghiệp, nó thương mẹ quá đi, nó buông cha nó ra nó nhào lại ôm xác mẹ nó; ông chụp vô kịp thì nó giẫy nó chết.
Ông thấy chuyện quái lạ vậy, sẵn gươm cầm tay, ông bèn mổ bụng khỉ con coi thế nào và tại sao nó chết như vậy, thì than ôi ruột con khỉ con đứt ra từng đoạn mà chết!
Thương mẹ mà đứt ruột như vậy, thật là đáng một đứa con hiếu thảo! Con khỉ mẹ thương con, rứt con ra giao cho chồng rồi giẫy chết, thật là bà mẹ đáng là mẹ hiền! Con khỉ con ôm mẹ đứt ruột mà chết, thật là đáng một đứa con hiếu thảo! Tuy nó là khỉ nhưng nó đáng cho mình kính trọng nó, noi gương nó; hình tướng nó là khỉ, tâm-hồn nó rất cao-thượng, là tâm-hồn người hiếu thảo, chớ không phải tầm thường!
Con quạ đen thui, thú vật, mà sao thương cha mẹ, hiếu thảo vô cùng! Con khỉ là thú vật mà tại sao thương mẹ, thương con như vậy? Loài người chúng ta lại thua nó ư? Loài người chúng ta là thông minh, là sáng suốt, là trời Phật. Trời Phật có khác gì chúng ta đâu? Chúng ta còn là phàm nhân tục tử, là chúng-sanh, nhưng khi chúng ta lìa xa cái phàm nhân tục tử, giác-ngộ là Phật chứ gì? Bởi vì Phật với ma, với chúng-sinh có khác gì, chỉ là chỗ mê giác thôi. Cho nên có thơ như thế này:
“Ma ma, Phật Phật chính do ta
Ma Phật khác nhau chỗ chánh tà
Giác Phật, mê là ma đó vậy
Chân như là Phật, vọng là ma!”
Vậy, Phật ma là do chính mình chứ có ai đâu? Mình cũng Phật, mình cũng là ma. Hễ:
“Tâm thanh tịnh đó là tâm Phật,
Tâm buông lung vọng niệm là ma!
Chơn tâm là Phật đó mà,
Vọng tâm là quỷ hiện ra tại lòng!”
Thì bây giờ mình giữ tâm mình trong sạch, thanh-tịnh là Phật, tiên, thánh, hiền chớ gì đâu. Còn tâm mình đảo điên phiền não, tội lỗi thì ma chứ gì đâu! Vậy thì ma quỷ, Phật, tiên, thánh hiền cũng chính mình chớ có ai đâu. Hổng phải thành Phật là có ai ra giúp hoặc gì nữa đâu. Ông Phật, mình thấy tướng mạo quang-minh hiền từ đạo đức ôn hòa nhã nhặn, bác ái từ bi, thương người mến vật, cho nên từ cái tâm tốt nó hiện ra tướng tốt. Gọi là:
Hữu ư tâm xuất trình đối diện
Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh
Hữu tướng vô tâm tướng tùng tâm diệt
Bởi vì tâm Phật tốt cho nên tướng hiện ra lúc nào cũng tốt. Còn ma, mình nghe nói ma là mình đã sợ rồi là bởi vì tâm xấu cho nên hiện ra tướng xấu. Quý bà con lâu nay nghe nói đẹp như tiên không? Người nào tướng tốt lịch sự quá, nói là “Trời ơi, bà đẹp như là tiên hà! Cô đẹp như tiên, chú đẹp như tiên hà!” Tại sao lại tiên đẹp? Có ai nói xấu như tiên không? Tiên đâu có xấu được, mà sao tiên đẹp? Tu thành tiên cũng khó lắm nghen. Cũng giữ giới đức đạo hạnh nhiều. Hồi trước thầy cũng có tu tiên, thầy có luyện giữ lắm mà ở trên núi, thầy luyện nhiều, và tu tiên cũng khó lắm. Tu tiên phải: Thất bá nhật thất linh cơ. Rồi phải đi bá nhật, thất nhật. Rồi đi tam nương. Đi cửu niên vĩnh đức, khổ lắm, tu tiên khó lắm.
