Văn học Phật giáo đã viết nên chương mở đầu xuất sắc của nền văn học Việt Nam

Văn học Phật giáo đã viết nên chương mở đầu xuất sắc của nền văn học Việt Nam

(Hội thảo Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long)
Trường ĐHKHXH&NV – Khoa Văn học và Ngôn Ngữ

Tiến sĩ Lê Sơn
Ban Phật giáo Việt Nam – Viện Nghiên cứu Phật học TP. HCM

Một ngàn năm Thăng Long là kể từ năm 1010 cho đến nay, từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ vùng rừng núi Hoa Lư đến trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, lấy tên kinh độ mới là Thăng Long. Kể từ đó, các triều đại liên tiếp được ổn định đưa nước ta phát triển một cách toàn diện, gọi là  “Thời đại Văn hóa Thăng Long” đậm đà bản sắc Việt. Thế nhưng, văn hóa Việt thì đã xuất hiện cả ngàn năm trước đó, nó đã từng trải qua nhiều đơt tiếp biến với các nền văn hóa khác, nên mỗi thời kỳ đều được đổi mới. Vì Văn học là một trong những hình thức biểu hiện chủ yếu của văn hóa, nên nghiên cứu văn học thời kỳ nào đều nên đặt trên nền tảng văn hóa thời kỳ ấy.

VĂN HÓA VIỆT CỔ VÀ CÁC ĐỢT TIẾP BIẾN VĂN HÓA

Trước  khi văn hóa Phật, Nho, Lão tràn vào, người Việt đã có tục tôn sùng các mãnh lực của thiên nhiên và của người chết, bao gồm những hiện tượng thiên nhiên bí hiểm và những nhân vật đặc biệt sau khi qua đời. Dấu tích của các tín ngưỡng cổ xưa ấy còn lại ở trong tập tục dân gian, trong điển lệ tế tự, tại các đền miếu thờ thần, qua các hình thức lễ hội tại nông thôn Bắc bộ, cái nôi người Việt cổ.

Nguyễn Văn Khoan qua công trình nghiên cứu dân tộc học hết sức công phu “Essai sur le Dinh et le culte du Génie Tutelaire des village au Tonkin” (Tiểu luận về Đình làng và tục thờ cúng thần Thành hoàng tại làng thôn Bắc bộ) viết:

“Người An Nam thờ trời và đất, các linh thần trong trời đất, thờ Phật, thờ linh hồn người chết, thờ những nhân vật nổi tiếng”.

(Essai sur le Dinh…, p. 2)

Hàng năm, tại các làng Bắc bộ còn có nhiều lễ hội khác như lễ hội chùa, lễ hội đình làng, lễ hội phồn thực giao duyên, hội văn nghệ…

Phồn thực giao duyên là lễ hội về việc nam nữ luyến ái có liên quan đến sản xuất nông nghiệp, biểu hiện ở việc thờ sinh thực khí, tượng trưng cho hình “cái giống” của nam và nữ. Đây là loại lễ hội mong cầu sinh sôi nảy nở, vì người ta tin rằng có việc lan truyền từ con người sang môi trường, đến vạn vật có sinh trưởng như các loại cây con trong nông nghiệp. Các trò chơi “tung còn”, trò “cầu tằm”, trò “cướp kén”, “cướp dò”, tiệc “cầu dinh”, “tiệc ôm”, “múa ôm”, “tắt đèn”, “bắt chạch trong lu” được diễn ra trong các lễ hội Phồn thực giao duyên.

(Lê thị Nhâm Tuyết, bài viết Nghiên cứu hội làng Việt Nam qua các loại hình hội làng trước cách mạng tháng Tám)

Nền văn hòa Việt cổ ấy, đã trải qua các đợt tiếp biến với văn hóa Phật giáo. Lão giáo, Nho giáo và văn hóa Tây phương trong suốt hàng ngàn năm qua, khi các nền văn hóa ấy truyền vào nước ta.

