Xuân Thiền Qua Cửa Am Mây – Hoa Vì Ai Nở
Thích Tâm Mãn
Am mây như còn ẩn mình trong sương trắng, cái lạnh đông tàn như rét buốt tâm can, Lão Thiền ông ngồi một mình nhàn hạ, bẻ từng nhánh cây rừng, nối duyên lành cho từng ngọn lửa bốc cao, lách ta lách tách ngọn lửa reo đều, am tranh như thêm tình nồng ấm, bếp Thiền thoảng một thoáng hương thơm ngát, hương của ấm trà mới đun còn nồng thắm, hơi ấm của bồ đoàn còn vương vấn LãoThiền ông.
Mưa xuân lất phất làm ướt khoảng sân trước của Am Mây, trên màng nhện còn vương mấy giọt sương trong vắt, lững lờ treo trên cành trúc phía sau vườn, một đợt gió xuân nhẹ như hơi thở, khẻ động cánh hoa mai vừa hé nhụy khi đêm, xuân đã đến với cửa Thiền như thế, có chút bất ngờ rồi thêm một chút thân quen.
Xuân hỏi Thiền ông mấy ngày rồi không thấy Thiền ông mở cửa, thầm hỏi Thiền ông có nhận thấy xuân sang, người có chào xuân hay để xuân qua mất, như ngọn đông phong không biết hay vô tình. Thiền ông nhìn xuân rồi thuyết đạo: Xuân về lặng lẽ chỉ nhìn nhành mai hé nhụy thì ta đã biết, cần gì phải thêm làn gió vẫy đùa khóm trúc làm động cảnh Thiền am. Am Mây mấy ngày xuân năm ấy ở cùng Trúc Lâm Đầu Đà Thiền chủ đón xuân , Lão Thiền ông tiếp xuân có đôi lời tự sự trong bài Tảo Mai Kỳ:
Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn,
Đông phong tiên dĩ đáo cô côn (căn)
(Tạm dịch: Năm ngày ngại rét, lười ra cửa. gió xuân thổi nhẹ gốc mai trước rồi…)
Tiếng mở cửa Thiền am như phá tan cảnh trời u tịch, làm giật mình con chim nhỏ đang nhảy nhót trên cây, giọt hồng của bình minh chiếu dài vào trong trượng thất, Thiền ông cúi đầu lễ Phật, xếp lại bồ đoàn, rồi điểm tiếp một tuần hương, làn khói hương quyện thành từng đóa tường vân bao trùm lên tượng Phật, trong thấp thoáng mây lành Thiền ông như ngỡ rằng Phật đang dạy sao chưa chịu đón xuân.
Thoáng lượn ngoài sân một đôi bướm trắng, bay ngang cửa Thiền như nhắc Lão Thiền ông, chớ quên xuân về nắng ấm, xuân đến hoa nở rồi, sao còn chưa mở Thiền môn, ngộ ý thiền cơ Phật đã dạy, cảm lời nhắc xuân của đôi bướm trắng ngoài sân, Đức Nhân Tông Phật Hoàng Am Chủ, một buổi sáng mở cửa Am Mây để đón xuân có vài lời tự tình trong bài Xuân Hiểu:
Thùy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi
(Tạm dịch: Ngủ dậy mở song cửa, xuân đến tự bao giờ. Bướm trắng một đôi vờn hoa thẹn, vẩy cánh tung tăng đón ánh xuân)
Đẩy nhẹ cửa am để nhìn xuân cho rõ, hỏi chú chim nào sao mới sáng đã líu lo, ao xuân róc rách tiếng nước đi về của con suối nhỏ, cành liễu ven hồ nay đã lộ mầm xanh, từng chiếc lá xanh như dãi lụa phất phơ trong gió, báo hiệu nàng xuân mang lộc đến nhân gian. Không gian của xuân làm cho Thiền ông tỉnh lặng, ngây ngất nhẹ nhàng hòa nhịp với khách xuân, thời gian như ngừng lại, thế sự đã buông rơi, chỉ có nhịp xuân hòa cùng tâm thức, chỉ có chân tình về với niệm không.