Thầy có viết bài thơ hồi thầy tu trên núi:
“Sự thế mặc người, ta cứ tu
Lục căn đóng lại bản êm ru
Âm thầm tịnh tọa công phu mãi
Lủi thủi trong am tựa ở tù!”
Lúc đó tịnh thất như ở tù vậy, nhưng mà khác nhau:
“Tù thế, tù tu cũng gọi tù
Tù tu tu tịnh mãi công phu
Tù vô tư lự nên thường trú
Tù chẳng tham cầu: đấng trượng phu!”
Tù đó là tù thiệt, tự mình nhốt mình. Cũng như ở tù chớ gì. Nhưng tù đó nó thong dong lắm.
“Phu chồng, phụ vợ mối oan khiên
Tù ở thế-gian tội nhãn-tiền
Tù nghiệp dấy ra, ta khó gỡ
Tù này muôn thuở chẳng ngồi yên!”
Đó là vợ chồng keo kết nhau như là ở tù vậy!
“Yên tâm, tịnh thánh bởi tu thiền
Tam bửu điền hòa giữa hạo nhiên
Khí phách thần hồn dồn một mối
Trọn ngày chí tối giữ căn nguyên
Nguyên lai bổn thể tại có thiền
Tam bửu điền hòa hoán nghiệp duyên
Bất chấp bất tri vô lý sự
Phi lai phi cứu chưởng thành tiên
Tiên Phật giai do tự tánh mình
Thánh phàm danh vọng bởi tham sinh
Tâm ma dạ dạ ma ma thịnh
Tâm Phật như như huệ huệ minh
Minh quang lại tốn vĩnh trường tồn
Khai chiếu kê hoàn cửa đại môn
Thong thả ra vào nào có huệ
Về chầu thượng giái, bái thiên tôn
Tôn Phật thánh tiên đến trọn lành
Đạo vàng khai hóa độ nhơn sanh
Thoát vòng lục đạo, tam đồ khổ
Chưởng phước tăng duyên đạo chóng thành
Thành pháp tác tiên bởi chỗ tu
Muốn tu ra khỏi thế-gian tù
Cần nên đóng cửa trong ngoài kín
Sự thế mặc người ta cứ tu!”
Thầy đã viết chín bài “cửu liên hoàn” như trên đó. Thầy nói để Phật-tử nghe, bây giờ nói xin lỗi, người ta nói tu là xuất hồn này hồn nọ, cái đó thầy biết rành lắm, thầy hồi đó thầy có quyền xuất sư mà. Thầy dạy một lần tu ba mươi mấy bốn chục vị nhập thất lận mà. Nhưng mà tu chừng nào tu phải luyện có tấm thai, thiệt khó chớ không phải không, rồi công phu trời ơi mà xuất hồn ta đó, năm mười năm hai ba chục năm chớ không phải tu năm, ba ngày, năm, mười ngày mà “xuất” đâu. Cái đó là ước vọng của người tu, chớ “xuất” gì nổi! Bây giờ vô tu năm ba tháng chỉ cách xuất hồn thì coi chừng ma nhập vô đó. Đi đó là đạo chết, nguy hiểm vô cùng.