PHẬT GIÁO Ở NƯỚC TA

Đạo Phật đến nước ta có lẽ là trước đạo Nho và đạo Lão, nhưng tất cả kinh văn đạo Phật bằng chữ Nho thì lại đến nước ta đồng thời với kinh văn Nho, Lão, vì đều dược viết bằng chữ Hán. Cũng có thể kinh văn bằng chữ Ấn Độ đến trước nhưng việc xác định chưa mang tính thuyết phục. Còn kinh văn Phật giáo bằng chữ Hán thì có lịch sử. Dòng Thiên Thai vào nước ta đã lâu năm, từ thế kỷ 2 CN, với cư sĩ Mâu Bác (khoảng năm 200 CN) có tác phẩm Lý Hoặc luận còn lưu truyền và Khương Tăng Hội (khoảng năm 250 CN). Dòng Thiền Tào Khê có sư Tì- ni- đa- lưu- chi (khoảng năm 580), sau đó là sư Vô Ngôn Thông (khoảng năm (khoảng năm 820) đã tạo ảnh hưởng rất rộng. Đệ tử của Tì- ni- đa- lưu- chi là Pháp Hiền, sau đó là Định Không, Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Đạo Hạnh, Minh Không…

Rõ ràng trong thời kỳ Bắc thuộc và thời kỳ đầu tái lập nền độc lập bền vững thì đạo Phật xâm nhập văn hóa nước ta mạnh hơn đạo Nho, đạo Lão nhiều, vì sao thế?

Vì hoàn cảnh nhân dân ta phải chịu nằm dưới ách cai trị của một hệ thống quan lại tham tàn, mà phần đông họ đến nước ta chỉ để cỡi đầu cỡi cổ, bòn rút làm giàu rồi nhanh chóng ôm của chạy về Tàu, rất ít có người tài giỏi, ngay thẳng, lo cho dân.Trong khi nước ta bị Bắc thuộc, dân ta không có lực lượng đảm đương việc tự phòng vệ, thì quân Chămpa đã từ phía nam đã liên tục đánh phá lấn chiếm nước ta một cách dữ dằn:

“Người Chàm không ngừng tiến lên phái bắc. Năm 248, quân Chàm đánh các thành thị ở Cửu Chân, cướp bóc, phá tan tành mọi thứ, đánh tan đội thủy quân của thực dân Trung quốc ở đó.”…

“Họ đã đàm phán với các quan chức Trung Hoa đang cai trị nước Việt và các quan chức Trung Hoa nhiều lần chia cắt nước Việt cho họ. Nhân dân Việt sinh sống rất cực khổ, sản phẩm xuất khẩu phải đóng thuế cho quan cai trị 50% hoa lợi”,

(Georgres Maspéro, Vương quốc Chàm)

Mà không chỉ riêng nước láng giềng Champa lợi dụng thời cơ ta yếu, gây chiến tranh cướp phá lấn chiếm nước ta, sử còn ghi nước Nam Chiếu từ Vân Nam đánh xuống, nước Đồ Bà từ Nam Dương tiến sang….

“Thế nên bây giờ chúng ta mới hiểu là tại sao sau khi giành được độc lập, đánh tan, kể cả đánh nống lên phía bắc, củng cố chủ quyền đất nước, thì ta đã tiến hành các cuộc đánh chiếm không thương tiếc nước Champa láng giềng, đất nước đã hùa theo giặc Tàu liên tục bức bách ta cả ngàn năm qua”.

(Nguyễn Văn Chừng…, Võ Duy Ninh, trang 492)

Trong cảnh nước nhà tang tóc triền miên ấy, thông thường người ta dựa vào Phật, là tôn giáo “cứu khổ cứu nạn”. Đạo Phật còn là tôn giáo tôn trọng mọi con người, mọi sinh linh không phân biệt đẳng cấp, dạy con người phải xem những đau khổ trong cuộc sống là hữu vi vô thường, phải biết đứng trên những đau khổ của đời thường. Hơn thế nữa, đạo Phật còn tập cho con người sống tự tin vào bản thân mình qua tu dưỡng rèn luyện liên tục

Khi nghe tin Đức Phật sắp nhập Niết bàn, ai cũng khóc lóc thảm thiết.

