Am Tranh Một Chén Trà Thiền Tăng Ngồi Đợi Xuân
Thích Tâm Mãn
Gió đông rít lên từng hồi mạnh, khẽ động phiến đồng nghinh gió, khua nhẹ làm thức tỉnh tiếng phong linh, một tiếng ngân dài tuôn vào trong đêm vắng lặng, bổng tiếng con chim đi ăn đêm kêu lên lành lạnh như muốn đáp lời trầm tịch của đêm đông, trời đã đến canh khuya. Vạn vật như đã chìm vào trong giấc ngủ, chỉ còn lung linh ánh đèn đang thức cùng Thiền Tăng, Tăng ngồi chung với cảnh, cùng chén trà chờ đón một ngày mới của mùa xuân.
Ánh đèn leo lét, gió thổi chập chờn, hương trà thả từng dãi sương dài, cuộn tròn rồi tán loạn như những đóa tường vân nơi thiên không, vô trụ khứ lai, khiến cho am tranh càng thêm chút tình thi sĩ, Thiền Tăng ngồi một mình, chắc lại ngồi chờ xuân? nếu đã bảo: “Xuân khứ xuân lai nghi xuân tận, Hoa khai hoa lạc chỉ thị xuân”, xuân đến xuân đi cứ tưởng xuân đã hết, hoa nở rồi tàn rồi cũng lại là xuân, thì chờ hay đợi, đón hay không, xuân với ta cũng có gì sai khác, cớ nhọc làm gì ngồi để đón xuân?
Xuân có tự bao giờ hỏi ai để biết? xuân mang đến những gì, chỉ hỏi chính mình mới có thể hay! trong cuộc đời có những điều khi hỏi hết mọi người mà cũng không cách nào để hiểu được, thì nên tự hỏi chính mình thì mọi việc sẽ được thông, Thiền Tăng cũng như vậy ngồi đợi xuân là đang hỏi lại chính mình, từng phút giây chờ xuân đến là sự trãi nghiệm của chính cuộc đời mình, để đến gần với xuân hơn. Chính vì trong ý đợi xuân nên Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã thốt lời diễn bạch:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất tâm xuân tại bách hoa trung.
(Tạm dich: Tuổi niên thiếu hai chữ sắc không chưa từng hiểu rõ, chỉ thấy xuân về tâm mình vui rộn cùng với trăm hoa.)
Người ngộ hương vị “sắc không” cuộc đời, thì phải đợi để rồi trãi qua biết bao nhiêu mùa xuân và lẽ sống, phải tường tận hình dáng, hương thơm của trăm hoa vạn loại rồi mới hiểu tận được nghĩa thú của nhân gian, ngồi đó đợi xuân để ngộ sắc không. “Niêm hoa vi tiếu” trãi nghiệm cuộc đời rồi nhận ra “Tâm, Phật, chúng sanh cả ba là một” để thầm nhận rằng xuân vẫn mãi là hoa.
Một ngụm trà, ngọt như cam lộ thấm nhuận, làm ấm lòng Thiền Tăng, bao nhiêu chuyện vấn vương chưa dứt lại quay về, Thiền Tăng cau mày, nếp thời gian in đậm từng hàng trên vóc dáng Thiền ông, gió nhẹ một làn, hương xông một vị, ngoài cửa am bóng tối vẫn còn dày, một hai chiếc lá đông rụng gợi lên tiếng vang xào xạt, Thiền Tăng tự hỏi lại mình đã đợi bao nhiêu mùa xuân rồi vậy, tự hỏi nàng xuân đi ngang cửa hiên am trà đã mấy lượt vậy xuân?
Nhận được tình xuân chưa chắc thêm niềm vui mới, ngồi đợi xuân về chưa hẳn để thưởng xuân. Năm xưa thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải ngồi chờ xuân để rồi nhận ra sự biến thiên già cỗi ở chính bản thân mình, mỗi mùa xuân đến sắc thân ta luôn theo suy thịnh vô thường không từng dừng lại một chổ, nên thốt lời xuân ngộ của cuộc đổi thay:
Bán phần xuân sắc nhàn sai quá,
Ngũ thập suy ông dĩ tự tri,
Kinh thân bồng toái tích thì nhan.
(Tạm dịch: Nữa đời theo xuân trôi qua mất, Tuổi đã năm mươi tự biết đã yếu già, Một chút lo cho sắc diện ngày xưa đã dần phai mất).