Muốn tu Phật cũng tốt vậy. Tu Phật gọi là “giới, định, huệ”. Tu tiên là làm sao giữ gìn tam-bảo “tinh, khí, thần”, đúng theo tiên là tiên, đúng theo Phật là Phật. Mà tiên Phật nói vậy, tuy hai phương pháp nhưng nó giống tợ như nhau. Về cái chỗ tu rốt ráo nó cũng giống nhau, chớ không có gì khác. Nhưng mà tiên thì theo Lảo-tử, Phật thì theo Đức Thích-ca. Rồi nho thì theo Khổng-tử. Cho nên người ta thường nói rằng lấy ba điểm “Tam giáo đồng qui, ngũ chi hiệp nhất”. Đạo tam kỳ phổ độ người ta nói vậy đó; nhưng muốn tu tiên thì cực lắm, công phu khổ lắm, gian lao lắm, ngồi suốt đêm, chớ không phải tu tiên thành tiên là dễ đâu, mà thành tiên là tâm tốt rồi đó, tâm toàn chơn, toàn thiện rồi đó, thì hiện ra hình tướng tốt. Bây giờ, con người mặc dù tuy tốt bên ngoài, lòe loẹt hình thức nhưng con người trong tâm hung ác, ngang tàng, táo bạo, gian giảo, xảo trá, lường gạt đủ thứ gian manh, quý vị thấy có tốt được không? Cho nên “hữu tâm vô tướng” thì “tướng tự tâm sanh”, còn “hữu tướng vô tâm”, có tướng tốt thiệt mà tâm xấu là “tướng tùng tâm diệt”, tùy theo đó mà trở thành xấu.
Vậy thì, tóm lại chúng ta ở trên cõi đời này, ai cũng có cha có mẹ, có thân bàng quyến thuộc, bổn phận người con lúc nào cũng nghĩ tưởng công ơn cha mẹ mà báo hiếu, đáp nghĩa đền bồi, cha mạ còn sống phải phụng sự cha mẹ hết lòng, cha mẹ muốn tu hiền, muốn làm gì đó, đã nuôi mình lớn rồi thì mình phải trả quyền tự do cho cha mẹ, đừng bắt cha mẹ nuôi con, nuôi cháu, nuôi chắt, nuôi chít mình nữa. Có bà tám mươi mấy tuổi, thầy khuyên bả nên đến chùa về chùa tu đi, bả nói là “con còn bị thầy ơi, con còn mắc thầy ơi, con còn phải thầy ơi …” Tại, bị, còn cháu chắt của con con phải giữ! Thầy nói:
“Còn mớ cháu chắt à, vậy bà còn cái cháu nữa!”
“Cháu gì?” Thầy nói:
“Cháu vên-vên!”
Ở Việt-nam, mình chết thường đóng cái hòm bằng vên-vên đó; cây vên-vên đóng hòm để nước lâu mục đó mà, là “cháu vên-vên” đó, chớ cháu gì! Đã lo tới cháu ngoại, cháu nội là quá sức rồi còn gì, còn phải lo tới cháu chắt nữa! Quý bà con thử nghĩ coi, họ lợi dụng tới mức tối đa đó!
Cho nên nói thiệt nghe, ai mà có con cháu ráng mà giữ đi, không thì mướn người ta giữ, đừng có bắt cha mẹ giữ, tội lắm nghe! Mình chưa đền ơn cha mẹ, lại bắt cha mẹ mình nuôi con mình, đó là bậy vô cùng! Rồi bây giờ, cha mẹ còn sống mình phải nuôi cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ, đền ơn, báo hiếu, đáp nghĩa cha mẹ sinh thành, nhưng cha mẹ đã trở nên người thiên-cổ rồi thì làm sao? Mình phải ráng làm sao để đền ơn cha mẹ, báo hiếu, thì bây giờ mình phải ăn chay niệm Phật, giữ giới tu hiền, in kinh ấn tống, làm các phước duyên, kết bòn công đức, để mình hồi hướng cầu cho cha mẹ mình siêu thoát, bởi vì trong kinh có nói rằng:
“Nhứt nhơn hành đạo, thiên nhơn lợi,
Độc mộc hoa khai vạn thọ hương”.