“Đức Thế Tôn bảo Thuần Đà:

– Con chớ nên khóc than thảm thiết như thế. Con phải quán sát thân này như cây chuối, như ánh nắng, như bọt nước, như huyễn hóa, như thành Càn Thát Bà, như đồ gốm chưa nung, như tia chớp, như hình vẽ trên mặt nước, như tù nhân sắp bị hành hình, như trái chín sắp rụng, như cục thịt thừa cần phải cắt bỏ đi, như tấm vải dệt đã hết khổ, như nhịp lên xuống của cái chày giã. Phải quán sát các hành pháp như món ăn có lẩn chất độc, như pháp hữu vi nhiều tai hại…”.

(Kinh Đại Bát Niết bàn)

Trong khi đó, chính quyền thống trị xúc tiến việc phổ biến văn hóa Trung Quốc và đạo Nho, mà đạo Nho, chủ yếu đề cập đến việc cai trị, mà cai trị thời bấy giờ là thống trị, mang tính áp bức, đối lập với ước vọng của tầng lớp đa số là nhân dân, những người bị trị. Tầng lớp thống trị thời bấy giờ còn áp đặt văn hóa Hán lên văn hóa Việt nữa

Chính Mã Viện báo lên vua Quang Vũ nhà Đông Hán

“Mã Viện còn tâu rằng Việt luật có hơn mười việc khác với Hán luật. Từ đó Mã Viện bắt người Việt phải theo Hán luật”.

(Hậu Hán Thư, tập thượng, bản chữ Hán)

Luật ở đây bao hàm cả vấn đề văn hóa mà vào thời xa xưa ấy, luật chính là văn hóa. Nhưng văn hóa thì rất khó thay đổi vì văn hóa chỉ có thể tiếp biến và phát triển mà thôi, chứ không bao giờ áp đặt mà thành công.

Hán luật hẳn chỉ là thể chế của đạo Nho. Nhưng đạo Nho, vốn là triết học chính trị, là đạo học của những người làm chính trị, tức là tầng lớp quan lại và tay sai thời bấy giờ, vốn chiếm thiểu số trong xã hội. Đạo Nho dạy con người phải sống có hiếu, có trung, mà đa số nhân dân bị đàn áp, bóc lột thậm tệ thì trung với ai đây? Trung với chính quyền ngoại bang thống trị chăng? Nhất định là không thể trung với cái chính quyền ấy, vì trong lòng họ, cái chính quyền ấy đáng phải bị lật đổ, bị đuổi đi như các phong trào kháng chiến nước ta đã hô hào. Học thuyết ấy, nhất định không phù hợp với đa số nhân dân bị cai trị, bị bóc lột.

Mặt khác, các nhà sư đạo Phật luôn luôn đứng về phía nhân dân và nhân dân tin họ, chứ không tin vào tầng lớp thống trị với chủ thuyết Nho giáo xa lạ mà họ đang rao giảng để củng cố nền cai trị đẫm máu của họ. Vì thế mà tư tưởng và đạo học nhà Phật ăn sâu bám rễ trong nhân dân ta trong suốt thời kỳ Bắc thuộc và còn tạo ảnh hưởng đến các chính quyền nhà nước độc lập của ta, kéo dài đến hết triều nhà Trần, cuối thế kỷ thứ 14, tức hơn 400 năm sau triều Tiền Ngô vương

Còn đối với gia đình, Đức Phật dạy cư sĩ Thiện Sanh rằng có 5 điều mà cha mẹ nên thực hiện cho con cái bao gồm:

“Việc tập cho con cái xa điều ác, gần điều lành, trang bị nghề nghiệp, dựng vợ gả chồng và giúp tài sản ban đầu”.