Tiểu đồng bưng chén trà mời Thiền ông buổi sáng, bước khẻ nhẹ nhàng sợ động đến nàng xuân, mấy đóa tường vi bên thềm am khoe màu hồng thắm, một dãi mây lành nhẹ lướt qua sân, một lần nữa dựa bên lang can Thiền thất, Thiền ông lặng đón xuân về.
Trên mái am tranh thơ thẩn mấy nàng mây, từng đóa lành phủ che làn sương sáng, Mây hỏi xuân? Xuân hỏi Mây, Xuân hỏi Thiền ông có nhớ chăng? vẫn như lần trước, thế sự qua rồi chỉ còn xuân với Thiền ông! Nhận thấy xuân sang khác nào tìm thấy “Bản lai diện mục”, hỏi xuân đến khi nào ấy “Pháp an tâm”. Điều Ngự Giác Hoàng khi xưa ở Am Mây không biết có mấy lần Ngài mở cửa Am vấn đạo, nhưng có một lần Ngài nói về xuân đến trong đoạn Xuân Cảnh Thiền Thi:
Dương liễu hoa xuân điểu ngữ trì
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thúy vi!
(Tạm dịch: dương liễu nhành hoa reo tiếng chim, họa nét mây bay vắt lên thềm, khách không vấn hỏi chuyện đời nữa, cùng dựa hành lang ngắm xuân thì.)
Hoa là xuân, xuân là hoa, không xuân thì hoa làm sao khoe sắc, không hoa xuân lấy gì để vui, Thiền ông đứng trước cội mai già ở đầu ngõ, ngắm nhìn hân thưởng tường tận từng đóa mai vàng, hoa vàng như hé lộ Thiền cơ, cội già như tỏ lời chân lý. Hết thảy tánh chơn như tròn đầy trong hoa thắm, tất cả diệu huyền như ẩn tại thân Mai, hoa nở rồi tàn, xuân đi rồi đến, chỉ có gốc mai già vẫn trơ gan cùng năm tháng, mặc cho cuộc đời thay đổi, thế sự biến thiên.
Ngày xưa nơi Linh Thứu, Tổ Ca Diếp ngắm hoa mỉm cười ngộ Thiền tông chỉ yếu, ngày nay Thiền ông thưởng hoa hỷ lạc nhận rõ tình xuân, hai nhưng chỉ một, một vốn là hai, một hai vốn là tất cả, hết thảy, rốt ráo, tất cả chỉ là một, mà đã là một là chân thật, là thường còn, là cảnh giới của thường lạc ngã tịnh, Niết Bàn diệu chân. Sự vi diệu của chân lý là ngộ được một là tất cả, tất cả là chân không, thường hằng, diệu hữu, thì còn gì nữa để mà không vui, Ngọa Vân Am Thiền chủ vui thốt mấy lời cùng hoa mai nở trong bài Tảo Mai Kỳ để nói diệu ý trong hoa:
Ngũ xuất viên ba kim niễn tu,
San hô trầm ảnh hải lân phù.
Cá tam đông bạch chi tiền diện,
Tá nhất biện hương xuân thượng đầu.
Cam lộ lưu phương si điệp tỉnh,
Dạ quang như thuỷ khát cầm sầu.
Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ
Quế lãnh thiềm hàn chỉ ma hưu!
(Tạm dịch: Nhụy vàng năm cánh hoa tròn nở, cành như san hô nổi vảy lân, ba tháng mùa đông cành trơ trắng, gió xuân hương tỏa đến rồi chăng, cam lộ giọt sương lay tỉnh bướm, cánh vàng ánh nước khác chim đêm, Hằng Nga nếu biết hoa đẹp thế, hết thích cung Thiềm lạnh Quế khô.)
Hoa mai, hoa của xuân, hoa của Thiền Ông, ôi sao đẹp quá, hoa nở vì xuân, hoa nở vì mọi người, hoa nở để nhắc Thiền Ông mùa xuân lại đến. Bằng không nếu như hoa không nở, hoa không nhắc thì Thiền ông lại một mình tịnh trong tâm niệm “Đản tri kim nhật nguyệt, thùy thức cựu xuân thu”, có biết chi ngày tháng, chẳng màng gì xuân thu. Vậy nên hoa vẫn nở cho đời thêm đẹp, hoa cứ khai cho mọi người thêm xuân, hoa hé nhụy cho Thiền ông mở cửa, chào đón xuân về trong lẽ diệu thường hằng.