Nghĩa là một người tu-hành, muôn người đều được lợi; đám rừng mênh mông, một cây trổ hoa thơm thì đám rừng đều ảnh hưởng. Hay là: “Nhứt nhơn hành đạo cửu huyền thăng” thì bây giờ mình biết tu hành thành đạo thì ông bà cửu huyền thất tổ được ảnh hưởng. Bây giờ cha mẹ đã chết rồi, bổn phận làm con phải ráng tu nhơn tích đức, ăn hiền ở lành, làm phước làm gia hồi hướng phước báu mà cầu cho ông bà cha mẹ mình. Nhưng điều quan trọng là mình phải tu, và dạy con cháu mình tu, là ông bà mình siêu thoát. Tại sao vậy? Bởi vì cha mẹ ông bà chết luân-hồi thành con cháu; chắc chắn là ông nội ông ngoại bà cố chết rồi chun vô bụng nàng dâu, cháu dâu chớ không đâu hết trơn hết trọi! Bởi vì sao? Là bởi vì nguyên do thương con, mến cháu, tiếc của, tham tài, chết đâu có đi xa! Bởi thế cho nên có câu rằng:
Tình thương luyến ái là sợi dây oan trái buộc ràng,
muôn ngàn đời kiếp chẳng tháo gỡ ra
Khi làm cha, lúc làm cháu,
hết làm bà, trở lại làm con,
Cho nên nhiều khi có những người con cháu cứng đầu cứng cổ … “Thôi, mẹ ơi, con lạy mẹ! Mày là mẹ tao! Mày là bà nội tao, bà cố nội tao! Mày là cha tao đó, mày là ông nội tao đó nghe!” Mà thiệt, ổng bả trở lại đó.!
Bây giờ quý bà con thử nghĩ, có nhiều người khuyên đi lại thọ bát quan trai có một ngày một đêm mà đi không được, bỏ nhà đi hai, ba ngày không được, hỏi chết đi đâu? Về Niết-bàn Tây-phương à? Nói xin lỗi, chưa chắc mấy ông thầy đã đi về Tây-phương được! Mấy ổng mấy bả tu trối chết không biết có về được không; nói chi mới tụng một, hai thời kinh đòi về! Vì vậy cho nên bây giờ muốn cho ông bà cha mẹ mình được siêu thoát, thì mình cần phải dạy dỗ con cháu mình tốt, và chính mình phải tu, bởi vì mình tu thì mình mới độ người ta tu được, chứ “chân mình đã lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”, thì rê làm sao đây? Mình phải tu rồi mới độ người.
Cho nên Đạo Phật nói đâu đó đúng đắn, tự độ rồi mới độ tha, chớ không phải tha độ mới độ tha! Tự-giác rồi mới giác tha. Tự lợi rồi mới lợi tha. Thì giác hạnh mới viên mãn. Chớ bây giờ mình không tự lợi, tự độ, tự-giác, thì mình muốn giác người ta là giác làm sao? Như vác củi vô rừng chạy rồi bỏ vô lò đốt hay làm sao? Thành ra mình phải tu rồi mới khuyên người được. Cũng như nói xin lỗi, có nhiều ông nói hay hơn thầy nữa, người ta học kinh thánh hiền còn thông suốt lắm, nhưng mà tại sao khuyên nói người ta không nghe? Còn thầy có duyên, thầy nói người ta nghe, là bởi vì người ta thấy ổng tu, ổng hy-sinh cuộc đời từ nhỏ tới lớn, không vợ, không con, không tiền, không bạc, không danh, không lợi, không cá-nhân ổng, dù có chăng là có phương-tiện giúp ích cho đời chớ không cá-nhân riêng. Thành ra có người chưa ăn chay ngày nào, lại gặp thầy, thầy nói chuyện một hồi rồi mến thương, cảm tình thầy, rồi khuyên ăn chay, cái ăn chay trường! Nhiều người cứng đầu, cứng cổ quá, nhiều khi chồng hay vợ của họ, hay con cái họ nói “Chắc ông Giác-nhiên có bùa ngải làm sao, ổng nói người ta nghe!” Bùa ngải làm cái gì? Tà sư ngoại-đạo, tôi tuyệt đối không có dùng cái đó, nếu tu mà dùng bùa ngải, thư, tôm, trù ếm, xăm, quẻ, tướng số, bói khoa, đó là không phải chánh-pháp rồi. Nhưng mà nếu người ta nghe là tại cái duyên.