“Đạo Phật còn dạy về tình bạn, về cuộc sống vợ chồng, về các mối quan hệ xã hội, chỉ ra nghiệp lực và quá trình chuyển hóa nghiệp lực”.

(Ven Thubten Chodron, Thuần hóa tâm hồn, các tr. 4, 179, bản dịch của Minh Thành)

Không những ở chung quanh kinh đô đạo Phật thịnh hành mà đến những chốn xa, Phật giáo cũng phát đạt, những năm từ 923 CN – 937 CN, châu mục Lê Lương có dựng ba ngôi chùa ở Ái Châu.

Nên chú ý là các triều Tiền Lê, Lý đều cử người sang Trung Hoa xin kinh Phật:

Mùa xuân năm Đinh Mùi (1007), Lê Long Đĩnh sai em là Minh Xưởng và Chưởng Thư ký Hoàng Thành Nhã dâng tê ngưu trắng cho nhà Tống xin kinh Đại Tạng”.

“Mùa hạ năm Mậu Ngọ (1018) vua Lý Thái Tổ sai Viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc Như sang nước Tống xin kinh Tam Tạng. Mùa thu  năm Dinh Mão (1027) Lý Thái Tổ xuống chiếu chép kinh Tam tạng”.

(Đại Việt sử ký toàn thư, các trng 235,246,247)

Điều đó cho thấy sách Phật quá cần thiết cho việc học ở nước ta thời bấy giờ.

PHẬT HỌC VIẾT CHƯƠNG MỞ ĐẦU CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM

Thời kỳ đầu tái lập nền độc lập bền vững sau một ngàn năm bị Bắc thuộc, tức là thời các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý. Đúng là phải đến triều Lý với sự hình thành kinh đô Thăng Long thì nước ta mới được xem là có văn học chữ viết. Tất nhiên trước đó văn học của người nước ta đã có rồi, nhưng còn tản mạn. Sử Trung Quốc ghi về các nhân vật lịch sử và văn học như Lý Cầm, Lý Tiến, Khương Công Phụ, Khương công Phục… người Giao Chỉ đi du học ở Trung Hoa thi đỗ Tiến sĩ và làm quan to cho triều đình Trung Hoa, đã để lại những áng văn được cho là tiêu biểu. Ở trong nước thì thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê có các áng văn của nhà văn nhà sư Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu .. là những nhà văn đầu tiên trong lịch sử văn học nước ta thời Tiền Lê. Đến thời nhà Lý mới thấy xuất hiện thêm các nhà văn nhà thơ không phải là sư, nhưng các nhà văn là nhà sư vẫn chiếm vai trò chủ đạo, trong suốt thời kỳ đầu nước ta tái lập nền độc lập.

Trong thời kỳ đầu ấy,

“Phần lớn các tăng học Nho – Lão rất rộng… Trong khi nhà Tống phải đương đầu với các nước nhỏ chung quanh Trung Hoa trong cuộc chiến tranh thống nhất, thì ở nước ta, tôn giáo cũng như hành chính dần dần được cởi sợi dây ràng buộc và trở nên tự trị. Các phái Thiền tông phát đạt, và tăng đồ càng bành trướng ảnh hưởng trong xã hội nước ta”.

(Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, tr. 419)

Nhà cầm quyền không những cần đến các nhà sư trong hoạt động tôn giáo, hoạt động ngoại giao mà cũng cần trong hoạt động chính trị nữa. Các tăng đồ có đủ điều kiện để nghiên cứu tham khảo nên kiến thức của họ rất rộng, kiêm cả Phật Nho Lão, họ là tầng lớp trí thức chủ yếu thời bấy giờ.

