Truyền Thuyết Bánh Trung Thu

Truyền Thuyết Bánh Trung Thu

Ở Trung Quốc vào ngày rằm tháng Tám âm lịch hàng năm, mọi nhà đều ăn bánh Trung Thu. Vì sao tết Trung Thu phải nhất định ăn bánh Trung Thu nhỉ?

Tương truyền rằng ngày rằm tháng tám một năm nọ có một đám trẻ con đang chơi đùa ầm ĩ dưới một cây hoa quế. Lúc đó một đứa trẻ từ nhỏ đã mất mẹ đi đến, nó rất muốn tham gia trò chơi, nhưng bị bọn trẻ cự tuyệt. bọn chúng chế nhạo đứa trẻ này là “thằng con hoang thiếu gia giáo”. Đứa trẻ tủi thân khóc òa lên.

Nguyên đứa trẻ này là con trai của Thất tiên nữ và Đổng Vĩnh. Sau khi Thất tiên nữ bị Vương Mẫu Nương Nương bắt  về thiên cung, em lưu lại trần gian cùng với cha. Em vừa khóc vừa kêu: “Mẹ ơi, mẹ ở đâu? Sao không đến đón con?”. Tiếng kêu khóc của em làm kinh động đến vị thần Ngô Cương, thế là thần hóa thành một người nông dân xuống trần gian. Thần an ủi đứa trẻ, khuyên em đừng khóc nữa. nhưng bất kể Ngô Cương khuyên thế nào, đứa trẻ vẫn cứ khóc. Ngô Cương hết sức khó sử, cuối cùng đành lén lấy đôi ủng lên trời đưa cho đứa trẻ, và dặn em: “Đợi khi nào trăng tròn mọc lên đi đôi ủng lên trời này vào sẽ có thể gặp được mẹ thân yêu của con.”

Đứa trẻ ghi nhớ đinh ninh lời của Ngô Cương, ngoan ngoãn chờ đợi. Khó khăn lắm mới đợi được mặt trời ngã về tây, lại đợi đến lúc sao sáng đầy trời. Cuối cùng mặt trăng tròn vành vạnh đã nhô lên. Đứa trẻ vội vàng đi đôi ủng vào rồi bay lên thiên cung.

Đứa trẻ lên đến thiên cung, được các tiên nữ hoan nghênh nồng nhiệt. Các tiên nữ chuẩn bị nhiều trái hồng, hạch đào, táo và đậu phộng cho đứa trẻ, còn dùng đường mật hoa quế trộn với đậu phộng, hạch đào làm nhân những chiếc bánh tiên thơm ngon, theo hình dáng của trăng tròn cho đứa trẻ ăn.

Đúng vào lúc các tiên nữ bận rộn tíu tít, đứa trẻ đang chơi đùa tưng bừng thì Ngọc Hoàng Đại Đế biết được chuyện này. Ngài nổi giận lôi đình, hạ lệnh giải Ngô Cương đến cung trăng, phạt Ngô Cương đi chặt các cây hoa quế; lại phái người tháo ủng lên trời của đứa trẻ, đưa em về trần gian. Đứa trẻ này thật như đã nằm trong giấc mộng, không ngờ vừa mới đoàn tụ với mẹ, lại bị chia lìa. Đứa trẻ lưu luyến những giây phút tốt đẹp, lưu luyến những chiếc bánh tiên trăng tròn.

Về sau, đứa trẻ trưởng thành và được làm quan. Mỗi lần đến rằm tháng tám, ông liền ra lệnh cho nhân dân các vùng làm loại bánh trăng tròn này, sau khi làm xong đem cúng dưới trăng tròn rực sáng biểu thị lòng tưởng nhớ đối với người thân. Hình dạng của loại bánh này giống trăng tròn. Vì vậy tên của bánh Trung Thu được lưu truyền suốt đến ngày nay.

Thích Minh Hoàng sưu tầm