Thầy chưa có dịp gặp, nhưng mà sư cô nói mà người ta nghe người ta ăn chay thì cổ cũng có phước lắm. Có đức mới nói người ta nghe đó. Quý vị biết là hồi trước đại-đức Narada qua bên Việt-nam, ổng cũng có duyên đó; nhiều ông thượng-tọa, đại-đức ở Việt-nam có giới-hạnh cao mà nhiều người không chịu quy-y. Rồi ổng tu theo bên Nam-tông, nhưng mà ổng ăn chay, rồi lại là nhiều người quy-y ổng, cũng ăn chay nữa, cũng giữ giới. Thành ra nói tóm lại, những vị khuyên lơn người ta tu đó, mà dìu dắt hướng dẫn người ta được, hay là đừng nói chi các chúng tăng, tôn túc, nhiều người Phật-tử, nhưng mà quý vị biết có nhiều người nói người ta nghe, nhiều người nói mà người ta không nghe, mà người nói người ta nghe người đó phải có ít nhất giới đức, đạo hạnh, đàng hoàng, ăn nói đứng đắn thì nói người ta mới nghe, người ta mới nể tình, chứ người đó như người khác thì nói ai nghe?
Tóm lại, làm người sống trên mặt đất này, mỗi người ai cũng có bổn-phận và trách nhiệm; trách nhiệm của mình, bổn-phận của mình, mình làm tròn, đó là người hiếu thảo, đó xứng đáng là một người công dân của đất nước. Bổn-phận là con đối với cha mẹ mình, còn sinh tiền mình phải nuôi nấng giúp đở, nếu chết đi, mình phải nhớ lời cha mẹ dạy bảo khuyên lơn, những gì để thực hành để khỏi phụ lòng cha mẹ, nhứt là dạy dỗ con cháu mình nên danh nên phận thì được danh thơm tiếng tốt giòng họ tổ tiên, chớ nếu con cháu mình hoang đàng làm điều bất phải, thì cũng mang tiếng là con của mình, cháu của mình, vì vậy mình phải ráng dạy khuyên con cháu mình nên người.
Đó là tinh thần xây dựng mà cũng là thực tế cầu siêu cho ông bà cha mẹ mình nữa, chớ tụng kinh nói là để cầu siêu; siêu là gì? Siêu là vượt qua! Không phải chết rồi mới siêu, mà lúc sống cũng phải cầu siêu nữa, con mình nó cờ bạc hút xách, trụy lạc, phong-lưu, trà đàng tửu điếm; phải lạy nó! Nói vậy là quá nặng hả? Nhưng không lạy nó thì năn nỉ nó, không năn nỉ nó thì khuyên lơn nó, để nó đừng tật xấu thói hư, đó là cầu siêu cho nó phải không? Còn cha mẹ mình còn sanh tiền cũng vậy, cha mẹ già rồi mà không biết tu hiền, có nhiều bà già lại chùa tụng kinh niệm Phật không chịu, ngồi đánh bài cụp xương sống thì lại chịu – thí dụ vậy – thì mình phải lạy mẹ đừng có đánh bài nữa, ba mình uống rượu say sưa hoài, mình lạy ba để ba đừng uống rượu nữa. Con cũng cầu siêu cho cha mẹ nữa chớ không phải không, cầu siêu nếp sống hiện tại đương thời, chớ sống mà hung hăng như cọp như beo, chết cầu siêu, cầu siêu sao nổi! Làm sao siêu nổi chớ? Bởi thế cho nên có câu rằng:
“Sanh tiền bất tri thiên đường lộ
Tử hậu nan ly địa ngục môn”
Sống mà không biết tu hành đạo đức, thì chết rồi cửa địa-ngục khó xa lìa. Cho nên chết mà cầu siêu là để cho an lòng mình, mà sự thật là độ người sống đó! Cũng như hồi đó ở Việt-Nam, nói thiệt quý vị nghe, thầy nhiều khi đi cầu siêu cho cha mẹ mấy ông tướng, trung-tướng, thiếu-tướng chẳng hạn, mấy ông tỉnh trưởng, bộ-trưởng chẳng hạn; mấy ông đó nói thiệt lo làm ăn, chạy theo việc làm, đâu có ăn chay gì, đâu có quy y, đâu có giữ giới nên đâu có ăn chay gì, nhưng khi thầy đến tụng cho một hồi kinh rồi, cầu siêu cho cha mẹ mấy ổng, hay nội ngoại gì đó, xong rồi, thầy mới nói chuyện cho nghe một hồi, thầy khuyên:
“Bây giờ muốn cho ông bà cha mẹ được siêu, quý vị nên phát tâm ráng quy-y, xin pháp-danh đi, niệm Phật đi, bố thí làm phước đi!”