Các nhà sư lại ít có thành kiến thiên vị về chính trị cho nên dễ được tin dùng. Sự kiện sư Pháp Thuận đón sứ nhà Tống là văn hào Lý Giác. Hai bên đối đáp bằng thơ văn và Lý Giác phải khen tài văn thơ mẫn tiệp của sư Pháp Thuận. Từ đó mà Lý Giác làm thơ tỏ ý kính trong vua nước ta. Khi sứ ra về, vua Lê Đại Hành lại nhờ sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu làm bài ca tiễn sứ. Đây là một tài liệu văn học Việt Nam rất có giá trị, đồng thời là một công văn ngoại giao xuất sắc đầu tiên của nước ta cũng do một nhà sư biên soạn.

Cần lưu ý là văn hào Lý Giác được đào tạo theo Nho học, nên nhà ngoại giao nước ta đại diện cho đất nước ra đối đáp với một nhân sĩ Nho học cao cấp thì phải là người giỏi Nho. Sư Pháp Thuận và sư Ngô Chân Lưu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sử đã ghi, chứng tỏ ngoài Phật học, các sư còn là những nhà Nho học uyên bác.

Nổi bậc thời đại triều Lý về văn học cũng chính là các sư Vạn Hạnh, Mãn Giác, Không Lộ, Viên Chiếu, Sùng Phạm, Đa Bảo, Huệ Sinh … Ngay như thơ văn của các nhà vua vẫn đượm màu sắc Phật giáo, cụ thể như vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông… Thơ văn các quan nhà Nho như Thượng thư bộ Công Đoàn Văn Liêm cũng thế:

“Lâm man bạch thủ độn kinh thành

Phất tụ cao sơn viễn cánh hinh.

Kỷ nguyện tịnh cân xu trượng tịch,

Hốt văn di lý yểm thiền quynh.

Trai đình u điểu không đề nguyệt,

Mộ tháp thùy nhân vịnh tác minh.

Đạo lũ bất tu thương vĩnh biệt,

Viện tiền sơn thủy thị chân kinh”.

Các nhà thơ đầu tiên ở nước ta là các vị sư. Điều này dễ hiểu vì nhà chùa là các trường học chủ yếu thời Bắc thuộc và các triều Ngô, Đinh, Tiền, và đầu triều Lý.

Văn học thời kỳ đầu tiên tái lập nền độc lập cho đến triều Lý, nay chỉ còn lại một số văn bia do Tăng hay Nho viết, mà phần lớn là bia chùa.

Văn học nước ta thời nhà Lý đã thịnh, và chịu ảnh hưởng đậm đà của tín ngưỡng truyền thống Việt cổ tiếp biến với văn hóa Phật giáo. Và nhờ đạo Phật với các bia chùa, sách Thiền uyển Tập anh đã lưu giữ được một phần các tác phẩm quý giá ấy. Vì vậy đạo Phật đã đóng góp công  trạng cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển cũng như sự bảo tồn văn học nước nhà. Nói cách khác là đạo Phật đã viết nên chương Mở đầu xuất sắc của nền văn học nước ta

Sách tham khảo

– Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt

– Đại Việt sử ký toàn thư

– Hoàng Việt Thi tuyển

– Hoàng Việt văn tuyển

– Lê Quý Đôn: Quần thư khảo biện

– Lê thị Nhâm Tuyết: Nghiên cứu hội làng Việt Nam qua các loại hình hội làng

trước cách mạng tháng Tám.

– Nguyễn Văn Khoan: Essai sur le Dinh et le culte du Génie Tutelaire des village

au Tonkin.

– Georgres Maspéro: Vương quốc Chàm

– Hậu Hán Thư, tập thượng,

– Nguyễn văn Chừng… : Võ Duy Ninh, vị Tổng đốc đầu tiên tử tiết trong kháng

chiến chống Pháp

– Phật giáo đời Lý.

– Đào Duy Anh: Nhớ nghĩ chiều hôm.

Tiến sĩ Lê Sơn
Nguồn: Trường KHXH&NV Khoa Ngôn Ngữ Học