Ý Niệm Nguyện Cầu của Đại Lễ Kỳ Siêu Anh Linh các Anh Hùng Liệt Sĩ

Ý Niệm Nguyện Cầu của Đại Lễ Kỳ Siêu Anh Linh các Anh Hùng Liệt Sĩ

Thích Tâm Mãn

Dân Tộc Việt Nam yêu chuộng tự do hòa bình, vì tự do hòa bình là thứ quí giá nhất mà xuyên suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước con dân nước Việt lúc nào cũng đem hết tâm trí lực của mình để bồi đắp và dựng xây. Tinh thần độc lập của Dân Tộc Việt Nam kiên cường bất khuất, từ thuở bình minh của thời lập quốc cho đến ngày nay trên bản đồ thế giới có nước Việt Nam độc lập tự chủ, bạn bè năm châu kính nể và yêu mến dân Việt. Để có được điều này bao nhiêu xương máu của lớp lớp anh hùng, cha anh cháu con người dân Việt đã anh dũng hy sinh, quên thân mạng của mình để bồi đắp. Vì vậy Dân Tộc Việt Nam “không có khó khăn nào mà không vượt qua, không kẻ thù nào mà không đánh thắng”.

Đạo đức nhân bản của người Việt được cô đọng trong bốn chử “uống nước nhớ nguồn” và cứ như thế tinh thần này là chất liệu gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, và là niềm tin của hiện tại dẫn đến tương lai. Người dân Việt bao đời nay vẫn chung thủy với tâm niệm đó, cứ mỗi khi cả đất nước và dân tộc lại quây quần sống trong độc lập tự do, hòa bình thịnh vượng, cơm no áo ấm thì tinh thần này lại trỗi dậy trong tâm tư người Việt, tình thương yêu lại dâng tràn, ý niệm báo ân lại thôi thúc và những việc làm để nhớ thương để báo ân những người đã khuất, vì đất nước vì dân tộc vì tự do hòa bình và hạnh phúc của người Việt, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam anh hùng đã anh dũng hy sinh.

Đại Lễ kỳ Siêu Anh Linh Anh Hùng Liệt Sĩ được tổ chức hầu như trên toàn lãnh thổ Việt Nam thể hiện rõ nét tinh thần này và là ánh sáng rạng ngời đạo đức “uống nước nhớ nguồn”  của người Việt Nam thời hiện đại.

Chúng ta nhớ ơn các Anh Hùng Liệt Sĩ, tôn vinh bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc cho thương binh và các gia đình liệt sĩ có công với tổ quốc đó là việc làm ý nghĩa và là trách nhiệm của chúng ta. Nhưng khi nhớ thương đến người đã khuất và muốn làm một việc gì đó để an ủi hay để thể hiện tấm lòng của mình đối với người nằm xuống vì nước vì dân,  thật là khó vì những lý do như “Âm dương cách trở” hay buồn hơn nữa “trận trận cát vàng bay trong gió, hồn ma than khóc giữa đêm thâu, xương trắng vùi phơi nơi chiến trận, mấy mùa sương nắng chẳng ai thâu” khổ buồn là như thế làm người ở lại phải làm sao đây?.

Hòa bình lập lại trên đất nước Việt Nam hơn 30 năm, người dân đất Việt sống yên bình hạnh phúc cũng chừng ấy năm trời, dấu vết của chiến tranh cũng xói mòn theo năm tháng, công trường, nhà máy, phố xá, lầu đài, trường học cũng từng ấy tháng ngày được dựng xây, khang trang mới đẹp thể hiện sự phát triển của đất nước sự phồn vinh của dân tộc, cảm nhận này, niềm vui này, lòng tự hào này, tất cả cảm giác chúng ta có được vì chúng ta có xác thân có xúc cảm, nhận biết được buồn vui. Còn những linh hồn không có xác thân này thì như thế nào?.

Quan niệm Phật Giáo, con người khi còn thân xác tất cả cảm giác khổ đau hay vui sướng đều được hạn chế trong thân thể, cảm giác khổ vui khi vượt qua khỏi giới hạn cho phép thì cơ thể lập tức ngăn chặn không để tạo thành chướng duyên. Ví dụ khi ta quá khổ đau cuối cùng dẫn đến tình trạng hôn mê hay bất tỉnh và ngược lại cũng như vậy, đây là sự cân bằng cảm xúc về sức chịu đựng của thân thể chúng ta, và cũng là phương pháp hóa giải khổ đau của thân thể, cho nên khi tỉnh lại nổi khổ vui cũng còn ở đó nhưng dần rồi cũng biến thành hư không, hay trở thành kỷ niệm mà trong tâm hồn ai cũng có những nỗi niềm riêng.

Còn những linh hồn không có thân xác này họ phải làm sao? Vì là không có sự khống chế của thể xác cho nên, nếu là khổ đau sẽ là nổi đau vĩnh viễn, nếu là hận thù thì không có ngày nguôi, đói rét bệnh đau không ngày chữa khỏi, lang thang phiêu bạt không chốn đi về, nếu nhớ nếu thương không có cách nào để diễn đạt, muốn kêu người giúp đỡ thì chẳng thể nào nói để họ nghe. Cho nên “kìa nương dựa mã mồ đà mất biệt, nào tự đường nơi chổ có chi chi, bơ vơ trên bãi dưới cây, loài lạc đầu gành mé biển, khổ nhiều nổi nắng mưa xao xuyến, biết mấy xuân thu lạnh nắng đổi thay, chẳng bốn mùa nào kẻ lạt chay, mãn tám tiết vắng người đơm quải, rầu rầu rĩ rĩ trong cỏi u minh, biết mấy xuân thu mịt mịt mù mù đường xuất ly. mãn trông ngày tháng.” Khổ đau của những linh hồn không có thể xác là như thế đó.