Tất nhiên lúc đó nói mấy ổng nghe liền hà, là bởi vì cái chữ hiếu mà; thì không biết cha mẹ có siêu hay không, nhưng mà thực tế những người sống hiện tại giác-ngộ, thức-tỉnh, biết ăn chay, niệm Phật, quy-y tu-hành, làm lành, làm phước này, quý vị có thấy không? Không phải tụng kinh không mà được siêu độ, mà cần phải thuyết pháp, giảng đạo, để người sống hiện tại ý-thức giác-ngộ, mà nương về đạo đức tu hành. Đó chính là tứ sự lý tánh.
Tứ sự vô vi, lý tánh đồng đẳng
Thì giờ ít ỏi, thầy chỉ tóm tắt đôi lời, thầy cũng thành tâm cầu nguyện cho mười phương chư Phật và đại Bồ-tát chứng minh tấm lòng hiếu-kính của tòan thể chư vị hôm nay thiết lễ kỳ siêu cho cửu-huyền thất tổ ông bà cha mẹ của mình, cầu nguyện hồi hướng phước báo này, ngưỡng mong tam-bảo ban phước lành cho tất cả chư hương-linh ấy được chân minh chánh pháp, siêu thoát nhẹ nhàng vãng-sinh tịnh-độ, thân bằng quyến thuộc quý vị, người sống hiện tại đương đời tăng long phước thọ, vạn sự an khang phúc lạc đủ đầy, sở cầu như nguyện. Ngưỡng mong ơn trên Tam-bảo chứng minh thầy cũng tất cả quý vị để hồi hướng phước báo cầu chung
Nguyện đem công đức nầy
Hồi hướng khắp tất cả
Đệ-tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật quả
Nam mô A-di-đà-Phật!
Nam mô Bổn-sư Thích-ca-mâu-ni Phật!
Thời pháp đến đây là viên-mãn, song còn khoảng băng trống nên tôi tiếp tục đọc lại những bài thơ tuyệt tác ở trong cuốn lịch bỏ túi, nan Canh-ngọ 1990 hầu cống hiến cho quý vị:
Tân xuân kính chúc:
Xuân năm mới trở về trên đất khách
Tôi bùi ngùi nhớ lại chốn quê hương
Lòng xót xa thương nhớ khó phân tường
Xin tạm gởi đôi lời về thăm viếng
Chúc tăng ni tu hành càng tăng tiến
Chúc thiện nam tín nữ được bình yên
Chúc mọi người phúc lộc được vẹn tuyền
Đồng hưởng thọ đạo trường tu bất diệt
ĐH Nguyễn Minh Huấn chép từ băng ghi âm
ĐH Châu-Ngọc Lê Hoa Nhụy đánh máy
ĐH Minh-Quang Nguyễn Lê Đức ngắt câu & trình bày
Hòa Thượng Thích Giác Nhiên