Xuân vốn là như vậy vui buồn lẫn lộn, ý xuân có khác gì, được mất, có không. Cuộc đời không có xuân biết đâu là thay đổi, Xuân không có cuộc đời thì ý vị lấy gì để buồn vui, xuân đến là lẽ đương nhiên sao lại ngồi lại đợi, đợi là thêm buồn phiền, chờ là thỏa niềm vui, con người nếu không buồn vui thì Đạo lấy gì để tỏ, xuân nếu không hoa nở thì ý tại nơi đâu. Vậy nên Vạn Hạnh Thiền Sư ngồi đợi xuân để thêm tâm tự tại, hiểu thấu xuân rồi, Ngài nói ý cùng xuân:
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,
Nhậm vận thạnh suy vô bố úy.
(Tạm dich: Cây cối xuân tươi thu khô héo, Nhận được lẽ đời suy thạnh có gì đáng sợ đâu.)
Xuân đến đâu có ý làm cho cỏ cây xanh tươi rồi khô héo, để cho con người khôn lớn rồi già nua, tất cả chỉ là sự vần chuyển tự nhiên của trời đất, là định luật của vô thường “sanh trụ dị diệt” mà thôi, hiểu được như vậy thì đón xuân mới đủ tình đủ vị, ngộ được lẽ thường tình của cuộc đời thì cùng xuân vui mãi vẫn vui. Ngồi đợi xuân đến, trong tâm liễu ngộ, Hương Vân Đại Đầu Đà đã nói cùng xuân:
Như kim khám phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán truy hồng.
(Tạm dịch: Bộ mặt thật của chúa xuân nay đã nhìn tường tận, Trên đệm cỏ ngồi thiền ngắm nhình từng cánh hồng rơi.)
Hình hài chúa xuân diễn bày ngay trước mặt, ý tứ xuân về cũng chẳng cần dấu ai, nhận chân được sự tướng của xuân, liễu ngộ được tâm tình hư huyễn làm vui buồn của xuân ý, ấy nên, vui xuân vì hiểu được xuân, mừng xuân vì ngộ được xuân ý, Thiền Sư Giác Hải đợi xuân rồi ngộ xuân là như vậy, nên có vài dòng thơ vịnh vui xuân:
Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ,
Hoa điệp bổn lai giai thị huyễn,
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.
(Tạm dịch: Hoa bướm cùng vui đón xuân sang, Hoa nở bướm vờn đúng hẹn vàng, hoa bướm thật ra đều hư huyễn, Bướm hoa cứ mặc, tâm thì vắng không)
Khứ lai tự tại, duyên hợp duyên tan, mặc cho đến đi, kệ cho tan hợp, xuân của Thiền Tăng luôn còn mãi mãi, mặc cho khứ lai của cuộc đời nào ảnh hưởng gì đến xuân, Thiền sư và xuân chỉ là một tướng, xuân và Thiền sư vẫn một sắc thôi, đúng như lời đợi xuân của Thiền Sư Mãn Giác:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Tạm dịch: Đừng lo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua trước chùa sân vắng, cành mai nở vàng.)
Miên mang với ý ngồi đợi xuân của chư vị Thiền Tông Liệt Tổ, chén trà đã cạn, giọt trầm đã tan, ngoài sân ánh bình minh đã chiếu trong giọt sương mờ, ẩn hiện trong góc sân cội mai già khoe đóa vàng năm cánh, bỗng tiếng chim hót sáng rồi, nghe ríu rít, vui nhộn cả vườn thiền còn ngái ngủ, đám cỏ ven hồ ngơ ngác còn ngậm giọt sương, đàn cá dưới ao quẩy đuôi đón chào nàng xuân đến, gió xuân còn chút lành lạnh như chưa nỡ xa rời tình lạnh mùa đông, không gian như bừng tỉnh, Thiền Tăng tắt ánh đèn đêm còn sót lại, như dứt mọi tâm phiền tự tại đón ngày xuân.
Đợi xuân là như vậy, chén trà xuân cũng là như vậy, Thiền Tăng là như vậy, chúa xuân cũng là như vậy, Ý xuân là như vậy, tâm tổ cũng có khác gì, xuân đến xuân đi hoa mai nở, mỗi mùa một dịp lại ngồi chờ xuân. Tuệ Trung Thượng Sĩ đợi gặp chúa xuân rồi thốt lên rằng: ” Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa”. Một ánh xuân vàng nơi nào cũng nở hoa.