Anh linh của các Chiến Sĩ khi thấy nhìn thấy bạn thân trên chiến trường xưa không cách nào tay bắt mặt mừng, thân xác nằm ngoài rừng lạnh lẻo nhưng chẳng thể nào chỉ lối đến đưa về, ngày tết mừng vui, hội hè đình đám người còn sống tiệc vui ăn uống, người mất rồi thì đói khát khổ đau. Nỗi khổ đau biến thành hờn giận, đói khát lâu ngày nếu thêm sân hận dễ biến thành quỉ đói ma quân.

Cho nên hiện hồn về mượn xác thân của các nhà ngoại cảm dùng lời nói của người tỏ bày nỗi nhớ thương, chỉ rõ nơi xác thân còn vương vãi, nói rõ ràng tình cảnh chiến trận xưa, không thiếu một ly, không sai một chuyện, thế mới thấy rõ lời Phật dạy “âm dương cùng chung một lý, vì chết sống nên mới phân hai đường”

Phật Giáo trong tâm niệm “Đức Phật Di Đà, nguyện lực vô biên, trông vào đường mê, nhìn vô bể khổ, ân cần dẫn dắt tiếp rước u hồn, đồng đến Tây phương, sanh về Cực Lạc, phó hội Liên Trì” cho nên đã lập đàn tràng cầu nguyện siêu độ cho chư Anh Linh Chiến Sĩ, siêu sanh về cảnh Phật an lành, thoát khỏi cảm giác khổ đau, đói khát nơi chiến trận.

Pháp hội nay mở bày trên khắp đất nước, từ các chiến trường xưa chư Anh Linh Liệt Sĩ đều được triệu về “Lại thỉnh kẻ lướt xông chiến trận, sức phương cường mình bận áo binh, cờ điều phất bóng tương tranh, trong chòm muỗi bạc đem mình chống đương, gan ruột nát theo trường kim cổ, da thịt rơi đầy chổ can qua. Ôi thôi!  Cát vàng văng vẳng tiếng ma, mờ mờ sương trắng ai mà thấu cho…” Anh Linh Chư Liệt Sĩ đến trước đàn tràng dự “Vô Giá Cam Lộ Pháp Hội” nhìn những người bạn xưa nay đã là cựu chiến binh, tóc đã điểm sương với cát bụi biên thùy, quỳ trước linh đài với tất lòng chí kính, thành tâm nguyện cầu Phật lực siêu tiến chư Anh Linh “nguyện rằng chư Anh Linh nương nhờ Tam Bảo, theo nguyện lực cùng với chân ngôn, đến nơi Pháp hội Cam Lộ, thọ pháp vô giá tiệc chay sẵn dành”.

Nếu một phút mật niệm để nhớ về chư Anh Linh Liệt Sĩ, thì trong hai ngày Pháp Hội là thời gian để cầu nguyện để nhớ, để thương, những kỷ niệm về chiến trường xưa của những người còn sống như hòa quyện vào thế giới của các Anh Linh, tình đồng đội như ngập tràn ký ức, làm ấm lại lòng người nằm xuống bên kia. Tiếng trống đàn tràng vang lên như trống trận, tiếng kèn âm vọng khúc hành quân ca, không khí ngày tiến quân như không dừng lại được, cảm giác oai hùng khí thế khắp non sông. Người còn sống như trở về cảnh cũ, kẻ mất rồi lại hòa vào chiến khí ngày xưa.

Vui mừng lẫn lộn, oán trách tan dần chỉ còn lại một niệm biết ân, người sống có ngày hôm nay biết ân sự hy sinh của người đã mất, người nằm xuống rồi thương cảm vì đồng đội và nhân dân mình vẫn nhớ vẫn thương, vẫn dành hết tâm tư để lắng tâm cầu nguyện, đem hết tấm lòng xây dựng gìn giữ tổ quốc thân yêu, Tổ Quốc của máu xương bao người dân Việt, Tổ Quốc của tự hào hy sinh anh dũng của của bao Liệt Sĩ Hùng Anh.

Tâm Tâm Niệm Niệm như cùng chung hòa quyện xóa bao nỗi phiền nỗi khổ chốn âm ty, làm ấm lại chân tình người dân Việt, chính tâm niệm này làm thoát khổ cho chư Anh Linh, làm con thuyền chơn không Bát Nhã tiễn đưa hương hồn Liệt Sĩ về bờ bến an vui. Nơi cực lạc nhạc trời vang trỗi đức Di Đà duỗi cánh tay vàng, phóng hào quang sáng rỡ ràng, Đức Quan Âm cầm Phướng dẫn đàng cùng ngài Thế Chí đài vàng đỡ gót Anh Linh. Nguyện cầu từ đây Anh Linh Chư Liệt Sĩ nơi cõi “Sen Vàng” cực lạc an vui.